Vận động viên bơi lội huyền thoại với chế độ dinh dưỡng tối ưu và bài học đắt giá cho các vận động viên khác.
Michael Phelps là vận động viên thành công nhất trong lịch sử Thế Vận Hội, nắm giữ kỷ lục về số lượng huy chương vàng Olympic nhiều nhất với 28 huy chương qua bốn kỳ thi đấu (23 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng). Thành tích này một phần nhờ vào chế độ ăn uống và luyện tập cực kỳ nghiêm ngặt.
Tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, “Viên Đạn Baltimore” đã giành được tám huy chương vàng và phá vỡ kỷ lục bảy huy chương vàng tại một kỳ Thế Vận Hội do Mark Spitz lập vào năm 1972. Sau thành công vang dội tại Trung Quốc, Phelps đã trở thành tâm điểm khi anh tiết lộ rằng mình từng tiêu thụ khoảng 8.000 - 10.000 calo mỗi ngày, con số rất khó đạt được đối với các vận động viên từ các quốc gia kém phát triển.
Michael Phelps không chỉ nổi bật nhờ tài năng thể thao mà còn nhờ khả năng tận dụng các cơ hội tài chính từ sự nghiệp của mình. Với giá trị tài sản ước tính khoảng 80 triệu USD, Phelps có khả năng đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ, huấn luyện và chế độ dinh dưỡng cao cấp nhất để tối ưu hóa hiệu suất thi đấu của mình.
Phelps đã ký kết hợp đồng tài trợ với nhiều thương hiệu lớn như Speedo, Under Armour, Visa, Omega, và nhiều nhãn hàng khác. Những hợp đồng này không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà còn cung cấp cho anh các sản phẩm và dịch vụ cần thiết cho việc tập luyện.
Ngoài các khoản tiền thưởng từ việc giành huy chương, Phelps còn kiếm tiền từ việc xuất hiện trong các sự kiện, tham gia các chương trình truyền hình và phát biểu trước công chúng. Phelps đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản đến các dự án kinh doanh, giúp anh duy trì và gia tăng giá trị tài sản của mình.
Chế độ dinh dưỡng của Phelps
Với bữa sáng, anh ăn ba chiếc bánh mì kẹp trứng chiên với phô mai, cà chua, xà lách, hành chiên và sốt mayonnaise, sau đó là ba chiếc bánh pancake sô-cô-la chip. Chưa dừng lại ở đó, sau bánh mì kẹp và bánh pancake, đến lượt một chiếc omelette làm từ năm quả trứng, ba lát bánh mì nướng kiểu Pháp phủ đường, một bát cháo ngô, và hai cốc cà phê.
Tuy nhiên, trên đường đến buổi tập, nếu anh cảm thấy muốn ăn thêm gì đó, anh sẽ dừng lại và ăn thêm.
Với bữa trưa, anh sẽ có nửa ký mì ống, hai chiếc bánh sandwich lớn với giăm bông và phô mai trên bánh mì trắng cùng sốt mayonnaise, và thêm một loạt nước tăng lực.
Trong khi đó, bữa tối bao gồm một cân mì ống với sốt carbonara, một chiếc pizza lớn, và nước tăng lực.
Chế độ này cung cấp khoảng 10.000 calo mỗi ngày, đủ để cho năm người đàn ông trung bình!
“Chỉ có ăn, ngủ và bơi lội, đó là tất cả những gì tôi có thể làm,” vận động viên bơi lội người Mỹ chia sẻ với NBC, sau khi giành huy chương vàng Olympic thứ 11 của mình.
Chế độ dinh dưỡng này giúp Phelps duy trì lượng calo cần thiết để đáp ứng cho 6 giờ tập luyện mỗi ngày, suốt 365 ngày trong năm. Điều này giúp anh luôn ở trạng thái thể lực tốt nhất, kể cả trong những giai đoạn thi đấu căng thẳng với lịch trình dày đặc của các vòng loại, bán kết và chung kết.
Ngay cả trong các cuộc thi, anh vẫn tuân thủ chế độ ăn này để không bị cạn kiệt glycogen — hệ quả của việc không nạp đủ carbohydrate. Nhiều vận động viên thường gặp khó khăn để đạt đến phong độ cao nhất của mình, vì họ không nạp đủ lượng carbohydrate mà cơ bắp cần để duy trì sức mạnh.
Lịch thi đấu đòi hỏi của các lượt bơi loại, bán kết và chung kết trong nhiều sự kiện khác nhau thường khiến vận động viên cạn kiệt năng lượng, nhưng Phelps, người nặng 85kg vào năm 2008, luôn ở đỉnh cao phong độ của mình.
Dù vậy, Phelps chỉ có 8% mỡ cơ thể khi anh đốt cháy 1.000 calo mỗi giờ trong suốt quá trình tập luyện. Cơ chế trao đổi chất của Michael Phelps cực kỳ nhanh hơn nhiều so với người bình thường. Nhanh đến mức anh có thể đốt cháy gần như mọi thứ mà anh ăn vào. Phelps có nói rằng anh thường ăn bất cứ thứ gì mình thích.
Chế độ dinh dưỡng thách thức đối với các vận động viên khác
Chế độ ăn của Michael Phelps giúp anh duy trì lượng calo cao cần thiết để tập luyện và thi đấu ở mức độ cao nhất. Ngược lại, nhiều vận động viên từ các quốc gia kém phát triển không có điều kiện tài chính để duy trì một chế độ ăn tương tự, ảnh hưởng lớn đến khả năng hồi phục và hiệu suất của họ.
Họ cũng phải đối mặt với điều kiện tập luyện kém, thiếu trang thiết bị và cơ sở vật chất, hạn chế sự phát triển kỹ năng và tăng nguy cơ chấn thương, dù họ cũng cống hiến nhiều thời gian và công sức luyện tập.
Michael Phelps, nhờ sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ từ các hợp đồng tài trợ và thu nhập khổng lồ, đã tối đa hóa chế độ ăn uống và duy trì phong độ đỉnh cao. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện điều kiện tập luyện và dinh dưỡng, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính cho các vận động viên từ những quốc gia kém phát triển, để họ có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn trên đấu trường quốc tế.
コメント