top of page
​AD

Thiên Nhiên Cùng Sự Hưng Vong Của Nhà Trần

Nhà nghiên cứu Yomio Sakurai ước tính dân số Đại Việt tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ 1200 đến 1340, lên đến 3 triệu người.

Gốm men ngọc thời Trần.



Khí hậu ấm dần tạo điều kiện thuận lợi


Trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 10 đến 14, vùng Đông Nam Á trải qua một giai đoạn khí hậu ấm hơn thường lệ, tương tự như hiện tượng La Nina. Điều kiện khí hậu này mang lại mưa nhiều và đều đặn hơn, thu hoạch vụ mùa thuận lợi, mang đến ấm no và tạo ra thời kỳ hoàng kim cho các đế quốc Angkor, Pagan.



Lấn Biển Mở Đất


Sự tăng dân số kèm với việc mở rộng nông nghiệp đã dẫn đến việc khan hiếm đất.



Vì vậy mà năm 1266, nhà Trần đã lệnh các quý tộc thu gom những người cơ nhỡ, không đất đai, lập nên các điền trang 田莊.


Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói về điền trang như sau:


"Trước kia, các nhà tôn thất thường sai nô tỳ của mình đắp đê bồi ở bờ biển để ngăn nước mặn, sau hai ba năm, khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau và ở ngay đấy, lập ra nhiều ruộng đất tư trang, cho nên có lệnh này."


初宗室諸家每令私奴婢於瀕海地築堤堰障鹹水二三年後開墾成熟互相嫁取居之多立私庄田土故有是命.


Điền trang sẽ thuộc sở hữu của các quý tộc Trần, như là phần thưởng cho việc lấn biển mở đất, khác với thái ấp 采邑 có từ thời Lý, là đất vua ban và chỉ được dùng trong một đời.


Thời Trần các thái ấp tập trung nhiều ở vùng Đông Triều, gồm Hải Dương và Quảng Ninh, là quê hương của nhà Trần, còn điền trang tập trung nhiều ở Nam Định và Thái Bình, là đất nhà Trần khai hoang.




Lúa Chiêm Ưa Nước Chịu Mặn


Vùng đất mới này sẽ được trồng chủ yếu lúa Chiêm, là loại lúa chịu được mặn, ưa nước, và thu hoạch vào tháng 5 và cho năng suất cao.


Lúa Chiêm là loại lúa xuất phát từ Chiêm Thành, du nhập vào Trung Quốc đời Tống. Lúa Chiêm có thể du nhập vào Đại Việt từ nhà Tống hoặc trực tiếp từ Chiêm Thành.


Lúa Chiêm hẳn đóng góp không nhỏ vào sự tăng dân số thời Trần.



Phát Triển Kinh Tế Của Đông Triều - Trung Tâm Sản Xuất Gốm Sứ và Muối


Vùng đồng bằng phía đông, bao gồm Hải Dương và Quảng Ninh, quê hương của nhà Trần, có lẽ là nơi tăng trưởng nhiều nhất.



Dữ liệu từ nhà Minh cho thấy ở thế kỷ 15, Tân Yên (Quảng Ninh và Hải Dương) đóng góp thuế chỉ sau thủ đô - gồm 18% thuế thương mại, 13% thuế gạo, và 67% thuế muối. Vùng Thanh Hoa có nhiều làng hơn nhưng đóng góp chỉ 5.5% thuế gạo, 4.4% thuế thương mại, và 2.26% thuế muối. Vùng Thái Bình - Nam Định tuy đông dân nhất ngày nay nhưng thời ấy chỉ chiếm 10% dân số, đóng góp 16% thuế gạo, và ít hơn 3% thuế thương mại.


Đông Triều đóng góp mạnh mẽ vào kinh tế nhờ ruộng muối, lò gốm, và thương mại.


Năm 1990, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 100 nền lò đúc trên diện tích 40,000 mét vuông ở mực sâu 2 mét tại làng Vạn Yên, Chí Linh.


Phát hiện cho thấy quy mô sản xuất gốm không hề nhỏ tại vùng Chí Linh cách đây 700 năm, sớm hơn Chu Đậu một thế kỷ.



Đất Chí Linh thuận tiện cho việc sản xuất gốm bởi vị trí gần sông Thái Bình và Quảng Ninh, nơi có nhiều đất cao lanh để làm gốm, sông ngòi và cảng biển dễ vận chuyển hàng hóa. Chí Linh cũng là đất thái ấp của Trần Hưng Đạo. Rất có thể chính Trần Hưng Đạo là người tổ chức và quản việc làm gốm này.


