Trong số các cường quốc thế giới hiện nay, cường quốc có nền văn hóa cũng như môi trường độc đáo nhất là nước Nhật.
Người Nhật khá đồng nhất về mặt văn hóa và sinh học. Có rất ít sự khác biệt giữa người dân các vùng khác nhau của Nhật, ngoại trừ một sắc dân rất khác biệt gọi là người Ainu trên hòn đảo xa nhất về phía Bắc là Hokkaido.
Từ năm 1946, các trường học ở Nhật bắt đầu dạy một huyền thoại về lịch sử Nhật Bản dựa trên những biên niên sử Nhật Bản xưa nhất, từ năm 712 đến 720. Các biên niên kỷ này mô tả vị nữ thần mặt trời Amaterasu sinh ra từ con mắt trái của đấng sáng thế Izanagi, cử cháu của bà là Ninigi giáng trần xuống đảo Kyushu của Nhật Bản để lấy một vị thần dưới trần thế. Chắt của Ninigi là Jimmu, nhờ có sự trợ giúp của một con chim thiêng chói loà khiến mọi kẻ thù của ông mất hết khả năng chiến đấu, đã trở thành vị hoàng đế Nhật Bản đầu tiên vào năm 660 TCN. Để lấp đầy khoảng trống giữa năm 660 TCN đến thời kỳ các vị vua Nhật Bản xưa nhất được ghi trong lịch sử thành văn, các biên niên sử này xây dựng ra 13 vị vua khác nhau, mà hết thảy đều hư cấu.
Từ xa xưa, người Nhật đã luôn tự hào về truyền thống, về trình độ của dân tộc mình. Không phải vô cớ mà có được căn tính dân tộc này. Đồ gốm đã được phát minh độc lập ở nhiều thời điểm và tại nhiều nơi trong thế giới cổ đại. Nhưng đồ gốm xưa nhất thế giới mà con người từng biết đến đã được làm ra ở Nhật Bản từ 12.700 năm trước. Đó là đồ gốm Jomon tại đảo Kyushu ở cực Nam Nhật Bản.
Quay trở lại thời kỳ chuẩn bị sang kỷ nguyên Minh Trị. Lúc đó, nước Nhật không cần châu Âu làm hình mẫu cho tri thức và đô thị hóa. Nước Nhật thời kỳ Tokugawa - Mạc phủ đã có tri thức cao. Edo - thủ đô của Mạc phủ (đổi tên thành Tokyo) - đã là thành phố lớn nhất thế giới cả một thế kỷ rưỡi trước khi Phó đô đốc Perry đến.
Việc Tây phương hóa ở thời Minh Trị không phải là bắt chước một cách mù quáng những đặc thù của các thể chế phương Tây. Các nhà lãnh đạo thời Minh Trị điều hành đất nước với sự hiểu biết rõ ràng, toàn diện về xã hội phương Tây để làm nền móng cho các thiết chế quân sự, giáo dục và nhiều vấn đề khác ở Nhật Bản cùng với những cải biến thích hợp.
Ngay tại Nhật Bản lúc đó cũng đã có nhiều hình mẫu bản địa để rút kinh nghiệm cho xây dựng mô hình toàn nước Nhật. Do cuối thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, nước Nhật có đến 240 phiên (lãnh địa) riêng rẽ, khác nhau về chính sách thuế khóa và đã có một số mô hình thiết chế. Ngoài những hình mẫu tích cực đó, còn có một hình mẫu tiêu cực là nước Trung Hoa to lớn đang bị các nước phương Tây thống trị mà Nhật cần phải tránh.
Những thay đổi cấp thiết nhất, được tác động và khởi phát trong một vài năm đầu của thời Minh Trị, là tạo ra một quân đội quốc gia hiện đại, loại bỏ chế độ phong kiến, thành lập một hệ thống giáo dục quốc dân, đảm bảo thu nhập cho chính phủ bằng việc cải cách thuế khóa. Sau đó chuyển sang cải cách các bộ luật, thiết kế thể chế, bành trướng ra nước ngoài và xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng.
Song hành với sự quan tâm về những vấn đề thực tiễn này, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị cũng bắt đầu tạo ra một hệ tư tưởng rõ ràng để tranh thủ sự ủng hộ của các công dân Nhật.
Cải tổ quân đội bắt đầu với việc mua thiết bị hiện đại của phương Tây, mời sĩ quan Pháp, Đức huấn luyện quân đội, thử nghiệm các hình mẫu Pháp và Anh để phát triển lực lượng hải quân hiện đại. Minh Trị đã có sự tài tình trong việc chọn lựa hình mẫu nước ngoài tốt nhất. Cuối cùng, chọn lục quân Nhật rập khuôn lục quân Đức, hải quân rập khuôn hải quân Anh do cuối thế kỷ 19, đây là những binh chủng mạnh nhất châu Âu.
