top of page
​AD

Hoa Kỳ Vào Việt Nam “Lần Hai” và Các Bài Học Cho Hôm Nay

Lịch sử Việt Nam và lịch sử quan hệ của Việt Nam với Mỹ đang bước sang một trang mới.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Tổng thống Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/9/2023. Ảnh: Evelyn Hockstein

Nhiều người trích dẫn lại các lời nói và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 để nói rằng việc kết nối quan hệ chiến lược toàn diện hữu hảo với Mỹ chính là thực hiện ý nguyện của cụ Hồ.


Chơi với Mỹ như một đồng minh chiến lược sẽ không giống như trò đu dây thời quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc. Nó sẽ là cái gì đó lớn lao hơn, thách thức hơn nhưng hứa hẹn những điều tươi sáng hơn cho Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã từng trải qua và đạt được.



Nhưng nó sẽ biến Việt Nam thành một thứ hỗn tạp nếu nền chính trị Việt Nam và các quan chức cầm quyền không nâng tầm nhìn, thay đổi nền tảng tri thức, giá trị và đạo đức quốc gia, giống như Philippines, Thái Lan, Pakistan...


Sau khi Nhật lật đổ Pháp tại Đông Dương, ngày 11/3/1945 Đại sứ Nhật Masayuki Yokohama đến gặp Hoàng đế Bảo Đại và đệ đạt: “Tâu Hoàng Thượng, đêm hôm qua chúng tôi đã chấm dứt chủ quyền của nước Pháp trên đất nước này. Tôi được trao nhiệm vụ dâng nền độc lập của Việt Nam cho Hoàng Thượng.”

Ngày hôm sau, vua Bảo Đại mời ông Yokohama tới để trao một bản tuyên ngôn độc lập: “Chính phủ Việt Nam long trọng công khai tuyên bố, kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia…”

Hành động ngoại giao đầu tiên của ông Bảo Đại trong tư cách lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập và thống nhất là gửi một công hàm cho Tổng thống Mỹ Harry Truman để giao hảo với Mỹ và yêu cầu ngăn chận Tướng De Gaulle đưa Pháp trở lại Đông Dương.

Sau khi Bảo Đại thoái vị, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ít người biết rằng hành động ngay sau đó – và trong thời gian gần một năm (từ 29/9/1945 tới 11/9/1946) ông cũng đã đi bước trước để giao hảo với Mỹ, và gửi tất cả là 14 (chứ không phải chỉ một) công hàm, thư tín và thông điệp cho tổng thống và ngoại trưởng Hoa Kỳ. Những văn kiện này được tóm tắt trong cuốn sách ‘Khi Đồng Minh Nhảy Vào’ (trang 704-706). Sau đây là vài thí dụ:


  • Ngày 1/11/1945, ông Hồ gửi thông điệp cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ để yêu cầu chấp thuận cho 50 sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học.

  • Ngày 23/11/1945 trong một công hàm gửi TT Truman (và Tổng Giám đốc Ủy Ban Cứu Trợ Liên Hiệp Quốc), ông yêu cầu Hoa Kỳ cứu trợ nạn đói lớn lao ở Việt Nam.

  • Ngày 18/2/1946 ông gửi văn thư cho Tổng thống Truman trong đó có câu: “Cũng như Phi Luật Tân mục đích của chúng tôi là được độc lập hoàn toàn và cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ...”



Hoàng đế Bảo Đại tại London, Anh quốc, năm 1948.

Lịch sử không có chữ “nếu”, thế nhưng ta thử hỏi xem

Nhìn lại lịch sử, ta có thể đặt ra một câu hỏi: Nếu như lúc ấy Mỹ đáp ứng yêu cầu của cả hai phe Quốc Gia và Cộng Sản để ngăn chận Pháp và đặc biệt là để cứu trợ nạn đói và giao hảo với Việt Nam (qua việc đồng ý cho 50 thanh niên chung quanh ông Hồ sang Mỹ du học) thì liệu cuộc chiến 30 năm đã có thể tránh khỏi?

