top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Aleksandr Gelyevich Dugin: Người Được Mệnh Danh Là 'Bộ Não Của Putin'; Sự Chia Cắt Của Châu Âu

Vào đêm trước cuộc xâm lược giết người của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một bài phát biểu dài và lan man phủ nhận sự tồn tại của Ukraine và người Ukraine, một bài phát biểu mà nhiều nhà phân tích phương Tây cảm thấy kỳ lạ và không bị ràng buộc. Kỳ lạ, đúng. Còn không bị ràng buộc, sai. Những phân tích đến trực tiếp từ các tác phẩm của nhà tiên tri phát xít thuộc đế chế Nga cực đại có tên là Aleksandr Dugin.

Ảnh minh họa Vladimir Putin; Aleksandr Dugin bởi Salon.


Aleksandr Gelyevich Dugin (sinh ngày 7 tháng 1 năm 1962, tại Moscow) là nhà triết học, nhà khoa học chính trị, nhà xã hội học, dịch giả và người của công chúng của Liên Xô và Nga. Phó Tiến sỹ Khoa học Triết học, Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Tiến sĩ Khoa học Xã hội học. Giáo sư, năm 2009-2014 là quyền Trưởng Bộ môn Xã hội học Quan hệ Quốc tế, Khoa Xã hội học, Đại học Quốc gia Moscow (MGU) mang tên Lomonosov. Người đứng đầu Phong trào Âu-Á Quốc tế. Tác giả của 'học thuyết chính trị thứ tư', theo ý kiến của chính ông nên là bước tiếp theo trong sự phát triển của chính trị sau ba học thuyết đầu tiên: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa phát xít. Hoạt động chính trị của Dugin nhằm tạo ra một siêu cường Âu-Á thông qua sự hợp nhất của Nga với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ thành Liên minh Âu-Á mới (EAU).


Aleksandr Dugin - một trùm phát xít Nga đã giúp thuyết phục Putin xâm lược Ukraine. Ảnh: LCV



Ảnh hưởng trí tuệ của Dugin đối với nhà lãnh đạo Nga không xa lạ đối với các sinh viên gần gũi của thời kỳ hậu Xô Viết, trong đó Dugin, 60 tuổi, đôi khi được gọi là 'bộ não của Putin'. Công việc của ông ấy cũng quen thuộc với 'cánh hữu mới' của châu Âu, trong đó Dugin đã là nhân vật hàng đầu trong gần ba thập niên, cũng như với ‘cánh hữu thay thế’ của Mỹ. Thật vậy, người vợ cũ gốc Nga của nhà lãnh đạo chủ nghĩa dân tộc da trắng Richard Spencer, Nina Kouprianova, đã dịch một số tác phẩm của Dugin sang tiếng Anh.


Nhưng khi cả thế giới chứng kiến sự kinh hoàng và ghê tởm của việc ném bom bừa bãi ở Ukraine, thì cần có sự hiểu biết rộng hơn về những ý tưởng chết người của Dugin. Nga đã vận hành kịch bản của ông ấy trong 20 năm qua, và nó đã đưa chúng ta đến đây, đến bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới khác.


Là sản phẩm của sự suy tàn thời kỳ cuối của Liên Xô, Dugin thuộc dòng các nhà lý thuyết chính trị lâu dài và buồn thảm, những người đã phát minh ra quá khứ huy hoàng và mạnh mẽ - được pha trộn với chủ nghĩa thần bí và và sự tuân theo quyền lực - để giải thích cho một hiện tại thất bại. Tương lai nằm ở việc khai phá quá khứ này từ hiện tại tự do, thương mại và quốc tế (thường được đại diện bởi người Do Thái). Những nhà tư tưởng như vậy đã có thời kỳ hoàng kim cách đây một thế kỷ, trong đống đổ nát của châu Âu trong Thế chiến thứ nhất: Julius Evola, thầy tu điên loạn của chủ nghĩa phát xít Ý; Charles Maurras, người theo chủ nghĩa dân tộc Pháp phản động; Charles Coughlin, kẻ phát ngôn khoa trương trên radio người Mỹ; và thậm chí là tác giả của một cuốn sách tiếng Đức có tên "Mein Kampf" (Cuộc đấu của tôi).



Thực chất Dugin nói về cùng một câu chuyện theo quan điểm của người Nga. Trước khi cái hiện đại hủy hoại mọi thứ, những người Nga có động lực tinh thần đã hứa sẽ thống nhất châu Âu và châu Á thành một đế chế vĩ đại, được cai trị một cách thích hợp bởi những người dân tộc Nga. Nhưng than ôi, một đế chế cạnh tranh trên biển của những kẻ theo chủ nghĩa cá nhân tham nhũng, hám tiền, cầm đầu bởi Mỹ và Anh, đã cản trở vận mệnh của Nga và dìm 'Eurasia' (Âu-Á) - thuật ngữ của ông để chỉ đế chế Nga tương lai - xuống dưới.


