top of page
​AD

Karl Marx: Lời Hứa Vô Căn Cứ Dẫn Đến Những Sai Lầm Chết Người

Chủ nghĩa Marx (Chủ nghĩa cộng sản Tây Âu) có nhiều sai lầm lớn và vì vậy đã gây ra nhiều tai họa cho nhân quần.


“Nhà tôi là pháo đài của tôi.”


Trong tất cả các loài động vật sống thành bầy đàn (xã hội), chỉ có ba loài là ong, kiến và mối là toàn tâm toàn ý, sống chết với đàn. Các thành viên của những loài động vật sống thành bầy khác như trâu rừng, linh dương đầu bò, chó sói, sư tử tuy sống trong đàn, nhưng vẫn giữ cho mình mức độ độc lập nhất định, thậm chí nếu bị con đầu đàn o ép quá thì có thể bỏ đi.


Loài người cũng như thế, không có người nào muốn để cho người khác chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình. Chỉ có một khác biệt đó là con người không thể bỏ xã hội, con người giữ độc lập bằng cách có sở hữu riêng. Đấy là lý do câu châm ngôn của người Anh “Nhà tôi là pháo đài của tôi”.



Bãi bỏ sở hữu tư nhân


Không có sở hữu tư nhân, không thể tự kiếm sống, con người trở thành nô lệ. Cả xã hội đều là nô lệ. Đấy là lý do vì sao trong lòng xã hội dựa trên sở hữu tập thể luôn luôn và bao giờ cũng có những người đứng lên chống lại nó. Đấy là những người còn giữ được tính người, còn chứa trong tim mình khát vọng tự do, tự chủ. Số người đứng lên chống lại cái xã hội phi nhân đó, trái với suy nghĩ của các ông trùm cộng sản, lại ngày càng đông thêm. Nếu có xã hội bên ngoài để người ta so sánh thì thời gian tồn tại của xã hội dựa trên sở hữu tập thể sẽ không thể lâu. Đấy là lý do vì sao các xã hội dựa trên sở hữu tập thể phải dựng lên những bức màn sắt, nhằm ngăn chặn cả con người lẫn thông tin, nội bất xuất ngoại bất nhập.


Không có sở hữu tư nhân, người ta không thể mạo hiểm với những quy trình sản xuất hay sản phẩm mới. Lưỡi gươm thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng lúc nào cũng treo ngay trên đầu. Tất cả đều phải chờ chỉ đạo của cấp trên. Xã hội không thể nào phát triển được.


Những người hoạt động trong các ngành nghệ thuật cảm nhận được chuyện này rõ ràng nhất. Bộ trưởng Bộ Văn hóa có là người tài giỏi và phóng khoáng đến đâu thì cũng chỉ là người thích một số bộ môn nào đó mà thôi. Những bộ môn không được ông/bà ta ưa thích tất nhiên là sẽ không được nhà nước tài trợ và không phát triển được. Chỉ có xã hội dựa trên sở hữu tư nhân, tức là chính người nghệ sĩ là những người giàu có hoặc được những người giàu có tài trợ thì nghệ thuật mới đa dạng và đơm hoa kết trái.


Vì vậy mà, xã hội dựa trên sở hữu tập thể là xã hội đơn điệu, nghèo nàn, bàng bạc, thiếu sức sống, thậm chí là thoái hóa dần cả về vật chất lẫn nhân cách.



Học thuyết giá trị lao động


Đây là học thuyết nói rằng lượng lao động hao phí của con người trong việc sản xuất ra sản phẩm sẽ quyết định giá trị của sản phẩm. Hay lao động là cội nguồn của mọi giá trị.


Tương tự như quan điểm địa tâm, học thuyết về giá trị lao động bề ngoài dường như là hợp lý, vì thường thường, dường như món hàng cần nhiều sức lao động có giá trị cao hơn. Nhưng, tương tự như những câu chuyện trong môn thiên văn học, lý thuyết ngày càng trở nên phức tạp khi nó tìm cách giải thích một số mâu thuẫn hiển nhiên.


Bắt đầu từ những năm 1870, trong kinh tế học đã diễn ra cuộc cách mạng tương tự như cuộc cách mạng của Nicolaus Copernicus, đấy là khi lý thuyết chủ quan về giá trị được nhiều người sử dụng để giải thích giá trị của hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay, thuyết về giá trị lao động chỉ còn rất ít tín đồ, đấy là nói trong số các nhà kinh tế học chuyên nghiệp, nhưng trong các môn học khác, cũng như trong dân chúng nói chung, nó vẫn được nhiều người sử dụng khi thảo luận các vấn đề kinh tế.



