Chiến tranh Việt Nam gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích chiến lược cũng như mối quan hệ của các cường quốc Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và định hình tiến trình của thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20.
Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị truyền thống cách mạng nồng thắm. Cộng sản Việt Nam cũng đồng cam cộng khổ với Cộng sản Trung Quốc trong thời khắc gian nan khi cách mạng Trung Quốc gặp trắc trở.
Vào tháng 10/1949, Mao Trạch Đông thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Trung Quốc đại lục.
Vào tháng 1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức công nhận bởi Trung Quốc.
Trung Quốc cử đoàn cố vấn quân sự
Vào đầu những năm 1950, Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với những kẻ thù đáng gờm và Hồ Chí Minh khao khát tìm kiếm sự viện trợ từ Trung Quốc.
Vào tháng 4/1950, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông quyết định viện trợ cho Bắc Việt kháng chiến chống thực dân Pháp bao gồm thiết bị, cố vấn và huấn luyện.
Mao Trạch Đông thành lập Nhóm Cố vấn Quân sự Trung Quốc để hỗ trợ Việt Minh gồm 79 cố vấn do La Quý Ba (Luo Guibo) dẫn đầu sang Việt Nam, cùng Đại tướng Trần Canh (Chen Geng), Thượng tướng Vi Quốc Thanh (Wei Guoqing), Thiếu tướng Mai Gia Sinh (Mei Jiasheng), Đặng Nhất Phàm (Deng Yifan), Mã Tây Phu (Maxi Fu), Thiếu tướng Lý Văn Nhất (Li Wenyi), Đặng Thanh Hà (Tang Ching Ho) và một số trợ lý khác.
Chủ tịch Mao Trạch Đông nêu ra nhiệm vụ của đoàn cố vấn là hỗ trợ quân đội Việt Minh chỉ huy và tác chiến, tổ chức xây dựng một lực lượng chính quy, truyền đạt kinh nghiệm của Trung Quốc về công tác kinh tế tài chính, chấn chỉnh cán bộ, tư tưởng và phong cách làm việc, công tác chính quyền và vận động quần chúng, giúp Bắc Việt giành chiến thắng, coi sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân Trung Quốc.
Đây là khởi đầu của sự viện trợ của Trung Quốc.
Lý do Trung Quốc can thiệp
Trong suốt những năm 1950-1960, Mao Trạch Đông coi Hoa Kỳ là mối đe dọa đối với an ninh và cách mạng của Trung Quốc. Đông Dương là một trong ba mặt trận mà Mao coi là dễ bị các nước đế quốc xâm lược, hai mặt trận còn lại là Triều Tiên và Đài Loan. Như vậy, sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Bắc Việt Nam bắt đầu từ mối quan tâm về an ninh quốc gia.
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, với mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Liên Xô, đặc biệt là sau cuộc xung đột biên giới Trung - Xô vào tháng 3/1969, Mao bắt đầu cho rằng Liên Xô là mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Sau đó, Mao bắt đầu điều chỉnh chính sách của mình đối với Hoa Kỳ và khuyến khích Bắc Việt ký kết một giải pháp hòa bình.
Nghĩa vụ Cộng sản quốc tế
Vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Bắc Kinh thể hiện họ là đồng minh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tuyên truyền cho những nỗ lực giúp đỡ miền Bắc Việt Nam.
Trung Quốc tin mình có vai trò đặc biệt trong việc định hình lại trật tự cách mạng biến đổi không chỉ Trung Quốc mà cả trật tự thế giới. Bắc Kinh ý thức về trách nhiệm quốc tế trong việc giúp đỡ các đồng chí anh em Cộng sản thúc đẩy cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc là một yếu tố quan trọng khác trong chính sách Đông Dương.
