top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Nguyễn Đăng Mạnh - Hồi Ký

Hôm ấy nhân có một cuộc họp của giới lý luận phê bình văn học ở trụ sở báo Văn nghệ, Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải đến hô hào chúng tôi dũng cảm nói sự thật, đảm bảo không sợ bị “tai nạn lao động”. Một số người phát biểu hưởng ứng, trong đó có Hoàng Ngọc Hiến và tôi. Thấy ý kiến nghe được, anh Từ Sơn ở báo Văn nghệ đề nghị viết thành bài để đăng báo. Bài của Hiến chính là bài “hiện thực phải đạo” nổi tiếng, được coi như mở đầu cuộc đổi mới văn học. Bài đăng được ít lâu thì bị phê phán quyết liệt cùng với bản Đề cương của Nguyên Ngọc. Vì thế bài của tôi đã lên khuôn vội rút về. Nhưng nhiều người cứ đồn bài này còn táo tợn hơn cả bài của Hiến, và lời đồn đại này cứ lan rộng mãi. Hoàng Trung Thông lúc bấy giờ là Viện trưởng viện văn học phát biểu trong một cuộc hội nghị ở Viện, nói tôi đã đối lập tư tưởng chính trị với tư tưởng Văn nghệ. Chuyện này tôi chẳng quan tâm làm gì nếu không liên quan đến kỳ phong học hàm phó giáo sư của tôi lúc bấy giờ. Hồi ấy, người đăng ký phong học hàm, trước khi được đưa ra bầu bán về chuyên môn, phải thông qua đảng uỷ của cơ quan công tác về tư tưởng. Trường hợp của tôi trở thành gay go vì tiếng đồn về bài viết của tôi đã vang đến đảng uỷ trường đại học Sư phạm và đảng bộ khoa văn.


Hoàng Dung, tổ trưởng chuyên môn và bí thư liên chi đảng, tỏ ra có trách nhiệm, cho người đi dò hỏi một số nhân vật công tác ở các cơ quan văn hoá của Đảng như ban văn hoá văn nghệ Trung ương, Viện văn học, báo Văn nghệ... Anh còn cho người đến trụ sở Văn nghệ đề nghị cho đọc biên bản cuộc họp về lý luận phê bình để xem tôi đã phát biểu như thế nào... Thấy tình hình có vẻ nguy, tôi bèn lấy bản thảo bài viết của mình đưa cho anh Phạm Quý Tư đọc (lúc này anh Phạm Quý Tư là hàng xóm của tôi, cùng ở tầng năm, nhà B2, khu tập thể cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội). Anh Tư là hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ tịch Hội đồng khoa học trường, đồng thời là đảng uỷ viên. Anh Tư cẩn thận, đưa cho chị Trần Thị Thục Nga, bí thư đảng uỷ trường đọc nữa. Rất may là các vị kết luận: không có vấn đề quan điểm gì cả. Anh Tư còn khen bài viết hay. Anh hỏi tôi có yêu cầu gì không. Tôi nói, nếu chuyện đồn đại diễn ra ở đâu đó thì cứ mặc kệ không quan tâm làm gì. Nhưng nếu vấn đề được đưa ra bàn ở đảng uỷ, thì anh là người đã đọc, anh cứ phát biểu như anh vừa nói với tôi. Chuyện phong của tôi vì thế trở thành xuôn xẻ. Sau này biết chuyện, nhiều người đề nghị cho đọc bài ấy, nhưng tôi từ chối. Việc đọc văn, hiểu văn lắm chuyện lắm. Nếu có động cơ xấu thì càng rách việc.


Năm 1984, tôi được phong phó giáo sư.


