top of page
​AD

30 Tháng 4 - Nhận Định Của Những Người Chỉ Huy Cuộc Chiến

Những sự kiên mấu chốt tuy không đầy nhưng đủ để hiểu được những nguyên nhân chính yếu khiến miền Nam bại trận một cách tức tưởi.


Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 49 năm mà tài liệu viết về cuộc chiến này vẫn còn phong phú. Không kể các tài liệu còn nằm im trong các kho lưu trữ chưa được khai thác, chỉ kể đến tài liệu các thể loại đang lưu hành trong các thư viện, con số thật khổng lồ.


Tham khảo thư mục World Catalog vào ngày 20/4/2019, với cụm từ “Vietnam War 1961-1975”, độc giả có thể tìm thấy 61.855 tiêu đề về tựa hay chủ đề. Nếu phân biệt theo ngôn ngữ, trong số những tiêu đề trên có 48.920 tiếng Anh, 4.362 tiếng Việt, 903 tiếng Pháp và 7.670 các ngôn ngữ khác. Nếu tính theo thể loại có 31.744 dưới hình thức sách in, 8.000 sách điện tử, 3.045 luận án đại học, 5.840 video phim ảnh, và 13.226 các thể loại khác (bài báo, hồ sơ, âm nhạc…). Nếu tìm với cụm từ “Vietnam history”, độc giả sẽ tìm thấy 113.190 tiêu đề, dĩ nhiên trong đó có đề cập đến chiến tranh Việt Nam. Phải hiểu là với gần 200.000 tiêu đề như trên, khối tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam đang lưu hành trong hàng trăm thư viện lớn trên thế giới phải có đến vài triệu ấn bản.



Chiến tranh Việt Nam được xem như cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong thế kỷ 20 kể về thời gian, mức độ thiệt hại tài sản và nhân mạng. Chỉ riêng nước Mỹ, chi phí chiến tranh đã 150 tỉ USD (thời giá hôm nay gần 1.000 tỉ USD, không kể các thiệt hại xã hội, trợ cấp cựu quân nhân, phế nhân… lên đế 3.000 tỉ USD), 12 tướng, 238 đại tá và 58.000 quân nhân tử trận, 300.000 bị thương. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, có 7 tướng và 12 đại tá tử trận, số thiệt hại nhân mạng và tài sản cả hai phía thật to tát.


Sở dĩ đề cập đến khối lượng tài liệu và mức độ tác hại của chiến tranh Việt Nam như trên, tác giả muốn nói đến nhiều thông tin chính yếu của cuộc chiến, mặc dù đã lần lượt được giải mật, nhưng thực sự không giải tỏa hết được những tranh luận, bất đồng, nhất là về những lý do thất trận của miền Nam.


Về phía Mỹ, 5 năm sau cuộc chiến, Tổng thống Nixon đã giải thích về sự thất trận của Mỹ trong hồi ký của ông tựa là ‘The Real War’ như sau: “Có thêm vũ khí nguyên tử trong kho cũng không cứu được Việt Nam. Có thêm quân đội tinh nhuệ cũng không cứu được Việt Nam. Việt Nam thất trận không phải vì thiếu sức mạnh mà vì thiếu khả năng sử dụng sức mạnh. Sự chia rẽ trong niềm tin của dân chúng đã đưa đến sự suy yếu và sụp đổ quyền lực quốc gia. Cuối cùng, những tác động tiêu cực của vụ Watergate đã khiến Quốc hội hạn chế quyền điều khiển chiến tranh của Hành Pháp.”


Rõ ràng là Tổng thống Nixon phủi tay, đổ lỗi cho người dân và Quốc hội Hoa Kỳ.



Bộ trưởng Ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger cũng cùng luận điệu với Tổng thống Nixon đổ lỗi cho Watergate và Quốc hội Hoa Kỳ nhưng thực sự, từ 1967, ngay khi là cố vấn cho Tổng thống Johnson, ông đã có chủ trương và hành động để Mỹ rút quân đơn phương ra khỏi Việt Nam. Hiệp định Paris 1973 là kế hoạch tinh vi của Kissinger để thực hiện của cuộc rút quân đơn phương này với “một khoảng thời gian coi được”, nghĩa là làm sao cho cuộc sụp đổ miền Nam với cuộc rút quân của Mỹ có một thời gian để Mỹ khỏi bị chỉ trích là bỏ chạy, bỏ rơi đồng minh của mình. Trong cuốn sách ‘America in Vietnam’ của Guenter Lewy, Kissinger đổ lỗi cuộc thất trận miền Nam là vì ý chí chiến đấu của miền Nam yếu kém: “Những cố gắng từ bên ngoài cũng chỉ là bổ túc chớ không thể tạo ra được những cố gắng và ý chí chiến đấu cho người trong nước.”



Chính vì quan niệm vừa gian dối, vừa cao ngạo này, Kissinger đã không giấu diếm sự khinh rẻ và thù ghét chế độ Việt Nam Cộng Hòa. “Sao chúng nó không chết hết cho rồi. Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu cứ để cho chúng sống dai dẳng hoài” trong cuốn sách ‘It Sure Looks Different From the Inside’ của Ron Nessen là câu nói ác độc bày tỏ tâm địa gian ác của Kissinger. Ngoài ra, Kissinger cũng không tiếc lời nhục mạ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và người Việt Nam trong quyển hồi ký của ông ‘The Whitehouse Years’: “Ông Thiệu chẳng bao giờ thảo luận bằng quan điểm mà theo cung cách của người Việt Nam: gián tiếp, quanh co cốt làm cho người đối thoại mệt nhừ hơn là đi thẳng vào vấn đề, phương pháp mà người Việt đã dùng qua bao thế kỷ để đánh bại đối phương trong những chiến thắng của họ; Người Việt, cả Nam lẫn Bắc đều không xem sự tin tưởng, tình bạn là quý trọng, họ đã chống đỡ được ngoại bang qua bao thế kỷ không phải là nhờ niềm tin mà là do sử dụng mưu chước.”



Về phía Việt Nam Cộng Hòa, lúc 19:30 ngày 21/4/1975, Tổng thống Thiệu nói chuyện với quốc dân qua đài truyền hình trước khi từ chức, ông kết tội người Mỹ đã phản bội Việt Nam, ông gằn mạnh từng tiếng và lặp lại: “Các ông bỏ mặc cho binh sĩ chúng tôi dưới cơn mưa pháo của cộng sản, đó là hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo.”