Hồ Chí Minh trở nên quen thuộc với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi ông làm việc cho Đảng Cộng sản Pháp ở Paris và sau đó phục vụ với tư cách là một đặc vụ Quốc tế Cộng sản ở Quảng Châu để hỗ trợ các phong trào lao động và nông dân ở đó. Tính cách của Hồ Chí Minh là một yếu tố quan trọng trong việc tập hợp sự ủng hộ của Trung Quốc. Khi quyết định hỗ trợ Việt Minh, Mao nhấn mạnh tầm quan trọng của tình hữu nghị có đi có lại.
Theo Mao, đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài sẽ là một công cụ hữu hiệu giúp Trung Quốc củng cố động lực của các nhà cách mạng vận động trong nước, cũng như quyền lực và vị trí kiểm soát chính trị của Mao. Ý định sử dụng đấu tranh quốc tế để thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị trong nước thường được thể hiện nổi bật trong các cuộc thảo luận của Mao về Việt Nam.
Quá trình can thiệp của Trung Quốc
Nhóm Cố vấn Quân sự Trung Quốc và Việt Minh bắt đầu huấn luyện cho chiến dịch đầu tiên của họ. Tháng 9/1950, Chiến dịch Biên giới được phát động. Và từ tháng 4 đến tháng 9/1950, Trung Quốc viện trợ cho Việt Minh:
14.000 súng trường và súng lục
1.700 súng máy
150 súng cối
60 khẩu pháo
300 khẩu bazooka
2.800 tấn lương thực
Đạn
Thuốc men
Thiết bị liên lạc
Trang phục
Từ năm 1951-1954, Trung Quốc giúp Việt Nam đào tạo các chỉ huy quân sự, tổ chức lại hệ thống quốc phòng và tài chính. Trung Quốc cũng giúp Việt Nam vận động nông dân tham chiến thông qua các chiến dịch cải cách ruộng đất.
Để xây dựng lại miền Bắc, Bắc Kinh đồng ý cung cấp gạo, cử một nhóm cố vấn kinh tế và chuyên gia đến Bắc Việt để giúp xóa đói, xây dựng lại hệ thống giao thông, khôi phục nông nghiệp, tái thiết kinh tế đô thị và cải thiện lực lượng vũ trang.
Tháng 12/1954, Trung Quốc gửi hơn 2.000 công nhân đường sắt đến Bắc Việt để sửa chữa các tuyến đường sắt, đường bộ và cầu. Năm 1955, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Hồ Chí Minh, Bắc Kinh đã đồng ý cung cấp một khoản tài trợ trị giá 200 triệu đô la được sử dụng để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau. Sau đó, hai bên cũng thiết lập một chương trình trao đổi nhân lực.
Nhìn chung, viện trợ kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam không ổn định, với những biểu hiện khác nhau qua các thời kỳ. Với tình hình quốc tế và chiến lược ngoại giao của Trung Quốc thay đổi, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng thay đổi theo.
Sau Hội nghị Genève
Hồ Chí Minh đã có ý định của riêng mình. Sau Hội nghị Genève năm 1954 khi Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh ôm mộng bành trướng từ Bắc chí Nam, thống nhất đất nước khiến Trung Quốc lo ngại sợ Mỹ can thiệp. Xét cho cùng, Trung Quốc vừa tham gia Chiến tranh Triều Tiên chống lại Mỹ, vốn đã gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế trong nước. Khi người Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam vào năm 1954, người Trung Quốc rất muốn giảm căng thẳng ở Đông Nam Á vì họ không muốn tham gia một cuộc chiến khác ở Việt Nam.
Trong những năm sau khi kết thúc Hội nghị Genève 1954, Trung Quốc mong muốn một môi trường quốc tế hòa bình để tập trung vào tái thiết trong nước trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam phải đối mặt với hai nhiệm vụ cơ bản: tái thiết miền Bắc và thống nhất miền Nam.
Khi Hội nghị lần thứ 15 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1959 cho phép đấu tranh vũ trang ở miền Nam, Hà Nội liên tục yêu cầu Bắc Kinh viện trợ quân sự. Trong hoàn cảnh đó và để đáp ứng yêu cầu của Hà Nội, Trung Quốc đã cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Bắc Việt.