Sau Đại hội Đảng lần thứ Sáu (1986), đất nước bắt đầu đổi mới, người đánh tôi đầu tiên vẫn là Phan Cự Đệ. Nguyên là tôi có viết một bài nhan đề là “Phê bình văn học trong tình hình mới” đăng trên Văn nghệ năm 1987. Phan Cự Đệ liền viết trên Văn nghệ quân đội một bài phê phán tôi “phủ nhận văn học Cách mạng”, “phủ nhận quá khứ”. Giọng điệu có vẻ ôn tồn nhưng qui kết rất nặng. Tôi bực lắm, vì từ lâu vốn đã không ưa Phan Cự Đệ từ con người đến cách viết.


Hồi ấy, như đã nói, Nguyễn Khải được anh Trần Độ gọi ra để chuẩn bị đại hội nhà văn lần thứ IV. Sau bài anh Đệ phê phán tôi ít lâu, Nguyễn Khải có tổ chức một cuộc họp lý luận phê bình văn học ở 65 Nguyễn Du. Tôi nhớ hôm ấy có mặt rất đông: Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Văn Hạnh, Thiếu Mai, Phong Lê, Ngọc Trai, Lê Thị Đức Hạnh..vv... Nguyễn Khải điều khiển cuộc họp. Tôi ngồi gần Đệ. Tôi nói với Nguyễn Khải: “Anh Khải này, anh là người lắm chữ, tôi thì ít chữ, tôi không biết gọi anh Đệ thế nào. xin anh tìm cho tôi một chữ nào đấy, còn tôi thì chỉ biết gọi anh Đệ là thằng đểu”. Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng. Hoàng Trung Thông và Nguyễn Văn Hạnh ngồi cùng một cái ghế tựa dài với tôi. Nguyễn Văn Hạnh ngồi giữa. Hoàng Trung Thông chồm người qua Nguyễn Văn Hạnh nói với tôi: “Anh Mạnh này, tôi không bao giờ đọc anh Đệ đâu nhé.” Tôi nghĩ bụng, chính anh đã đề tựa cho cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại của Đệ, sao lại nói là không đọc? Đệ ngồi im không nói gì. chờ cho vài người phát biểu xong, anh mới nói, đại ý khoe có một bài viết gì đó đã được dịch đăng trên một tạp chí của Liên Xô (lúc này Liên Xô chưa sụp đổ) Tôi lại bồi thêm một đòn nữa: “Không biết Liên Xô đánh giá anh thế nào, chứ tôi đánh giá anh rất kém, viết chẳng hay ho gì đâu”.


Lúc ấy chắc bộ dạng tôi dữ dội lắm. Cuộc họp kết thúc, Hà Minh Đức nói với tôi: “Ông Đệ ông ấy thần kinh vững lắm. Chứ tôi bị anh nói thế, tôi không chịu được. Tôi đau tim mà!” Tôi để ý, khi diễn ra cuộc xung đột giữa tôi với Phan Cự Đệ, không có ai bênh Đệ cả, tuy lúc ấy có đủ mặt giới lý luận phê bình và một số anh sáng tác, cấp tiến có, bảo thủ có. Hiện tượng này chứng tỏ hồi ấy (1987), cánh đổi mới đang ở thế áp đảo.


