top of page
​AD

Một cái nhìn khác về tài sản (hay kinh tế cho những người không học kinh tế)

Bài viết được lấy cảm hứng từ tháp nhu cầu Maslow đi kèm với những đêm không ngủ và những ý tưởng lược đồ ngáo ngơ. MTL không phải là một nhà kinh doanh và chưa bao giờ thực sự là một người “GIÀU CÓ”. Xin hãy chỉ xem bài viết như một tư liệu tham khảo.

Hình minh họa bởi NKI.


Phải có lao động thì mới tạo ra được giá trị của cải. Phải có làm mới có ăn. Đây là chân lý của nhiều ngàn năm nay, kể từ khi con người có khái niệm về quy đổi. Tôi sẽ không làm các bạn chán ngấy với dòng lịch sử mà bạn có thể Google 5 giây là ra. Khi tiền ra đời, đồng nghĩa với nền kinh tế ra đời. Và khi nền kinh tế ra đời, thì vô số hệ quả cũng kéo theo.


Câu chuyện về Tuấn


Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện nho nhỏ về Tuấn.




Tuấn năm nay 12 tuổi, gia đình không phải là khó khăn nhưng cũng khó có thể gọi là khá giả.


Tuấn đã có trong tay một công việc ổn định (ít nhất là ổn định hơn nhiều so với những thằng nhóc trong xóm nó chỉ biết tiêu pha qua ngày), đó là nghề cày game thuê. Nếu có một điều mà Tuấn rất giỏi, thì đích thị là chơi game.


Xin đừng cười Tuấn vì đó là tất cả những gì Tuấn, một nhân vật mà tôi mới tưởng tưởng ra 30 giây trước, có thể làm, bằng khả năng ít ỏi của một đứa trẻ 12 tuổi.


Cứ mỗi trận nó đánh thắng ngoài quán net, Tuấn được 50.000. Sau một buổi chiều trốn học, nó có thể dành túi được 250.000. Bốn ngày trong tuần, nó sẽ kiếm được 1.000.000, hoặc hơn, nếu nó được nghỉ tiết Tin Học và may ra trốn thêm tiết Thể Dục.


1.000.000 sẽ là toàn bộ tài sản đối với nó. Một khối tài sản lớn.


Tuấn, cũng như nhiều người khác, sẽ muốn tiêu số tiền mà nó kiếm được. Tất nhiên, nó cũng ý thức được rằng cần phải tiết kiệm – nên nó dành 50.000 để mua ổng lợn rồi bỏ vào đó 200.000. Vị chi (bài viết khi sử dụng hai từ này thì bắt đầu nghe hơi có mùi lớp kinh tế rồi), nó còn 750.000 để tiêu.



750.000 với Tuấn là một số tiền kha khá lớn. Ít ra là với một gia đình không khá giả như của Tuấn, nó có thể nghĩ đủ mọi khả năng để tiêu nó. Nó chia ra từng phần nhỏ để nó có thể sử dụng với số tiền ấy.



Và, như một công dân lương thiện, nó tiếp tục công việc của nó để kiếm thêm tiền.


Càng đánh, Tuấn càng thấy thích thú. Trên thực tế, nó cảm thấy như mình bất bại. Tuấn được làm việc mình thích và thậm chí còn được trả tiền cho điều đó.


Và khi Tuấn đã cày game miệt mài, ngày qua ngày, rồi thắng đủ để người mà nó đánh game hộ đã “cống” cho nó đủ 10.000.000 trong tay, 750.000 với nó sẽ trở thành 75.000.




Và rồi khi nó nhìn số tiền 1.000.000, nó lại tự nhủ: “Ha! Vậy mà trước kia mình tưởng mình đã có tất cả! Thật xuẩn ngốc”.


Cũng đúng, giờ Tuấn đã khác hoàn toàn. Nó có thể tự tin vào một quán cơm tấm để gọi đồ ăn mà không cần phải nhìn giá tiền. Nó có thể mua một ly nước mía, làm rơi và có thể mua ly mới mà đầu không cần phải nảy số tính toán chia ly từng ly từng tí bởi vì, đơn giản, trong nhận thức của nó, đi kèm với sự so sánh với bản thân trong quá khứ, nó đã trở thành một con người…GIÀU CÓ.