Theo các nguồn tin của Trung Quốc, trong giai đoạn 1956 - 1963, viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam tổng cộng là 320 triệu nhân dân tệ.
Các chuyến hàng vũ khí của Trung Quốc sang Bắc Việt bao gồm:
1.922.897 khẩu súng
64.529 khẩu pháo
1.048.207.000 triệu viên đạn các loại
17.074.000 triệu viên đạn pháo
30.808 máy phát tín hiệu
48.922 máy phát thanh
560 xe tăng
15.771 xe tải
164 máy bay
28 tàu hải quân
1,18 triệu bộ quân phục
Chính sự viện trợ của Trung Quốc cho miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 - 1963 đã mang lại cho Bắc Việt những nguồn lực cần thiết để bắt đầu cuộc nổi dậy ở miền Nam.
Đối đầu với sự leo thang của Hoa Kỳ
Sự kiện ba tàu phóng lôi của Bắc Việt đối đầu với tàu chiến USS Maddox của Hoa Kỳ vào ngày 2/8/1964 trong vùng biển Vịnh Bắc Bộ dẫn đến việc Hoa Kỳ tham gia trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam.
Khi lực lượng Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động bí mật gần lãnh hải Bắc Việt, lực lượng hải quân Bắc Việt đã đáp trả. Cơ quan An ninh Quốc gia của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã cố tình bóp méo thông tin, tuyên bố sai sự thật rằng một cuộc tấn công thứ hai giữa các tàu của Bắc Việt và Hoa Kỳ đã xảy ra vào ngày 4/8/1964. Cuộc điều tra sau đó cho thấy cuộc tấn công thứ hai đã không bao giờ xảy ra.
Để chống lại các cuộc không kích áp đảo của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh đã yêu cầu sự giúp đỡ của các đơn vị Pháo binh Phòng không Trung Quốc trong một cuộc gặp với Mao vào tháng 5/1965. Đáp lại, các lực lượng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu tràn vào Bắc Việt vào tháng 7/1965 để giúp phòng vệ Hà Nội và các hệ thống giao thông chính.
Bắc Kinh đã tăng cường phối hợp với Bắc Việt và Lào để đối phó với áp lực ngày càng tăng của Hoa Kỳ. Tổng số quân Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam từ tháng 6/1965 đến tháng 3/1968 lên tới hơn 320.000. Năm 1967 cao điểm khi 170.000 lính Trung Quốc có mặt.
Trong cùng thoả thuận năm 1967, Trung Quốc đã cung cấp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng tổng cộng bao gồm 687 mặt hàng khác nhau:
5.670 bộ quân phục
5.670 đôi giày
567 tấn gạo
20,7 tấn muối
55,2 tấn thịt
20,7 tấn cá
20,7 tấn vừng và lạc
20,7 tấn đậu
20,7 tấn mỡ lợn
6,9 tấn nước tương
20,7 tấn đường trắng
8.000 chiếc bàn chải đánh răng
11.100 tuýp kem đánh răng
35.300 bánh xà phòng
109.000 hộp thuốc lá
Bóng bàn
Bóng chuyền
Kèn harmonica
Bộ bài
Ghim
Bút mực
Kim khâu
Hạt giống
Điều đó cho phép Bắc Việt sử dụng nhân lực của mình để tham gia các trận chiến ở miền Nam và duy trì các tuyến giao thông và liên lạc giữa Bắc - Nam, đồng thời đóng vai trò ngăn chặn sự mở rộng chiến tranh của Hoa Kỳ ra miền Bắc.
Trung Quốc cắt giảm viện trợ
Trung Quốc cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự cho Bắc Việt tăng mạnh vào năm 1965 so với năm 1968, mặc dù tổng giá trị cung cấp vật chất vẫn ở mức gần như nhau.