Tôi thấy Hà Minh Đức nói rất đúng, Đệ quả là một tay thần kinh vững. Hôm ấy, cuộc họp tan, anh vẫn bắt tay tôi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng đừng tưởng anh đã chịu thua tôi đâu. Đầu năm 1989, anh lại đăng trên Nhân dân một bài tiếp tục phê phán ý kiến của tôi trong bài viết năm 1987, đồng thời còn móc lại những ý kiến của tôi phát biểu trước Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để lên án. Và đến năm 2000 thì nổ ra vụ luận án tiến sĩ của Trần Hạnh Mai. Anh đã tấn công tôi quyết liệt. Số là luận án của Mai, cán bộ giảng dạy khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, do tôi hướng dẫn, sau khi bảo vệ ở Hội đồng cơ sở (1998) được Bộ đưa cho anh Đệ phản biện kín. Luận án viết về “Sự nghiệp phê bình văn học của Hoài Thanh”. Tôi và Mai chủ trương phản bác ý kiến cho rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, Hoài Thanh hoàn toàn viết theo quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Đệ cho như thế là sai lầm căn bản. Anh viết hẳn trong bản nhận xét phản biện “Trần Hạnh Mai đã theo quan điểm đổi mới cực đoan của Nguyên Ngọc, Nguyễn Đăng Mạnh.” Và anh gọi Mai đến đề nghị chữa luận án theo ý anh, lại nói để yên lòng cô nghiên cứu sinh: người hướng dẫn không có trong hội đồng bảo vệ nên không sợ. Trần Hạnh Mai không nghe. Cô nghĩ bụng, không bảo vệ thì thôi chứ không thể phản lại thầy và chân lý. Thế là Đệ báo cáo lên ban tư tưởng văn hóa trung ương, coi như một vấn đề thuộc quan điểm chính trị cần có ý kiến của cơ quan Đảng. Rất may là về sau, Ban Tư tưởng văn hóa lại gửi luận án của Mai cho Viện Văn học hỏi ý kiến. Viện ủng hộ Mai và cuộc bảo vệ cấp Nhà nước được tiến hành suôn sẻ (năm 2000). Luận án được đánh giá xuất sắc. Buổi bảo vệ kết thúc, tôi phát biểu với tư cách người hướng dẫn. Tôi nói: “Thông thường khi bảo vệ thành công luận án, nghiên cứu sinh cám ơn người hướng dẫn. Nhưng hôm nay tôi làm ngược lại, tôi xin cám ơn Hạnh Mai đã giữ vững lập trường của mình. Tôi cũng xin cám ơn giáo sư Phan Cự Đệ. Nhờ có anh mà tôi mới biết được, một cô gái có vẻ yếu đuối như Trần Hạnh Mai mà té ra lại có bản lĩnh vững vàng như thế.” Cuộc bảo vệ tuy thế, do Phan Cự Đệ, đã bị trì hoãn lại đến hơn tám tháng. Sau cuộc bảo vệ này, một lần nữa tôi lại thấy Đệ đúng là thần kinh rất vững. Anh gặp tôi luôn, thường do cùng ở chung trong một hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ nào đấy. Anh vẫn bắt tay tôi và trò chuyện rất thân mật. Năm 1995 tôi còn bị một đòn phê phán nữa khá quyết liệt. Đòn của Trần Thanh Đạm. Điều này tôi đã kể ở trên rồi, ở đây chỉ nói thêm về nội dung của vấn đề mà thôi.


