Tôi sinh ra và lớn lên ở Cống Chéo Hàng Lược, thời Pháp thuộc gọi là phố Sông Tô Lịch (rue du Song To-Lich). Gia đình tôi cư ngụ tại chùa Vĩnh Trù, số 59 Hàng Lược.
Chợ hoa Hàng Lược - Tết Giáp Tuất 1994. Ảnh: Duong Minh Long
Phố Hàng Lược nổi tiếng là chợ hoa, họp từ 23 tháng chạp đến 30 Tết. Hoa đào, quất và các loại hoa mang từ Nhật Tân, Nghi Tàm, Tây Hồ lên bày bán. Chợ thật náo nhiệt, người và hoa chen lẫn nhau. Hàng ngày tôi cứ đứng ở cửa chùa ngắm hoa và người, người và hoa, không thấy mệt và chán.
Phố Hàng Lược dài khoảng 300 mét. Sau lưng là chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Khoai. Giáp với Hàng Cót, Hàng Rươi, ngõ Hàng Chai. Phía trên là phố Hàng Mã.
Hàng Lược những năm 1946 - 1954 có thể gọi là trung tâm của phố cổ. Nó là phố nhỏ nhưng có đủ các ngành nghề mà nhiều phố khác không thể có được. Không những ở Hà Nội, mà có lẽ trên thế giới này cũng không đâu như Cống Chéo Hàng Lược. Này nhé!
Phố có hai ngôi chùa và một ngôi đền. Chùa Vĩnh Trù, đền Tứ Vị, và chùa Ấn Độ, dân phố thường gọi là chùa Tây Đen. Cứ vào cuối tuần, các thương gia Ấn Độ, chủ yếu kinh doanh vải lụa Bombay đến lễ chùa thật đông đúc. Lúc ra về ríu rít giọng uốn lưỡi "R", ta không hiểu nổi.
Đền Tứ Vị, nhà số 19, thờ bốn vị thần linh do một bà đồng trụ trì. Bà người đẫy đà, trắng trẻo, hiền hậu. Tôi đã được bà nội tôi bán khoán tại đền này, vì tôi thời nhỏ khó nuôi.
Chùa Vĩnh Trù, nhà số 59, sư cụ họ Phạm trụ trì. Cứ chiều chiều tiếng mõ tụng kinh, quyện lẫn mùi hương hoa, tạo cho không gian tĩnh lặng và thanh sạch.
Cạnh chùa, nhà số 61 là quán thịt chó Sinh nức tiếng Hà thành. Thực khách là những vị khách quen, ấn tượng nhất là một bà người Pháp, trạc tuổi ngũ tuần, lúc về thường mua thêm bốn cái cẳng chó, vì gặm nhấm ở quán không tiện.
Trước cửa Sinh thịt chó, qua đường vỉa hè dãy nhà số chẵn, có quán vằn thắn của chú Sáu người Việt. Tôi nhấn mạnh "chú Sáu người Việt", vì đây là món sở trường của bà con người Hoa, nhưng chú Sáu làm ngon hơn hẳn. Chú bán từ sau giờ cơm sáng đến sẩm tối. Khách của chú toàn là trai thanh gái lịch Hà Thành, xe đạp Peugeot dựng chật vỉa hè. Bát vằn thắn của chú Sáu mới ngoạn mục làm sao. Với bát con gà nhỏ (loại bát to hơn bát ăn cơm, có vẽ hình con gà), có chừng tám viên vằn thắn to hơn ngón tay cái, rải lên trên là hai lát gan lợn luộc, ba miếng xá xíu, hai miếng trứng gà luộc cắt mỏng bằng chỉ, hành hoa và rau mùi, cùng nước dùng trong vắt. Khách bưng bát vằn thắn lên, dùng thìa không dùng đũa, vớt viên vằn thắn cho vào miệng, khẽ nhai. Viên vằn thắn vỡ ra, nhân thịt băm thơm phức cùng với vỏ vằn thắn trơn tuột trôi vào họng. Cái cảm giác sướng khó tả, có lẽ vì thế chữ nho : Vằn là Vân (mây), Thắn là Nuốt, nghĩa là nuốt mây, nhẹ và trơn.
