top of page
​AD

Người Mỹ Gốc Việt Giúp Đỡ Những Người Tị Nạn Afghanistan: "Chúng Tôi Từng Là Họ"

Phóng viên nhật báo Người Việt tiếp xúc được với gia đình bảo trợ này qua Dự án 75 người Việt cho 75 gia đình tị nạn Afghanistan – do một nhóm người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang Washington lập ra để giúp những người phải di tản khỏi Afghanistan.

Bác sĩ Đỗ Đan Thùy, thứ hai từ phải sang, chụp ảnh với chồng cô, Jesse Robbins, phải, và con trai của họ, Fredrick, Thứ Hai, ngày 20 tháng 9 năm 2021. Do được chín tuổi khi gia đình cô đến Hoa Kỳ từ Việt Nam vào những năm 1980, và ký ức đó đã khiến Do và Robbins tiếp cận để hỗ trợ những người Afghanistan chạy trốn khỏi đất nước của họ. Ảnh: Ted S. Warren


Nằm trong số hàng chục ngàn người được di tản khoảng 20 ngày trước thời khắc Hoa Kỳ rút hẳn khỏi Afghanistan, gia đình một người Afghanistan được gia đình anh Jessie Robbins ở Seattle, Washington, tiếp nhận khi họ vừa đặt chân đến Mỹ.


Vợ của anh Robbins, chị chính là Bác sĩ Đỗ Đan Thùy. Bác sĩ Thùy và em trai là Bác sĩ Đỗ Hải Đăng làm ở phòng mạch Hillman City Medical, nhận khám bệnh hoàn toàn miễn phí cho những người thất nghiệp hoặc không có bảo hiểm tại Seattle trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19.



“Chúng tôi vừa chia tay một gia đình Afghanistan sang Mỹ tị nạn. Họ ở nhà của chúng tôi được một tuần, và đã chuyển sang chỗ khác ổn định hơn rồi,” anh Jessie Robbins, người nhận bảo trợ gia đình người tị nạn Afghanistan, nói với nhật báo Người Việt.


Vì có một căn nhà cho thuê, nhưng đang trống, nên vợ chồng Bác sĩ Thùy ghi danh nhận người tị nạn Afghanistan. Căn nhà này có ba phòng ngủ, hai phòng tắm.


Anh Jessie Robbins và vợ là Bác sĩ Đỗ Đan Thùy và hai con, Sâu và Bọ. Gia đình anh Robbins nhận một gia đình người tị nạn Afghanistan về ở trong vòng một tuần lễ. Ảnh: Jessie Robbins



“Gia đình họ gồm bố mẹ và sáu người con còn nhỏ, đều dưới tuổi vị thành niên,” anh Robbins kể. “Những đứa trẻ rất ngoan, dễ thương. Tôi hay rủ các cháu ra công viên chơi chung với hai đứa nhà tôi. Tụi nhỏ chơi với nhau vui lắm.”


“Dịch bệnh làm xáo trộn cuộc sống của chúng tôi nhiều lắm,” Bác sĩ Thùy kể. “Khi đã có vaccine, tình hình bớt một chút, thì lại xuất hiện biến thể Delta. Chưa xong với Delta, lại thêm việc người tị nạn Afghanistan cần giúp đỡ, nên chúng tôi cũng… hơi bận rộn một chút.”


Gia đình Bác sĩ Thùy nhận người bảo trợ qua hội vô vị lợi Jewish Family Service (JFS).


“Những người tị nạn được JFS lo cho lương thực và các chi phí khác, chúng tôi chỉ giúp họ có chỗ lưu trú vài ngày khi còn ‘chân ướt chân ráo’ mà thôi,” bác sĩ cho biết.


“Mọi chuyện diễn ra rất nhanh,” Bác sĩ Thùy kể tiếp. “Hôm Thứ Hai, vợ chồng tôi liên lạc để nhận người thì đại diện JFS nói chưa chắc, nhưng đến Thứ Tư họ cho biết có gia đình cần chỗ trú ngụ, và qua Thứ Sáu là họ đưa người tới dọn vô ở.”


Không có trở ngại gì về ngôn ngữ, do vợ chồng người Afghanistan này nói tiếng Anh tốt.


“Ông xã tôi cũng quen nói chuyện với những người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, nên chúng tôi rất thuận lợi trong giao tiếp,” Bác sĩ Thùy nói.

Anh Robbins là người Mỹ gốc Philippines, học tiếng Việt ở đại học Washington University. Giỏi tiếng Việt, nên anh nói chuyện với vợ và con bằng tiếng Việt.


“Cô giáo của mình là người gốc Bắc, nên mình nói giọng Bắc,” anh Robbins kể. “Học đại học xong, mình được nhận học bổng ba tháng ở Hà Nội. Học xong, mình cũng tính ở lại Việt Nam để làm việc rồi.”


