top of page
​AD
Lê Minh Tú

Nhận Thức Về Nhận Thức (và Ad Infinitum)

Nhận thức xuất hiện vào giai đoạn nào của thời thơ ấu, khác nhau từ cá nhân này đến cá nhân khác. Với tôi thì là lúc khoảng 3 tuổi.

Ảnh: Stanley Parable Game


Vâng, lại là tôi đây, và lại là một chủ đề nữa sặc mùi tê minh lú: nhận thức.

Tự nhiên mọi thứ xuất hiện. TỰ NHIÊN, tôi có khái niệm nghe, khái niệm nhìn, sờ, nói, và các từ ngữ. Tự nhiên, tôi biết gọi tiếng ba, mẹ, biết gọi tên chị, biết thằng nhóc ngoài hẻm hay phi máy bay giấy tên Trí do mẹ/bà/chị nó (xin lỗi vì mắt tôi hơi mờ lúc ấy) gọi về ăn cháo.


Vâng, trước khi tôi là Minh Tu Le, tôi đã là Lê Minh Tú.


Thông qua các giác quan và tôi TỰ NHIÊN được vinh dự có hẳn một cái tên (label) riêng cho mình: Lê Minh Tú.

Và thế là bắt đầu quá trình nhận biết của Lê Minh Tú. Khổ cái thân tôi.

Rồi một ngày kia, tôi cảm thấy có gì đó lạ lạ. Tôi đang quan sát chính bản thân mình thực hiện các hành động của mình thay vì thực hiện các hành động ấy, dưới vai trò một khán giả trải nghiệm bộ phim sống động thông qua các giác quan khác nhau. Nhưng rồi, AI mới là người cảm nhận cái việc cảm nhận cảm giác ấy, tôi tự hỏi? Gãi đầu bức tai, khó có thể dùng nhận thức chủ quan để giải thích chính nó. Một con đường cùng.


Nhận thức về nhận thức (và ad infinitum)

… là một sự nguyền rủa (curse) nhiều hơn là điều may mắn (blessing).

Câu hỏi này đã đi theo tôi từ lúc nhỏ. Khi bước qua tuổi dậy thì, nó chiếm phần lớn thời gian trong ngày của tôi và dẫn đến cái khủng hoảng hiện sinh kinh điển mà ai cũng trải qua lúc nào đó trong bộ phim cuộc đời (dù biết hay không biết). Kết hợp điều này với những vấn đề tâm lý có sẵn, một thảm họa đối với một đứa vốn đã có xu hướng né tránh xã hội.


Nhưng rồi, luôn có cách để thoát.


Việc tìm đến triết học và (pseudo-)science là điều khó có thể tránh khỏi. Tôi đọc và đọc rất nhiều, từ duy ngã (solispism) cho đến hiện sinh (existentialism) và rồi vô lý (absurdism) nhưng mọi thứ dường như chỉ là các đợt thủ dâm tinh thần này đến thủ dâm tinh thần khác chứ không giải quyết được vấn đề chính – sex – ở đây tôi muốn nhấn mạnh sự ẩn dụ cho cực khoái với mọi thứ khi suy nghĩ của bạn là tuyệt đối và hoàn toàn chắc chắn 100% về những gì mà bạn biết – điều hiếm và có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra. Cuối cùng, cái đọng lại trong tôi, cái mà tôi thực sự đúc kết lại nó lại là tôi-ism. Hay là taoism. Hay là Ferris Bueller-ism.

Thực ra thì tôi quote Ferris Bueller, người đã quote John Lennon, trong một cái quote khổng lồ lời thoại của thiên tài phim tuổi teen John Hughes.

Trước đó, đầu tôi luôn đầy ắp những câu hỏi, và dường như mọi câu hỏi, dù lớn hay nhỏ đều dẫn đến cội nguồn, tức câu hỏi dưới đây:



Nhận thức là cái gì?