Nếu như cái tôi nó đủ to, to bằng-với-số-tài-sản-nó, ít nhất, nó sẽ đi khoe với tất cả mọi người là nó đã giàu. Có khi nó sẽ còn thay nick Facebook nó thành Tuấn Tiền Tỷ hay Tuấn Bạc Liêu hay những cái tên đại loại thế.


Đó là chuyện thường ngày ở xã, thường tuần ở huyện.


Nhưng thằng nhóc không biết, hoặc chưa biết, hoặc nếu (kém) may mắn hơn – nó sẽ không bao giờ biết, rằng con số 10.000.000 chẳng có gì to tát so với những con số lớn hơn. So với đại dương bao la kia, nó chỉ là một con cá nhỏ bé – như là những con cá vàng lần đầu được giải cứu khỏi bể cá. Khi nó tiến tới biển sâu để so sánh – nó chẳng là gì cả.


Hoàn toàn là một con số 0 tròn trĩnh trước những NGƯỜI CHƠI những game to lớn hơn cái game mà nó đang chơi, về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.



Và khi Tuấn phát hiện ra thực tại đánh vào nó như cách mà con tướng của nó đánh vào đối thủ với, nó sẽ từ trông như phía trên thành bên dưới rất nhanh chóng.



Đời mà Tuấn.


Tuấn là tất cả mọi người trong chúng ta khi đến ngưỡng cửa nhận biết đầy đủ về tài sản – hay nói ngắn gọn và chính xác hơn – nhận thức về giá trị.


Nếu như khi đọc đến đây, bạn như được hồi tưởng lại thời điểm được phổ biến về lý thuyết đa cấp, thì linh cảm của bạn đã đúng. Đúng vậy, nó là đa cấp, nhưng giờ nó mang nghĩa khác: nhiều cấp bậc.


Tuấn đã đọc rất nhiều về họ trước đây – nó cũng biết GenK là cái gì và newsfeed Facebook nó cũng không thiếu những tin tức về các tỷ phú, những nhà tài phiệt, những con số triệu đô, tỷ đô và các sàn giao dịch chứng khoán logo hình con ong với có những cái tên như B2Coin hay đại loại thế.


Nhưng khi Tuấn đến giây phút nó hiểu được, và ý tôi là thực sự hiểu, về kích thước thực của nó so với những người chơi đang chờ đợi nó ngoài kia để xâu xé và làm thịt nó một cách không nhân từ – thì Tuấn có cảm giác là nó nên (và nó cần như thế vì đây là cái tên hợp lý nhất có thể) đổi tên Facebook nó thành…Tiểu Tuấn.




Và Tùng Trà Đá hay anh lớn Hải cũng chỉ là tép riêu, không hơn không kém, giữa những anh lớn khác trong ĐẠI THẾ GIỚI.


Đại thế giới, hay đơn giản là thế giới của chúng ta, có thể được chia làm nhiều cấp độ về tài sản. Giữa ĐTG rộng lớn, Tuấn nằm ở Cấp độ 0 (con số 0 tròn trĩnh). Khi càng tiến vào bên trong kim tự tháp, Tiến (hehe) sẽ càng ý thức được về sự nhỏ bé của mình và đồng thời biết mình nằm ở đâu – một nhận định không quá dễ dàng để Tuấn có thể chấp nhận vào thời điểm ban đầu.


Nhưng, như quy luật của mọi thứ, nó rồi cũng sẽ phải chấp nhận một cách từ từ. Như những tế bào tí hon còn lại của xã hội.


Đây là thứ mà nó thấy.



Thứ Tuấn thấy là rất nhiều tiền. Rất và rất nhiều tiền. Nhiều hơn mà bạn có thể đếm bằng tay hoặc máy trong kiếp này.


Ví dụ với 100 tỷ, số tiền mà một người làm ra được ở cấp độ 4, bạn có thể dùng để quy đổi ra được 142.000 chai coca, hoặc 50.000.000 cây xiên bẩn 2 nghìn.




Thực tế thì có vô số cách Tuấn có thể nghĩ ra để tiêu với số tiền 1.000.000 ít ỏi của nó – và, đồng thời, có VÔ SỐ “vô số” cách nó nghĩ để tiêu được 100 tỷ.


