top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Sau 30 Năm Liên Bang Xô Viết Vẫn Tiếp Tục Tan Rã

Nhà khoa học chính trị Arkady Dubnov viết về những bước ngoặt trong không gian hậu Xô Viết vào năm 2020. Bài viết được chuẩn bị trên cơ sở báo cáo đọc tại hội thảo "Hiện thực Nga: nhà nước, xã hội, xã hội dân sự" do Trung tâm Sakharov, Công trình tưởng niệm Quốc tế và Trung tâm Levada tổ chức (tất cả tổ chức này đều được Bộ Tư pháp Nga đưa vào danh sách những tổ chức phục vụ cho lợi ích nước ngoài).

Arkady Dubnov. Ảnh: Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu Luật và Tôn giáo


Vài ngày sau khi tôi quyết định gọi bài phát biểu của mình tại hội thảo ‘Hiện thực Nga’ là một trích dẫn từ Stalin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lại sử dụng phép ẩn dụ này khi phát biểu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng (SVOP). Ông gọi năm 2020 là năm bản lề: tất cả những mâu thuẫn và xu hướng, được tích tụ trong chương trình nghị sự quốc tế từ các năm trước, đều trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch. Tất nhiên việc sử dụng các diễn đạt của Stalin không thích hợp đối với ông ta, để một lần nữa người ta không phải nghĩ đến nó trong tư duy của Điện Kremlin hiện tại. Nhưng tôi thì có thể: 2020 chính xác là năm của bước ngoặt lớn trong không gian hậu Xô Viết.


Hầu như không có ai tranh cãi với luận điểm cho rằng sự tan rã của Liên Xô vẫn tiếp tục gần 30 năm sau (thỏa thuận) Belovezhie. Liên bang tan rã với tư cách là một đế chế lục địa, nơi mà theo mức độ chia tách của các ‘vùng lãnh thổ lịch sử’ khỏi mẫu quốc thì tự bản thân mẫu quốc cũng thay đổi và thậm chí còn mất đi đặc điểm ban đầu của mình.



Khi các đế chế thực dân biển tan rã, chẳng hạn như Anh, mẫu quốc vẫn còn lại là mình. Còn trong trường hợp của chúng ta nước Nga với tư cách mẫu quốc rõ ràng đang thay đổi đặc điểm của mình theo mức độ tan rã của đế chế Xô viết. Bởi nó cũng chính là một đế chế, theo bản chất tự nhiên của mình, theo lối tư duy từ lâu đời và không hề thay đổi của những người trị vì nó.


Điều này không tốt cũng không xấu – đúng là như vậy. Về vấn đề này tôi thường nhớ lại cuộc trò chuyện riêng tư của mình với Tatiana Dyachenko (nếu tôi không nhầm là vào năm 1997, khi việc thống nhất Nga và Belarus thành Nhà nước Liên bang đang được chuẩn bị). Dyachenko vào thời điểm đó là cố vấn cho cha cô, Tổng thống Yeltsin, và trên thực tế là người đứng đầu Phủ Tổng thống.

- Nói cho tôi biết, Tatiana, tại sao cha cô cần liên minh với Lukashenko? Nói chung bây giờ chúng ta chẳng đã quá hiểu ông ta là người như thế nào?

- Anh hiểu chứ, là bởi người ta muốn sao cho đất nước rộng lớn hơn, - Dyachenko trả lời.


Tatyana Yumasheva, con gái của tổng thống đầu tiên của Nga Boris Yeltsin, cùng với chồng, cựu lãnh đạo Phủ Tổng thống.


Đó là toàn bộ câu chuyện. Điện Kremlin - và không phải không có cơ sở - coi không gian bao bọc xung quanh nước Nga là khu vực lợi ích của mình. Họ hướng đến việc khẳng định, tăng cường ảnh hưởng của mình ở đó, và nếu có thể thì mở rộng nước Nga bằng các vùng lãnh thổ lân cận.


Tôi nghĩ rằng phép ẩn dụ thích hợp để xác định bản chất chính sách của Nga đối với không gian xung quanh nó là ‘đi xe đạp’. Nếu bạn ngừng đạp bạn sẽ dừng lại. Đối với nước Nga ngày nay cũng vậy: nếu nó ngừng mở rộng ảnh hưởng của mình, thậm chí là mở rộng lãnh thổ, thì sự tồn tại của nó sẽ chấm dứt. Tất nhiên là ở dạng hiện tại của mình.


