top of page
​AD

“Anh Hùng” và “Anh Thư”

Chữ “anh hùng” ngày nay dùng để chỉ chung cho cả nam và nữ. Nhưng nếu xét về gốc từ, dùng chữ “anh hùng” chỉ cho phái nữ là chưa chuẩn.


Trong tiếng Hán chữ “anh” (英) nghĩa là tài giỏi, tài năng xuất chúng.


“Hùng” (雄) dùng để chỉ con trống, do vậy, “anh hùng” (英雄) dùng cho người tài giỏi kiệt xuất thuộc về phái nam.


“Thư” (雌) dùng để chỉ con mái, do vậy, “anh thư” (英雌) dùng cho người tài giỏi rỡ ràng thuộc về phái nữ.



Ta nói “anh thư” chứ không đính kèm “nữ” phía trước “anh hùng” (nữ anh hùng) làm chi cho rườm rà.


Tiếng Anh cũng rõ ràng, “anh hùng” là “hero”, còn nữ giới giỏi giang kiệt thì gọi là “heroine” chứ không đính kèm “female” thành “female hero”.


Gọi “nữ anh hùng” — trong khi như diễn giải trên — “hùng” dành cho phái nam, cho nên gọi “nữ anh hùng” thành ra lưỡng tính.



Thật ra, đây là một hiện tượng ngôn ngữ khá thông dụng, tây ta đều từng từng vấp phải.


Ví dụ chữ “human” nghĩa là con người, cho dù là nữ (woman) chứ không phải nam (man) thì vẫn cứ gọi “human”. Bởi từ tiếng Anh “man” không chỉ là “nam giới” mà còn mang nghĩa là “con người” nói chung.


Tuy nhiên, khảo chứng lại, “man” khi mang nghĩa đại diện “con người” nói chung thực ra phản ánh một não trạng, một tiềm thức xem trọng đàn ông còn đàn bà bị xem nhẹ, phớt lờ.



Cũng vậy, cách gọi “nữ anh hùng” là do thói quen bị chi phối bởi tiềm thức tương tự với “human” nêu trên.


Tiếng Việt chúng ta đã có sẵn “thư” dành cho nữ giới, mắc gì phải dùng chung chữ “hùng” dành cho nam giới, rồi thêm “nữ” phía trước làm chi cho mệt.


Ngôn ngữ cũng tương đối và thay đổi theo thời đại. Dù vấp phải những sự cố chấp cách mấy, cũng sẽ tới lúc dùng lại chữ “anh thư” thay cho “nữ anh hùng”. Như bao đời tiền nhân người Việt Nam chúng ta tôn vinh nào là bà Trưng, bà Triệu đều là những vị anh thư chứ không gọi lộn tùng phèo là “nữ anh hùng”!

bottom of page