Sau này, trong bộ phim ‘Vietnam, the Ten Thousand Day War’ của Michael McClear, tập 12, Tổng thống Thiệu lặp lại lời kết tội ấy: “Lẽ ra là nên để cho chính người Mỹ nói lên điều này. Tôi nghe nói có nhiều nhân vật quan trọng có trách nhiệm đối với vấn đề Việt Nam đã thú nhận rằng họ đã bỏ chúng tôi.”


Về phía Cộng sản Bắc Việt, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cả cho nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.”




Với mục tiêu tối hậu đó, Bắc Việt đã dốc toàn lực miền Bắc để xâm lăng miền Nam, tuyến đầu của Thuyết domino mà Tổng thống Eisenhower đã đem áp dụng ở Việt Nam từ 1954 để ngăn chặn “làn sóng đỏ” tràn xuống vùng Đông Nam Á. Để làm vừa lòng đàn anh cộng sản, Bắc Việt đã gây ra cuộc chiến tranh Nam - Bắc, đem sinh mạng và tài sản của người dân phục vụ cho chủ nghĩa cộng sản. Phải chờ đến 20 năm sau, nhân ngày kỷ niệm 20 năm chiến thắng (3/4/1995), Hà Nội mới chính thức công bố thống kê thiệt hại quân nhân miền Bắc và Quân Giải phóng Miền Nam: chết 1,1 triệu người, bị thương 600.000 người. Thống kê trên còn nói rõ là số người chết không phải chỉ tử trận trên chiến trường mà còn do các lý do khác như đuối sức, bệnh tật, bị thương không được săn sóc và đường mòn Hồ Chí Minh là mồ chôn tập thể cán binh miền Bắc xâm nhập vào miền Nam. Chính phủ Bắc Việt cũng xác nhận là cứ 2 người khởi hành từ miền Bắc thì chỉ có 1 người vào đến miền Nam và có 300.000 người chết chưa tìm được hài cốt.


Riêng về miền Nam, cứ 1 người lính Mỹ tử trận thì có 40 người Việt gồm thường dân và quân nhân chết.


Lyndon Johnson vừa đánh vừa đàm


Ngày 8/3/1965, Tổng thống Johnson quyết định gởi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc tham chiến trực tiếp của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Nhưng chỉ một tháng sau (7/4/1965), tại đại học John Hopkins, Baltimore, Tổng thống Johnson lại tuyên bố sẵn sàng điều đình vô điều kiện với Bắc Việt một giải pháp hòa bình, theo đó Hoa Kỳ sẽ viện trợ 1 tỉ USD để phát triển vùng Đông Nam Á, trong đó có Bắc Việt. Trong khi chính phủ Sài Gòn ngạc nhiên và ái ngại thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra 4 điều kiện tiên quyết: Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, hai miền không được liên kết quân sự với một nước khác, nội bộ miền Nam được giải quyết với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, và tổ chức thống nhất 2 miền không có sự can thiệp nước ngoài.



Mặc dù Tổng thống Johnson cho là Bắc Việt ngoan cố, nhưng trong 3 năm từ 1965 đến 1967, Tổng thống Johnson vẫn tiếp tục nhờ nhiều nước trung gian (Anh, Ấn Độ, Canada, Liên Hiêp Quốc, Vatican, nhiều nước Đông Nam Á) đề nghị hòa đàm với Bắc Việt. Theo tài liệu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, có ít nhất 26 đề nghị. Vẫn không nản lòng, ngày 8/2/1967, Johnson lại viết thư thẳng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và 1 tuần sau (15/2/1967) Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Nếu chính phủ Mỹ muốn có những cuộc hội đàm này, trước hết, chính phủ ấy phải ngưng vô điều kiện các vụ oanh tạc và mọi hành động gây chiến khác chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.”




Rõ ràng là Tổng thống Johnson muốn dùng lực lượng quân sự vừa đánh vừa đàm, nhưng vô hiệu với Bắc Việt. Sau này, Tổng thống Thiệu đã nói với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ở London: “Chính sách của Mỹ tại Việt Nam nay thế này, mai thế khác, không phải chỉ chỉ có Tổng thống Nixon mới bỏ chạy mà cả Tổng thống Johnson cũng đã muốn tháo lui ngay từ 1965 đến 1966 … đem quân vào để rút quân đi.”


Ngoài yếu tố bất cập, chính sách chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam còn có nhiều nghịch lý thất lợi cho Việt Nam, góp phần lớn cho chuyện 30 tháng 4.



Đổ quân Mỹ ồ ạt vào Việt Nam làm gia tăng xáo trộn xã hội, kinh tế Việt Nam


Quân Mỹ chỉ quen với chiến tranh quy ước, không quen với chiến tranh du kích, khiến thiệt hại nhiều nhân mạng, gia tăng phong trào phản chiến tại Mỹ và trên thế giới về cuộc chiến tranh xâm lăng của Mỹ, điều mà cộng sản và phản chiến hô hào trên các diễn đàn tuyên truyền.


Mỹ huấn luyện và Mỹ hóa quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại chậm trễ việc trang bị vũ khí cho Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ chỉ cung cấp súng M-16 sau Tết Mậu Thân trong khi Bắc Việt sử dụng AK-47 tối tân hơn. Tương tự như vậy, Việt Nam Cộng Hòa sử dụng súng chống xe tăng M72, hỏa tiển TOW, đại bác 170 ly trong khi Bắc Việt trang bị tăng B-40, B-41, đại bác 130 ly. Phi cơ tối tân chỉ dành cho phi công Mỹ và phi công Việt Nam Cộng Hòa nhận lệnh của Mỹ.


Điều kỳ lạ như chính sách của Mỹ là quyết chiến nhưng không quyết thắng. Nhiều tài liệu cho biết là sau những trận mưa bom ác liệt phá hủy gần như toàn bộ hạ tầng cơ sở Bắc Việt, Hoa Kỳ lại ngưng oanh tạc. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục oanh tạc thêm vài tuần, Bắc Việt sẽ phải đầu hàng, thậm chí Ted Gunderson, một nhân viên FBI đã nói trên đài truyền hình là sau chiến dịch Operation Linebacker, Bắc Việt đã gởi điện tín đến phòng truyền tin Hoa Kỳ vào đầu năm 1973 xin đầu hàng vô điều kiện nhưng CIA đã giấu nhẹm thông tin này. Nếu sự thật là như vậy thì quả tình sự thất bại của cuộc chiến tranh Việt Nam là do sự ngu xuẩn của Mỹ và sự tàn bạo của Bắc Việt.