Toàn bộ ‘chiếc xe đạp’ này ngự chắc chắn trong đầu của giới tinh hoa cầm quyền hiện nay. Gần đây Vyacheslav Nikonov, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Khoa học của Duma, tuyên bố rằng Kazakhstan đơn giản là đã không tồn tại, phần phía bắc của nó từng hoàn toàn không có người sinh sống và, nói chính xác hơn, "lãnh thổ của Kazakhstan - đó là món quà lớn từ Nga và Liên bang Xô viết". Nhiều người Kazakhstan nhận thức rằng chính phủ Nga nói chung có thể có những suy nghĩ tương tự và họ lo ngại Nga ấp ủ hy vọng lấy lại những vùng đất này từ Kazakhstan để tái tạo đại đế chế của mình.



Sau khi nhận được nền độc lập, mà trong nhiều trường hợp thậm chí còn không muốn hướng đến nó, các mảnh (lãnh thổ) tách ra từ đế chế trong toàn bộ những năm qua đã giải quyết những vấn đề trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mình theo các truyền thống dân tộc, theo văn hóa chính trị và kinh nghiệm hoạt động nhà nước độc lập. Trong sự phụ thuộc vào hậu quả của việc đứt gãy những quan hệ kinh tế và nhân đạo với mẫu quốc Nga bi thảm đến mức nào, và vào việc thiết lập quan hệ với các trung tâm quyền lực thế giới khác.


Gần 30 năm sau, bổ sung vào những đặc điểm này còn có sự thay đổi thế hệ. Trong đời sống xã hội, trong chính trị, trong nhóm những người hình thành ý tưởng và đưa ra quyết định, bắt đầu xuất hiện lớp người trưởng thành trong thời hậu Xô Viết, hoặc thậm chí sinh ra sau khi Liên bang sụp đổ. Tình hình cũng tương tự ở chính nước Nga, chỉ có Next generation của Nga hiện sinh sống và trưởng thành trong các điều kiện thuộc mô hình nhà nước của chúng ta, mô hình tân đế chế (neo-imperial), và ở cả các quốc gia mới độc lập - trong các điều kiện của chính thể quốc gia riêng.


Trong năm 2020 chúng ta đã quan sát thấy sự căng thẳng đặc biệt trong các cuộc xung đột của những tâm lý hậu Xô viết. Cuộc khủng hoảng thay đổi thế hệ ở các nước hậu Xô Viết lại nhấn mạnh thêm nhu cầu của một bộ phận đáng kể cử tri về công bằng, nền tư pháp trung thực, đấu tranh chống tham nhũng, bác bỏ phân biệt chủng tộc và gia đình trị. Nhưng hầu như tất cả những yêu cầu này đều không tìm thấy sự hưởng ứng và thấu hiểu ở Nga, nơi mà cho đến nay các quốc gia này vẫn phụ thuộc về mặt kinh tế, lịch sử và địa lý.



Chúng ta đang quan sát thấy sự mất hài hòa trong nhận thức về giá trị. Nga không có khả năng thỏa mãn các yêu cầu về giá trị, những yêu cầu mà hiện tại nó không thể đáp ứng và trong sự phát triển nội tại riêng của mình, trong trường hợp tốt nhất, chỉ bằng cách tạo giả những phản ứng đối với chúng.


Đáp ứng duy nhất của Nga đối với những yêu cầu như vậy từ các quốc gia phụ thuộc vào nó là một nỗ lực có thể dự đoán trước nhằm đạt được sự đảm bảo về việc tái tạo các mối quan hệ chư hầu, được sửa đổi phần nào đó so với thời Liên Xô.

Thay cho lời thề trung thành với hệ tư tưởng cộng sản duy nhất, Moskva hiện mong đợi lòng trung thành về địa chính trị của chư hầu đối với mình, không cho phép tính đa vec-tơ (đa hướng) "khét tiếng" trong chính sách đối ngoại.



Nước cộng hòa của những tổng thống bị phế truất


Kyrgyzstan là nước đầu tiên trên vòng cung bất ổn năm 2020 trong không gian hậu Xô Viết, nếu đi từ Đông sang Tây. Đây là một trong hai quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết được gọi là các quốc gia thất bại – failed nation (quốc gia thứ hai là Tajikistan). Kyrgyzstan năm nay đã chứng minh rằng họ có quyền chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách này.



Bất ngờ đối với số đông những nhà phân tích (trong đó có tôi), các cuộc bầu cử nghị viện ngày 4/10/2020 đã dẫn đến cuộc đảo chính quyền lực tiếp theo, lần thứ ba trong lịch sử của nước cộng hòa Trung Á nhỏ bé này. Tổng thống thứ năm của Kyrgyzstan, Sooronbai Jeenbekov, người được bầu ba năm trước và hứa rằng các cuộc bầu cử sẽ diễn ra công bằng và minh bạch dưới thời ông, còn bản thân ông sẽ không can thiệp khi thực hiện chúng, đã không thể giữ lời hứa và buộc phải nhượng bộ đám đông phản đối quá khích đã xông vào dinh thự của mình (trước đó ông ta đã kịp chạy thoát theo một hướng không xác định).