Để tiếp cứu nạn đói, Mỹ có thể dễ dàng mở một Tòa Đại Sứ hay ít nhất là một Tòa Lãnh Sự ở Việt Nam để sử dụng số gạo thặng dư lớn cứu đói giảm nghèo. Thời gian ấy, nạn đói hoành hành dữ dội ở miền Bắc và nhất là miền Trung, chết từ 1,5 tới 2 triệu người (gần 17% dân số). Tại Nga Sơn, Thanh Hóa, cá nhân tác giả (dù chưa tới mười tuổi) đã phải chứng kiến cái cảnh đói khát thê thảm này. Giả như có gạo thì nhân dân Việt Nam đã hoan hô Mỹ và dân Nga Sơn đã vui sướng biết mấy. Giờ này thì Việt Nam đã thành một cường quốc ở Á Châu.

Nhưng lịch sử diễn ra đã lại khác.

Đang khi Mỹ do dự về Việt Nam thì Mùa Thu năm 1949 Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiến quân vào Bắc Kinh, thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là Trung Quốc.

Chuông báo động ở Washington rung lên. Và từ đó, một trang lịch sử mới đã mở ra.

Ngày 7/3/1950 Bộ Ngoại Giao Mỹ gửi công hàm cho các đại sứ và xác nhận rằng “Việt Nam là địa điểm quan trọng nhất về chiến lược tại Đông Nam Á”.

Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Pháp để chiến đấu thay cho mình.

Khi đồng minh nhảy vào chỉ để bao vây Trung Quốc


Nhưng Pháp đã thất bại. Sau trận Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, Pháp quyết định rút lui. Mỹ lập tức nhảy vào thay thế. Ngoại trưởng Foster Dulles còn chọn ngày để nhảy vào. “Chúng ta phải tiến hành như đã dự định, và ta phải lao vào, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1/1955.”

Trong thời gian 1955 - 1965, nói chung thì Miền Nam Việt Nam luôn luôn là “tiền đồn” để canh gác Thế giới Tự Do, ngăn chận Trung Cộng khỏi tràn xuống Biển Đông.

Tới 1965 thì có bước ngoặt, từ ngăn chặn tới bao vây Trung Quốc.

Xin nhắc lại, Hoa Kỳ vào Đông Dương từng bước vì lý do chiến lược chứ không phải như có chỗ người ta nói là để “chiếm đất”.

Tháng 3/1965, khi Tổng thống Lyndon Johnson cho 3.500 lính Thủy quân Lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng, mục đích chỉ là để giữ an ninh cho phi trường này. Nhưng tới mùa Thu thì Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã thuyết phục ông phải mang đại quân vào để ngăn chận ngay vì “Trung Quốc đang trở thành một quyền lực lớn mạnh đe dọa vai trò quan trọng và sự hữu hiệu của Hoa Kỳ. Và xa hơn nhưng quan trọng hơn, đó là Trung Quốc đang sắp xếp, tổ chức để tất cả Á Châu chống lại chúng ta”.

Rồi McNamara đề nghị phải kiềm chế Trung Quốc bằng một chiến lược bao vây.


“Nhận thức rằng Liên Xô đã ‘chặn’ Trung Quốc ở phía bắc và tây bắc cho nên chỉ còn lại ba mặt trận trong một cố gắng lâu dài để ngăn chặn Trung Quốc.”

Nhận xét như vậy là vì tuy Trung Quốc và Liên Xô là đồng minh gần gũi nhưng xung đột ở một biên giới dài 4.380 cây số thì như cục than hồng, nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Mà thật đúng, bốn năm sau đã có xung đột lớn ở một hòn đảo trên con sông Ussuri ngày 9/1965, suýt nữa Trung Quốc bị Liên Xô tấn công nguyên tử nếu không có Tổng thống Richard Nixon can thiệp.

Nhìn ra các bên khác thì ba mặt trận còn lại là Nhật Bản và Hàn Quốc, ở phía đông nơi Hoa Kỳ đã có những căn cứ quân sự vững chắc và ở phía tây là Ấn Độ và Pakistan.