Luận cứ cho rằng chủ nghĩa tư bản bóc lột công nhân được xây dựng chủ yếu trên quan điểm cho rằng lao động là nguồn gốc của tất cả các giá trị và lợi nhuận của nhà tư bản, vì vậy mà người công nhân — những người xứng đáng được hưởng những giá trị này đã bị tước đoạt. Nếu không có thuyết về giá trị lao động, thì không rõ lời phê phán chủ nghĩa tư bản của Marx còn giá trị đến mức nào.


Trong kinh tế học, câu trả lời xuất hiện khi, tương tự như Copernicus, một số nhà kinh tế học nhận ra rằng cách giải thích cũ đã thuộc về quá khứ. Điều này đã được trình bày một cách rõ ràng trong tác phẩm của Carl Menger, cuốn ‘Những nguyên lý của kinh tế học’ của ông không chỉ đưa ra lời giải thích mới về bản chất của giá trị kinh tế, mà còn tạo ra nền tảng của trường phái kinh tế học Áo.





Menger và những người khác khẳng định rằng giá trị là chủ quan. Nghĩa là giá trị của một món hàng không được xác định bởi những yếu tố đầu vào có tính vật lý, trong đó có lao động, giúp tạo ra nó. Thay vào đó, giá trị của một món hàng hình thành trong nhận thức của con người về tính hữu dụng của nó đối với những mục đích cụ thể mà người ta có tại một thời điểm cụ thể nào đó. Giá trị không phải là một cái gì đó khách quan và siêu nghiệm. Nó là một chức năng của vai trò mà đối tượng đóng như là phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu vốn là một phần của những mục đích và kế hoạch của con người.


Nói một cách đơn giản, món hàng mà bạn làm ra chỉ có giá trị khi có người mua, còn món hàng mà bạn làm ra, dù mất bao nhiêu công sức nhưng xã hội không có nhu cầu về món hàng đó thì công sức của bạn là “dã tràng xe cát biển Đông”. Cụ thể hơn, nếu bạn có sức khỏe nhưng không có tài đắp tượng bằng cát thì có bỏ ra bao nhiêu công xúc cát trên bãi biển bạn cũng chẳng được ai trả đồng tiền công nào. Nhưng nếu bạn có tài đắp tượng cát, thu hút du khách tới ngắm tượng của bạn thì chắc chắn công ty du lịch địa phương sẽ trả tiền cho bạn.


Tóm lại, lao động phải tạo ra sản phẩm mà xã hội có nhu cầu thì mới có giá trị.



“Làm theo năng lực, hưởng theo lao động.”


Những người cộng sản, sau khi giành được chính quyền đã áp dụng học thuyết về giá trị lao động, được tóm tắt bằng câu “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” để trả lương cho người lao động.


Về vế thứ nhất “Làm theo năng lực”, ai biết năng lực của bạn? Không ai biết, chính bạn cũng không biết. Năng lực của bạn được thể hiện qua thử và sai. Trừ những người có năng lực quá kém, còn nói chung, trong cuộc đời mình, tất cả mọi người đều thử làm khá nhiều việc, cho đến khi tìm được công việc phù hợp nhất với mình.


Cách đây 20 năm, tác giả viết những dòng này không thể nào ngờ được rằng mình sẽ là người dịch sách, càng không thể ngờ được là một lúc nào đó mình sẽ viết những dòng chữ như thế này. Năm 1954, ai dám bảo vị tướng quân lừng danh, đánh đông dẹp bắc một ngày nào đó bỗng có năng lực quản lý về món kế hoạch hóa gia đình. Không ai biết được năng lực của người khác, cho nên nếu để cho tổ chức phân công thì người có thực tài có thể phải đi rửa bát, quét nhà; còn bọn ba lăng nhăng ăn không nên đọi, nói không nên lời, nhưng con ông cháu cha thì lại có quyền to chức lớn. Năng lực được thể hiện qua thử và sai. Và vì vậy kinh tế thị trường là nơi rèn luyện và kiểm tra năng lực của người làm kinh tế; còn chế độ dân chủ là nơi rèn luyện và kiểm tra năng lực của người làm chính trị. Không có cách nào khác.


