top of page
​AD

Anh Mac: Cảm Nghĩ Của Một Người Lính Mỹ Gốc Việt Về Ngày 30 Tháng 4

Đã cập nhật: 22 thg 5

Một người lính Mỹ gốc Việt đã gây chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội với bài viết đầy suy tư về ước vọng hàn gắn giữa những người Việt giữa hai bờ lịch sử.

Ảnh minh họa bởi NKI.
Ảnh minh họa bởi NKI.

Ngày 30 tháng 4 vẫn luôn là một dấu mốc không thể bỏ qua trong lịch sử hiện đại của Việt Nam. Với hàng triệu người, ngày 30 tháng 4 là “Ngày Giải phóng”, nhưng với hàng triệu người khác, là “Ngày Quốc hận”.


Vào ngày 3/5/2025, Anh Mac, người đồng sáng lập NKI, đăng tải bài viết dài đầy cảm xúc trên Facebook, chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự kiện 30/4 với tư cách là một người lính Mỹ gốc Việt. Trong đó, anh đứng giữa để lắng nghe, thấu hiểu và kêu gọi một hành trình hoà giải.



Anh Mac mở đầu bài viết bằng một sự thật đau lòng. Năm mươi năm sau khi chiến tranh kết thúc, người Việt trong và ngoài nước vẫn chưa thể hoà hợp về mặt tâm thức. Trong nước xem ngày này như một chiến thắng lịch sử, một khúc khải hoàn, còn hải ngoại thì gắn với mất mát, chia ly và những nỗi đau chưa có lời tiễn biệt.


Sinh ra ở Sài Gòn và sống 15 năm ở Việt Nam trước khi định cư tại Mỹ, hiện đã sống 17 năm ở xứ người, Anh Mac là một trường hợp hiếm hoi có trải nghiệm chân thật từ cả hai phía. Anh từng trở lại Việt Nam nhiều lần, sống một thời gian tại quê nhà, và chính sự song hành đó cho phép anh nhìn thấy những mâu thuẫn, định kiến và nỗi tổn thương mà cả hai bên đều đang mang theo.


“[Người Việt tị nạn] không phải kẻ thù hay kẻ phản bội. Họ chỉ đang sống với những ký ức khác của cùng một dòng lịch sử,” Anh Mac viết.



Anh kêu gọi một sự hiểu biết sâu hơn giữa hai cộng đồng, vốn đã bị chia rẽ không chỉ bởi biên giới mà còn bởi nhận thức lịch sử, cảm xúc cá nhân và nỗi đau tập thể.


Anh thẳng thắn chỉ ra rằng, trong nước có xu hướng miệt thị người Việt tị nạn, trong khi hải ngoại lại không ít người tự cho mình là “cao quý” hơn.


“Sự miệt thị lẫn nhau đó tạo thành vòng thù hận luẩn quẩn không có hồi kết,” anh nhấn mạnh.



Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự chia rẽ vẫn hiện hữu, đặc biệt rõ nét trên mạng xã hội, nơi mà theo lời anh, “mỗi bình luận là một viên gạch dùng để đấu tố lẫn nhau”.


Từ trải nghiệm của một người lính, Anh Mac không chỉ nhìn lại chiến tranh bằng sự thấu cảm, mà còn hướng về tương lai bằng cái nhìn sắc sảo. Theo anh, hòa giải không thể đến từ sự áp đặt, cũng không thể đến từ một phía. Hòa giải cần bắt đầu bằng sự nhún nhường, không phải là yếu đuối, mà là bản lĩnh để vượt lên cái tôi, vượt lên bản năng phản ứng khi bị công kích.


Đặc biệt, anh chỉ ra trách nhiệm của giới có ảnh hưởng, những người có khả năng định hướng cảm xúc của đám đông. Nếu những tiếng nói ôn hòa được khuếch đại, nếu những câu chuyện đa chiều được kể lại bằng sự bao dung, thì đám đông cũng sẽ dần được dẫn dắt theo hướng hòa giải, thay vì cực đoan.



“Cảm xúc chạm đến con tim dễ lay động hơn cả ngàn lý lẽ,” anh khẳng định.