Ấn Độ là một nước đi tiên phong của phong trào “trung lập” (không liên kết) — lánh xa cả Hoa Kỳ cả Liên Xô — nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng ngoại giao trung lập là không bền vững trừ khi bạn là nước nhỏ.

Trong bối cảnh lánh xa Hoa Kỳ, tình nghĩa giữa hai lãnh đạo Jawaharlan Nehru và Mao Trạch Đông rất thắm thiết. Nhưng ngày 20/10/1962 Trung Quốc bất chợt tấn công Ấn Độ. Lý do của trận chiến lại cũng chính là vì tranh chấp lãnh thổ ở biên giới Ấn - Trung dọc theo núi Himalaya dài tới 3.225 cây số. Thủ tướng Nerhu phải vội vàng chạy đến với Tổng thống John F. Kennedy và được ông can thiệp để chặn Trung Quốc.

Ngày 20/11/1962, Trung Quốc đơn phương tuyên bố ngưng chiến. Ấn Độ liền xích lại gần với Mỹ.

Và như vậy thì Mỹ chỉ cần tập trung vào mặt trận ở phía nam đó là Việt Nam.


Trên căn bản ấy, bản ghi nhớ thật dài đề ngày 3/11/1965 của Bộ trưởng McNamara trình Tổng thống Johnson rất thuyết phục, cho nên ông đã nghe theo. Quân đội Mỹ ở Miền Nam đang từ mức trung bình 1961 - 1964 là 23.300 đã tăng vọt lên 385.300 năm 1966, rồi tới đỉnh là 536.100 năm 1967.

Khi đồng minh mở cửa Bắc Kinh thì tất phải đóng cửa Sài Gòn.

Tới năm 1971 thì Mỹ đảo ngược về chính sách. Tổng thống Nixon thay đổi lập trường biến đổi Trung Quốc từ thù thành bạn. Khi Trung Quốc không còn là thù địch đe dọa Mỹ nữa thì hết cần bao vây, hết cần lá chắn. Trong nhận thức ấy, Miền Nam Việt Nam cũng hết còn là “tiền đồn của Thế giới Tự do.”

Sau khi rời bỏ Miền Nam thì Washington ngoảnh mặt đi khỏi Biển Đông, để lại một lỗ hổng. Có lỗ hổng thi Trung Quốc sẵn sàng lấp đầy lỗ hổng. Chấm dứt bao vây thì Trung Quốc bung ra. Từ khi nối lại bang giao với Mỹ, Trung Quốc đã nhờ vào tiền bạc, kỹ thuật và thị trường Mỹ để phát triển, tiến tới mức có thể vươn tầm tên lửa xuyên đại dương.

Ngày nay thì Trung Quốc đã mạnh đủ để lật ngược thế cờ, ra mặt đối đầu với Mỹ.


Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.

Mỹ tái khởi động chiến lược bao vây Trung Quốc

Trước thách thức ấy, Mỹ gấp rút “xoay trục” rồi tái khởi động chiến lược bao vây Trung Quốc.


Nếu ta không biết đến câu chuyện “bốn lá chắn” để nối kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương như đề cập trên đây thì khó có thể nhận thức ra được rằng, theo một góc độ, khuôn khổ này cũng chính là chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” được Tổng thống Donald Trump chính thức hóa vào cuối năm 2017. Nó cũng đặt nặng sự nối kết giữa hai đại dương.

Ngay năm sau, để yểm trợ cho chiến lược này, ông đổi “Bộ Tư lệnh Bình Dương” (Pacific Command - PACOM) thành “Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Command hay INDOPACOM).

Về mặt “quyền lợi an ninh và quốc phòng” thì tổng thống Mỹ nào cũng phải đặt lên ưu tiên hàng đầu. Cho nên dù đối địch với nhau trên chính trường thì vẫn phải cùng nhau hành động trên chiến trường.

Vì vậy ta không lạ gì khi thấy người kế vị Donald Trump là Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do Và Rộng mở” dưới cái nhãn hiệu mới là “Chiến Lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” (Indo-Pacific Strategy of the United States) vào mùa thu năm 2022, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, và một số quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong chiến lược này thì đối với Hoa Kỳ, Việt Nam lại trở về chỗ đứng là “địa điểm chiến lược quan trọng nhất ở Đông Nam Á”.