Vùng đồng bằng phía đông (Đông Triều) xưa kia là những cánh rừng thông và rừng lim bất tận. Gỗ lim là loại gỗ lý tưởng cho việc đóng thuyền và gỗ thông rất tuyệt vời cho việc làm gốm sứ bởi loại gỗ này cho ra lửa mạnh và cháy lâu. Phân tích quang phổ Raman trên những mẫu gốm Chu Đậu cho thấy phần đất đã được nung đến 1200-1400 độ C và có đặc điểm của sứ.


Sản xuất gốm sứ tại Vạn Yên và Chu Đậu có quy mô tầm cỡ trên diện tích 140 000 mét vuông. Cần bao nhiêu nhiên liệu để duy trì một quy mô sản xuất khổng lồ như thế?



Dùng lò Cảnh Đức Trấn tại Giang Tây để tham khảo thì cứ 1000 sản phẩm cần 80-100 thân gỗ lim. Thiên Công Khai Vật 天工開物 thời Minh chép rằng cứ 50 cân nhiên liệu sẽ cho ra 65 cân gốm. Câu nói dân gian ở Cảnh Đức Trấn "một dặm lò, mười dặm rừng" (Yi li yao, shi li jiao’). Như vậy hai thế kỷ sản xuất gốm tại Vạn Yên có khả năng huỷ hết các rừng thông quanh vùng Chí Linh. Chu Đậu cũng có quy mô tầm cỡ không kém Chí Linh.


Từ 1997 đến 1999, các nhà khoa học đã tìm được 240,000 sản phẩm sứ nguyên vẹn tại một chiếc thuyền đắm tại Cù Lao Chàm, cùng với hàng nghìn mảnh vỡ. Để sản xuất số lượng sản phẩm này, một lượng lớn cây thông hẳn đã được đốn. Và đây chỉ là một trong số hàng trăm chiếc thuyền qua lại giữa vùng Đông Á và Tây Á từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16.


Ngoài ra, nhu cầu lớn đã dẫn đến rất nhiều thợ nghiệp dư tham gia làm gốm. Các mẫu sứ Việt từ thuyền Pandanan ở Philippines cho thấy chất lượng cách xa nhau rất nhiều. Kerry Nguyen-Long cho rằng chúng được làm từ các xưởng khác nhau, biểu hiện một ngành công nghiệp "overstretched", với số nghệ nhân thực thụ không đủ đáp ứng nguồn cầu. Các thợ nghiệp dư sẽ phí lửa hơn rất nhiều và như vậy lượng củi cần đốn cũng sẽ tăng.



Ngoài ra, Chí Linh còn là vựa muối của triều đại. 67 phần trăm thuế muối của An Nam đến từ vùng này. Việc sản xuất muối cũng cần củi lửa.



Chùa Chiền Xây Khắp Nơi


Một lượng lớn chùa chiền cũng được xây dựng vào thời Trần. Lê Quát trong 'Bắc Giang Bái thôn Thiệu Phúc tư bi kí' 北江沛村紹福寺碑記 viết:


"Hễ nơi nào có nhà ở, là ắt có chùa chiền, bỏ rồi lại dựng, hỏng rồi lại sử, số chuông trống lâu đài chiếm gần một nửa dân cư."


有人家處必有佛寺,廢而復興,壞而復修,鐘鼓樓臺,與民居殆半.



Truyền Kỳ Mạn Lục đời Trần cũng có đoạn chép:


"Những ngôi chùa mọc lên khắp nơi. Những người cạo đầu để đi tu bằng một nửa dân số. Đặc biệt là ở huyện Đông Triêu, tín ngưỡng rất mạnh. Các ngôi chùa được xây dựng ở khắp mọi nơi: có hơn mười ngôi chùa ở mỗi làng lớn, và những làng nhỏ hơn cũng có từ năm đến sáu ngôi. Các ngôi đền được bảo vệ ở bên ngoài, và được sơn son hoặc mạ vàng bên trong."


Pháp Loa là đồ đệ của Trần Nhân Tông cho xây dựng chùa Quỳnh Lâm trên Yên Tử. Chùa Quỳnh Lâm gồm 33 toà, có 15000 sư sãi sinh sống. Những ngôi chùa này cũng là trung tâm cho nông nghiệp và chế tạo hương phẩm như nhang. Hương phẩm đứng đầu danh sách cống phẩm từ Đại Việt sang Trung Quốc suốt nhiều thế kỷ. Pháp Loa cũng cho đúc 1300 tượng phật đồng. Tất cả những hoạt động này đều cần củi gỗ. Việc đốn rừng có thể đã vượt quá khả năng tái sinh tự nhiên.