Không né tránh, Anh Mac cũng đề cập đến mô hình chính trị hiện hành không khuyến khích đa dạng quan điểm, điều mà anh cho rằng chính là một nguyên nhân gốc rễ khiến sự hòa hợp vẫn là điều xa xỉ. Khi tranh luận tự do bị giới hạn, chia rẽ trở thành công cụ vô hình để duy trì quyền lực.


Tuy vậy, Anh Mac vẫn đặt niềm tin vào sự thay đổi đến từ nhận thức, đặc biệt từ thế hệ trẻ. Anh cho rằng khi nhà trường bắt đầu dạy lịch sử đa chiều, khi truyền thông dừng khơi lại mô hình “bên thắng – bên thua”, và khi người lớn sẵn sàng lùi một bước để lắng nghe, thì hòa giải sẽ không còn là điều xa vời.



Bài viết của Anh Mac không chỉ là một tiếng nói cá nhân. Đó là một lời nhắc nhở, một lời đề nghị chân thành gửi đến tất cả những ai còn mang trong mình vết thương chiến tranh. Hãy kể lại lịch sử bằng sự trung thực và tôn trọng, hãy lắng nghe để hiểu, không phải để thắng.


“Khi người Việt không còn nhìn nhau bằng cặp mắt của kẻ thắng – người thua, mà bằng sự cảm thông, đó mới là ngày đất nước thống nhất toàn thắng thật sự,” anh chia sẻ.


Trong một thế giới đầy nhiễu loạn và chia rẽ, sự can đảm để tha thứ, để nhún nhường và để nói lên sự thật một cách ôn hòa có lẽ là hành động cách mạng nhất. Anh Mac đã làm điều đó. Và Ngoài Kia tin rằng, những câu chữ của anh sẽ không dừng lại ở một bài viết mà sẽ còn lan tỏa, truyền cảm hứng cho những nhịp cầu mới được xây giữa những bờ ký ức chưa liền.



Cuối bài viết, Anh Mac chia sẻ anh sẽ tiếp tục khai phá lịch sử và bản sắc, không chỉ với tư cách một người lính Mỹ gốc Việt, mà còn là một người viết.


“Nếu bạn muốn đọc thêm, thì mình xin chia sẻ là mình đang viết một cuốn sách về những suy nghĩ kiểu như vậy nhưng đầy đủ chi tiết và cảm xúc hơn nhiều. Hãy theo dõi để biết thêm những cảm nghĩ tiếp theo!” Anh Mac cho biết.


Lời hứa về một cuốn sách không đơn thuần là quảng bá cá nhân. Nó là cam kết rằng hành trình đối thoại này không chỉ dừng lại ở một bài đăng nhất thời, mà anh sẽ tiếp tục kể câu chuyện của dân tộc, nhưng lần này, đầy đặn hơn, không rút ngắn vì giới hạn của mạng xã hội.


Với một cây viết mang trong mình hai chiều ký ức và trái tim đủ rộng để lắng nghe cả hai phía, cuốn sách đó có thể chính là nhịp cầu cần thiết không chỉ để người Việt hiểu nhau hơn, mà còn để thế giới hiểu người Việt.



Anh Mac. Ảnh: Jane Vu
Anh Mac. Ảnh: Jane Vu

Cảm nghĩ của một người lính Mỹ gốc Việt về ngày 30 tháng 4 Năm mươi năm sau chiến tranh, người Việt trong và ngoài nước vẫn chưa thể thực sự hàn gắn những rạn nứt trong tâm thức. Với người Việt trong nước, ngày 30 tháng 4 là “Ngày Giải phóng”, một cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự kết thúc chiến tranh và mở ra thời kỳ thống nhất. Sự tự hào về chiến thắng là hoàn toàn chính đáng và những hy sinh cho nền độc lập là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đối với nhiều người Việt ở hải ngoại, ngày 30 tháng 4 lại là “Ngày Quốc hận”, biểu tượng của một trang sử đau thương gắn liền với chia ly và mất mát. Nhiều gia đình ly tán, nhiều người vẫn mang trong lòng nỗi đau chưa lành về việc mất quê hương. Họ không phải kẻ thù hay kẻ phản bội. Họ chỉ đang sống với những ký ức khác của cùng một dòng lịch sử.