Tôi sẽ cố gắng phác họa những gì tôi hiểu về “nhận thức trong nhận thức” mặc dù bản thân chưa từng đụng đến bất cứ sách triết chính thống nào, bằng khả năng ít ỏi trong Balsamiq Mockup 3 cũng như từ ngữ tránh đao to búa lớn xà beng khổng lồ nhất có thể. Song, hãy nhớ là nó cũng sẽ chỉ chạm được 1/100 hoặc 1/1000 hoặc 1/vô tận những gì mà bạn-tôi thực sự cảm nhận bởi lẽ miêu tả một trải nghiệm chủ quan là một nhiệm vụ khó hơn cả việc xây dựng một đế chế bằng tăm chỉ với hai bàn tay trắng.

Hình dung với tôi nhận thức hiện tại của bạn, khi đang đọc những dòng này, là một căn phòng. Căn phòng này chứa tất cả những gì bạn cảm nhận được, nhìn được, nghe được, thấy được, ngửi được, sờ được, và cả suy nghĩ của bạn nữa. Mình sẽ tạm gọi căn phòng này là thân xác.


Nhích lên một tí, khi bạn đã có ý thức về căn phòng này và có những suy nghĩ nhất định (Ví dụ: một trải nghiệm sang chấn thời lớp 2, một lần peak khi đang trip LSD và nghe album tuyệt vời nhất trong cuộc đời, một lần đang đánh nhau máu lửa thì nhận ra là mình đang điều khiển cơ thể để đánh đối thủ như khi chơi một game fighting FPS) bạn sẽ nhận ra là bạn chỉ là thân xác của một loài vật đang trải nghiệm chính bản thân nó.



Khi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc một cách khờ khạo đó là, phải chăng mọi thứ chỉ là hình chiếu/ảo ảnh, là tưởng tượng của một đứa trẻ (chính tôi) quá chán nên phải tự làm bản thân nó vui bằng cách nào đó. Càng lớn, tôi thấy mình khờ khạo hơn cả khi nhỏ vì có quá nhiều những điều có thể suy ra từ chính câu hỏi này mà hồi nhỏ mình chỉ nhìn được một mặt của đồng xu. Những khả năng ấy khiến tôi cảm thấy nhỏ bé hơn bao giờ hết.

Một mặt của đồng xu.

Ở mặt bên này của đồng xu, ta chạm đến những câu hỏi thuộc bề nổi của tảng băng. Trong đó bao gồm những câu hỏi như Nhận thức là cái gì? Ranh giới nào thì một cá thể được coi là nhận thức?


Ảnh hưởng của nhận thức lên thế giới xung quanh

Và để nói thành thực, giải thích câu hỏi trên bằng khoa học truyền thống sẽ rất chán vì theo những gì mà tôi đọc, với khả năng đọc-hiểu của tôi thì nhận thức đến từ não bộ.

(Ngụy) khoa học hiện đại thì lại có câu trả lời thú vị hơn, dẫn đến kết luận nhận thức có liên quan mật thiết với vật lý lượng tử – thí nghiệm hai khe hở.

Đây là cách mọi thứ vận hành, đúng không?


DR. QUANTUM - DOUBLE SLIT EXPERIMENT


Sai. Đây là một quan điểm quá sai lầm vì vật lý không vận hành như thế. Bạn không thể từ việc quan sát bằng nhận thức mà có thể thay đổi tính chất của sự vật hay sự việc được. Và chính vì thế nên việc giải thích nhận thức dưới cái nhìn của khoa học không thôi là một sai lầm vì nó còn bị phụ thuộc quá nhiều vào quy luật toán học – mà toán học lại nằm trong… chính nhận thức, cùng với những thứ khác nữa.

Vậy ta phải làm gì? Hãy lùi lại một chút để nhìn bức tranh toàn cảnh NGOÀI bức tranh toàn cảnh đó.

Mọi thứ thuộc nhận thức. Mọi thứ CHÍNH LÀ nhận thức.

Hãy nghĩ rộng ra một chút. Vô hạn rộng và vô hạn chiều; bởi lẽ nhận thức là vô hạn.

Nhận thức sẽ lại nhận thức về nhận thức và nhận thức… cứ tiếp tục như thế (ad infinium).



Một vòng lặp bất tận, bất tận như tất cả những khả năng có thể xảy ra trong vũ trụ (Thượng Đế, Chúa, thánh thần) và tất cả những khả năng KHÔNG thể xảy ra bởi vũ trụ và cả những thứ ở GIỮA. Và nó dẫn chúng ta đến mặt còn lại của đồng xu – mặt NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG ĐÂU CẢ.

