Chuyện Lý Chiêu Thánh nhường ngôi cho Trần Cảnh, chuyển giao quyền lực từ họ Lý sang họ Trần, đã có nhiều người biết. Tuy vậy, quá trình sụp đổ của triều đại Lý đã bắt đầu từ trước đó khá xa, và lắt léo không thua gì thời kì Tam Quốc.
Cổng vào di tích Cố đô Hoa Lư dịp lễ hội Hoa Lư 2019. Ảnh: Việt Nam Hội Nhập
Bắt đầu từ trước thời điểm Lý Chiêu Thánh cởi hoàng bào tầm nửa thế kỉ. Lúc này là năm 1175, khoảng thời vua Lý Anh Tông băng hà. Triều đình nổi lên tranh đoạt giữa hai người thừa kế: hoàng tử Long Sưởng, và hoàng tử Long Trát. Tuy Long Trát mới chỉ có… 3 tuổi (tính cả tuổi mụ), nhưng lại trở thành người chiến thắng, vì tuổi nhỏ dễ khống chế. Long Trát - đời sau gọi là Lý Cao Tông, sinh ra và lớn lên dưới sự giật dây của bốn đời phụ chính: Tô Hiến Thành, Đỗ An Di (cậu ruột), Ngô Lý Tín, và Đàm Dĩ Mông (anh vợ).
Cuối thế kỉ 12 đánh dấu thiên tai xảy ra khắp nơi, trích ĐVSL & ĐVSKTT
1189: Mùa xuân, tháng 2, [...] Động đất
1192: Mùa hạ, tháng 6, động đất.
1194: Mùa đông, tháng 10, mưa đá, có tảng to bằng đầu ngựa.
1195: Mùa xuân, tháng 2, động đất. Tháng 5 lại có trận động đất nữa. Có nạn dịch lớn.
1197: Mùa hạ, tháng 6, hạn.
1198: Mùa thu, tháng 7, nước lớn.
1199: Mùa hạ động đất. Mùa thu, tháng 7, nước to, lúa mạ ngập hết. Đói to.
1200: Cuối mùa hạ động đất.
1202: Mùa xuân, tháng 3, động đất. Mùa hạ, tháng 6 động đất.
1205: Tháng 9, [...] núi Lãm sụp đổ.
1208: Đói to, người chết đói nằm gối lên nhau.
Trong vòng chưa đầy 20 năm, thiên tai dày đặc, có những năm tới hai nạn. Vậy Lý Cao Tông (lúc này đã trưởng thành) chủ yếu làm gì?
1197: Xây cất cung Nghênh Thiềm và hành cung hơn 100 sở.
1203: [...] dựng điện Thiên Thụy. [...] Cái công việc kiến trúc đẹp đẽ này buổi xưa chưa có.
1205: Điện Thiên Thụy xây cất hoàn thành, nhà vua cho quần thần ba ngày dự yến tiệc để mừng về công cuộc mới làm xong ấy.
1206: [...] nhà vua lại thích đi chơi, đường xá mắc nghẽn không còn chỗ nào có thể qua được. [...] Lại lấy xấp lụa có bao sáp ong ở ngoài cùng với các loài hải vật đem thả chìm vào trong hồ, xong sai người lặn vào trong nước mà lấy rồi cho là vật của Long cung dâng hiến. Một hôm vua đi chơi ở nơi cái hồ ấy, nghe ngoài thành có kẻ bị đánh cướp mới kêu la lên, mà nhà vua còn mê chơi một cách thong thả, nên giả vờ không nghe.
ĐVSL bình luận: “Kho đụn nhà nước thì tiền của chất chứa như núi mà trăm họ thì than thở oán trách, giặc cướp nổi lên như ong”. Khoảng thời gian này có hơn chục cuộc nổi dậy, nhưng Lý Cao Tông chỉ đơn giản sai phụ chính đi đánh dẹp, góp phần tăng mâu thuẫn trong xã hội và sản sinh quân phiệt địa phương.
Trong một thời kì giống của Hán Linh đế, khi vua không còn anh minh, tất dẫn tới nội đấu giữa các phe quan văn, quan võ, và không thể thiếu hoạn quan.
Trong cảnh đói kém và thói xa xỉ dưới thời Lý Cao Tông, lúc này triều đình của vua đang làm gì?