Có những sự kiện mà khi nhắc đến, có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Mỗi dịp 30 tháng 4, tôi không tham gia mà chỉ lặng lẽ. Tôi nghĩ về cả hai phía, những người Việt từng giết lẫn nhau vì khác biệt hệ tư tưởng. Là người lính, tôi hiểu thế nào là lý tưởng và lòng trung thành. Tôi cũng hiểu chiến tranh không chỉ có lý lẽ mà còn là những mất mát vĩnh viễn không thể bù đắp. Và giờ thế hệ của tôi lớn lên ở một nơi mà quê hương là điều gì đó vừa gần gũi, vừa mơ hồ. Tôi sinh ra và sống ở Sài Gòn 15 năm trước khi sang Mỹ định cư, đến nay đã ở đây 17 năm. Trong thời gian đó, tôi nhiều lần trở về Việt Nam và có những khoảng thời gian sống tại quê nhà. Tôi hiểu được cả người Việt trong nước lẫn cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nên tôi tin mình có đủ tư cách để lên tiếng. Một thực tế đáng buồn là nhiều người trong nước thường chế giễu người Việt tị nạn ở nước ngoài, cho rằng họ bán nước và mất nước. Vì vậy, nhiều người Việt ở hải ngoại ôm một mối hận không chỉ với chính quyền Việt Nam hiện tại mà còn chất chứa cả một nỗi thất vọng chua chát với sự quay lưng của đồng minh xưa trong giờ phút định mệnh. Nhưng nỗi hận lớn hơn, có lẽ là đối với thể chế cũ sụp đổ quá nhanh khiến họ không kịp hiểu điều gì xảy ra. Và nếu đủ thành thật, có lẽ nhiều người cũng hận chính bản thân mình vì đã bất lực trước cơn xoáy lịch sử và cảm giác đã đánh mất quê hương mà không kịp nói lời từ biệt.


Khi miền Nam được gọi là giải phóng, hàng trăm ngàn người liều mạng bỏ chạy khỏi lực lượng miền Bắc, sẵn sàng đánh đổi tất cả để vượt biển thoát thân. Những người không rời đi, phần lớn không phải vì họ muốn ở lại mà đơn giản vì không thể chạy được. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn tiếp tục tìm mọi cách để rời khỏi đất nước, thậm chí giả mạo giấy tờ, kết hôn giả, trốn chạy qua đường lao động đến du học. Nếu ngày ấy thực sự là một cuộc giải phóng, thì tại sao người dân lại bỏ chạy khỏi sự giải phóng ấy? Rõ ràng, sự thật phức tạp hơn những khẩu hiệu tuyên truyền. Nói một cách cay đắng, sự kiện 30 tháng 4 có vẻ như là để giải phóng người dân ra khỏi chính mảnh đất của mình. Ở chiều ngược lại, không ít người Việt ở nước ngoài lại coi thường người trong nước, xem họ thua kém, như thể bản thân mình cao quý hơn chỉ vì đang sống ở Mỹ hay một nước phương Tây nào đó. Nói cho công bằng, nơi nào tốt hơn còn phụ thuộc vào góc nhìn cá nhân. Không ai có quyền áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Nhiều người thậm chí ích kỷ không muốn người dân trong nước có cuộc sống tốt hơn vì sợ không còn gì để tự hào. Chính sự miệt thị lẫn nhau đó tạo thành vòng thù hận luẩn quẩn không có hồi kết. Chiến tranh kết thúc đã nửa thế kỷ, nhưng sự chia rẽ trong tâm thức vẫn tiếp diễn. Người Việt vẫn đang tự làm tổn thương nhau, và kẻ thù sẽ hả hê khi thấy điều đó. Việt Nam từ Nam ra Bắc nên là một đất nước thống nhất, nên cùng tồn tại với bản sắc văn hóa đa dạng, riêng biệt và một nền độc lập không bị chi phối bởi thế lực ngoại bang. Biên giới lãnh thổ Việt Nam không chỉ dừng lại ở nơi đất liền chạm biển mà còn trải rộng ra thềm lục địa bao gồm những quần đảo và cả bầu trời bao la phía trên. Trong tương lai, khi dân tộc đủ mạnh mẽ, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn ra thiết lập các khu vực ảnh hưởng ở nước ngoài, thậm chí là mở rộng đến tận vũ trụ. Nhưng để có được sức mạnh đó, sau hàng ngàn năm gian khổ dựng nước và giữ nước, điều tiên quyết là sự đoàn kết. Một đất nước mạnh là một dân tộc biết hành động tử tế với chính đồng bào mình.