Nhưng từ năm 1969-1970, viện trợ đã giảm sút nghiêm trọng, đồng thời tất cả quân đội Trung Quốc rút lui. Mãi đến năm 1972 mới có một sự gia tăng đáng kể khác.
Một số liệu cho thấy khi lính Trung Quốc rút khỏi Việt Nam vào tháng 8/1973, 1.100 binh sĩ đã thiệt mạng và 4.200 người bị thương.
Năm 1968, môi trường chiến lược của Trung Quốc đã thay đổi khi quan hệ Trung - Xô bước sang một bước ngoặt quyết định theo chiều hướng xấu đi. Khi Trung Quốc đang tìm cách nối lại quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ, Bắc Việt vẫn đang mắc kẹt trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng với Hoa Kỳ, điều này đã tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với quan hệ Trung - Việt.
Những yếu tố này kết hợp với Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã gây ra căng thẳng và xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội, dẫn đến việc chấm dứt hỗ trợ của Trung Quốc.
Quốc tế lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc
Sự can dự của Trung Quốc vào cuộc chiến ở Việt Nam là có những tham vọng đằng sau. Trung Quốc, với tư cách là bên hưởng lợi từ thỏa thuận, mong muốn giải quyết các vấn đề trong nước hơn là tham gia vào một cuộc đối đầu trực tiếp khác với Hoa Kỳ sau Chiến tranh Triều Tiên.
Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh không bao giờ khuyến khích Hà Nội giải phóng miền Nam bằng quân sự. Ý định đó được chứng minh trực tiếp qua cuộc nói chuyện của Chu Ân Lai với Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng vào tháng 11/1956. Chu nhiều lần nhấn mạnh rằng “sự thống nhất nên được coi là một cuộc đấu tranh lâu dài” và rằng “chỉ khi nào miền Bắc đã được củng cố với nhiều nỗ lực, thì có thể nói về việc làm thế nào để thu phục miền Nam và làm thế nào để thống nhất đất nước”.
Mặc dù Mao Trạch Đông xác định phản ứng của Trung Quốc trong việc hỗ trợ quân sự Bắc Việt có thể chỉ mong muốn ngăn chặn chứ không phải đối đầu với Hoa Kỳ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ lại có cách giải thích khác. Họ coi “viện trợ” của Trung Quốc có một âm mưu lớn hơn và các trận chiến ở Việt Nam và các khu vực khác của Đông Nam Á là một tín hiệu về sự bành trướng của Cộng sản. Do chính quyền Johnson lo sợ chủ nghĩa Cộng sản bành trướng ở châu Á, Hoa Kỳ đã tăng cường can dự quân sự vào miền Nam và chiến tranh Việt Nam ngày càng căng thẳng.
Từ góc độ ý thức hệ, Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam dựa trên mục đích rằng tất cả những gì người Mỹ mong muốn là chống lại chủ nghĩa cộng sản và khuyến khích các quốc gia dân chủ chống lại sự xâm lược. Hoa Kỳ tin rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trong “hiệu ứng domino” và nếu không có sự can thiệp của bên thứ ba, Việt Nam và các quốc gia châu Á sẽ không thể chống lại áp lực của cộng sản lâu dài.
Sự giúp đỡ của Liên Xô
Trong khoảng thời gian từ 1955 - 1957, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Liên Xô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Bắc Việt tái thiết và phát triển nền kinh tế.
Vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, Stalin chú ý vào việc hỗ trợ các đảng Cộng sản ở Đông Âu, và Mao khuyến khích các phong trào Cộng sản ở Đông Nam Á. Vào đầu những năm 1950, vai trò của Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam là rất nhỏ vì Liên Xô hết sức cố gắng tránh tham gia vào cuộc chiến.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng lớn, và lợi ích của Liên Xô tại khu vực Đông Dương cũng suy yếu theo. Khi Nikita Khrushchev bị loại khỏi quyền lực vào năm 1964, các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô đã tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự cho Bắc Việt, rõ ràng là để cạnh tranh với Trung Quốc nhằm giành được sự ủng hộ của Bắc Việt đối với Liên Xô trong phe xã hội chủ nghĩa. Năm 1965, Trung Quốc tăng viện trợ cho Việt Nam. Vì vậy, Liên Xô coi mục đích viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam không chỉ là để truyền bá tinh thần cách mạng mà còn để mở rộng ảnh hưởng ở Đông Dương.