Mặt còn lại của đồng xu.

Nhận thức có thể tồn tại mà thiếu đi tri giác?
Nhận thức trong trí tuệ nhân tạo?
Tiềm thức?
Bạn có quyền lựa chọn? (Sẽ dành hẳn một số riêng để nói về cái này)

Và có lẽ tất cả mọi người đều quen thuộc với cái thought experiment cho thấy sự chủ quan của nhận thức dưới đây.


“Màu đỏ của tôi có phải màu đỏ của bạn” không?

Is Your Red The Same as My Red?


Một câu hỏi chắc chắn là sẽ không có câu trả lời khách quan, nhưng ta có thể sẽ có một số câu trả lời thay thế và thỏa mãn tạm thời khát khao của bản ngã đi tìm “cái cuối cùng” trong mọi thứ. Và vì nó rất thú vị nên, tại sao không?

Trường hợp 1: Nhận thức kết thúc khi não bộ dừng làm việc

Ô hô, hãy đọc lại câu trên. Điều này có nghĩa là MỌI THỨ sẽ chấm dứt khi bạn chết. Không có đầu thai. Không có ánh sáng trắng cuối con đường xuất hiện để cứu rỗi bạn. Không có cả đen ngòm luôn. Tất cả chấm dứt. Mọi thứ chỉ là ngẫu nhiên xuất hiện rồi cũng biến mất.

Bạn sẽ không thể nào hình dung được sự không tồn tại vì bạn đang đứng dưới góc nhìn của sự tồn tại để đưa ra các phán đoán.

Dưới đây là màu đen, sự diễn giải tiệm cận cho KHÔNG-NHẬN-THỨC trong tưởng tượng của nhiều người.

Đen ngòm.


Trường hợp 2: Mọi thứ bạn cảm nhận đến từ não bộ (brain in a jar theory)

Cùng ý tưởng với thuyết duy ngã, “brain in a jar” là thought experiment thường gặp nhất mỗi khi ta đặt ra các câu hỏi về nhận thức. Khi đọc về brain in a jar, nhiều bạn sẽ bị “nổ não” (pun intended) vì choáng bởi kiểu, hiện thực của bản thân, những gì mà bạn xem là quan trọng nhất trong cuộc đời như những mối quan hệ, những ký ức, kỷ niệm, cảm xúc đều bị gạt phăng đi, trở thành một trò tiêu khiển không hơn không kém cho một cha tiến sĩ tóc bạc nào đó không có mấy bạn bè và rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Vậy mọi thứ có nghĩa lý gì nữa?


"Vấn đề của trường hợp này đó chính là nó sẽ lại tạo ra hàng vạn câu hỏi khác liên quan đến thế giới BÊN NGOÀI chiếc vại đựng não bộ bạn. Đó là một thế giới như thế nào? Có phải là Ma Trận Tái Nạm không? Thiên Đàng? Địa ngục? Quán net? Không ai biết được!"


- LÊ MINH TÚ



Cảm ơn Steve Martin! The Jerk rất hay!


Trường hợp 3: Bạn chỉ đang sống tất cả các kiếp ở nhiều POV khác nhau - Đầu thai là có thật

Mỗi POV sẽ khác nhau hoàn toàn vì không một cá thể nào giống cá thể nào.

Bạn là Phật, bạn là Van Gogh, bạn là…

Chính là The Egg của Andy Weir, trường hợp này sẽ imply một điều cực kỳ đáng sợ đó là… thực sự có cái gọi là người khác không, hay tất cả cũng chỉ chính bạn trải nghiệm bản thân mình một cách chủ quan ở nhiều góc độ khác nhau?


Điều này cũng có nghĩa, rất có thể bạn đã từng là hòn đá xấu số rớt xuống cống tình cờ lăn bánh ngang qua trên đường vào một ngày đẹp trời nào đó (mà tôi biết thỉnh thoảng bạn vẫn hay bứt rứt suy nghĩ là biết đâu cục đá cũng chịu sướng-khổ). Bạn cũng từng là vỏ hộp ngũ cốc lúc sáng nay, hay tờ chứng nhận IELTS của một thí sinh random nào đó được bác bán bánh mỳ xé ra làm giấy gói vì thiếu giấy báo… đại loại thế.