Sang vế thứ hai “Hưởng theo lao động”, đây là việc làm bất khả thi. Bởi vì, ví dụ, trong một ngày một người thợ thịt giết thịt được 5 con bò, còn ông bác sĩ phẫu thuật thì mổ ruột thừa cho 3 người. Lương của ai cao hơn và cao hơn bao nhiêu lần? Không ai trả lời được câu hỏi này. Làm theo năng lực hưởng theo lao động hóa ra chỉ áp dụng được cho những người làm trong cùng ngành nghề và là những ngành nghề đơn giản, ví dụ người thợ may may được 3 cái áo tất nhiên sẽ được nhận lương bằng 3/5 người thợ may may được 5 cái áo trong cùng thời gian.


Tất cả những giải pháp, cải tiến, cải lùi đều chẳng đi đến đâu. Cuối cùng, nhà cầm quyền chỉ còn 2 lựa chọn cào bằng hay trả theo cấp bậc. Cào bằng thì chẳng ai còn muốn làm, mà trả theo cấp bậc thì sẽ dẫn đến những bất hợp lý và đẩy tất cả mọi người vào cuộc đua tranh giành quyền chức.


Một trong những nguyên nhân dẫn xã hội dựa trên sở hữu tập thể lâm vào bế tắc, dẫm chân tại chỗ chính là không tìm được cách trả lương nhằm khuyến khích người lao động.


Học thuyết về giá trị lao động mà Marx dựa vào còn dẫn đến sai lầm quyết định hơn, đấy là công thức để đo lường giá trị thặng dư.



Gía trị thặng dư


GT= C+ V+ m => m= GT - (C+V)


Giá trị thặng dư là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị Marxist. Marx đã nghiên cứu và đưa ra một số lý luận xung quanh khái niệm này trong các tác phẩm viết về kinh tế chính trị của ông. Nó được sử dụng để khẳng định lao động thặng dư của công nhân bị các nhà tư bản lấy đi, là nền tảng cho sự tích lũy tư bản.


Công thức giá trị thặng dư như sau: GT= C+ V+ m => m= GT - (C+V), trong đó:

  • GT là giá trị sản phẩm bán được.

  • C là phần tư bản bất biến được chuyển vào giá trị hàng hóa. C bao gồm 2 bộ phận là C1 và C2. C1 là phần khấu hao tài sản cố định phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa, phần này không tăng lên hay giảm đi trong quá trình sản xuất mà nó chỉ chuyển dịch giá trị từ tài sản cố định vào giá trị hàng hóa, sau đó nhà tư bản thu hồi lại bằng trích quỹ khấu hao. C2 là giá trị nguyên, nhiên, vật liệu, phụ liệu, phụ gia, phụ phẩm... và giá trị công cụ, dụng cụ rẻ tiền, mau hỏng (thường là có thời gian sử dụng không quá 1 năm) phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa. Phần này được chuyển hết 1 lần vào giá trị của hàng hóa (nếu là công cụ, dụng cụ rẻ tiền mau hỏng thì phân bổ từng phần nhưng không quá 1 năm). Cả C1 và C2 đều không trực tiếp tạo ra giá trị mới (nên nó mới có tên gọi là tư bản “bất biến”), mà nó chỉ là phương tiện để sinh ra giá trị thặng dư mà thôi, chính đặc điểm này đã che đậy giá trị thặng dư mà lại biểu hiện ra bên ngoài bằng lợi nhuận.

  • V là phần tiền công mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của người công nhân, nó còn gọi là lao động sống tạo ra giá trị mới của hàng hóa, nó không những chỉ chuyển toàn bộ giá trị của mình vào giá trị của hàng hóa mà còn tạo thêm phần giá trị tăng thêm (m), (nên mới có tên là tư bản “khả biến”). Phần giá trị tăng thêm này cũng được hình thành do hao phí lao động trừu tượng của người công nhân kết tinh vào hàng hóa, nhưng bị nhà tư bản chiếm đoạt, không trả cho người tạo ra nó, tức là nhà tư bản đã mua giá trị lao động thấp hơn giá trị thật của nó, phần chênh lệch gía trị thật của sức lao động này với giá trị mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của công nhân chính là giá trị thặng dư — vấn đề cốt lõi đang bàn tới.


Công thức được coi là thiên tài nói trên thiếu hai thành tố cực kỳ quan trọng là tiền lãi trả cho C và kỹ năng quản lý của người chủ hay của giám đốc điều hành doanh nghiệp.