Bước đầu của kết thúc: Hiệp định Paris 1973


Hội nghị Paris bắt đầu ngày 13/5/1968 với cuộc gặp mặt chính thức giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Averell Harriman và Cyrus Vance vào cuối thời Tổng thống Lyndon Johnson (đảng Dân Chủ) và được ký kết ngày 27/1/1973 vào đầu nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Richard Nixon (đảng Cộng Hòa). Lúc bắt đầu chỉ có 2 bên là Bắc Việt và Mỹ, đến ngày 25/1/1969 trở thành 4 bên có thêm Việt Nam Cộng Hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tuy kéo dài hơn 4 năm với hơn 100 phiên họp, nhưng những phiên họp công khai đa số chỉ là những màn kịch diễn lại từ các cuộc mật đàm giữa Lê Đức Thọ và Kissinger tại nhà của Jean Sainteny ở Paris. Hội nghị thực sự kết thúc không phải tại Paris mà tại Bắc Kinh khi Tổng thống Nixon gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông vào tháng 2/1972 tại Thượng Hải, sau 2 năm Kissinger bí mật qua lại để dàn xếp cuộc gặp gỡ. Số phận của Việt Nam Cộng Hòa kể như đã được định đoạt tại đây, Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam theo những yêu sách của Bắc Việt.



Trả lời câu hỏi của Chu Ân Lai, Tổng thống Nixon đã không giấu diếm: “Nếu như bất cứ người lãnh đạo nào của Bắc Việt chấp nhận cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, chúng tôi sẽ rút quân khỏi Việt Nam trong vòng 6 tháng kể từ ngày đó.”


Khi Tổng thống Nixon ra tái cử năm 1972, ông Nixon và ông Kissinger ráo riết làm áp lực để Tổng thống Thiệu ký vào hiệp định. Một mặt, ông Kissinger thảo một loạt thư cho ông Nixon ký, tổng cộng 27 mật thư từ 1972 đến 1973, không kể những trao đổi giữa Tổng thống Ford và Tổng thống Thiệu sau khi Tổng thống Nixon từ chức, hứa sẽ ủng hộ ông Thiệu và Việt Nam Cộng Hòa, một mặt dùng chính sách đe dọa, lúc ban đầu là dọa đảo chánh, sau đó là ám sát.


Trong bức thư Tổng thống Nixon gởi Tổng thống Thiệu ngày 6/10/1972 có đoạn chót như sau: “Tôi yêu cầu ông phải áp dụng mọi biện pháp để tránh xảy ra một tình huống có thể đưa đến biến cố mà chúng tôi ghê tởm như hồi năm 1963 mà chính tôi cũng cực lực phản đối năm 1968.”



Rõ ràng là Tổng thống Nixon đã nhắc lại cuộc đảo chánh và cái chết của hai ông Diệm - Nhu năm 1963 để đe dọa Tổng thống Thiệu.


Sau khi đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2, ông Nixon lại gởi thêm bức thư khác, lặp lại lời đe dọa như trên cộng thêm vài lời phủ dụ: “Tôi xin nhắc lại những cam kết của tôi như sau: Thứ nhất, Hoa Kỳ công nhận chính phủ của ông là chính phủ duy nhất hợp pháp của miền Nam Việt Nam; thứ hai, Hoa Kỳ không công nhận sự có mặt của một quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Miền Nam và thứ ba, Hoa Kỳ sẽ phản ứng mãnh liệt nếu Hiệp định bị vi phạm. Tôi nghĩ rằng ông có hai lựa chọn chính yếu: Một là ông tiếp tục cản trở việc ký kết, đó là hành động có vẻ hiên ngang nhưng thiển cận, hai là dùng bản Hiệp Định như một phương tiện để xây dựng một căn bản mới cho cuộc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa.”


Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris 1973 được ký kết giữa 4 bên: Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ, Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.


Mỹ rút quân (thực ra lúc đó Mỹ chỉ còn lại có 25.000 quân) và tù binh Mỹ được thả, nhưng Tổng thống Nixon bội hứa cả 3 điều đã long trọng cam kết: 170.000 quân Cộng sản (miền Nam và miền Bắc) vẫn ở lại miền Nam; viện trợ quân sự Mỹ vẫn bị cắt giảm từ 2.1 tỉ USD năm 1973 còn 700.000 triệu năm 1975; và Mỹ đã làm ngơ trước sự tấn công vũ bão của Bắc Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam đã bị bức tử bởi người bạn đồng minh Mỹ và người đao phủ chính là Kissinger.


Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây 


Khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa còn mạnh hơn Bắc Việt, nhưng với sự cắt giảm viện trợ của Mỹ trong khi Trung Quốc và Liên Xô tăng cường tiếp tế cho Bắc Việt, và mặt khác Bắc Việt xâm nhập vào miền Nam như chỗ không người, do đó chỉ một năm sau, lực lượng miền Bắc đã khống chế miền Nam. Năm 1974, các nước cộng sản viện trợ cho Bắc Việt một số tiền tương đương với 1.7 tỉ USD (so với năm 1973 là 700 triệu), 140.000 tấn quân nhu và vào 2 năm cuối. Quân Bắc Việt trang bị vũ khí tối tân và mạnh hơn Việt Nam Cộng Hòa, với 650 xe tăng, 400 đại pháo 122 ly, 130 ly có tầm bắn xa hơn đại bác của Việt Nam Cộng Hòa.