ĐVSL nói về việc quần thần gàn vua xây điện Thiên Thụy năm 1203:
“Thần xin bệ hạ [...], trước cốt sửa mình, tu đức, sau hãy khởi công xây dựng là phải. Vua nín lặng hồi lâu rồi hỏi hoạn quan là Phạm Bỉnh Di. Phạm Bỉnh Di nói rằng: “Gác mới làm mà chim thước đến làm tổ, đẻ con, đó là điềm trời ban cho bệ hạ được dòng dõi trăm đời”. Vua được đẹp lòng, sai sửa sang điện gác mau chóng, trăm họ vì thế càng khốn khổ.”
Chúng ta thấy tình tiết quen thuộc: sự hoang phí của vua thường do các hoạn quan nịnh thêm. Vậy tại sao các “hôn quân” lại hay tin dùng hoạn quan vậy?
Trước hết, hãy điểm lại hệ thống phe cánh trong một triều đình phong kiến bất kì. Có tối thiểu 6 phe, bao gồm:
Họ vua (hoàng thất)
Họ mẹ vua (ngoại thích đằng thái hậu)
Họ vợ vua (ngoại thích đằng hoàng hậu & nguyên phi)
Quan võ
Quan văn
Quan hoạn.
Trong các phe trên, phe số 1 lại hay làm phản; anh em khó hòa thuận nếu gia sản của bố quá to. Bản thân Lý Cao Tông chịu 2 lần cướp ngôi bất thành của ông anh khác mẹ (hoàng tử Long Sưởng). Trước đó 150 năm, Lý Thái Tông cũng phải dẹp loạn Tam vương mới vững ngai vàng. Nên độ tin cậy của vua lên hoàng thất có khi lại thấp nhất.
Phe số 2 - ngoại thích thái hậu, thường rất chuyên quyền. Cần nhớ thời Đinh - Lê - Lý, các vua đều có nhiều hơn một hoàng hậu. Do đó mỗi hoàng hậu đều có nhiều đối thủ chính trị, kể cả sau khi con trai họ lên làm vua. Trường hợp mẹ vua Lý Cao Tông (thái hậu Linh Đạo), thì đối thủ trực tiếp của bà (mẹ hoàng tử Long Sưởng) cũng được phong thái hậu Chiêu Linh. Điều này dẫn tới bà Linh Đạo chọn em trai mình (Đỗ An Thuận) làm Thái sư phụ chính. Người thời bấy giờ kinh sợ cái oai quyền của ông, phong một người cùng họ khác (Đỗ Kính Tu) làm thầy vua, đảm bảo bà Chiêu Linh không thể làm gì.
Khi quan quyền rơi hết vào họ Đỗ, thì vương quyền của Lý Cao Tông sẽ giảm. Để cân bằng cán cân quyền lực, năm 1188 Cao Tông phong Ngô Lý Tín làm phụ chính đời kế tiếp Đỗ An Thuận, thay vì cho Đỗ Kính Tu nối tiếp.
Phe số 3 và 4 - họ vợ vua và võ tướng, lại thường là một giuộc. Điều này không quá lạ, vì do võ tướng có sức mạnh quân sự, họ luôn là nhân tố bất ổn, buộc vua phải ràng buộc bằng hôn nhân. Ngay Lý Thái Tổ cũng vốn là Điện tiền cận vệ, được Lê Đại Hành gả con gái trưởng, không may là họ Lê vẫn bị họ Lý lật kèo.
Phe số 5 - quan văn. Quan văn ghét quan võ thì không phải nói, quan văn nói xấu ngoại thích lũng đoạn triều đình cũng không cần bàn. Người ta nói kẻ thù của kẻ thù thì là bạn, vậy kẻ địch của quan võ và ngoại thích liệu có phải bạn của vua hay không? Câu trả lời là… chưa chắc. Cao Tông hẳn đã muốn dùng quan văn để làm đối trọng với các phe cánh khác, qua việc tổ chức thi tuyển các năm 1193, 1196, và 1199. Tuy nhiên hẳn là việc đào tạo quan văn này không ý nghĩa lắm trong thời loạn, và Cao Tông vẫn cần đến võ tướng, khi ông ta giao chức phụ chính cho Đàm Dĩ Mông, anh vợ kiêm Tả Hưng thánh đô, để dẹp thành công 3 cuộc nổi dậy trong năm 1192-3.
Tóm lại, trong một thời kì loạn lạc, vua không dám tin hoàng thất, dùng quan văn thì không đủ, muốn tách khỏi đám quan võ kiêm ngoại thích cũng chẳng xong, vậy thì còn lại phe cuối cùng - hoạn quan. Khác với quan văn xuất thân quý tộc, hoạn quan là những người nghèo khổ, chấp nhận tiến thân bằng mọi thủ đoạn. Việc họ thân cô thế cô giữa triều đình toàn quý tộc, khiến hoạn quan trở thành phe dễ được hoàng đế sủng ái nhất, vì họ… trung lập.
