Bước đầu tiên là năm 1869, Nhật thôn tính hợp pháp hòn đảo Hokkaido ở phía Bắc, nguyên là nơi sinh sống của một tộc người Ainu, hoàn toàn khác với người Nhật, nhưng trước đó phần nào nằm dưới sự kiểm soát của Mạc phủ.
Giai đoạn 1894-1895, Nhật đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh đầu tiên ở nước ngoài với Trung Hoa, thôn tính được Đài Loan.
Chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật là chiến thắng đầu tiên chống lại một cường quốc phương Tây (1904-1905).
Nước Nhật thôn tính được một nửa phía Nam đảo Sakhalin, nắm quyền kiểm soát tuyến đường sắt Nam Mãn Châu.
Nhật thiết lập chế độ bảo hộ đối với Cao Ly năm 1905 rồi thôn tính nước này năm 1910.
Năm 1914, Nhật chiếm đóng các hòn đảo nhỏ của quần đảo Marshall do Đức kiểm soát ở Thái Bình Dương.
Cuối cùng, vào năm 1915, Nhật gửi cho Trung Hoa một văn bản có 21 yêu sách, xem Trung Hoa như một thuộc quốc. Trung Hoa đã phải thỏa mãn một số yêu cầu trong yêu sách này. Đó cũng là một trong những nguyên nhân để tạo ra một nước Nhật phát xít chịu thất bại thảm hại trong thế chiến 2. Nhưng đó là những sự kiện sau kỷ nguyên Minh Trị.
Nguồn tư liệu
Những tư liệu giúp tôi viết về người Nhật, nước Nhật Bản ở kỷ nguyên Minh Trị được lấy từ hai cuốn sách. Thứ nhất là cuốn ‘Súng, Vi trùng và Thép: Định mệnh của các xã hội loài người’ do nhà xuất bản Thế giới đưa ra năm 2020. Thứ hai là cuốn ‘Biến động - Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào’ do nhà xuất bản Dân Trí cho ra năm 2020. Tác giả của hai tác phẩm này là Jared Diamond, giáo sư Địa lý học tại đại học California, Los Angeles, Mỹ. Hai cuốn sách này nằm trong bộ 4 tác phẩm. Hai cuốn khác là ‘Sụp đổ’, và ‘Thế giới cho đến ngày hôm qua’.
Jared Diamond đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó phải kể đến Huy chương khoa học quốc gia, giải thưởng Cosmos Quốc tế của Nhật Bản, giải thưởng Lewis Thomas do đại học Rockefeller trao tặng, đặc biệt là giải Pulitzer cho thế loại sách phi hư cấu năm 1998 với tác phẩm ‘Súng, Vi trùng và Thép’.
Trong cuốn sách ‘Súng, Vi trùng và Thép’, tôi trích dẫn ở chương 20: Người Nhật là ai?. Trong cuốn sách Biến động, tôi trích dẫn ở chương 3: Khởi nguyên của nước Nhật hiện đại, thuộc phần 2: Quốc gia: Biến cố đã lộ diện. Trong đó, tác giả đã xem xét những nhân tố liên quan đến hệ quả của biến cố quốc gia thể hiện ở 12 thông số. Đó là:
1. Đồng thuận quốc gia trong một nước đang có biến cố.
2. Thừa nhận trách nhiệm quốc gia để xử lý.
3. Dựng một hàng rào để khoanh lại các vấn đề của quốc gia cần xử lý.
4. Tìm kiếm giúp đỡ vật chất và tài chính từ các quốc gia khác.
5. Dùng các quốc gia khác như hình mẫu về cách thức giải quyết các vấn đề.
6. Căn tính quốc gia.
7. Đánh giá quốc gia một cách trung thực.
8. Kinh nghiệm lịch sử của các biến cố quốc gia trước đó.
9. Đối phó với thất bại quốc gia.
10. Tính linh hoạt quốc gia trong tình huống đặc biệt.
11. Giá trị cốt lõi quốc gia.
12. Thoát khỏi những ràng buộc địa chính trị
Trong tác phẩm ‘Biến động’, tác giả đã dùng 12 thông số trên để đánh giá một số biến cố quốc gia nổi bật trong lịch sử thế giới hiện đại. Đó là:
Ở chương 2: Cuộc chiến ở Phần Lan. Nó diễn ra từ năm 1918, đến 1939, tiếp 1945 và đến nay.
Ở chương 4, phần 2: Một nước Chile cho mọi người Chile. Tình hình nước này từ 1970 đến nay.
Ở chương 5: Indonesia, sự trỗi dậy của một quốc gia mới. Từ thời thuộc địa đến tổng thống Sukarno, tiếp là Suharto và ngày nay.
Ở chương 6 là Tái thiết nước Đức từ 1945 đến thống nhất hai nước Đức và ngày nay.
Ở chương 7: Nước Úc: Chúng ta là ai?
Ở chương 8: Tương lai nào cho nước Nhật?
Ở chương 9: Nước Mỹ đang đối mặt với điều gì? Sức mạnh cùng vấn nạn lớn nhất.
Ở chương 10: Tương lai nào cho nước Mỹ? Ba vấn đề “khác”.
Ngoài ra còn nhiều phân tích khác rất đáng đọc và suy nghĩ.
Tôi không phải là người giới thiệu bán sách. Chẳng qua khi đọc thấy lý thú, mạo muội nói với mọi người. Cũng là một thông tin để mọi người xem xét.
Xin kết thúc. Chúc mọi người an lành.
Comentários