Sau khi ký Hiệp định Paris 1973, Hà Nội huy động 30.000 nhân công cho khởi công xây xa lộ Trường Sơn Đông hay Hành lang 613 song song với đường mòn Hồ Chí Minh hay còn gọi là Trường Sơn Tây (cách xa nhau 160 km ở đoạn xa nhất) nhưng hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Việt Nam, chạy từ Đồng Hới đến Lộc Ninh. Nếu kể cả đường chiến lược (Bắc Nam) và đường chiến dịch (Đông Tây) cũ và mới, tổng cộng đường tiếp vận từ Bắc vô Nam dài đến 20.000 km. Dọc theo Trường Sơn Đông có hệ thống dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên vào tới Lộc Ninh dài 5.000 km. Đường dây điện thoại cũng đã kéo tới Lộc Ninh, từ Hà Nội có thể nói chuyện thẳng với nhiều chiến trường trong miền Nam.



Mặc dù phi cơ thám thính của Việt Nam Cộng Hòa thấy rõ sự di chuyển của đoàn quân xâm lược Bắc Việt nhưng Hoa Kỳ ngăn cản không cho không quân Việt Nam Cộng Hòa đánh phá, điều thật khó hiểu. Phải chăng Việt Nam Cộng Hòa cũng không có đủ phi cơ để làm việc này sau khi Mỹ rút quân. Một số giới chức quân sự cho rằng viện trợ của Nga và Trung Quốc cho miền Bắc giai đoạn sau Hiệp định Paris 1973 gia tăng gấp 3 - 4 lần so với thời gian trước, nhưng sự thực còn nhiều hơn vì Bắc Việt đã dốc toàn lực quân nhân và khí giới của cả miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua những xa lộ thênh thang này.


Chỉ trong 4 tháng đầu năm 1975 đoàn vận tải Trường Sơn vận chuyển vào Nam Bộ 105.000 nghìn quân và 90.000 tấn hàng (trong đó có 37.000 tấn vũ khí, 9.000 tấn xăng dầu). Riêng trong những ngày “chuẩn bị nước rút” từ ngày 5/4/1975 đến ngày 26/4/1975, vừa khai thác vừa vận chuyển, Bắc Việt đã đưa vào chiến trường 10.100 tấn đạn, 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, 2.600 tấn xăng dầu. Nhiều trạm sửa chữa ôtô, sửa chữa pháo và tăng được bố trí dọc đường, phục vụ cơ động của chiến dịch.


Ngoài Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, Trung Quốc còn dùng hải cảng Sihanoukville của Campuchia (bây giờ là Kampong Saom) để nhận hàng tiếp tế cho quân Bắc Việt, rồi từ đó dùng xe chở về các mật khu của Việt Cộng ở biên giới Việt - Miên. Cho đến năm 1969, con đường tiếp tế này còn quan trọng hơn Đường mòn Hồ Chí Minh. Tương tự như với Campuchia, chính phủ Lào cũng cho phép Bắc Việt chuyển vận người và vật qua đường mòn Hồ Chí Minh, và tuy Việt Nam Cộng Hòa có phối hợp với Bộ tư lệnh Mỹ ở Việt Nam đánh vùng Mỏ Vẹt và Hạ Lào để triệt hạ các căn cứ của Bắc Việt, nhưng chuyện như bắt cóc bỏ dĩa vì sau một vài trận thư hùng, các mật khu Bắc Việt vẫn tiếp tục phát triển. Thì ra, Việt Nam Cộng Hòa bị 3 xứ xung quanh vây đánh trong khi đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa là Mỹ tìm cách rút lui.



Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu chiến trường miền Nam


Sau khi chuẩn bị kỹ hậu cần, từ mùa hè 1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và các cấp chỉ huy chiến trường miền Nam đã có nhiều phiên họp tại Hà Nội để thảo luận về kế hoạch hành động.


Trong quyển ‘Tổng Hành Dinh Trong Mùa Xuân Toàn Thắng’, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đầu tháng 12, các anh Phạm Hùng (Bí thư Trung ương Cục Miền Nam) Trần Văn Trà (Thượng tướng, Tư lệnh Miền B2 gồm Nam Bộ và Nam Trung Bộ), Phan Văn Đáng (Nam Bộ), Võ Chí Công, Chu Huy Mân (Khu 5) đã có mặt ở Hà Nội. Tôi và Bộ Tổng tham mưu đã gặp và làm việc với các anh, tranh thủ thêm ý kiến của chiến trường về hướng tiến công chiến lược, về mục tiêu tiến công. Về kế hoạch chiến lược hai năm 1975 - 1976, mọi người đều cơ bản nhất trí. Về hướng chiến trường chính, đã có hai ý kiến: một là chọn Tây Nguyên, hai là chọn miền Đông Nam Bộ… Các đồng chí ở B2 với thực tiễn và kinh nghiệm chiến đấu, nắm tình hình địch tại chỗ, chủ trương trước hết đánh Đồng Xoài, chi khu quận lỵ và là vị trí then chốt của tỉnh Phước Long.”




Đêm 13/12/1974, quân Bắc Việt tấn công Phước Long. Lực lượng Việt Nam Cộng Hòa chỉ có địa phương quân, nghĩa quân và 4 trung đội pháo binh, tổng cộng độ 4.000 người. Bắc Việt sử dụng 2 sư đoàn SĐ7 và SĐ3 cộng thêm các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công và phòng không, cộng chung lực lượng hơn Việt Nam Cộng Hòa gấp 6 lần. Sau 3 tuần cầm cự, Phước Long thất thủ ngày 6/1/1975. Từ đầu cuộc chiến kéo dài đến 20 năm, đây là lần đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa bị mất một tỉnh.


Chiến thắng Phước Long đã đưa Bắc Việt đến một quyết định chiến lược tối hậu: Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kết hơp với đấu tranh ngoại giao, xách động quần chúng, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ngoài kế hoạch chiến lược từ năm 1975 đến 1976, Bộ Chính trị còn dự kiến nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.


Để thực hiện cuộc Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa, Bộ Chính trị đã cử Văn Tiến Dũng vào Tây Nguyên làm Quân ủy Chiến dịch 275 với bí danh là Tuấn để đánh chiếm Tây Nguyên. Tư lệnh chiến trường là Trung tướng Hoàng Minh Thảo điều khiển 4 sư đoàn 310, 316, F10 và Sao Vàng với hàng trăm chiến xa T-54, đại bác 130 ly, hỏa tiển 120 ly. Với kế nghi binh giả vờ đánh Pleiku, Kontum để nhử quân Việt Nam Cộng Hòa đến giải tỏa, quân Bắc Việt cắt các đường dẫn đến Ban Mê Thuột rồi tấn công bằng biển người, đại pháo và xe tăng vào thị xã Ban Mê Thuột ngày 10/3/1975. Đạo quân trấn đóng của Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 1 trung đoàn phải chiến đấu với quân Bắc Việt gấp 20 lần, lại thêm không may Không quân Việt Nam Cộng Hòa oanh tạc nhầm vào Bộ chỉ huy của Trung đoàn khiến mọi liên lạc với Quân Đoàn 2 bị cắt đứt, đạo quân tiếp viện bị chặn đánh.