Thế nhưng, hiện thực lại ngược lại. Không khó để thấy những lời lẽ cay nghiệt trên mạng xã hội, nơi mỗi bình luận là một viên gạch dùng để đấu tố lẫn nhau một cách dễ dãi thay vì xây dựng một nền tảng kết nối. Một bộ phận người dùng không kiểm soát, do bị dẫn dắt bởi các diễn ngôn cực đoan, đã lợi dụng dịp này tái tạo hận thù giữa người Việt với nhau. Sự cực đoan ấy không đến từ nhận thức có kiểm chứng về lịch sử, mà thường bắt nguồn từ cảm tính nông cạn. Trớ trêu thay, họ nhân danh lòng yêu nước để hạ bệ đồng bào, đó thật ra chỉ là cái cớ để thoả mãn cái tôi. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần tự hỏi ai mới là kẻ thù thực sự? Không phải người Việt trong nước tự hào vì chiến thắng. Không phải người Việt sống xa xứ mà vẫn yêu quê hương. Kẻ thù chung không mang hình hài một cá nhân cụ thể mà là sự cực đoan, là lòng hẹp hòi không chấp nhận sự khác biệt. Chiến tranh là vết thương nhưng cũng là bài học để con người biết rằng hòa bình là lựa chọn khó khăn nhưng đáng giá. Ai cũng có lỗi trong chiến tranh, nhưng những ai dám vượt lên để tha thứ mới là người đúng đắn nhất.


Ngày 30 tháng 4 không nên là dịp để khơi lại vinh quang hay thù hận, mà nên trở thành cơ hội để hàn gắn, để hiểu rằng dân tộc này không thể chia rẽ mãi. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai thì có thể, nếu chúng ta kể lại lịch sử bằng sự trung thực và tôn trọng. Tôi mong mỏi về một tương lai nơi người Việt không còn nhìn nhau bằng cặp mắt của kẻ thắng, người thua, mà bằng sự cảm thông. Khi ký ức chiến tranh được kể lại với lòng bao dung và người Việt ở mọi nơi có thể lắng nghe nhau thay vì kết tội nhau, đó mới là ngày đất nước thống nhất toàn thắng thật sự. Trên thực tế, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng khi phải bắt đầu từ đâu thì lại là một tiến trình cần rất nhiều kiên nhẫn. Hòa giải và hòa hợp không dễ, nhưng 50 năm là quá đủ để giữ mãi những vết thương cũ. Hòa giải đến từ những hành động nhỏ như phải có người dám bắt đầu bằng sự nhún nhường, hay nói cách khác là một bên phải chịu lỗ trước. Không phải là hạ mình, mà là đủ bản lĩnh để không phản ứng bằng bản năng. Khi bị công kích hay hiểu lầm, thay vì đáp trả, hãy giải thích bằng sự điềm tĩnh.