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí Văn học do Phạm Xuân Nguyên thực hiện, tôi cho rằng từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, văn học Việt Nam có ba cuộc nhận đường. Lần thứ nhất ngay sau Cách mạng và trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần thứ hai, sau Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại trên miền Bắc. Lần thứ ba, sau 1975. hai lần trước, tôi cho là không khó khăn lắm, vì chỉ là nhận thức nhiệm vụ chính trị của Văn nghệ sĩ, mà chính trị lúc bấy giờ thực chất chỉ là yêu nước, chống xâm lược rất dễ thông suốt. Văn nghệ sĩ vốn rất yêu nước, nên dễ dàng giác ngộ về điều này, họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ tài sản, tính mạng đến cả bản thân nghệ thuật cho cuộc kháng chiến. Nhưng cuộc nhận đường thứ ba này thì rất phức tạp vì đây mới là cuộc nhận đường của bản thân văn học nghệ thuật với hàng loạt câu hỏi: Văn nghệ là gì? Chức năng của văn nghệ? Tiêu chí giá trị tác phẩm văn nghệ? Văn nghệ và chính trị? Văn nghệ và hiện thực?..vv... Những câu hỏi không dễ trả lời. Viết bài trên Sài Gòn giải phóng, Trần Thanh Đạm cho tôi là không hiểu gì cả, lại dám khinh bạc Cách mạng. Con đường cứu nước đầy gian khổ, bao nhiêu văn nghệ sĩ đã hy sinh, một số đã phải bỏ cuộc, vậy mà lại nói là đơn giản, dễ dàng. Không biết vô tình hay cố ý, anh đã đánh tráo khái niệm. Tôi nói nhận đường, tức nhận ra con đường cứu quốc không khó, chứ có nói con đường ấy là dễ dàng đâu, là không phải hy sinh xương máu, không phải trường kỳ gian khổ đâu. Giặc đến nhà, phải đánh đuổi nó đi, anh cho là điều khó hiểu lắm hay sao? Nhưng thôi, bắt bẻ anh làm gì. Bài viết của anh đầy mâu thuẫn logích. Nhưng điều khó hiểu hơn nhiều là bản chất con người anh là thế nào nhỉ? Nguyễn Khải có lần hỏi tôi như thế, tôi cũng chịu. Từ cuối những năm 80 cho đến nay, tôi còn bị nhiều người phê phán: Phan Trọng Luận, Nguyễn Văn Lưu, Đỗ Minh Tuấn, Lê Tuấn Anh, Hồ Phương, Trần Mạnh Hảo. Tôi không kể hết ra đây làm gì, chỉ xin nêu một số trường hợp có ấn tượng khó quên hơn cả. Trước hết là Phan Trọng Luận với vụ Tuyên ngôn độc lập. Năm 1989, tôi được giao chủ biên biên soạn lại chương trình và Sách giáo khoa PTTH môn văn (gọi là chương trình và SGK cải cách giáo dục). Phương châm cải cách của tôi là: Chương trình văn phải đích thực là chương trình văn. Lúc ấy tôi quan niệm Văn theo nghĩa chặt chẽ và hiện đại: Văn là văn hình tượng, văn nghệ thuật, văn mỹ thuật (belles lettres), tác động đến người đọc trước hết về tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ thông qua hình tượng nghệ thuật. Vì thế khi xây dựng chương trình về văn thơ Hồ Chí Minh, tôi chỉ chọn vào phần giảng văn những tác phẩm văn thơ hình tượng hay văn thơ nghệ thuật mà thôi. (Vi hành, Mộ, Tảo giải, Vãn cảnh, Tân xuất ngục học đăng sơn, Nguyên Tiêu, Báo Tiệp, Cảnh khuya...). Tuyên ngôn độc lập không thuộc loại văn nghệ thuật, tôi chuyển sang chương trình tập làm văn, về thể nghị luận chính trị (chứ không hề bỏ ra ngoài chương trình). Vì chương trình cũ có giảng văn Tuyên ngôn độc lập, nên thấy sách giáo khoa mới không có, nhiều người tưởng tôi loại ra khỏi chương trình và có phản ứng khá ồn ào. Thực ra chương trình cải cách giáo dục đã loại bỏ nhiều tác phẩm trong chương trình cũ như Sống như Anh của Trần Đình Vân, Buổi Sáng của Nguyễn Thị Ngọc Tú và đưa vào nhiều tác phẩm từng bị phê phán trước kia, như Tờ Hoa của Nguyễn Tuân, Tây Tiến của Quang Dũng và nhiều bài Thơ mới lãng mạn.