Hai cái tên Phạm Bỉnh Di và Đàm Dĩ Mông - những nhân vật sẽ đóng vai trò then chốt trong sự suy vong của triều Lý
Triều đại Lý Cao Tông đã từng có một hoạn quan kiêm quan võ là Vương Nhân Từ. Hoạn quan được tin dùng tiếp theo là Phạm Bỉnh Di, vì ủng hộ việc vua xây điện Thiên Thụy như đã nêu. Phạm Bỉnh Di năm 1207 được vua phong chức Thượng phẩm phụng ngự, cầm quân ở châu Đằng, đánh giặc Đoàn Thượng. Đến đây chúng ta có thể thấy cách cân bằng các phe phái của Lý Cao Tông: ít dùng hoàng thất, lấy quan văn kiềm chế ngoại thích họ thái hậu, lấy quan võ nhà vợ để đánh giặc, và cuối cùng dùng hoạn quan để dần thay thế quan võ.
Mục tiêu cuối cùng của Cao Tông là đưa hoạn quan thành phe mạnh nhất triều đình, một phe không thể làm phản vì thứ hạng xã hội của họ quá thấp, lại thế cô khó kéo bè đảng. Đây cũng là cách mà Hán Linh đế thời Đông Hán làm: dùng hoạn quan Thập thường thị để kiềm chế cả đại tướng quân Hà Tiến và các quan văn.
Kế sách nói trên đã thành công một nửa, khi năm 1209 Phạm Bỉnh Di đánh Đoàn Thượng thành công và giết được em của Thượng là Đoàn Chủ. Tuy nhiên nửa kia lại thảm bại, và người phá đám là… chính Lý Cao Tông.
Vai trò địa chính trị chiến lược của Ninh Bình và phía nam của nó là Thanh-Nghệ và phân biệt Kinh-Trại
Thời Bắc thuộc, tỉnh Ninh Bình mang tên Trường Châu 長洲, có bốn huyện Văn Dương 文陽, Đồng Thái 銅蔡, Trường Sơn 長山, Kỳ Thường 其常, nổi tiếng với mỏ vàng. Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, và đổi tên Hoa Lư (thuộc Trường Châu cũ) thành phủ Trường An 長安. Về sau Trường An được đọc chệch thành Tràng An (hiện ở Ninh Bình vẫn còn di tích Tràng An - Bái Đính) hoặc Trường Yên (Ninh Bình được gọi là phủ Trường Yên từ thời Trần cho tới hậu Lê). Cuối thời Lý, Ninh Bình còn mang tên châu Đại Hoàng hay Đại Hoàng Giang, là do sông Hoàng Long - biên giới tự nhiên giữa hai tỉnh Ninh Bình và Hà Nam.
Hãy trở lại ở cái tên Trường An, vì nó vốn phỏng theo địa danh cùng tên 長安 ở Trung Quốc. Trường An là thủ đô triều Tây Hán, và là điểm dừng chân cuối cùng của con đường tơ lụa từ Trung Á chạy vào Lương Châu. Điều đó không chỉ có nghĩa Trường An nắm huyết mạch thương mại, mà từ đây tiến sang phía tây ngàn dặm là rời khỏi bán kính của văn hóa Hán - bước vào thế giới của người Hồ.
Vây tại sao Lý Thái Tổ lại coi Hoa Lư - Ninh Bình như một Trường An của Đại Cồ Việt? Xét địa lý, phía nam Ninh Bình được tách rời với phần còn lại của đất nước bởi đèo Tam Điệp. Vượt qua Tam Điệp là vào Thanh Hóa, đây cũng là biên giới tự nhiên của hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thời Hán thuộc. Trường An của nhà Tây Hán là nơi phân tách giữa Hán và Hồ, còn Trường An của nhà Lý là nơi chia cắt người Kinh (kinh đô) và Trại (biên viễn, tính từ Thanh Hóa trở vào). ĐVSKTT năm 1256 viết: “Hồi quốc sơ, cử người chưa phân kinh trại, người đỗ đầu ban cho [danh hiệu] trạng nguyên. Đến nay, chia Thanh Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại.” Xét chính trị, sự phân chia Kinh-Trại đã có từ thời Lý Thái Tổ, chứ không đợi đến Trần Thái Tông.
Đèo Tam Điệp.