Ban Mê Thuột thất thủ vào ngày 14/3/1975. Ngoài yếu tố lực lượng giữa phía Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa quá chênh lệch, nhiều nhận định của các giới chức Mỹ - Việt, được lặp lại bởi báo chí cho là việc mất Ban Mê Thuột là do lỗi của Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II đã không nghe theo tin tức của quân báo, mắc lừa kế nghi binh của Bắc Việt. Tướng Phú không có khả năng lãnh đạo, thuộc cấp không phục tùng, không am tường địa thế vì mới được bổ nhiệm 3 tháng thì vùng cao nguyên dậy khói lửa. Tuy nhiên, một số cộng sự viên của ông thì lại có những nhận định khác, rằng ông là nạn nhân của một trạng huống vượt quá khả năng quyết định vì sự bất nhất, bất minh của thượng cấp.


Cuộc họp ngày 11 tháng 3 ở Dinh Độc Lập


Một ngày sau khi Bắc Việt tấn công Ban Mê Thuột (11/3/1975), Tổng thống Thiệu họp với 3 tướng lãnh chủ chốt của chế độ là Trung tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn an ninh, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng. Sau khi duyệt xét tình hình, ông có quyết định: “Với khả năng và lực lượng chúng ta đang có, chắc chắn chúng ta không bảo vệ được tất cả lãnh thổ. Như vậy, chúng ta nên tái phối trí lực lượng và bảo vệ những nơi đông dân, trù phú vì những vùng đất đó mới thực sự quan trọng.”





Quan điểm này cũng trùng hợp với ý kiến của Đại tướng William Westmoreland, cựu Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam chuyển qua ông Trần Kim Phượng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ 2 ngày sau đó: “Việt Nam Cộng Hòa nên vừa rút quân đúng cách, vừa gây cho địch càng nhiều thiệt hại càng tốt, rồi tiến lần về vùng quan trọng là Nam Kỳ gồm Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có thể cầm cự được rồi tìm thêm tiếp liệu, và hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ làm cho Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ lại.”




Phải chăng quyết định tái phối trí là một ý tưởng cũng đã nhen nhúm từ lâu bởi lẽ từ đầu năm 1974, Thiếu tướng John Murray, đại diện cơ quan Quốc phòng Mỹ DAO ở Sài Gòn đã báo động cho Bộ Tổng tham mưu Việt Nam phải tiết kiệm đồ tiếp liệu, nhất là đạn dược bởi sự cắt giảm viện trợ Mỹ, đồng thời ông cũng cung cấp một ước lượng vùng lãnh thổ Việt Nam có thể bảo vệ được tương ứng với số tiền viện trợ.


  • Nếu tiền viện trợ là 1.4 tỉ USD: có thể bảo vệ được cả 4 vùng chiến thuật

  • Nếu tiền viện trợ là 1.1 tỉ USD: không thể giữ được Vùng I

  • Nếu tiền viện trợ là 900 triệu USD: không thể giữ được Vùng I và II

  • Nếu tiền viện trợ là 750 trìệu USD: chỉ giữ được một số vùng đông dân

  • Nếu tiền viện trợ là 600 triệu USD: chỉ giữ được Sài Gòn và miền Tây



Ngân sách năm 1975 chỉ còn 300 triệu sau khi bị khấu trừ một số thâm hụt trước đó và trả chi phí cho cơ quan DAO. Sau này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng khi gặp Tổng thống Thiệu ở London được biết thêm kế hoạch rút quân về miền Tây của ông Thiệu như sau: “Sau khi rút khỏi Đà Nẵng, quân chủ lực chỉ còn vỏn vẹn 63.000 người. Phải bỏ Sài Gòn, nhưng tôi sẽ để một sư đoàn ở lại trấn giữ (để chặn đường) rồi rút hết về miền Tây. Khi nào qua được Bến Lức thì sẽ phá cầu đi, và đây là tuyến cuối cùng. Sau đó không quân và hải quân sẽ cứu sư đoàn còn lại ở Sài Gòn, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.”


Kế hoạch này giống ý của kế hoạch Westmoreland kể trên và phải chăng Tổng thống Thiệu không thực hiện được vì những biến cố quân sự, chính trị và xã hội dồn dập khiến ông phải từ chức rồi ông và nhiều tướng khác di tản trước khi Dương Văn Minh đầu hàng. Nếu kế hoạch được thực hiện, chắc chắn sau đó không có hàng triệu người phải đi kinh tế mới và bị đi tù cải tạo, và Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn có sở pháp lý trên trường quốc tế.




Cuộc họp ngày 14 tháng 3 tại Cam Ranh


Ba ngày sau cuộc họp tại Dinh Độc Lập, ngày 14/3/1975, một cuộc hop mật khác tại Cam Ranh cũng gồm tổng thống và 3 vị trong cuộc họp ngày 11/3/1975 thêm Tướng Phạm Văn Phú. Những quyết định của phiên họp lịch sử này đã đưa đến những hỗn loạn dây chuyền làm tan rã quân đội Việt Nam Cộng Hòa 55 ngày sau đó mà hậu quả là xóa tên chế độ Việt Nam Cộng Hòa.



Frank Snepp, phụ tá của Thomas Polgar, Giám đốc CIA tại Việt Nam, trong quyển ‘Decent Interval’ xuất bản năm 1977, kể lại một số chi tiết của phiên họp mật này nhờ Đặng Văn Quang, vì “cơ quan tình báo CIA đã trả lương và nâng đỡ ông Quang trong bao nhiêu năm và đã bảo đảm giúp cho ông ta có một địa vị (Cố vấn về An ninh) bên cạnh ông Thiệu”.


Thì ra, bên cạnh Tổng thống Thiệu có nhiều gián điệp chiến lược Bắc Việt như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng và cả một hệ thống điệp viên Mỹ. Đó cũng là một lý do quan trọng của cuộc bại trận.