Lãi suất


Tại sao người có vốn lại được hưởng lãi? Câu trả lời là nếu có 100 USD (100 ngàn hay 1 triệu thì cũng thế), tôi có thể tiêu dùng ngay trong ngày hôm nay. Nhưng doanh nhân/ngân hàng có thể nói với tôi đưa cho tôi số tiền đó, đúng ngày này, tháng này sang năm anh sẽ có 105 USD (lãi suất 5%). Cơ chế đơn giản là hoãn tiêu dùng trong hiện tại để có thể được tiêu dùng nhiều hơn trong tương lai và hiện tượng đó được gọi là tích lũy tư bản. Không có tích lũy tư bản (nôm na là tiết kiệm) thì nhân loại mãi mãi chỉ có mấy hòn đá để ném chim và ném nhau mà thôi. Nhưng công thức thiên tài của Karl Marx không có thành tố này. Xin hỏi ông thông minh, trí tuệ hơn người ở chỗ nào?


Kỹ năng quản lý/kinh doanh


“Một người hay lo bằng một kho người hay làm.”


Hồi ông Phan Văn Khải còn làm Thủ tướng, đi đâu ông cũng hỏi “Trồng cây gì? Nuôi còn gì?”. Có thể nói một cách tổng quát hơn là “Sản xuất cái gì?”. Đấy là câu hỏi cực kỳ khó, thậm chí, “Mua cây giống/con giống ở đây? Rồi bán sản phẩm ở đâu?” cũng là những câu hỏi rất khó. Chỉ có một ít người biết câu trả lời cho những câu hỏi nói trên. Họ chính là doanh nhân/quản trị doanh nghiệp. Họ chính là những người có công rất lớn trong quá trình phát triển của nền văn minh. Có những doanh nhân thiên tài như Bill Gates, Mark Zuckerberg… họ là những người đã đưa nền văn minh thế giới lên những nấc thang mới, họ đã đưa chiều kích mới vào nền tự do của nhân loại. Nhưng Marx đã bỏ qua công lao của họ. Marx không biết cái điều mà “Một người hay lo bằng một kho người hay làm” ngay từ xa xưa người đàn bà Việt Nam nào cũng biết. Marx không biết và không tính đến cái điều đơn giản ấy.


Không những Marx không thông minh hơn người mà công thức đó còn tố cáo rằng ông không có hiểu biết trung bình về kinh tế học, cũng như chưa từng làm gì hay buôn bán bất cứ thứ gì.



Bóc lột


“Các anh bị bọn tư bản bóc lột đến tận xương tủy.”

Cũng có thể nói về bóc lột theo cách khác. Đấy là khi khi phân tích quá trình tạo ra giá trị thặng dư Marx đã tách lao động sống ra khỏi lao động quá khứ, trong khi quá trình sản xuất hàng hóa là một quá trình thống nhất của lao động sống và lao động quá khứ.


Nôm na như sau, một người nông dân chỉ dùng cần câu hay nơm, câu hay bắt cá quanh quẩn trên khúc sông gần nhà một ngày có thể bắt được 5 kg cá. Nhưng nếu anh ta được người chủ thuyền đánh cá thuê thì nhờ có thuyền lớn, lưới to và những phương tiện hiện đại khác, một ngày anh ta có thể đánh bắt được 50 kg cá. Người chủ thuyền, hay nói rộng ra là người sử dụng sức lao động, sẽ trả cho anh nông dân mà nay đã thành ngư dân này nhiều hơn 5 kg cá, ví dụ 10 kg (nếu không, anh ta đi làm thuê làm gì?). Trong khi đó Karl Marx và những người ủng hộ trung thành của ông ta tính ra rằng khấu hao tài sản của người chủ tàu chỉ là, ví dụ, 30 kg cá thôi và họ liền kết luận 10 kg cá còn lại là giá trị thặng dư, là người chủ thuyền bóc lột người lao động mà có.


Ngớ ngẩn đến thế là cùng.


Về phía người nông dân, nếu không được trả công cao hơn lúc làm một mình thì người nông dân kia có đi làm thuê cho chủ thuyền hay không? Tương tự, có thể hỏi những người nông dân ở Thanh Hóa, Nghệ An… vào Bình Dương làm thuê làm gì nếu thu nhập ở đó chỉ bằng thu nhập khi họ làm ruộng ở quê nhà?


Về phía người sử dụng lao động, người ta bỏ tiền đóng thuyền, mua lưới và các dụng cụ khác làm gì nếu sau một chu kỳ lao động họ lại thu được số tiền đúng bằng số tiền đã bỏ ra? Đó là không tính tới những lần thua lỗ.