Chỉ là rất ít cách và công việc mà nó nghĩ ra để kiếm được số tiền ấy một cách dễ dàng trước khi nó 30 tuổi và ba mẹ bắt lấy vợ sinh con đẻ cái và rồi lại tự thân mắc kẹt trong vòng lặp.


Bỗng nhiên Tiểu Tuấn, với cái tên đã rất đỗi nhỏ bé giờ lại càng cảm thấy nhỏ bé hơn nữa.

Nhưng chưa hết. Chúng ta sẽ đến phần tiếp theo.


Phần có đề mục mang tên:


Nhưng từ từ đã


Nhưng từ từ đã nào, Tuấn, đừng nhăn nhó vội.


Tiền, rốt cuộc về bản chất của nó, là công cụ để quy đổi.


Có tiền rất vui, công nhận, đếm tiền cũng rất vui, công nhận, ít có cảm giác nào vui hơn đếm tiền ngoại trừ sex, hoặc gà rán, hoặc ôm ấp người mà bạn yêu, hoặc được nằm nghỉ sau một ngày lăn lộn vất vả.



Nhưng, và đây là một cái nhưng lớn, khi tiền nằm trong tay của một người chỉ có…tiền, thì những vấn đề khác sẽ phát sinh. Thứ nhất, trường hợp anh không biết cách sử dụng tiền một cách đúng đắn, thì có nhiều tiền sẽ chỉ cho ta thấy được tiềm năng ở mặt tài chính của anh ta. Ít nhất thì anh có thể gửi tiết kiệm và tiền lại đẻ ra tiền, nhưng khi bạn hỏi anh ta có thể dùng tiền như thế nào và tất cả những gì anh ta nghĩ tới là siêu mẫu, cocaine và đánh gôn, thì chúng lại gặp phải rắc rối.


Rắc rối ở chỗ: Anh bị thiếu hụt khả năng quy đổi tiền ra các loại GIÁ TRỊ khác. Tài sản vốn khá khó để được định nghĩa, mặc cho những gì mà Wikipedia nói mà tôi xin được phép trơ trẽn trích dẫn dưới đây.



"Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Khi phân loại tài sản theo chu kỳ sản xuất, ta có tài sản cố định và tài sản lưu động. Còn khi phân loại tài sản theo đặc tính cấu tạo của vật chất, ta có tài sản hữu hình và tài sản vô hình."


- MICHAEL SCOTT



Anh có thể GIÀU CÓ về tiền bạc và vật chất. Điều này được thể hiện rõ nhất qua những tờ polymer xuất hiện trong ví anh, những gì anh có thể tiêu và rõ rệt nhất – đồ mà anh đang mang trên người.

Quy chung, đều là những tài sản hữu hình.


Vậy thì những tài sản vô hình (AKA, những tài sản khó để đong đếm hơn) thì sao?


Anh thậm chí có thể giàu có về tinh thần. Sau cùng thì, ngay cả khi nó buồn, nó vẫn có thể dùng tiền để đi chơi game hay thể thao, hay làm thứ gì đó mà nó muốn.


Nhưng không hẳn – anh có thể mua được vợt Tennis, nhưng anh sẽ không mua được cách học đánh Tennis hiệu quả. Anh có thể bỏ tiền để độ bô xe nhưng để trở thành tay đua cự phách nhất làng đôn chề thì nó sẽ vẫn cần đến những phẩm chất khác bên trong mình, ví dụ như bản lĩnh chẳng hạn.


Đủ cho mớ triết học ba xu mà tất cả chúng ta đều đã đọc đến chán ngấy trong các cuốn self-help trên kệ tủ bố mẹ hồi năm 12 tuổi rồi. Tôi sẽ đi đến phần (kế) cuối của bài viết, một phần khá là quan trọng, đó là…



Một góc nhìn khác về tài sản


Mục đích chính mà một cá nhân hướng tới về quyền sở hữu, đó là giá trị mà bạn có khả năng tạo ra cho cộng đồng từ các hành động của bạn. Theo mình thì có cả thảy 4 phương diện mà ta tạm gọi là la bàn mục tiêu:



  • Chính trị: Bạn đại diện như thế nào trong tình hình chính trị hiện tại?

