top of page
​AD

Tháp Bà Ponagar (Hình Ảnh)

Hòa Nguyễn
Tháp Bà Ponagar nằm ở đường 2/4, cửa sông Cái, thành phố Nha Trang.

Nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ở cửa sông Cái tại Nha Trang, tháp Chăm Ponagar (tên đầy đủ là Yang Po Inư Nagar) là một trong những khu đền tháp Chăm Pa có quy mô lớn và đẹp nhất còn được gìn giữ ở Việt Nam. Ảnh: RedsVN

Dân Đại Việt gọi sông Hồng là sông Cái. Nền văn minh của Lạc Việt từ tiền Đông Sơn đã được phát tích dọc theo sông Hồng. Tương tự như vậy, người Chăm cũng gọi dòng sông ở Nha Trang là sông Cái. Và ở cửa sông có khu đền tháp thờ Nữ Thần Ponagar.


Ponagar dịch theo tiếng Chăm là “Mẹ xứ sở”. Ponagar còn được gọi là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Anagar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Êđê, Jarai có nghĩa là giống cái).



Nữ vương Po Ina Nagar được người Kinh gọi là Thiên Y Thánh mẫu Ana, là vị thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái đất, sản sinh ra gỗ quý, cây cối và lúa gạo, đã dạy người dân biết cày cấy, may vá.


Khu vực Tháp Bà Ponagar gồm 3 phần:



Tầng Tháp cổng (Tầng 1)


Tổng thể kiến trúc của tháp Po Nagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng đầu tiên ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đó có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Ảnh: RedsVN

Hiện nay không còn nguyên vẹn, dấu tích kiến trúc xưa vẫn còn. Đó là những cột trụ, bậc thang làm bằng đá dẫn lối lên tầng hai.



Mandapa - Khu Tiền Đình (Tầng 2)


Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Ảnh: RedsVN

Có niên đại từ thế kỷ 11, đều xây bằng gạch nung. Có 4 hàng cột. Trong đó có 12 cột nhỏ bên ngoài hình bát giác, 10 cột lớn phía trong. Đây là nơi để du khách đến hành hương tĩnh tâm, thư giãn, chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên Bà hành lễ.



Khu đền Tháp (Tầng 3)


Tầng trên cùng là nơi các tòa tháp được xây dựng với hai dãy tháp được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía Tây và Nam. Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn 1. Ảnh: RedsVN

Có tổng là 6 Kalan (tiếng Chăm là đền, tháp).


Hiện nay còn 4 tháp, 2 tháp phía sau đã bị phá hủy, còn lại nền móng. Mỗi tháp có 4 cửa hướng ra Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng chỉ có cửa Đông được mở cho khách hành hương.



Tháp Đông Bắc


Tên gọi “tháp Ponagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ảnh: RedsVN

Đây là tháp chính, cao nhất, khoảng 23m. Được xây dựng năm 813-817, được tu bổ vào thế kỷ 11.


Tấm phù điêu niên đại thế kỷ 11 là một trong những tấm phù đẹp nhất của văn hóa Champa tại Việt Nam.


Phần trong tháp là điện thờ hình vuông với tượng Nữ Thần Ponagar, cũng là tượng của Uma, biểu tượng âm tính của thần Shiva. Theo tín ngưỡng của người Kinh được khoác xiêm y bên ngoài. Hai bên thờ Cô và Cậu.


Bên trong là tượng nữ thần tạc bằng đá hoa cương màu đen ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Vào thời thuộc địa người Pháp đã lấy mất đầu tượng, nay đã được phục chế. Ảnh: RedsVN


Tháp Nam


Bên cạnh tháp chính về phía Nam khoảng 20 mét là một ngôi tháp khác nhỏ và ít trang trí điêu khắc hơn, cao chừng 12 mét, có thể là tháp thờ thần Shiva. Cách tháp này cũng về hướng Nam là một tháp còn nhỏ hơn. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, vị thần thân người đầu voi, con của Shiva. Ảnh: RedsVN

Tháp lớn thứ hai, cao 18m. Đỉnh tháp có đặt một trụ Linga thờ thần Shiva, chồng của Nữ Thần, còn có tên là Tháp Đức ông, xây thế kỷ 13.



Tháp Tây Bắc


Ở dãy tháp phía sau có một ngôi tháp, tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn – Vijaya (Bình Định ngày nay) sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ Sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ 11. Ảnh: RedsVN

Tháp cao thứ 3, khoảng 9m. Thờ thần Ganesha - May mắn, trí tuệ, hạnh phúc. Tháp thờ Cô - Cậu, là con của Nữ Thần. Linh vật chính của tháp là Linga, Yoni. Là nơi cầu muôn vật sinh sôi nảy nở. Cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc, sum vầy. Được xây dựng năm 819, tu sửa thế kỷ 13.



Tháp Đông Nam


Nhìn chung, cả 4 tháp còn lại được xây dựng theo kiểu tháp điển hình của người Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Ảnh: RedsVN

Tháp nhỏ nhất, cao 7,1m. Tháp thờ thần Skandhy, tượng trưng cho sức mạnh và chiến tranh. Tháp thờ ông bà Tiều, người đã cưu mang và nuôi dưỡng Nữ Thần Thiên Y A Nạ.


Hòa Nguyễn sinh ra và lớn lên, đang ở Hà Nội, là kỹ sư, tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội, lịch sử là niềm yêu thích.


Tác giả: Hòa Nguyễn

コメント


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page