Theo Frank Snepp, Thiếu tướng Phú trả lời với Tổng thống Thiệu là có thể bảo vệ được vùng cao nguyên trong vòng một tháng nếu được tăng viên quân số, vũ khí và không quân, điều mà Tổng thống Thiệu từ chối vì không còn lực lượng trừ bị. Giải pháp duy nhứt là bỏ hai tỉnh Pleiku và Kontum để dùng những lực lượng này tăng cường vùng duyên hải và yểm trợ cho cuộc phản công tái chiếm Ban Mê Thuột.



Về việc triệt thoái, Tướng Phú phân vân giữa hai con đường Quốc Lộ 19 từ Pleiku đi Quy Nhơn và Quốc Lộ 14 đi từ Ban Mê Thuột về vùng III, vì hai con đường này đã bị Bắc Việt kiểm soát từng đoạn nên sau cùng Tướng Phú nghiêng theo phân tích của Tướng Cao Văn Viên là chọn đường Liên Tỉnh 7B là con đường nhỏ, bỏ hoang từ lâu để đi về Tuy Hòa. Nhưng cuộc triệt thoái là một thảm họa tàn khốc vì không kế hoạch, bị Bắc Việt rượt theo tấn công, cầu Ea Pha bắc qua sông Ba chưa hoàn tất, không quân thả bom lầm ngay vào đoàn quân đi đầu làm thiệt hại một tiểu đoàn. Hậu quả là trong số 200.000 dân di tản chỉ có 60.000 về đến Tuy Hòa, 75% lực lượng của Quân Đoàn II bị tiêu diệt chỉ trong 10 ngày. Chính cuộc triệt thoái thất bại này của Tướng Phú làm bại hoại quân lực và niềm tin của quân dân với chế độ, làm sụp đổ chế độ nhanh không thể ngờ.


Triệt thoái Vùng I, Vùng Duyên hải phía Nam



Trong khi Văn Tiến Dũng tấn công Ban Mê Thuột thì Quân Khu I do Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy tương đối còn yên ổn vì được bảo vệ bởi 5 sư đoàn. Sau khi chiếm được Ban Mê Thuột, Võ Nguyên Giáp gởi điện văn cho Quân Khu Ủy B4 (Trị Thiên) ra lệnh đẩy mạnh tấn công để chia cắt Huế và Đà Nẵng.


Ngày 19/3/1975, Quảng Trị rơi vào tay Bắc Việt khiến Huế bị đe dọa. Ngày 20/3/1975, lúc 13:00 Tổng thống Thiệu tuyên bố trên đài phát thanh là Quân đoàn 1 sẽ cố thủ Huế bằng mọi giá sau khi họp với Tướng Trưởng ở Dinh Độc Lập, nhưng đến chiều cùng ngày, khi Tướng Trưởng về tới Đà Nẵng thì nhận được mật điện khẩn số 2238 của Tổng thống Thiệu gởi qua Bộ Tổng tham mưu ra lệnh cho Tướng Trưởng “nếu tình hình bắt buộc chỉ giữ Đà Nẵng mà thôi” và cho rút Sư đoàn Dù về Sài Gòn ngay. Tướng Trưởng đã trả lời: “Tham chiếu công điện số 2248 của Đại tướng, tôi e ngại không thi hành nổi lệnh này. Xin Đại tướng tìm người thay thế tôi.”




Ngày hôm sau, Tướng Viên gởi công điện cho Tướng Trưởng: “Tình hình hết sức khẩn trương, Trung tướng liệu mà làm.”


Khi mà ông Đại tướng Tổng tham mưu trưởng ra lệnh cho ông Tư lệnh Chiến trường “liệu mà làm” thì xem như quân đội đó đã tan rã. Dân chúng nhốn nháo “chạy giặc” khắp nơi từ trên đất liền tới biển, và chỉ trong 25 ngày, từ ngày 19/3/1975 đến 16/4/1975, ba quân khu lần lượt lọt vào tay Bắc Việt mà họ không cần phải đổ nhiều xương máu, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị địch bắt, Tướng Ngô Quang Trưởng và Hồ Văn Kỳ Thoại phải vất vả lắm mới thoát được chạy về Sài Gòn.


Chiến dịch Hồ Chí Minh (9/4/1975 đến 30/4/1975)


Ngày 6/4/1975, Lê Duẩn (anh Ba) cử Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh Mặt trận Sài Gòn, Phạm Hùng làm Chính ủy, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh thứ nhất kiêm Tham mưu trưởng, Lê Đức Anh (Sáu Nam) làm Phó Tư lệnh và Lê Ngọc Hiền làm Tham mưu phó. Bộ Tư lệnh đặt ở Lộc Ninh. Hôm sau, Lê Đức Thọ (anh Sáu), nhân vật số 2 của chế độ, từ Hà Nội đến mặt trân để chỉ huy toàn bộ Chiến dịch 275 đổi tên ngày 14/4/1975 thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, mang theo văn thư của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gởi “Các đồng chí phải chiến thắng, nếu không thì đừng có trở về”.



Ngày 9/4/1975, Bắc Việt bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh bằng cách huy động 3 sư đoàn 6, 7 và 321 tấn công thị xã Xuân Lộc. Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 18 BB của Tướng Lê Minh Đảo đã anh dũng chống trả, mặc dù Bắc Việt pháo kích đến 10.000 đại pháo trong một ngày (theo Snepp thì 1.000 có lẽ hợp lý hơn), đã đẩy lui được quân Bắc Việt, và đây là lần đầu tiên sau 3 tháng chiến thắng trên nhiều mặt trận, chiếm được 14 tỉnh, quân Bắc Việt bị chặn bước tiến. Tướng Trần Văn Trà, trong hồi ký ‘Kết Thúc Cuộc Chiến 30 Năm’, đã nhìn nhận là 3 sư đoàn của Hoàng Cầm bị thiệt hại rất nhiều, Tướng Trà phải tăng viện quân trừ bị của sư đoàn 6 và 7 rồi tấn công Dầu Dây trên Quốc Lộ số 1.