Người Kyrgyzstan đã quen giải quyết các vấn đề với chính phủ không phù hợp và lừa dối họ một cách chóng vánh và không thương sót: họ chỉ đơn giản là phá bỏ nó. Thỉnh thoảng họ nhảy lên ngựa và lên đường để đạt được mục tiêu của mình bằng cuộc hành quân với ngựa từ Issyk-Kul đến Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan). Đôi khi quá trình này trở nên đẫm máu, như đã xảy ra năm 2010 trong vụ lật đổ tổng thống thứ hai Kurmanbek Bakiyev, người đã cùng gia đình chạy trốn đến Belarus, nơi bạn của ông là Lukashenko đã cho ông tị nạn và quyền công dân. Khi đó, theo số liệu chính thức, đã có 87 người chết.


Tổng thống Kyrgyzstan đầu tiên, Askar Akayev, bị lật đổ năm 2005 và được tị nạn tại Nga, ông hiện là giáo sư tại Đại học Quốc gia Moscow (MGU). Tổng thống thứ tư, Almazbek Atambayev, bị kết án 11 năm tù vào năm ngoái với tội danh tham nhũng và lạm dụng chức vụ. Bây giờ vụ việc của ông ta được xem xét lại, nhưng ông ta vẫn đang ở trong trại cải tạo. Như vậy chỉ có tổng thống thứ hai và thứ năm của Kyrgyzstan, Roza Otunbaeva và Sooronbek Jeenbekov (người được cho là đã tự nguyện từ chức tổng thống vào ngày 16/10/2020, 12 ngày sau cuộc bầu cử quốc hội) hiện đang sống trong tự do và trên đất nước của mình.


Nhân viên an ninh vũ trang gần một đồn cảnh sát ở Kyrgyzstan.



Jeenbekov tỏ ra là một tổng thống cực kỳ yếu đuối, nhờ đó đã cứu mạng sống của rất nhiều người: ông ta đã không bám vào quyền lực và không ra lệnh cho lực lượng vũ trang sử dụng vũ khí để bảo vệ dinh thự của mình. Rõ ràng quyền lực của Jeenbekov đã bị chiếm đoạt bởi Sadyr Japarov, một người đàn ông cực kỳ mạnh mẽ, người ban đầu lên làm thủ tướng rồi sau đó, cùng trong ngày 16/10, trở thành Tổng thống tạm quyền. Ông là cựu thành viên quốc hội, 52 tuổi, và 10 ngày trước đó là tù nhân đang thụ án 11 năm tù về tội (theo ông khẳng định là giả dối) bắt cóc thống đốc Issyk-Kul. Ông được giải thoát khỏi sự giam cầm bởi chính đám đông cách mạng đã đuổi Tổng thống ra khỏi dinh thự của mình, sau khi nhân tiện cướp bóc nó luôn.


Japarov, bỏ qua tất cả các thủ tục hiến pháp, trong vài ngày đã sắp xếp được những người trung thành với mình vào vị trí người phát ngôn nghị viện và người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia. Ông hứa với dân chúng hòa bình, trật tự và công lý, đấu tranh với nạn tham nhũng đến cùng, khẩn trương thông qua hiến pháp mới, nó sẽ chấm dứt cuộc thử nghiệm thất bại với việc áp dụng hệ thống quyền lưc của nghị viện Kyrgyzstan không khẳng định được mình, củng cố vai trò và quyền lực của tổng thống, người thực sự sẽ đứng đầu chính phủ. (Japarov đã được bầu làm Tổng thống chính thức của Kyrgyzstan ngày 6/1/2021, nhận được 79,2% số phiếu bầu).


Moskva bối rối trước những sự kiện này đến nỗi ngay sau khi Tổng thống Jeenbekov bị lật đổ họ đã tuyên bố đình chỉ việc phân bổ các khoản vay đã hứa cho Kyrgyzstan cho đến khi trật tự được lập lại ở đó. Không ai ở đây biết Japarov và những kẻ đứng sau ông ta.