Một ví dụ: Xưởng đóng tàu Vickers của Anh đã đóng chiếc Kongo, tuần dương hạm đầu tiên cho Nhật. Ngay sau đó, Nhật đã lấy làm mẫu, tự đóng tại 3 xưởng của mình 3 tuần dương hạm: Haruna, Hiei và Kirishima.
Một đạo luật về nghĩa vụ quân sự dựa theo hình mẫu châu Âu được thông qua năm 1873, cung cấp một lực lượng quân đội trang bị đủ súng đạn phục vụ 3 năm. Lực lượng này đã thay thế lực lượng dân quân riêng cũng như các kiếm sĩ dòng dõi Samurai của các lãnh địa. Từ đó, đầu tiên các samurai bị cấm đeo kiếm hay thực hiện việc trừng phạt cá nhân. Loại bỏ chức nghiệp cha truyền con nối của samurai. Tiếp đó, những cựu samurai được chính phủ trợ cấp, cuối cùng những khoản trợ cấp đó được chuyển thành trái phiếu chính phủ có sinh lãi.
Một mệnh lệnh khẩn cấp khác là chấm dứt chế độ phong kiến. Để làm nước Nhật trở nên hùng cường, đòi hỏi phải xây dựng một nhà nước tập quyền theo lối phương Tây. Nên nhớ, vào tháng 1/1868, những quyền lực thực sự duy nhất vẫn còn nằm trong tay shogun, những quyền lực khác vẫn do các daimyo ( lãnh chúa phong kiến ) nắm giữ.
Do đó, vào tháng 3/1868, bốn daimyo, trong đó có hai lãnh chúa Satsuma và Choshu, những người xúi bẩy khôi phục vương triều Minh Trị, được thuyết phục dâng hiến lãnh địa và dân của họ cho Thiên Hoàng. Khi Thiên Hoàng chấp nhận việc này vào tháng 7, những daimyo khác cũng được yêu cầu đưa ra đề xuất tương tự, và để ban thưởng, họ được phong là “toàn quyền” ngay ở đất phong cũ của mình.
Vào tháng 8/1871, các daimyo được thông báo rằng đất phong (và cả chức toàn quyền) phải dẹp bỏ, thay bằng chế độ hành chính cấp quận và quận trưởng. Nhưng các daimyo được phép giữ lại 10% thu nhập định giá trên đất phong trước đây trong khi vẫn được hỗ trợ gánh nặng chi phí mà trước đây họ phải gánh. Vì thế, chỉ trong vòng 3 năm rưỡi, chế độ phong kiến kéo dài hàng bao thế kỷ được xóa bỏ.
Có một điều không thay đổi: Thiên Hoàng vẫn là Thiên Hoàng. Hoàng đế không còn ngự trong Cung điện Hoàng gia ở Kyoto, mà chuyển về kinh đô thực sự ở Edo, đặt tên lại là Tokyo. Trong suốt 45 năm trị vì, Thiên Hoàng thực hiện 102 chuyến tuần du ra khỏi Tokyo và khắp nước, so với 3 chuyến của tất cả Thiên hoàng cộng lại trong suốt 265 năm thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603-1868).
Giáo dục là chủ điểm cho những cải cách lớn lao, với những kết quả cũng lớn lao. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nhật có được một hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường tiểu học bắt buộc được thành lập năm 1872, sau đó là trường đại học đầu tiên ở Nhật được thành lập năm 1877, trường trung học cơ sở năm 1881, trung học phổ thông năm 1886.
Đầu tiên, hệ thống trường học theo hình mẫu tập trung cao của Pháp, đến năm 1879 chuyển sang hình mẫu kiểm soát theo địa phương của Mỹ, đến năm 1886 lại áp dụng mô hình Đức.
Ngày nay, Nhật Bản là nước có tỉ lệ công dân biết chữ cao nhất thế giới (99%), dù có loại chữ viết khó học, phức tạp nhất thế giới. Tuy hệ thống giáo dục quốc dân mới bị ảnh hưởng từ phương Tây, họ vẫn đặt ra những mục tiêu hoàn toàn đặc trưng Nhật Bản: dạy cho người Nhật thành những công dân trung thành và yêu nước, tôn kính Thiên hoàng và thấm nhuần tư duy đoàn kết dân tộc.
Qua cải cách giáo dục sẽ đào tạo ra những con người mới làm việc cho chính phủ và phát triển vốn con người cho Nhật Bản để nước Nhật có thể trỗi dậy trên thế giới và trở nên thịnh vượng. Hiện nay, Nhật Bản là nước có sự phân chia của cải ngang bằng nhất, có tỉ lệ tỉ phú ít nhất tính trên dân số; nước Mỹ lại nằm ở cực ngược lại về cả hai khía cạnh này.
Comments