Trong khi Tổng thống Thiệu đọc diễn văn từ chức, các đơn vị cuối cùng của sư đoàn 18 của Tướng Lê Minh Đảo rút ra khỏi Xuân Lộc, và vài giờ sau, bộ chỉ huy Quân Đoàn 3 của Tướng Nguyễn Văn Toàn phải di tản về Sài Gòn. Biên Hòa và Vũng Tàu bị đe dọa nặng. Chỉ 2 giờ sau lễ bàn giao giữa ông Thiệu và ông Hương, đài phát thanh Giải phóng và Hà Nội đồng loạt tuyên bố: “Đó cũng chỉ là một chế độ bù nhìn, chính phủ Thiệu không có Thiệu.”


Trung tướng Nguyễn Văn Toàn

Trong khi đó, một biến cố quân sự quan trọng xảy ra sát nách Sài Gòn. Lê Duẩn đánh điện cho Lê Đức Thọ và Văn Tiến Dũng đang đặt bản doanh ở Lộc Ninh yêu cầu gia tăng các cuộc tấn công càng mạnh càng mau trên khắp các mặt trận. Mọi chậm trễ có thể đưa đến những hậu quả quân sự và chính trị trầm trọng. Theo Olivier Todd thì Lê Duẩn sợ rằng nếu chiến trường kéo dài thì áp lực chính trị quốc tế có thể can thiệp để chia cắt đất đai như hồi 1954 trước Hội nghị Genève. Tuân hành chỉ thị này, Văn Tiến Dũng ra lệnh cho tất cả các lực lượng từ chiến khu C, chiến khu D, Khu Tam giác Sắt ở miền Đông, và các lực lượng ở vùng đồng bằng Cửu Long và Cà Mau chuẩn bị tổng tấn công vào Sài Gòn và các tỉnh. Để phân công, bộ phận chính trị do Lê Đức Thọ và Phạm Hùng đóng ở Lộc Ninh, còn Tướng Trần Văn Trà và Văn Tiến Dũng lập bộ tham mưu mặt trận ở Bến Cát, sát nách Sài Gòn.



Ngày 30 tháng 4


2:30: Tại tòa đại sứ Mỹ còn 1.000 người Việt, 53 nhân viên dân sự và 173 thủy quân lục chiến trong khi ở phi trường Tân Sơn Nhứt còn độ 2.000 chờ phi cơ.


4:42: Chiếc trực thăng mang tên Lady Ace 9 đáp xuống nóc tòa đại sứ. Viên phi công trình lệnh của Tổng thống Mỹ: Martin phải lên phi cơ. Nếu Martin không tuân lệnh, viên phi công còn có một lệnh khác của Gayler, Tư lệnh Mỹ vùng Thái Bình Dương là áp giải Martin.



7:53: Chiếc trực thăng cuối cùng chở những binh sĩ cuối cùng (thực ra còn 2 xác thủy quân lục chiến ở Tân Sơn Nhứt), yểm trợ bằng 6 trực thăng vũ trang Cobra rời tòa đại sứ. Họ ném hơi cay trên đầu 420 người Việt còn đứng chờ bàng hoàng, ngơ ngác. Lá cờ Mỹ đã cuốn đi mang theo nỗi thất vọng, cay đắng, oán hờn, sung sướng, người Việt bắt đầu một trang sử mới.


8:00: Tại dinh Phủ Thủ tướng, ông Dương Văn Minh họp cùng các nhân vật quan trọng của nội các mới như Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu để trình bày tình hình quân sự và chính trị đã đến hồi tuyệt vọng, cuộc thương thuyết với chính phủ Mặt trận Cách mạng lâm thời miền Nam và Hà Nội, qua trung gian của Pháp kể như không có trong khi thành phố Sài Gòn đã hỗn loạn cực kỳ.


9:30: Sau phiên họp, nội các Dương Văn Minh đến dinh Độc Lập dự định theo chương trình để bàn giao với Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng trong nội các Nguyễn Bá Cẩn, nhưng cuộc bàn giao không xảy ra mà họ chờ quân giải phóng đến.


11:30: Tiếng chân người vang dội trong đại sảnh, có cả tiếng khua vũ khí và tiếng đạn lên nòng. Rồi tiếng hô từ phía đại sảnh “Mọi người đi ra khỏi phòng”. Một người bộ đội cấp chỉ huy nói với ông Minh “Anh hãy viết một bản tuyên bố đầu hàng”. Ông Minh trả lời rằng sáng nay ông đã có một tuyên bố trao quyền rồi. Viên chỉ huy nói “Anh chẳng có gì để trao. Anh chỉ có thể tuyên bố đầu hàng”. Ông Minh vẫn đứng yên lặng. Viên chỉ huy yêu cầu ông Minh đi đến đài phát thanh để thảo và đọc bản tuyên bố đầu hàng. Trước khi rời dinh Độc Lập đến đài phát thanh, ông Minh nói với vị chỉ huy bộ đội “Vợ tôi vẫn ở đây, xin các anh bảo đảm an ninh giùm”. Viên chỉ huy đáp “Anh hãy yên tâm”. Ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn trên chiếc xe Jeep của bộ đội. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo. Ông Minh đọc và đài phát lúc 13:00.


Pierre Darcourt kể lại với nhiều chi tiết sống sượng hơn:


“Đúng 12 giờ 10 phút, ba chiếc xe tăng T54 cán dẹp những hàng rào cản sơn màu trắng đỏ bao quanh dinh Độc Lập. Họ bắn chỉ thiên một tràng dài, ủi sập cánh cổng lớn, cán lên trên rồi tiến thẳng vào dinh Độc Lập, cày bừa lên các bãi cỏ trong sân. Hai chiếc xe Jeep và một chiếc xe vận tải chạy đến, qua mặt các chiến xa. Tất cả mang cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam… Vị sĩ quan cao cấp được 4, 5 lính Cộng sản hộ tống ập vô đại sảnh, nơi mà Tướng Dương Văn Minh đang hội họp với các người thân cận của ông ta. Thấy vị sĩ quan đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, tướng Minh tưởng rằng mình đứng trước một sĩ quan cao cấp nên nói:


- Thưa tướng ông Sáu (nguyên văn: mon général ong sau), tôi đã chờ ông từ sáng để trao quyền cho ông.