Lúc đầu người ta đã có thể lo lắng, liệu có dấu hiệu của một cuộc cách mạng màu trong những gì đã xảy ra, liệu ông ta có cố gắng đưa đất nước Kyrgyzstan ra khỏi Nga hay không, liệu có mối đe dọa nào đối với các cơ sở quân sự của Nga được triển khai tại nước này hay không. Nhưng nhanh chóng trở nên rõ ràng rằng nếu có ai đứng sau Japarov, thì đó là tội phạm có tổ chức hoặc các lực lượng có ảnh hưởng gần gũi với Tổng thống bị lật đổ Bakiyev. Và không thể đưa Kyrgyzstan đi theo bất kỳ hướng nào ra xa Moskva theo định nghĩa: không phải theo châu Âu, cũng không phải theo Trung Quốc.


Vì vậy Moskva đã trấn tĩnh và nói rõ rằng họ mong đợi chính quyền mới sẽ tự mình lập lại trật tự và dọn dẹp ‘chuồng ngựa’ bằng sức lực của riêng mình. Một khi điều đó xảy ra, Moskva cho biết, viện trợ của Nga sẽ tiếp tục tràn đầy.


Ngựa trong nghĩa trang Karabakh.


Khi đó Moskva sẽ không đưa ra bấy kỳ khiếu nại nào về việc coi thường các thủ tục hiến pháp, dự thảo hiến pháp được soạn thảo trên đầu gối của kẻ nào đó không rõ (nhưng biết chắc là dưới sự chỉ đạo của ai), coi thường những tiền đề rõ ràng để Tổng thống chiếm đoạt quyền lực, hạn chế tự do ngôn luận và truyền thông đại chúng. Vấn đề chính là Kyrgyzstan vẫn là một đồng minh đáng tin cậy đối với nước Nga của Putin, còn không quan trọng việc chủ nghĩa Makhno (vô chính phủ) đang ngự trị ở đó, việc chính quyền quần chúng (ochlocracy) và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Kyrgyzstan đang đe dọa lên nắm quyền (chính Japarov và những người ủng hộ ông đại diện cho các chính sách như vậy trong một đất nước bị chia cắt thành miền Bắc và miền Nam (ở phía Nam đa số là các sắc tộc Uzbek). Nước cộng hòa hiện nay, nơi mà một phần tư thế kỷ trước người ta gọi một cách ngưỡng mộ là ‘hòn đảo của nền dân chủ ở Trung Á’, đang trải qua quá trình tiến hóa như vậy.

Quả anh đào trên bánh ga tô: khi Đại sứ Mỹ tại Bishkek gọi cuộc điều tra hoạt động trong đế chế tội phạm của quan chức tham nhũng Kyrgyzstan nổi tiếng, cựu phó Cục trưởng Hải quan Matraimov (biệt danh Raim-million) là sự kiện quan trọng nhất trong 18 tháng gần đây ở nước cộng hòa, Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan đã ra tuyên bố về việc không cho phép can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước. Gần đây Mỹ đã thêm Matraimov vào danh sách Magnitsky toàn cầu, chính tên mafiosi mà chính quyền mới của Kyrgyzstan vừa thả tự do để đổi lấy lời hứa trả lại ngân khố 25 triệu USD. Thật dễ hiểu là sau đó Moskva và Bishkek có thể coi mình ở cùng một bên của chướng ngại vật trong cuộc đối đầu với Mỹ.




Gìn giữ hòa bình ở Karabakh


Đã đến lúc di chuyển dọc theo vòng cung bất ổn xa hơn về phía tây, đến Karabakh. Ban đầu, 44 ngày của cuộc chiến Karabakh lần thứ hai trông giống như một thất bại nghiêm trọng về hình ảnh và địa chính trị đối với Nga. Nước Nga tỏ ra không có khả năng (và còn có ai đó nghĩ rằng nó không muốn) bảo vệ người Armenia trước giải pháp quân sự về vấn đề Nagorno-Karabakh của Azerbaijan và đã để cho Thổ Nhĩ Kỳ vào Nam Caucasus với tư cách là một tác nhân quan trọng trong khu vực.


Tôi tin rằng Putin không thể cho phép mình can thiệp quân sự về phía người Armenia cả vì các lý do chính thức (Armenia, một đồng minh của Nga trong OKDB (Tổ chức An ninh Tập thể), không bị tấn công), cả vì lo ngại phải đụng độ trực tiếp với Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng sau Azerbaijan. Ngoài ra, chúng ta biết rất rõ cuộc chiến của Nga ở Kavkaz là cái gì.


Đại diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến hành lên lớp tại một trường học ở Nagornyi-Karabakh với màn trình diễn các phương tiện kỹ thuật rà phá bom mìn.