Trên mạng xã hội, mọi cuộc trò chuyện với người lạ đều dễ biến thành tranh cãi, vì ai cũng nói để thắng, không ai lắng nghe để hiểu. Một người bị công kích có thể bị hàng trăm người khác hùa theo. Một bài đăng kích động có thể thu hút hàng ngàn tương tác chỉ vì đánh vào cảm xúc yêu nước, dù đầy sai lệch. Khi quan điểm cực đoan lan truyền, nó tạo ra ảo tưởng rằng đó là số đông, khiến người khác làm theo vì sợ bị lạc lõng. Con người hành xử giống nhau khi hòa vào đám đông. Hiệu ứng bầy đàn khiến chia rẽ lan rộng, nhưng nếu hiểu rõ, nó cũng có thể trở thành công cụ tâm lý để thúc đẩy tinh thần hòa hợp. Ai kiểm soát được cảm xúc đám đông, người đó có thể định hình xu hướng. Nếu người dẫn dắt chọn sự bao dung, đám đông cũng sẽ đi theo con đường ấy. Nếu có đủ người có ảnh hưởng sẵn sàng đứng ra chia sẻ quan điểm ôn hòa, kể câu chuyện hai chiều, cổ vũ sự tôn trọng khác biệt và biến điều đó thành xu hướng, thì đám đông sẽ quay đầu. Cảm xúc chạm đến con tim dễ lay động hơn cả ngàn lý lẽ. Chỉ khi ta dám rời khỏi cái bẫy chính nghĩa tuyệt đối và nhìn nhận rằng cả hai phía đều có đúng, có sai, đều có mất mát và hy sinh thì mới mở ra cơ hội chữa lành.


Điều quan trọng là bắt đầu từ thế hệ trẻ. Khi trường học dạy học sinh nhìn nhận lịch sử từ nhiều góc độ, biết đặt câu hỏi mà không sợ bị gạt bỏ và truyền thông ngừng khơi lại bên thắng bên thua thì sự đối đầu sẽ tự chuyển hướng theo luồng hòa bình mới. Người lớn còn giữ vết thương, nhưng người trẻ nếu được khai phóng tư duy thì họ sẽ có khả năng xây những nhịp cầu mà thế hệ trước chưa thể. Vậy tại sao suốt nhiều thập kỷ qua điều đó chưa xảy ra? Một phần do cơ chế chính trị hiện hành chưa khuyến khích đa dạng quan điểm. Khi xã hội chia rẽ, người dân dễ tìm thấy lý do bám víu vào hệ thống hiện hữu vì nó mang lại cảm giác ổn định, dù chỉ là tạm thời. Trong một mô hình chính trị mà quyền lực tập trung vào một nhóm nhỏ, việc cho phép tranh luận tự do để đạt được sự đồng thuận xã hội có thể làm lung lay tính chính danh của hệ thống. Khi người dân có quyền đặt câu hỏi và bày tỏ quan điểm trái chiều, sự đồng thuận sẽ trở thành kết quả của một tiến trình dân chủ và cởi mở. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra khả năng cho các lựa chọn chính trị khác, khiến nền tảng chính trị hiện hành trở nên dễ bị thách thức hơn. Tranh luận tự do đồng nghĩa với việc quyền lực bị giám sát chặt chẽ và không còn bất khả xâm phạm, điều này không phù hợp với mô hình chính trị vốn muốn duy trì sự kiểm soát tuyệt đối từ trên xuống. Thay vì cải cách, đôi khi giải pháp được lựa chọn lại là cố tình giữ nguyên sự chia rẽ trong xã hội để người dân mãi tập trung vào mâu thuẫn lẫn nhau mà quên mất đâu mới là gốc rễ thực sự của vấn đề.


Thay đổi thật sự phải đến từ cải cách chính trị thông qua minh bạch hóa và chấp nhận tiếng nói thực chất của người dân vào đời sống chính trị. Nhưng điều đó không dễ, vì nó đụng chạm trực tiếp đến lợi ích và quyền lực vốn đã ăn sâu qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta bất lực. Khi nhận thức được nâng cao, khi con người dám vượt khỏi định kiến để đối thoại một cách văn minh, thì những điều tưởng như bất biến cũng có thể thay đổi. Lịch sử đã chứng minh khi tiếng nói chung đủ mạnh, không hệ thống nào có thể làm ngơ. Con đường đi đến hòa giải và hòa hợp không đến từ sự áp đặt, mà từ sự can đảm nhìn thẳng đến tương lai từ cả hai bên với tinh thần cùng tiến về phía trước. Không ai bắt buộc phải quên, nhưng nếu cứ gặm nhấm quá khứ mà không học cách lắng nghe sự thật từ nhiều góc nhìn, thì dân tộc Việt sẽ mãi mãi loay hoay trong những vết thương cũ.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page