Trong ví dụ bên trên, anh nông dân đã được trả công là 10 kg cá, trong khi người chủ tàu được “lãi” 10 kg cá. Vậy thì đây là cộng sinh hay bóc lột? Và ai bóc lột ai?


Những người đã từng giảng đến rách mép cái công thức ấy không thể nào trả lời được câu hỏi bên trên. Nhưng họ lại rỉ tai những người công nhân đang ù tai vì tiếng động cơ/máy móc rằng “Các anh bị bọn tư bản bóc lột đến tận xương tủy. Hãy vùng lên. Đấu tranh này là trận cuối cùng. Hãy tước đoạt của những kẻ đã và đang tước đoạt các anh. Một ngày không xa, khi thế giới đại đồng các anh sẽ làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”.



“Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”


Đó là lời hứa vô căn cứ vì lý do con người, cho đến nay, là sinh vật duy lý và tư lợi, muốn thỏa mãn một cách cao nhất những nhu cầu của mình với ít đau khổ nhất, hay nói nôm na là muốn ăn mà không muốn làm. Chính vì thế người ta mới lừa dối nhau, tranh giành nhau, giết hại nhau; các quốc gia thì gây chiến tranh hao người tốn của với nhau để tranh giành đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Nếu được làm theo năng lực mà lại được hưởng theo nhu cầu thì bạn có thức khuya dậy sớm, có cố gằng học cho bằng được một kỹ năng hay một môn ngoại ngữ nào hay không? Bạn có bắt con, em mình đi học thêm đến mụ người như hiện nay hay không? Và nói chung là có cố gắng tiết kiệm, cố gắng làm bất cứ chuyện gì hay không? Câu trả lời tất nhiên là không! Bạn không, tôi và những người khác tất nhiên là cũng không!


Khi mọi người đều không cố gắng làm bất cứ chuyện gì thì lấy đâu ra mà hưởng thụ? Đấy là chưa nói hưởng theo nhu cầu, ngày nào cũng tôm hùm, trứng cá hồi đen, thịt bò Úc, rượu vang Pháp, whisky Scotland… Cá nhân tôi, nếu được hưởng theo nhu cầu thì không những chỉ ăn những món ngon như thế mà thìa dĩa cũng phải bằng bạc nguyên chất, bồn tắm mạ vàng, mỗi năm phải đi Hawaii tắm biển vài lần. Và làm sao đáp ứng được cái nhu cầu khủng khiếp như thế của tất cả mọi người?


Đây là lúc chúng ta bàn về nguồn lực. Nói chung, tất cả các nguồn lực, kể cả thời gian sống của một con người, đều là của hiếm và có giới hạn. Hiện nay mới chỉ có đa số người dân ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật, Australia, New Zealand và một phần dân chúng ở một số nước khác là có cuộc sống xứng đáng với đời sống của con người mà thôi. 3 tỷ người hiện sống với thu nhập chưa tới 2 USD một ngày, trong đó 1,2 tỷ người có thu nhập chưa bằng nửa số đó; 2 tỷ người sống thiếu điện, 1,5 tỷ người thiếu nước sạch. Thế mà tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, nước và không khí đã bị ô nhiễm trầm trọng. Chỉ cần hơn một tỉ dân Trung Quốc và hơn một tỉ dân Ấn Độ được hưởng mức sống như người dân Tây Âu thì thế giới chắc chắn sẽ mất cân bằng thật sự, thậm chí là cạn kiệt tài nguyên và loài người có thể bị diệt vong.


Như vậy là, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu là lời hứa vô trách nhiệm, quá nhảm nhí, một cái xã hội không tưởng, không thể nào xứng đáng với một người tự nhận hay vẫn được coi là triết gia biện chứng số một. Nhưng tác hại và di hại của nó thì vô cùng khủng khiếp. Những nước mắc phải cái bẩy xã hội hoàn hảo này đã phải gánh chịu biết bao nhiêu đau thương, cả về người, về của, lẫn đạo đức, phong tục.



Vĩ thanh


“Ở đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập nghĩa là chết đói một cách từ từ.”


Lịch sử nhân loại là lịch sử của quá trình vươn tới tự do, vươn tới trạng thái ngày càng tự do hơn. Không cần đọc lịch sử, cũng chẳng cần đọc triết học cũng có thể cảm nhận được điều này. Có thể nói, hiện nay những người trên bốn mươi tuổi ở nước Việt Nam đều cảm thấy chân trời tự do ngày càng mở rộng ngay trước mắt mình, làn gió tự do đang mơn man ngay trên da thịt, tuy chân trời chưa thật rộng và làn gió tư do chưa đủ mạnh như một số người mong muốn. Và, điều đặc biệt là càng tự do hơn thì chúng ta càng sung túc hơn. Mức độ tự do của xã hội quyết định mức độ thịnh vượng của xã hội đó.