Tuy vậy, Putin đã lấy ra được lợi nhuận tối đa có thể từ hoạt động gìn giữ hòa bình không được phối hợp với phương Tây ở Karabakh, điều này cho phép Nga đưa một lực lượng quân sự đáng kể vào khu vực và tăng tổng số sự hiện diện quân sự của mình ở Nam Caucasus (có tính đến căn cứ hiện có ở Armenia, căn cứ quân sự ở Abkhazia và Nam Ossetia) lên đến 11.000 người.



Người Nga đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc sống ở phần (lãnh thổ) Karabakh còn lại dưới sự kiểm soát của người Armenia. Do đó sẽ không quá lời khi nói rằng phần này của Karabakh trên thực tế đang biến thành một vùng bảo hộ của Nga. Trong cuộc chiến này tôi đã viết rằng việc trở lại hình thức tương tự như thỏa thuận hòa bình Kryurekchai (thỏa thuận khẳng định việc chuyển Hãn quốc Karabakh sang thuộc quyền công dân của đế chế Nga), được ký kết vào năm 1805 trong đỉnh cao của cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư. Khi đó Hãn quốc Karabakh chuyển sang dưới sự bảo hộ về chính trị-quân sự của nước Nga Sa hoàng, điều này đảm bảo an ninh cho người dân Karabakh. Câu chuyện ở đây, cho dù có ai thích hay không, là đưa mẫu quốc Nga trở về chức năng đế chế.


Một hệ quả bất ngờ và ít được ai chú ý từ chiến thắng của Azerbaijan trong cuộc chiến Karabakh là sự tan băng trong việc giải quyết các vấn đề của Cộng hòa Abkhazia, nước trên thực tế vẫn chưa được ai công nhận. Vào ngày 12/11/2020, hai ngày sau thỏa thuận ngừng bắn ở Karabakh, đã có cuộc gặp của Putin với Tổng thống Abkhazia Aslan Bzhania. Sau đó các bên đã ký Chương trình 3 năm hình thành không gian kinh tế - xã hội chung giữa Nga và Abkhazia. Bzhania thẳng thắn nói rõ rằng Abkhazia đã sẵn sàng nấp sâu hơn nữa dưới quyền tài phán của Nga vì lo ngại rằng Gruzia có thể bị cám dỗ để lặp lại thành công ở Karabakh của Azerbaijan khi giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã mất vào đầu những năm 1990.


Và không còn quá quan trọng liệu đây có phải là một mối đe dọa hoang tưởng và sáng kiến hình thành không gian chung đã xuất hiện từ phía ai - từ Sukhum (thủ đô Abkhazia) hay từ Moskva. Vấn đề chính là người Abkhazia đã sẵn sàng từ bỏ pháo đài độc lập cuối cùng của mình: lệnh cấm bán bất động sản cho người Nga trên bờ Biển Đen hiền hòa và cấp cho họ quyền công dân thứ hai. Đó là một điều cấm kỵ đối với người Abkhazia: họ rất sợ bị mất quyền thống trị sắc tộc mà họ đã giành lại được sau cuộc chiến tranh Abkhazia-Gruzia. Tình hình ở Abkhazia đang rất nguy cấp, mùa đông đang đến gần, điện gần như không đến được cấp đến nhà và Moskva đã sẵn sàng nối vòng lưới điện Abkhazia với lưới điện của Nga, nếu như Sukhum dỡ bỏ lệnh cấm các công ty năng lượng Nga mua lại lưới điện của Abkhazia.



Quan trọng hơn nữa là các kế hoạch của Putin, được Bzhania kể lại: người cai trị Điện Kremlin, "sau khi phân tích các quá trình toàn cầu, hy vọng sẽ hợp nhất một nhóm các quốc gia trong không gian Á-Âu, bao gồm Belarus, Abkhazia, tất cả những người quan tâm, thành một Liên minh gần gũi với Nga". Tính tới việc điều này đã được nói vào tháng 11, kế hoạch của Putin là rất lớn lao.


Ngoài Belarus, vòng cung các biến động-2020 có nguy cơ gia tăng bởi Moldova. Tổng thống mới, Maia Sandu quyến rũ, hứa sẽ chống lại Moscow, sau khi yêu cầu quân đội Nga rút khỏi Transnistria (Pridnetstrovie).


Tôi có thể giả định rằng khu vực này, vốn từ lâu đã tự tuyên bố mình là một nước cộng hòa, trong tương lai gần sẽ muốn thấy mình trong chính tập hợp các nhà nước liên minh lân cận của Nga, mà sự hình thành của nó Putin đã kể cho nhà lãnh đạo Abkhazia.



Tác giả: Arkady Dubnov. Dịch bởi Công Phan.

Comentarios


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page