Người tính không bằng Trời tính. Khi trở về Mỹ, anh bén duyên với Bác sĩ Thùy, một cô gái Việt gốc Bắc. Họ có hai đứa con. Sâu 4 tuổi và Bọ mới 20 tháng tuổi. Bé Bọ bị bệnh tim bẩm sinh, đang chờ cuộc giải phẫu thứ ba để có thể hoàn toàn bình phục. Bác sĩ Thùy cho biết sức khỏe của bé hiện nay khá ổn định.


Con cái là mối lo toan lớn nhất của cha mẹ, nhưng hiện tại, vợ chồng Bác sĩ Thùy còn dành thêm tình cảm và sự quan tâm của mình cho những người tị nạn Afghanistan.


Gia đình này đi, gia đình khác sẽ tới,” anh Robbins cho biết. “Chúng tôi vẫn nói chuyện với JFS và những tổ chức khác xem có người nào cần thì mình lại mời vào ở, vì nhà đang trống mà. Ai cần thì mình phải giúp thôi.”


Ở Seattle đời sống sinh hoạt hơi đắt đỏ, giá thuê nhà cũng đắt hơn chỗ khác, nhưng “đồng vợ đồng chồng,” Bác sĩ Thùy nói vẫn cứ để căn nhà trống ấy cho người tị nạn Afghanistan tá túc.


“Mình cũng đã có kinh nghiệm từ gia đình tám người này rồi, nên muốn giúp nhiều người hơn nữa,” anh Robbins nói.


“Cho đến ngày 31 Tháng Tám, đã có hơn 40 gia đình gốc Việt (chủ yếu ở tiểu bang Washington) nhận lời bảo trợ hoặc giúp đỡ người tị nạn bằng cách này hay cách khác,” cô Thanh Tân, một người trong nhóm thiện nguyện của Dự án 75 người Việt cho 75 gia đình tị nạn Afghanistan nói với nhật báo Người Việt.



“Ai cần thì mình phải giúp thôi!”

- JESSIE ROBBINS



Bác sĩ Đỗ Đan Thùy với chồng cô, Jesse Robbins hỗ trợ những người Afghanistan chạy trốn khỏi đất nước của họ. Ảnh: Ted S. Warren



“Tuy nhiên, không phải ai muốn bảo trợ cũng được, mà sau khi ghi danh, người bảo trợ phải chờ để các cơ quan phụ trách tiếp nhận người tị nạn kiểm tra an ninh và lai lịch. Quy trình này cũng mất khoảng ba đến bốn ngày,” cô Thanh Tân cho biết thêm.


Một trong số những người ghi danh để nhận người Afghanistan mà chưa được trả lời là cô Nguyễn Trần Tố Uyên, chủ nhà hàng Nue ở Seattle, chuyên bán món ăn quốc tế, đồ hải sản.


Cô Nguyễn Trần Tố Uyên, chủ nhà hàng Nue ở Seattle, đã ghi danh để tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. Ảnh: Nguyễn Trần Tố Uyên



“Nhà tôi thì bé tí tẹo thôi, và chỉ có một phòng dư. Nếu tôi đáp ứng yêu cầu nhận người tị nạn, mà họ là cả một gia đình, tôi sẵn sàng thuê chỗ ở rộng hơn, tốt hơn cho gia đình ấy,” cô Tố Uyên cho biết.


Cô là một trong những người con của thuyền nhân vượt biển cách đây hơn 40 năm đi tìm tự do, nên hơn ai hết, cô hiểu tình cảnh của những người tị nạn Afghanistan.


Năm 1985, cô cùng mẹ, người anh lớn, và hai người em lên thuyền vượt biển, lúc đó cô mới 10 tuổi. Trong chuyến đi nghiệt ngã năm ấy, mẹ và hai người em của cô chết trên biển. Cô và người anh hai sống sót. Qua tới Mỹ, họ thuộc diện “trẻ vị thành niên không có người đi kèm” và được một hội của Công Giáo bảo lãnh.


“Hồi mình ở trong trại tị nạn, khi nghe nói được qua Mỹ là mừng quá trời rồi, đâu có nghĩ sẽ được ở phòng có đẹp không, hay là có rộng rãi không, cũng chẳng cần biết người bảo trợ mình là Mỹ trắng hay Mỹ đen, người Việt, hay không phải người Việt. Vì thế ai muốn giúp đừng nên nghĩ về chuyện bị hạn chế này nọ,” cô chủ nhà hàng chia sẻ.


Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng cũng là một trở ngại lớn cho việc tiếp nhận người tị nạn.