Tuy nhiên, sự phân chia này còn mang tính tôn vinh cố đô Hoa Lư với tầm vóc ngang cố đô Trường An phồn thịnh của Trung Hoa. Góc nhìn trước tới nay bị cuốn theo Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ quá nhiều, với nhận định “thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác”. Tuy nhiên cần xem lại tại sao hai triều đại có hoàng đế đầu tiên của Đại Cồ Việt - khởi đầu bằng Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, đều có kinh đô tại Hoa Lư. Phải là một đô thị phát triển mới làm được chỗ đứng cho Đinh Tiên Hoàng đánh bại 12 sứ quân. Và nếu Hoa Lư “không đủ làm chỗ ở của đế vương”, nó sẽ không thể làm cơ sở cho triều đình Lê Đại Hành đánh bại Bắc Tống năm 981 đang còn hùng mạnh.
Dĩ nhiên nếu nói Ninh Bình xứng danh Trường An, thì nói Thanh-Nghệ là đất Trại cũng không phải là chê. Xứ Trại vốn là điểm dừng chân quan trọng của hai con đường thương mại chính ở Đông Dương: con đường biển từ Chiêm Thành lên cửa biển Kỳ La, nay là làng Nhượng Bạn tỉnh Hà Tĩnh, nhưng thời Lý vẫn được tính vào châu Nghệ An, và con đường mòn từ Lục Chân Lạp (còn gọi là nước Văn Đan) lên núi Vụ Thấp (còn gọi là núi Vụ Ôn), nay là núi Vụ Hương tỉnh Hà Tĩnh thì chính là đường mòn Hồ Chí Minh ngày nay, và Trần Trọng Dương - Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong. Tuyến đường Thanh-Nghệ vào Ninh Bình thời xưa có lẽ đã sầm uất gần bằng con đường tơ lụa nối liền Trung Á và Trung Quốc. Đây là địa bàn cạnh tranh khốc liệt giữa Đại Việt và Chân Lạp để giành độc quyền thương mại. Bia khắc Cự Việt quốc thái uý Lý công thạch bi minh tự 鉅越國太尉李公石碑銘序 chép tướng Đỗ Anh Vũ từng đánh giặc Chân Lạp tại đây năm 1135. Chân Lạp trở lại cướp vào năm 1150 nhưng không thành.
Có thể nói sự giàu có của Hoa Lư Trường An, và sự thành công của nước Đại Cồ Việt có công không nhỏ bởi những thương buôn Thanh Nghệ mang sản vật qua lại giữa nước Việt và Chiêm Thành - Chân Lạp.
Một hệ quả tất yếu là sự giàu mạnh của phủ Trường An đương nhiên bị buộc vào Thanh-Nghệ ở ngay sát, đặc biệt khi cả ba châu này đều không có đồng bằng phù sa lớn như Thăng Long, khó tự cung tự cấp. Năm 1203, Nghệ An bị Chiêm Thành vào cướp phá, có lẽ khủng hoảng này dẫn tới Trường An nổi loạn liên tiếp.
Vua Chiêm Thành
ĐVSKTT chép về nhân vật này vào năm 1203:
“Mùa thu, tháng 7, Điện tiền chỉ huy sứ tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh 杜清 và châu mục là Phạm Diên 范延 tâu rằng: "Vua nước Chiêm Thành là Bố Trì 布池 bị chú là Bố Điền 布田 (ĐVSL chép là Bố Do 由. Chữ Điền 田 và Do 由 khá giống nhau) đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La 機羅 (còn gọi Kỳ La, nay là làng Nhượng Bạn tỉnh Hà Tĩnh), ý muốn cầu cứu". Tháng 8 vua sai Đàm Dĩ Mông 譚以 và Đỗ An 杜安 đi liệu tính việc ấy. Sắp đến cửa biển Cơ La, Đỗ An nói: "Kẻ kia [Bố Trì] đem quân đến đây, lòng nó khó tin được. Tục ngữ có câu: "Lỗ kiến có thể vỡ đê, tấc khói có thể cháy nhà". Nay Bố Trì há phải là lỗ kiến, tấc khói mà thôi đâu". Dĩ Mông nói lại ý ấy với Thanh và Diên, bảo phải phòng bị. Bọn Thanh nói: "Kẻ kia vì hoạn nạn đến xin cầu cứu, còn phải nghi ngờ gì?". Dĩ Mông giận, đem quân về. Thanh và Diên cùng mưu đánh úp Bố Trì để làm kế tự bảo toàn. Mưu tiết lộ, thành ra bị Bố Trì giết. Quân Nghệ An tan vỡ, chết không xiết kể. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về.”