  • Văn hóa: Bạn có ảnh hưởng như thế nào lên nhận thức văn hóa của một quốc gia hay thế giới?

  • Tinh thần: Bạn mang lại giá trị tinh thần như thế nào cho thế giới?

  • Con người: Những điều mà bạn làm có tác động gì đến sự thúc đẩy của nhân loại?


Mỗi phương diện cũng sẽ có các đề mục riêng cho chính nó. Mục đích hướng đến của mỗi người khi đóng góp/làm việc là khác nhau, nhưng tụ chung đều nằm trong 4 phương diện kể trên.


Thường (thường thôi nhé), những người đáp ứng được hết các mảng trên cũng đồng thời có một tài khoản ngân hàng kếch xù. Nếu không có tiền, thì bạn cũng khó có thể mua được những tri thức và các trải nghiệm cần thiết để bạn có thể tạo ra các giá trị cần thiết.



Nhưng, như bạn thấy dưới đây, kim tự tháp tiền chỉ là một trong nhiều kim tự tháp khác cũng quan trọng không kém, cũng đồ sộ và cần nhiều thời gian để trau dồi không kém.



Tập hợp lại, một con người được những đơn vị tài sản – những khối khối kim tự tháp – mà ta mang trong mình.



Kiểu kiểu thế.


  • TIỀN: Là…tiền.

  • CÁC MỐI QUAN HỆ: Những người mà bạn gặp, + điểm nếu họ có thể giúp ích bạn trong sự nghiệp.

  • KIẾN THỨC: Kiến thức của bạn về thế giới, về ngành nghề của chính bạn.

  • MAY MẮN: Có thể gọi cách khác là những cơ hội được đưa ra cho bạn trên con đường bạn đi, giúp bạn rút ngắn được việc tiêu tốn thời gian không cần thiết. Cột may mắn có thể được tạo ra trong chính các quyết định của bạn.

  • KỸ NĂNG: Từ kỹ năng chuyên ngành của bạn cho đến kỹ năng bạn thống trị được “cuộc chơi” tổng thể.



Dưới đây là các chỉ số của các khối kim tự tháp trong một thế giới hoàn hảo:



Còn dưới đây là chỉ số của Tuấn. Chỉ số của cậu có vẻ không được…tốt cho lắm.



Các khối kim tự tháp đều có quan hệ mật thiết với nhau. Ví dụ như, kim tự tháp KIẾN THỨC của bạn sẽ cần thiết cho khối KỸ NĂNG, và khối KỸ NĂNG sẽ cần thiết để tạo ra CÁC MỐI QUAN HỆ giúp bạn kiếm được nhiều TIỀN hơn.



Để cân bằng được các chỉ số từng kim tự tháp, phụ thuộc rất lớn vào bạn và nhiều hơn nữa là khả năng tự nhận thức (self-actualization).



VD: Bạn bỏ ra 50.000.000 để thuê lập trình viên giỏi để xây dựng một trang web nhưng lại thu về lợi nhuận ít hơn 1 thằng script kiddie dành 3 ngày để tạo một trang tuy không được đầu tư quá nhiều nhưng lại biết cách thu hút nhiều lượt truy cập – là bởi vì cột KỸ NĂNG SEO của nó cao hơn của bạn.


Vận dụng hết công suất của các khối kim tự tháp này, ta sẽ tạo được một lược đồ kim tự tháp được tối ưu hóa cho bản thân.


Dưới đây là mạng lưới khái quát mà ta có thể thiết lập được.



Vấn đề chính mà chúng ta thường gặp ở đại đa số (trong đó có chính chúng ta) đó là ta dồn hết công suất vào khối kim tự tháp đầu tiên và bỏ mặc các khối khác trong sự đố kị ghen ghét.


Mỗi một quyết định sử dụng tiền đều cần có sự cẩn trọng, bằng không sự mất cân bằng các khối kim tự tháp là điều hoàn toàn có thể xảy ra.


Các khối kim tự tháp luôn ganh đua với nhau, nhưng chúng đều có vẻ đồng lòng là kim tự tháp tiền được nuông chiều quá mức. Điều này là nan giải trong một xã hội thờ phụng tiền.