“Thật ra cũng có nhiều cách để giúp đỡ người tị nạn,” cô Tố Uyên nói. “Nếu gia đình nào sợ người lạ vào nhà trong thời gian dịch bệnh COVID-19 này, mà muốn giúp đỡ họ thì cũng có thể thuê một AirBnB hoặc khách sạn cho họ ở tạm vài ngày.”


Về món ăn, cũng từ kinh nghiệm bản thân, cô Tố Uyên cho biết: “Bất kể họ ăn uống thế nào, mình cũng có thể chu cấp. Nhưng tôi nghĩ, mình cho họ ăn phở suốt cả ngày, họ cũng mừng lắm rồi.”


Những ngày này, trong khi chờ thông báo xem mình có đủ điều kiện để nhận người tị nạn hay không, cô Tố Uyên vẫn tích cực kêu gọi mọi người mở rộng vòng tay đón nhận những người phải từ bỏ quê hương để làm lại cuộc sống mới trên đất khách quê người, như anh em cô và hàng triệu người Việt tị nạn khác.


“Hồi qua Mỹ, mình nói đâu có ai hiểu, mà người ta cũng giúp đỡ mình, thì bây giờ không hiểu người ta, mình cũng có thể giúp họ mà!” cô nói.



"Không hiểu người ta, mình cũng có thể giúp họ mà!"

- NGUYỄN TRẦN TỐ UYÊN



Một thiện nguyên viên khác trong Dự án 75 người Việt cho 75 gia đình tị nạn Afghanistan là anh Jefferey Vũ, cũng là cư dân Seattle. Gia đình anh đến Mỹ năm 1975, trong đợt người tị nạn đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ.


Kỹ Sư Jefferey Vũ. Ảnh: Jefferey Vũ



Jeffrey Vũ giải thích vì sao anh muốn kêu gọi các gia đình người Việt ghi danh để bảo trợ cho người tị nạn Afghanistan: “Người khác đã cho gia đình chúng tôi cơ hội, nên tôi nghĩ mình nên cho người mới cơ hội. Và bây giờ là lúc chúng tôi phải có hành động trợ giúp.”


Kỹ sư của công ty Boeing cho biết, anh cũng đã ghi danh để đón người tị nạn về nhà mình – một căn hộ chung cư.


Theo yêu cầu của Sáng Kiến Y Tế Afghanistan AHI (Afghan Health Initiative), nơi kết nối các gia đình ở tiểu bang Washington với các gia đình tị nạn Afghanistan, các gia đình bảo trợ cần có không gian an toàn, riêng tư, có phòng tắm riêng và có thể có nhà bếp cho các gia đình đông người. Đối với những người đi đơn lẻ, nhà có phòng riêng có thể được chấp nhận.




“Tôi chưa nhận được thông báo xem mình có đủ điều kiện để bảo trợ người tị nạn hay không, anh Jefferey Vũ nói. “Thật ra nhà tôi chỉ có một phòng ngủ. Nhưng nhà bạn của tôi có thể đón nhiều hơn, khoảng hai đến ba người. Vả lại, những người tị nạn này chỉ cần tá túc vài ngày, hoặc có thể ở lâu hơn, nhưng sau đó họ sẽ được sắp xếp nơi ở ổn định.”


Cũng theo AHI, những người tị nạn đều được kiểm tra sức khỏe trước khi đặt chân đến nước Mỹ. Dù không là yêu cầu bắt buộc, những người này được khuyến khích và tạo mọi điều kiện để chích ngừa COVID-19.


Khả năng tiếng Anh của mỗi gia đình và cá nhân khác nhau. Nhưng theo anh Jefferey Vũ, người chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh, cho biết ngôn ngữ không phải là trở ngại nếu mình tiếp nhận người tị nạn, vì “họ có thể nhờ sự trợ giúp của thông dịch viên nếu cần,” anh nói.



“Giờ là lúc chúng tôi hành động!”

- JEFFREY VŨ



Hầu hết người tị nạn Afghanistan đều theo Hồi Giáo. Chủ nhà không nhất thiết phải có cùng tôn giáo và người bảo trợ cần tôn trọng quyền tự do tôn giáo của những người mình nhận bảo trợ. Ngoài ra, người Afghanistan cũng không ăn thịt heo và không uống rượu.


Người tị nạn sẽ được cung cấp thẻ EBT để mua đồ dùng theo ý họ, nhưng có thể phải mất cả tuần thẻ mới tới tay họ, nên người bảo trợ có thể giúp đưa đón họ đi chợ, nếu muốn. Nhưng với việc này, người bảo trợ cần phối hợp với người quản lý hồ sơ của cơ quan tái định cư.


Theo cô Thanh Tân, những ngày sắp tới có lẽ số người tị nạn Afghanistan tới Mỹ sẽ đông hơn.



Tác giả: Đoan Trang, phóng viên nhật báo Người Việt.

Comentários


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.