Cạnh đền Tứ Vị nhà số 19, là hiệu giò chả của cụ Dung. Giò lụa, giò bò, chả trâu, ... không đâu sánh được, nhất là cái món giò bò, chất béo ngậy vừa phải, thơm mùi thìa lìa và hạt tiêu,...
Cửa sổ nhà 67 là gánh cháo lòng tiết canh của bà Tần. Nhìn vào mâm lòng lợn mà thèm, bát tiết canh đỏ tươi với vài miếng gan nhỏ và lạc rải lên trên. Khách qua đường không muốn ăn cũng phải sà vào làm một bát với đĩa lòng và dồi, kết thúc bằng bát cháo lòng nóng bỏng.
Qua đường, giáp với Hàng Rươi và ngõ Hàng Chai, có quán cơm bình dân của bà Thục luôn đông khách, phần lớn là những người thuộc tầng lớp lao động.
Cuối phố có hiệu bánh mì thuê của ông Năng. Bánh mì giòn, pa tê gan thơm phức, rắc tí muối tiêu, ... Ăn nhớ đời.
Giữa phố Hàng Lược, một nhà hộ sinh khá lớn. Dân phố xung quanh, các bà mẹ đều sinh con ở đó.
Ai có con lấy vợ, lễ ăn hỏi đã có cửa hàng cho thuê tráp quả của bà trưởng Định.
Nhà ai có người qui tiên, hãy đến nhà đòn Vĩnh Bảo 75 Hàng Lược.
Ai khai trương cửa hàng, cần biển hiệu, cần biển quảng cáo. Có hẳn ba nhà : Tiếp Tân, Kim Sơn, Tô Vân.
Cắt tóc có hai cửa hiệu của ông Ngàn, ông Vân.
Nhà số 2, trông ra Hàng Cót có tiệm sửa chữa ra đi ô Bùi Tiền. Nghe cái tên hiệu cũng ấn tượng lắm. Cái tiếng "Tiền" nghe nó bùi tai đáo để!
Nhà số 21 là hiệu may của ông Xích. Bà con lối phố thường gọi là ông "Xích thố", tên con chiến mã của ngài Quan Công. Ông Xích may sơ mi, may quần nam khéo và đẹp không kém gì những tiệm may ở phố Tây, ở Tràng Tiền, ở Hàng Khay,...
Nhà số 63 là gia đình ông Síu làm nghề thợ mã. Dịp hội hè, những voi giấy, ngựa giấy, thuyền rồng, ... to như thật, bày đầy vỉa hè bên kia đường. Màu sắc lộng lẫy, rực rỡ. Có lần rạp chiếu bóng Ô-lim-pi-a ở gần chợ Hàng Da, thuê ông làm con King Kong giấy, cao bằng ngôi nhà hai tầng, để quảng cáo. Sau năm 1954, ông Síu và người con trưởng được Xưởng phim truyện Việt Nam mời vào làm nghệ nhân đạo cụ.
Ai đi chơi đêm về, mệt mỏi hãy vào uống tách cà-phê của gánh ông Bảo, vỉa hè nhà số 57. Ở đây cũng có cả pa-tê cùng bánh mì giòn và thơm. Ăn miếng bánh mì pa-tê, nhấp ngụm cà-phê, tỉnh người.
Lại nói về ngôi chùa Vĩnh Trù, nơi gia đình tôi cư ngụ. Bên cạnh chùa có một lối vào. Sân chùa có một cây bàng to, khoảng 60 tuổi. Các gian nhà nhỏ, chừng hơn hai mươi mét vuông với lối đi riêng biệt.
Năm 1947, gian đầu là gia đình nghệ sĩ Kim Chung. Sau đó là gian gia đình tôi. Ở được ít lâu thì nhạc sĩ Canh Thân cùng mẹ và em gái dọn đến, gia đình tôi chuyển sang gian thứ ba. Tiếp theo là vợ chồng nghệ sĩ cải lương Túy Liễu, và các "tì nữ" của rạp Kim Chung. Ngoài ra còn có gia đình ông bà Trưởng Đen, cụ Trưởng Ngọ, ông thầy cúng, ...
Tác giả: Trần Quang Dũng
Comments