Trên thực tế, báo cáo của những cá nhân từng sử dụng Salvia (một chất thức thần mạnh) có trải nghiệm làm những đồ vật vô tri vô giác, như một con chữ trên một quyển sách, hay chiếc ghế trong căn phòng trống tại một thành phố bỏ hoang mà vài năm mới có một đoàn người đến để kiểm tra.


Bạn kìa.


Nhưng, cũng như mọi thứ liên quan đến panpsychism (toàn tâm luận), ta không thể nào chắc chắn mọi thứ đều có nhận thức – bởi lẽ, khi đứng ở góc độ này, mọi phán đoán chính xác tuyệt đối là một điều huyền hoặc.


Trường hợp 4: Không có gì make sense cả và chân lý thay đổi liên tục, ngay lúc ta ghi nhận một điều gì đó thì nó đã trở nên… hết đúng bởi đó là tính chất của thực tại

Bạn có thể coi tất cả những gì tôi viết chỉ là bá láp ba xàm, là rảnh rỗi sinh nông nổi, là gì đi nữa nhưng, hehe, tiếc thay cho bạn là với tôi (và một số người giống như tôi, như Tim Urban của WaitButWhy), khát vọng đi vào đường cùng này là một điều vô cùng giải trí và cực kỳ kích thích suy trí tưởng tượng của đứa trẻ bên trong.

Khi nhìn lại tất cả những quá trình making sense suy nghĩ và cảm xúc ấy, nó như một công trình bánh xe vĩ đại mà tôi làm với chính bản thân mình sau nhiều lần phá đi, xây lại, rồi tự hỏi có thực sự cần thiết phải xây nó lên hay không. Trong đó bao gồm giai đoạn bỏ xó, vẽ lại blueprint, xé nháp, dán lại tờ giấy nháp đó trong vô vọng. Một quá trình xoay vòng trong não của tôi, nó cứ lặp đi lặp lại cho đến khi nào hoàn thiện – tức là khi tìm ra được câu trả lời tạm bợ cho bản thân.

Nhưng nó biết, trong thâm tâm, nó sẽ không bao giờ có câu trả lời nào cả. Suy nghĩ đến quá nhanh, quá nhiều. Các giọng nói trong đầu nó như thể cánh quạt máy quay nhanh đến một mức độ trông nó như quay ngược lại, chiếm lấy nó và… trở thành nó. Và nó chấp nhận. Nó buông tha (cộng thêm dấu hỏi) cho chính bản thân mình.


Nên rồi, thằng bé mà đã từng cười, rồi từng buồn đến tột cùng tại vì 1 nét vẽ nguệch ngoạc trên Paint lại nở nụ cười trở lại cho dù đầu nó hiện tại chứa đựng nhiều suy nghĩ gấp 10 lần ngày xưa, 20 lần số câu hỏi và 40 lần câu trả lời giả định.

Và lần này dòng chữ ở dưới nó đã thoát khoải xiềng xích của hai dấu ngoặc kép.


Thực ra năm nay tôi mới 21 tuổi, nhưng thôi để 23 cho nó khớp với hai hình trên.

Cũng như cái nháy mắt láu cá mà vũ trụ trao tặng (the cosmic wink) – tự chính chúng ta đặt ra những câu hỏi và rồi tự ta lại đi trả lời chúng. Tự chính ta khổ, tự chính ta thoát khỏi nỗi khổ và thỏa mãn vì điều đó.

Và câu trả lời cuối cùng, muôn ngàn năm, triệu tỷ năm, hết thế hệ sinh linh này đến thế hệ sinh linh khác vẫn chỉ gói gọn trong ba chữ: tôi không biết! Ai thèm quan tâm chứ? Tôi.



Lê Minh Tú là nhà văn sinh năm 2001 và biên tập viên tại blog cá nhân Mê tú linh., admin của G-Family, một người yêu âm nhạc và tích cực ủng hộ nghệ sĩ.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.