Mặc dù Liên Xô sau đó đã cung cấp hỗ trợ kinh tế rất cần thiết cho Bắc Việt, nhưng họ đã cố tình để Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc cung cấp viện trợ, điều này khiến các hành động của Liên Xô ngày càng phụ thuộc vào sự hợp tác và thiện chí của Trung Quốc. Theo số liệu của Liên Xô, hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc cho Bắc Việt từ 1955 - 1962 vượt quá hỗ trợ của Liên Xô trong cùng thời kỳ.
Trung Quốc cung cấp nhân lực, nhưng lại thiếu vũ khí hạng nặng cần thiết để chống lại Hoa Kỳ. Từ quan điểm của Bắc Việt, mối đe dọa leo thang của Hoa Kỳ đã khiến Liên Xô trở thành đồng minh khả dĩ và đáng tin cậy duy nhất. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội sợ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Khi Liên Xô bày tỏ thiện chí đàm phán, chính thái độ tích cực hơn kết hợp với việc ngày càng sẵn sàng cung cấp cho Bắc Việt các vũ khí quân sự đã khiến các nhà lãnh đạo ở Hà Nội quay lưng với Bắc Kinh và chuyển hướng sang Moscow.
Vì nhu cầu duy trì viện trợ của Liên Xô khiến Hà Nội phải giữ khoảng cách với Bắc Kinh. Đến năm 1968, nền tảng quan hệ Trung - Việt bắt đầu rạn nứt dưới sức nặng của nhân tố Liên Xô. Chính quyết định của Hà Nội tham gia đàm phán với Washington do bế tắc quân sự sau Tết Mậu Thân đã giáng một đòn mạnh đầu tiên vào quan hệ Trung - Việt. Cuộc tấn công năm 1968 và việc bắt đầu đàm phán ở Paris đã gieo mầm mống nghi ngờ của Trung Quốc về ảnh hưởng của Liên Xô ở Bắc Việt.
Do hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Hà Nội bị hạn chế bởi nền kinh tế yếu kém và thiếu hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, kèm theo niềm tự hào dân tộc Việt Nam và sự nhạy cảm về khả năng tự cung tự cấp đã khiến Hà Nội phủ nhận vai trò của Trung Quốc. Theo ba cuốn Sách trắng được công bố trong các năm 1979, 1981 và 1988, Hà Nội chỉ trích Bắc Kinh chỉ cung cấp cho Bắc Việt vũ khí hạng nhẹ, muốn chấm dứt sớm chiến tranh Việt Nam vì Trung Quốc muốn lợi dụng danh tiếng có được nhờ “giúp đỡ Việt Nam” để tập hợp các lực lượng ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin và tăng cường chiến dịch chống Liên Xô.
Viện trợ quân sự và huấn luyện mà Trung Quốc cung cấp là rất quan trọng đối với việc Việt Nam đánh bại người Pháp. Trung Quốc cũng gửi các cố vấn chính trị để xây dựng lại nhà nước, nền kinh tế và hệ thống nông nghiệp của Việt Nam theo đường lối Cộng sản. Trung Quốc tiếp tục cung cấp một lượng lớn viện trợ quân sự và kinh tế, cũng như gửi hơn 300.000 quân hỗ trợ quân sự vào miền Bắc Việt Nam. Sau đó, các mối quan hệ đã bị giáng một đòn nặng nề vào cuối những năm 1960 vì Cách mạng Văn hóa và chủ nghĩa Mao đối đầu với những khác biệt quan trọng về địa chiến lược ở Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Ngoài ra, sự chia rẽ Trung - Xô đã làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Comentarios