Chuyện trên có vẻ giống những lần Chiêm Thành vào cướp biên giới. Bố Trì đem mang 200 chiếc thuyền cập cảng Cơ La, là một con số khá lớn. Tuy nhiên bối cảnh địa chính trị thời này thì khá là khác. Thế kỉ 11 đánh dấu Chân Lạp vươn móng vuốt ra Đại Việt và đặc biệt là Chiêm Thành, đỉnh điểm là năm 1190 vua Chân Lạp sai một hoàng tử Chiêm Thành (nhưng lớn lên ở Chân Lạp) đi xâm lược Chiêm. Vị hoàng tử này thắng trận, lập chính phủ thuộc địa tại Chiêm Thành. Sau đó anh ta lại phản bội mẫu quốc, tách ra tự lập. Để không bị Chân Lạp trừng phạt, năm 1198 anh ta sai sứ Chiêm Thành sang Đại Việt cống và cầu phong xin làm chư hầug, vì “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Chuyện này thật ra xuất hiện rất nhiều, ví dụ Nguyễn Phúc Ánh dâng cây vàng cây bạc cho vua Xiêm để mượn binh đánh Tây Sơn.
Đến đây các bạn có thể đoán được vị hoàng tử Chiêm này là ai. Bia đá khắc tên anh Vidyanandana hoặc Suryavarman, nhưng sử Việt chép thống nhất cái tên Bố Trì. Về phần Đại Việt, Lý Cao Tông chuẩn tấu thư của Bố Trì, sai sứ sang phong vua nước Chiêm Thành, biến Chiêm Thành thành phiên thuộc của Đại Việt, một thắng lợi ngoại giao mà gần 300 năm sau, khi Lê Thánh Tông bình Chiêm, mới được lặp lại.
Dĩ nhiên Bố Trì không dễ mà ngồi yên trên ngai vàng, khi mà Chân Lạp cũng không muốn mất trắng khoản đầu tư ở Chiêm Thành. Năm 1203, Chân Lạp trợ giúp người chú của Bố Trì là Bố Điền (tên gốc On Dhanapati Grama, cũng là người Chân Lạp gốc Chiêm) trong cuộc nội chiến tranh ngai vàng Champa.
Đến đây thì Bố Trì thua bỏ chạy, phải sang “thiên triều” Đại Việt cầu cứu. Chắc hẳn vị vua trẻ này mang khá nhiều hi vọng khi dắt díu vợ con sang Đại Việt, vì vừa cách đây 4 năm, hai nước vừa liên minh xong. Tuy nhiên, đại diện của vua Lý Cao Tông - phụ chính Đàm Dĩ Mông, đã khước từ trợ giúp, đồng thời kéo quân bỏ đi, đưa Bố Trì, Đỗ Thanh và Phạm Diên vào thế sinh tử.
Chuyện kết thúc như ĐVSKTT và ĐVSL ghi: Bố Trì giết Đỗ Thanh và Phạm Diên, đốt phá Nghệ An, rồi biến mất khỏi dòng chảy lịch sử. Tuy đây chỉ là vài dòng trong sử Việt, nhưng hệ quả nó để lại cho Nghệ An và cả Đại Việt là rất lớn. Như đã bàn ở kỳ 2.5, Nghệ An là cửa ngõ thông thương của Đại Việt vào Chân Lạp và Chiêm Thành, việc mất “con đường tơ lụa” này kéo theo suy thoái kinh tế ở các vùng khác, bao gồm các cuộc làm phản liên tiếp tại Đại Hoàng (Ninh Bình).
Ngoài ra, tại châu Nghệ An, Đỗ Thanh là Điện tiền chỉ huy sứ 殿指揮使 (đứng đầu quan võ) kiêm tri châu 知州 (đứng đầu quan văn), còn Phạm Diên là châu mục 州牧 (đứng đầu các thổ hào địa phương). Tri châu là quan văn do vua cử, còn châu mục là do thổ hào địa phương tự chọn và chỉ xin vua công nhận. Khác biệt này có ít nhất từ thời Hán. Việc bị mất hết lãnh đạo địa phương làm chính trị Nghệ An tổn hại nghiêm trọng. Năm 1208, Lý Cao Tông buộc phải cử một tri phủ mới để thay thế, mang tên Phạm Du. Nhưng Cao Tông không ngờ rằng, chỉ một năm sau, Phạm Du chính là người khiến cơ đồ họ Lý lung lay tận gốc rễ.
Comments