Lục địa Âu-Á.


Trong kiệt tác của mình, ‘Nền tảng của địa chính trị: Tương lai địa chính trị của nước Nga’, xuất bản năm 1997, Dugin đã vạch ra kế hoạch cuộc chơi một cách chi tiết. Các điệp viên Nga nên kích động sự chia rẽ chủng tộc, tôn giáo và thành phần ở nước Mỹ, đồng thời thúc đẩy các phe phái biệt lập chủ nghĩa của Mỹ. (Nghe có vẻ quen thuộc?). Ở Anh, nỗ lực tác động tâm lý nên tập trung vào việc làm trầm trọng thêm những rạn nứt lịch sử với Châu Âu Lục địa và các phong trào ly khai ở Scotland, Wales và Ireland. Trong khi đó cần lôi kéo Tây Âu về phía Nga bằng sự thu hút của các nguồn tài nguyên thiên nhiên: dầu mỏ, khí đốt và thực phẩm. NATO sẽ sụp đổ từ bên trong.


Sự mở rộng lãnh thổ của Nga từ 1613 đến 1914.



Putin đã tuân theo lời khuyên bảo này đến từng chữ, và ông ấy hẳn cảm thấy mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp khi chứng kiến những kẻ bạo loạn đập phá cửa sổ trong hành lang của Quốc hội Mỹ, nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, và sự phụ thuộc ngày càng tăng của Đức vào khí đốt tự nhiên của Nga. Với việc làm xói mòn phương Tây đang diễn ra tốt đẹp, Putin đã lật lại các trang trong văn bản của Dugin, trong đó ông ta tuyên bố: "Ukraine với tư cách là một quốc gia độc lập có những tham vọng lãnh thổ nhất định sẽ đại diện cho một mối nguy hiểm to lớn đối với toàn bộ Âu-Á", và "nếu không giải quyết được vấn đề Ukraine, nói chung sẽ là vô nghĩa khi nói về chính trị của lục địa (Âu-Á)".


Vậy điều gì xảy ra tiếp theo, liệu Putin có nên xoay sở để giải quyết 'vấn đề' của Nga ở Ukraine? Dugin đang hình dung ra sự phân chia dần dần châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng của Đức và Nga, trong đó Nga chịu trách nhiệm rất lớn nhờ sự kìm hãm cuối cùng của họ đối với nhu cầu tài nguyên của Đức. Khi Vương quốc Anh sụp đổ và Nga nhặt được những mảnh vỡ, theo cách nói của Dugin, đế chế Âu-Á cuối cùng sẽ kéo dài 'từ Dublin đến Vladisvostok'.


Các cuộc xâm phạm hai mặt của Putin vào Trung Đông bị ảnh hưởng bởi ý tưởng của Dugin về trục Moscow-Tehran. (Chính phủ Israel nên tỉnh giấc, ngửi thấy mùi samovar và ngừng chơi khăm với Nga). Sự quyến rũ của ông ấy đối với chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở New Delhi phản ánh sự khăng khăng của Dugin rằng đế chế Âu-Á phải mở rộng đến Ấn Độ Dương.



Bản đồ Âu-Á cho động lực của các nhà khoa học thuyết Âu-Á. Lưu ý rằng về mặt địa lý, tất cả các khu vực trên bản đồ đều là một phần của Âu-Á.



Giống như việc chấp nhận một cách nghiêm túc sự hoang tưởng thần bí của Dugin là quan trọng đối với các nhà ra quyết định của phương Tây, điều này cũng cấp bách đối với Tập Cận Bình của Trung Quốc. Tháng trước (2/2022), ông Tập và ông Putin đã công bố mối quan hệ đối tác nhằm cắt giảm quy mô của Mỹ. Nhưng theo Dugin, Trung Quốc cũng vậy, cũng phải sụp đổ. Tham vọng của Nga ở châu Á sẽ đòi hỏi 'sự tan rã, chia cắt lãnh thổ và sự phân chia chính trị và hành chính của nhà nước [Trung Quốc]', Dugin viết. Đối tác tự nhiên của Nga ở Viễn Đông, theo Dugin, là Nhật Bản.


Theo một nghĩa nào đó, tác phẩm đồ sộ dày 600 trang của Dugin có thể được đúc kết thành một ý tưởng: Liên minh sai lầm đã chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Giá như Hitler không xâm lược Nga, nước Anh đã có thể tan vỡ. Hoa Kỳ sẽ vẫn ở yên tại nhà, theo chủ nghĩa cô lập và chia rẽ, còn Nhật Bản sẽ cai quản Trung Quốc trước đây như là đối tác cấp dưới của Nga.


Chủ nghĩa phát xít từ Ireland đến Thái Bình Dương. Ảo tưởng? Tôi chắc chắn hy vọng như vậy. Nhưng ảo tưởng trở nên quan trọng khi được ôm ấp bởi bạo chúa.


Tác giả: David Von Drehle, The Washington Post, 22/3/2022

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page