Nhưng, có thể nói, bằng tuyên bố “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là xoá bỏ chế độ tư hữu”, Marx và các đồ đệ của ông ta muốn đưa nhân loại vào chế độ nô lệ toàn triệt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, như lịch sử thành văn đã cho thấy, ngay cả thời của các pharaoh, trong các chế độ nô lệ hay các bạo chúa khủng khiếp nhất vẫn có những người giữ được khoảng cách nhất định với nhà nước, giữ được quyền tự kiếm sống. Khi nhà nước nắm tất cả phương tiện sản xuất thì không có cá nhân nào còn được độc lập với nhà nước nữa.


Leon Trotsky, một trong những lãnh tụ của cuộc Cách mạng Tháng mười Nga từng nói “Ở đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập nghĩa là chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ không làm việc thì không được ăn, đã được thay bằng nguyên tắc mới không vâng lời thì không được ăn”.



Xã hội loài người, nếu thực hiện triệt để nguyên tắc này của ‘Tuyên ngôn của Đảng cộng sản’, sẽ trở thành một tổ mối vĩ đại với những con người chẳng còn chút nhân tính nào, tức là trở thành những con vật vẫn đi bằng hai chân, nhưng không phải giống người trong quan niệm của chúng ta hiện nay.




“Vô sản toàn thế giới hãy tha tội cho tôi.”


Lý thuyết về giá trị lao động và công thức tính giá trị thặng dư là hoàn toàn sai, còn lời hứa về “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” là hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng đây lại là những khẩu hiệu tuyên truyền, kích động, là động lực của “đấu tranh này là trận cuối cùng”. Giai cấp công nhân, được những đồ đệ của Marx — thực ra đều là những người chỉ biết lý thuyết suông, chưa từng sản xuất hay kinh doanh bất cứ thứ gì — kích động, đã làm được những cuộc cách mạng bạo lực long trời lở đất và đã thiết lập được các chế độ chuyên chính vô sản với kinh tế tập thể là chủ đạo. Nhưng hóa ra kinh tế tập thể và kế hoạch hóa, không sử dụng cơ chế thị trường, không thể phân bố một cách hiệu quả các nguồn lực. Xã hội lâm vào khủng hoảng thiếu thốn triền miên. Tình trạng khủng hoảng kinh tế thường trực như thế sẽ dẫn đến những lời kêu gọi kế hoạch hóa nhiều hơn nữa. Nhưng kế hoạch hóa kinh tế thù địch với tự do. Vì trong xã hội tự do, người ta không thể đồng ý với nhau về một kế hoạch duy nhất, việc tập trung hóa quá trình ra quyết định về kinh tế phải song hành với tập trung hóa quyền lực chính trị vào tay một nhóm nhỏ. Cuối cùng, thất bại của kế hoạch hóa tập trung trở thành hiện tượng không thể nào phủ nhận được, các chế độ toàn trị thường bịt miệng những người bất đồng chính kiến — đôi khi bằng những vụ giết người hàng loạt. Đàn áp và dối trá gia tăng. Còn thiếu thốn thì càng tạo ra nạn ăn cắp, móc ngoặc và hối lộ. Thiệt hại lớn nhất mà chủ nghĩa xã hội gây ra không phải là kinh tế mà là tinh thần.


Cuối cùng, tất cả các nước từng đi theo con đường mà Marx và các đồ đệ của ông ta vẽ ra đều phải quay trở về với chế độ dân chủ và kinh tế thị trường tự do. Nhưng, do con người trong những xã hội đó đã quen với lối sống tùy tiện, vô đạo đức, hối lộ, móc ngoặc, coi thường pháp luật, cho nên ở các quốc gia đó người ta thường coi chế độ dân chủ và nền kinh tế tư bản là cực kỳ vô liêm xỉ. Có thể nói, chủ nghĩa xã hội chính là con đường rất dài và đầy đau khổ để đi từ chủ nghĩa tư bản có trật tự sang chủ nghĩa tư bản hoang dã. Cách đây 40 - 50 năm người ta đã thấy trên bàn sinh viên trong trường đại học ở Đức có câu “Vô sản toàn thế giới hãy tha tội cho tôi”.



Tác giả: Phạm Nguyên Trường

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page