Các hoạt động của con người từ thế kỷ 12 đến 15 đã ảnh hưởng mạnh đến thiên nhiên vùng sông Bạch Đằng nói riêng và châu thổ sông Hồng nói chung. Ngày nay vùng sông Bạch Đằng đã bị bóc mòn, chỉ có đồi trống và sỏi đá, dù trước kia đây từng là những rừng thông rừng lim bạt ngàn.



Thiên Tai và Khởi Nghĩa


Như đã nói ở trên, hiện tượng khí hậu ấm hơn như La Nina đã đem lại nhiều mưa hơn cho vùng đất. Thế kỷ thứ 11-12 chỉ ghi nhận 5, 6 sự kiện lũ mỗi trăm năm. Nhưng thế kỷ 13 đã ghi nhận đến 16 sự kiện lũ.


Đập Đỉnh Nhĩ được xây dựng năm 1248 để ngăn lũ. Đến thế kỷ 14, hệ thống đê đập của nhà Trần đã hoàn thành.


Tuy nhiên, những đê đập được xây bởi nhà Trần đã thay đổi dòng chảy của sông Hồng, làm giảm đáng kể lượng nước chảy về phía Đông Triều theo hướng sông Bạch Đằng.



Từ 1260s trở đi, hạn hán được ghi nhận nhiều hơn trước, tồi tệ nhất là hạn hán năm 1290 và 1291 khiến nhiều người chết đói, xác vứt trên đường.


Từ năm 1343 rất nhiều khởi nghĩa nổ ra ở vùng Đông Triều, nơi tập trung quý tộc nhiều nhất. Đa số những người nổi loạn là nô bộc.


Tại sao nhiều khởi nghĩa lại nổ ra ở vùng ấy? Vì hạn hán xảy ra nặng nề nhất tại vùng Đông Triều bởi đập Đỉnh Nhĩ và những dự án khống chế lũ khác đã làm giảm lượng nước sông Hồng chảy đến Đông Triều.


Khác với những vùng đồng bằng khác tại Đông Nam Á xoay mặt về hướng nam, vùng châu thổ sông Hồng lại xoay mặt về hướng đông. Khi mùa đông quá lạnh, gió mùa đông bắc thổi thẳng về hướng nam, bỏ qua vùng phía đông, không mang lại mưa.


Về phía Nam, đất Chiêm Thành không gặp nạn đói khủng khiếp như Đại Việt. Kinh tế Chiêm Thành dựa vào thương mại là chính. Dân số Chiêm Thành không tăng nhiều như dân số Đại Việt qua 2 thế kỷ nông nghiệp thuận lợi. Chiêm Thành bấy giờ không cần phải cung cấp lương thực cho một lượng dân số lớn như Đại Việt, vì vậy xã hội ổn định hơn.


Tình thế này cũng giải thích vì sao đến cuối thế kỷ 14 có khá nhiều sự kiện Chiêm Thành xâm lược Đại Việt, đánh được đến cả kinh thành Thăng Long.




Vạn Yên, Chu Đậu mất, cảng Vân Đồn cũng suy


Nền tảng kinh tế, thương mại thời Trần hẳn bị phá hỏng nặng nề bởi thiên tai, nạn đói, và khởi nghĩa. Thời hoàng kim của lò sứ Vạn Yên cũng kết thúc với những cơn hạn hán và những cánh rừng thông dần mất đi. Lò Chu Đậu tiếp nối ở thế kỷ 15 rồi cũng suy thoái ở thế kỷ 16. Trải qua hàng thế kỷ, ít ai còn nhớ đến thời hoàng kim của nghề làm gốm sứ nơi đây, khi những sản phẩm được mệnh danh là "mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, ngân như chuông" được xuất đi tứ hải từ Nhật Bản đến Tây Á.


Mặt khác, nước sông Bạch Đằng cũng cạn dần theo thời gian, thuyền lớn không còn vào được, và cảng Vân Đồn cũng suy thoái từ cuối thế kỷ 15.


Môi trường sinh thái là yếu tổ quan trọng ảnh hưởng đến sự thăng trầm của các vùng định cư ở châu thổ sông Hồng.



Tác giả: Trần Thanh Trúc

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page