Kết


Ý tưởng về tiền đã được đóng đinh trong tiềm thức của chúng ta kể từ khi nó tồn tại.


Ta yêu những đồng xu. Ta thích cầm cọc tiền trong tay vì nó mang lại cho ta cảm giác AN TOÀN. Xã hội ám ảnh với đồng tiền. Phim được làm, sách được viết, nhạc được soạn ra cũng một phần vì tác động tiền. Đôi lúc tiền còn đóng vai trò làm chủ đề xoay quanh các tác phẩm ấy. Nhưng, nhiều lúc ta quên rằng, những tài sản khác xoay quanh tiền (mà tiền có thể mua được) cũng quan trọng không kém.


Chúng ta đều đang chơi một trò monopoly lớn của cuộc đời. Nhưng, thay vì đặt tiền đồ chơi vào từng ô địa điểm, ta đặt tiền thật (ở khối kim tự tháp đầu tiên) vào từng trải nghiệm một với mục đích vun đắp nên bản thân và câu chuyện của mình.


Nên việc logic nhất mà tất cả chúng ta (bao gồm cả tôi và Tuấn) nên làm, dù nghe nó có vẻ đã được nói đi nói lại chán chê đến đâu, là ngừng việc so sánh bản thân (hoặc những khối kim tự tháp của bản thân) với người khác (hoặc những khối kim tự tháp của những người khác).


Nếu ta không ngừng so sánh, sẽ luôn có những con cá to hơn, những người chơi cao tay hơn xuất hiện, thống trị không thương tiếc bằng khả năng về tài chính, vật lý, cảm xúc, tri thức.


Và bạn khó có thể làm gì được, ngoại trừ việc tiếp tục trau dồi và làm gia tăng các khối kim tự tháp.

Cứ mỗi khi cái tôi bạn cảm giác là nó đã to lớn, đã là cái gì ghê gớm và vĩ đại, hãy cho nó nhìn vào lược đồ trên như một món ăn thay thế các điều ngọt ngào nó thường được nếm hàng ngày.


Khi bạn đang có nhiều tiền trong tay, hãy nhận ra mình còn thiếu hụt ở các cột chỉ số nào khác ngoài mục tài chính ra. Nếu bạn cảm thấy là bản thân đã lĩnh hội đủ kiến thức về phim, nhạc, khoa học, tâm linh, triết học, hay thậm chí là tất cả những đề mục vừa nêu, hãy check lại ví một lượt xem đã đủ ăn cho tuần này chưa. Thực tại thường chua chát và gia vị của bạn để cho nó bớt đi độ chua, là có hạn.

Hãy dùng nó một cách đúng cách.



Ở tầm vĩ mô: Hãy nghĩ đến Gus trong Breaking Bad và đế chế triệu đô của hắn. Hãy nghĩ đến Kanye West và hành trình âm nhạc hơn 25 năm. Hay Isaac Newton và việc ông khám phá ra Vi tích phân trước tuổi 26.


Hãy nghĩ đến bạn, nhưng ở 20 năm sau nếu như bạn làm việc không ngừng nghỉ và không ngừng trải nghiệm… kèm với rất nhiều may mắn.


Hãy nghĩ đến những khả năng mà bạn có thể làm để bù đắp những lỗ hổng còn thiếu và hướng đến phiên bản tốt nhất (mạnh nhất) của mình.


Nghe có vẻ quen, nhưng bạn chưa bao giờ nhớ, và có lẽ không bao giờ nhớ khi bạn vẫn còn đang trong vòng xoáy bất tận không có lối ra tại nơi kim tự tháp 1.


Cũng như Tuấn. Cậu lại nhìn khối kim tự tháp của cậu một lượt nữa, lắc đầu thở dài, ước một cách ngu xuẩn rằng mình đáng lẽ nên được sinh ra trong một gia đình giàu có, rồi lại xách xe đạp ra quán net gần nhà để tiếp tục những trò chơi bé nhỏ vô hại của mình.


(Lời xin lỗi chân thành tới tất cả những bạn tên Tuấn vừa đọc xong post này)



Tác giả: Minh Tu Le

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page