- Mày (nguyên tác “tu” có thể dịch là “anh”, nhưng “mày” có lẽ đúng hơn trong hoàn cảnh này) dám nói là trao quyền à. Mày chỉ là một kẻ cướp quyền và một tên bù nhìn. Mày chẳng có quyền nào để trao cho tao cả. Chúng tao đạt được quyền bằng khẩu súng trong tay. Tao nói cho mày rõ là tao không phải là tướng mà chỉ là một trung tá ủy viên chính trị. Và kể từ bây giờ, tao cấm mày không được ngồi xuống.


Gương mặt Tướng Minh co rúm lại. Giọng nói hung bạo và khinh miệt của người sĩ quan khiến ông Minh hiểu rõ là ông đang đứng trước mặt một sĩ quan miền Bắc chứ không phải là người Mặt trận miền Nam. Tướng Minh cố giữ bình tĩnh và nhẹ nhàng nói:


- Chúng tôi đã có làm sẵn một bữa cơm để tiếp các ông. Có yến, súp măng cua.


Viên trung tá xằng giọng:


- Tụi bây đang ở trong tình trạng bị bắt. Hãy giữ thức ăn tư sản cho tụi bây. Chúng tao sẽ cho tụi bây ăn cơm dã chiến, một nắm cơm vắt và một hộp thịt mặn.


Tất cả các tổng trưởng hiện diện đều bị khám xét và bị bắt giam trong một phòng. Dinh Độc Lập bị tràn ngập bởi phóng viên báo chí.


Lúc 16:30, Tướng Minh được rời khỏi phòng giam lỏng ở tầng dưới dinh Độc Lập. Một phóng viên của nhật báo Quân đội giải phóng hỏi ông:


- Ông nghĩ sao về những biến cố mà ông vừa trải qua?


Ông Minh ngập ngừng giây lát rồi trả lời với ngôn ngữ tuyên truyền mà Cộng sản thường sử dụng:


- Chúng tôi đã nhận thức được sức mạnh của Chánh phủ cách mạng lâm thời và của quân đội giải phóng. Các đơn vị thiết giáp của quân giải phóng thực hùng mạnh, quân đội Sài Gòn không thể nào đương cự được, chỉ còn có việc đầu hàng không điều kiện mà thôi. Các ông đã đạt được chiến thắng một cách nhanh chóng, chúng tôi vô cùng sung sướng. Chúng tôi và gia đình chúng tôi bình yên, thật là may mắn.



Và sau đó, các nhân vật trong nội các cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa lưu xú với những câu nói bất hủ.


Ông Vũ Văn Mẫu thì hớn hở, nhảy nhót: “Các anh đánh hay lắm. Tôi rất sung sướng đã đuổi được người Mỹ ra đi. Bây giờ thì chúng ta với chúng ta mà thôi.” Sau khi nhắc lại quê ông ở quận Thường Tín, phía Nam Hà Nội và chuyện ông cạo đầu phản đối ông Diệm, ông nói: “Kể từ hôm nay thì tôi sẽ để tóc lại được rồi.”


Ông Nguyễn Văn Hảo đưa tay lên và nói lớn: “Các anh thật đáng phục vì đã đánh bại được nước Mỹ, chúng tôi hi vọng là tài nguyên của đất nước sẽ được sử dụng để xây dựng đất nước chúng ta.”


Nếu cộng sản miền Bắc và miền Nam là những kẻ thù của Việt Nam Cộng Hòa thì những người làm chính trị vọng tưởng, u mê, cơ hội chủ nghĩa, tranh đấu hay núp bóng dưới nhãn hiệu hòa giải hoà hợp, thành phần thứ ba, tất cả cũng là những kẻ thù của dân tộc bởi lẽ họ đã vô tình hay cố ý đánh phá phe quốc gia, góp công cho chiến thắng của Bắc Việt mặc dù Bắc Việt vẫn khinh rẻ họ và xem họ là kẻ thù.


Kết luận


Bài viết không nhằm mục đích định công buộc tội bởi đó là lĩnh vực của lịch sử. Tuy khi từ chức ngày 21/4/1975, Tổng thống Thiệu đã nói trước đồng bào là “Khi tôi ra đi, tôi xin đồng bào, chiến sĩ cán bộ, tất cả các đoàn thể nhân viên tôn giáo, hãy thứ lỗi cho tôi những lỗi lầm gì đã có với quốc dân trong suốt 10 năm qua”; và khi gặp Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ở London đề cập đến cuộc thua trận, ông nói “Tôi chịu trách nhiệm nhưng tôi không có tội”.


Nhìn qua các biến cố, tác giả mạo muội nhận định Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay Bắc Việt vì 3 lý do chính yếu:



  • Muốn rút quân, Mỹ đã phản bội Việt Nam Cộng Hòa bằng cách nhượng bộ Cộng sản Bắc Việt nhiều điều nhục nhã và giảm bớt viện trợ quá nhiều và quá nhanh. Hậu quả là Việt Nam Cộng Hòa không có đủ thời gian và phương tiện cần thiết để tổ chức lại một đạo quân và một chiến thuật quân sự tự lập, khả dĩ chống đỡ lại sức tấn công vũ bão của đạo quân Bắc Việt hùng mạnh hơn gấp nhiều lần, nhất là từ lúc Bắc Việt tổng tấn công Ban Mê Thuột, Việt Nam Cộng Hòa đã can kiệt súng đạn và nhiên liệu mà theo Tướng Cao Văn Viên chỉ còn đủ sử dụng đến tháng 6/1975.


  • Trong số những người cầm vận mạng quốc gia của Đệ Nhị Cộng Hòa, một số tướng lĩnh bị xem là thiếu khả năng lãnh đạo và dũng khí, tham nhũng và phe nhóm, đã làm suy giảm nhiệt quyết của giới sĩ quan trung cấp, mặc dù quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn can trường chiến đấu trên các mặt trận.


  • Sự suy giảm uy tín của chính phủ Thiệu đã dấy lên những cuộc biểu tình chống đối của những phần tử đối lập chân chính và thời cơ, những thành phần thứ ba thật và giả, những thành phần thân cộng và cộng sản trà trộn trong các đoàn thể sử dụng chiến lược tổng nổi dậy của Bắc Việt, làm hậu phương rối loạn khiến Bắc Việt thắng nhanh hơn.



Tác giả: Lâm Văn Bé

コメント


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.