Cho nên lãnh đạo Mỹ lần lượt viếng thăm Việt Nam, bắt đầu từ Tổng thống Bill Clinton tháng 11/2000, và bây giờ đến lượt Tổng thống Joe Biden.


Tổng thống Biden thăm Hà Nội nhưng Mỹ sẽ chờ xem Việt Nam sẵn sàng làm gì

Thật là dễ hiểu khi thấy ông Biden đã bất chợt bỏ qua cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Indonesia để đi họp G-20 ở Ấn Độ, rồi Việt Nam. Tờ Washington Post ngày 4/9/2023 bình luận: “Đó là một quyết định lạnh lùng và có tính toán, nhằm… củng cố các đồng minh và từng đối tác riêng rẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và bây giờ là Việt Nam.”

Như vậy là Việt Nam đã nâng cấp bang giao giữa hai nước lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào đúng lúc, dù rằng việc này không có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành đồng minh của Mỹ. Và chưa chắc Mỹ đã muốn như vậy. Cho nên trong bối cảnh hiện nay và trong một tương lai gần, sẽ không có chuyện “đồng minh nhảy vào” theo nghĩa hẹp là sự có mặt quân sự của Mỹ tại Việt Nam.

Trong thực tế thì Việt Nam hiện là nước không có đồng minh nào.

Đối với Mỹ, cũng theo Washington Post, chuyến viếng thăm của ông Biden liên hệ tới “chiến lược để tạo ra một mạng lưới chung quanh Trung Quốc — một chuỗi địa lý được xâu chuỗi cẩn thận, gồm các quốc gia đều coi Bắc Kinh là mối đe dọa chung”.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi tới Hà Nội, Tổng thốg Biden đã tuyên bố ngược lại: “Tôi không muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng chúng tôi có mối quan hệ đang phát triển và bình đẳng với Trung Quốc, mọi người đều biết nó là gì.”


Nói vậy mà không phải vậy. Nói đến “mọi người” thì phải kể cả chính ông Biden. Hơn ai hết, ông Biden biết rõ “nó là gì”, và cũng đã nói thẳng ra rằng mối quan hệ đang phát triển giữa Mỹ và Trung Quốc là một quan hệ căng thẳng đang leo thang rất nhanh.

“Hãy đừng nhầm lẫn, như chúng tôi đã nói rõ vào tuần trước,” Tổng thống Biden phát biểu ngày 8/2/2023 tại Hạ Viện Quốc Hội Mỹ sau khi cho bắn nổ quả khinh khí cầu ngoài khơi bờ biển phía đông Hoa Kỳ. “Nếu Trung Quốc đe dọa chủ quyền của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ đất nước của mình. Và chúng tôi đã làm như vậy.”

Tờ Wall Street Journal ngày 9/10/2023 nói tới mục tiêu của ông Biden ở Việt Nam là “tìm kiếm một quan hệ Mỹ - Việt mạnh hơn nhằm chống lại Trung Quốc”.

Việc này có nghĩa là Mỹ muốn củng cố lá chắn ở phía nam, sau khi đã đi thêm một bước để củng cố lá chắn ở phía đông qua cuộc họp thân mật mới đây ở Camp David với lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ cũng đã củng cố lá chắn ở phía tây là Ấn Độ qua tổ chức Bộ tứ Quad (Ấn, Úc, Nhật và Mỹ), và trải thảm đỏ đón Thủ tướng Narendra Modi mới đây.

Lại nữa, tại Việt Nam, ông Biden cũng dùng cụm từ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do Và Rộng mở” khi nói với các phóng viên sau cuộc gặp ở Hà Nội, theo Reuters ngày 9/10/2023.

“Tuyên bố chung” về chuyến viếng thăm của Tổng thống Biden đề cập tới việc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt: từ kinh tế, đầu tư, thương mại, khoa học, kỹ thuật, y tế, đến giải quyết các vấn đề tồn đọng của chiến tranh.


Sau cùng thì mới nói đến vấn đề tế nhị: Phối hợp về các vấn đề về khu vực và toàn cầu. “Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự ủng hộ kiên định của họ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật biển quốc tế được phản ảnh trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển…”

Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với quyền lợi của cả hai nước. Và nó cũng nằm trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Về phía Mỹ, lợi ích kinh tế từ Việt Nam là không quan trọng, cho dù Việt Nam có thể thay Trung Quốc phần nào về chuỗi cung ứng, và hãng Hàng không VN đặt mua 50 máy bay trong số 737 MAX của Boeing trị giá 7,8 tỷ USD.

Lợi ích chính đối với Mỹ là chiến lược, nguyên Vịnh Cam Ranh và hải cảng Đà Nẵng thì cũng đã đủ để Mỹ ve vuốt Việt Nam.

Tóm lại, việc Mỹ vào hay ra khỏi Việt Nam thì tất cả cũng chỉ là trên căn bản quyền lợi: “chẳng có bạn bè vĩnh viễn và cũng chẳng có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi vĩnh viễn” như Lord Palmerston, Thủ tướng nước Anh đã từng nhấn mạnh.

Nếu Việt Nam đáp ứng quyền lợi của Mỹ thì Mỹ sẽ đứng sát cạnh, nếu không thì Mỹ sẽ lánh xa để tập trung vào các quốc gia hải đảo như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.


Chắc chắn rằng, trước khi đi bước nữa chính phủ Việt Nam còn chờ đợi xem Mỹ sẽ có những hành động thực tế nào để giúp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc công bố “bản đồ mới” và đang xây một đường bay trên Đảo Tri Tôn ngay sát cạnh Đà Nẵng — nơi Mỹ đổ bộ năm 1965.

Riêng về kinh tế thì để trở thành một nước mạnh và có tiếng nói quan trọng trên thế giới, Việt Nam cần phải tự mình phát triển thành một cường quốc kinh tế tương tự như những gì Đài Loan và Hàn Quốc đã làm. Hai quốc gia này được thế giới tôn trọng hơn nhiều so với dân số và quy mô đất đai của họ. Trong nỗ lực phát triển thì Mỹ có thể hỗ trợ để Việt Nam sử dụng “lợi thế so sánh” của mình.

Để tận dụng cơ hội làm ăn kinh tế với Mỹ trong bối cảnh mới, Việt Nam cần đổi mới nền quản trị quốc gia để có thể vận hành nền kinh tế uyển chuyển hơn, năng suất hơn. Đây là điều mà Nhật, Hàn, Đài Loan và đặc biệt là Trung Quốc đã làm thành công.

Trong các “lợi thế so sánh” thì nhân lực là quan trọng nhất: trí tuệ và khả năng sáng tạo của con người Việt Nam. Cho nên cần phải có chính sách để dùng đúng người, đúng việc và chuyển hướng nền kinh tế, thí dụ như từ “gia công” tới công nghệ cao, có tính cạnh tranh cao do công nghệ bán dẫn làm đầu tàu.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mang lại cho Việt Nam một “cơ hội vàng” để tiến lên theo hướng này, nhưng chỉ khi Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận cơ hội đó.

Về phía Mỹ thì cũng sẽ chờ xem Việt Nam có thực sự thi hành những cam kết như trong Tuyên Bố Chung. Thí dụ như về chính trị, liệu Việt Nam có những bước tiến về nhân quyền theo cam kết. Về ngoại giao, và đây là quan trọng nhất đối với Mỹ, liệu Hà Nội có những hành động thực tế nào có lợi cho Mỹ, thí dụ như để cho những siêu hàng không mẫu hạm (tàu sân bay) ra vào thường xuyên ở Cam Ranh, Đà nẵng, không phải chỉ để thăm viếng mà còn để mua lương thực, thực phẩm, tiếp liệu, sửa chữa, và… phòng hờ.

Có câu “hành động nói to hơn lời nói”. Ta hãy chờ xem.



Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng (Bộ trưởng) Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Ông là tác giả cuốn ‘Khi Đồng minh Tháo chạy’ và là đồng tác giả cuốn ‘The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập’, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page