Nhưng Tuyên ngôn độc lập là của Hồ Chí Minh. Đụng đến Hồ Chí Minh là chạm đến chỗ nhạy cảm nhất của người Việt Nam, nên lập tức ầm ĩ như đổ trời. Mai Thúc Lân đưa vào Quốc Hội. Hà Xuân Trường suy diễn: họ đưa ra ngoài chương trình học Tuyên ngôn độc lập chắc sẽ tiến tới loại bỏ cả Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Phạm Tường Hạnh thì la lối (Nhân dân 10 – 1995) “bỏ không học Tuyên ngôn độc lập thì còn nói gì giáo dục chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ”. Không khí “báo động” này lại được bọn cơ hội chủ nghĩa trong giới làm báo kích động thêm lên làm cho càng trở nên căng thẳng. Chuyện đến tai ông cố vấn Phạm Văn Đồng. Ông tuy đã già lăm rồi, mắt gần như loà, vậy mà vẫn muốn có ý kiến về mọi việc quốc gia đại sự và vẫn hăng hái biên soạn sách này sách khác. Ông cho gọi tôi lên để góp ý kiến với ông về vấn đề văn hoá mà ông đang chuẩn bị viết, nhân tiện hỏi tôi về chuyện Tuyên ngôn độc lập. Tôi nói như đã viết ở trên: không loại ra khỏi chương trình, chỉ xếp vào đúng chỗ của nó thuộc thể văn chính luận. ở trường học phải thế mới khoa học. Ông không có ý kiến gì, chỉ vung tay nói lớn: “Bài văn hay lắm! hay lắm!” Còn anh Việt Phương có mặt hôm ấy thì nói: “ở nhà trường phải khoa học. Anh Mạnh anh ấy nói đúng đấy.” Nhưng Phan Trọng Luận thì viết bài phê phán gay gắt, quy kết tư tưởng nặng nề. Đánh hơi được khuynh hướng của lãnh đạo, Luận lập tức hưởng ứng ngay.


Công chúng nhiều người không hiểu gì cả nên có phản ứng. Phan Trọng Luận là thành viên của Hội đồng ngữ văn, không phát biểu trong hội đồng mà lại viết báo phê phán. Mà anh thừa biết đâu phải loại ra khỏi chương trình. Đây chỉ là sự chuyển chỗ của tác phẩm từ môn giảng văn nghệ thuật đến môn tập làm văn về thể nghị luận, chính luận mà thôi. Tôi cho như vậy là thiếu trung thực. Trong một cuộc họp của Hội đồng ngữ văn, tôi đã nói thẳng như thế với Phan Trọng Luận. Luận nổi nóng cãi lại. Anh Hoàng Tuệ hồi đó là chủ tịch Hội đồng can không được, đành tuyên bố giải tán cuộc họp. Thực ra Phan Trọng Luận vốn từ lâu đã không ưa tôi.


Năm 1988 tôi có viết một bài trên báo Văn nghệ “Vài suy nghĩ về đổi mới tư duy trong giảng dạy văn học”. Trong bài này tôi cho rằng, phương pháp giảng dạy tức môn giáo học pháp, không phải không cần, nhưng trong tình hình hiện nay, điều quan trọng hơn là phải hiểu được bài văn đã. Phải giải quyết nội dung thì mới có cái mà truyền đạt chứ. Lâu nay nội dung ý nghĩa của bài văn thường bị chính trị hoá, nhiều người coi tiêu chí cao nhất để đánh giá tác phẩm văn học là tiêu chí chính trị. Phân tích tác phẩm họ thường suy diễn bừa bãi theo lối xã hội học dung tục hay biến ngôn ngữ nghệ thuật thành ngôn ngữ chính trị trực tiếp, giá trị văn chương không được coi trọng. Nghĩa là có rất nhiều vấn đề cần giải quyết xung quanh việc phân tích, thẩm định tác phẩm như những giá trị văn chương. Phan Trọng Luận bèn xui một giáo viên phổ thông thân cận với anh (Vũ Dương Quỹ) viết bài phê phán tôi không hiểu tầm quan trọng của giáo học pháp. Thực tình thì tôi không coi thường bộ môn khoa học này nhưng quả có coi thường những người dạy môn học này. Không có kinh nghiệm dạy văn cụ thể nên toàn lý thuyết suông, phát biểu những nguyên lý chung chung vô bổ. Có lần tôi đã nói toạc ra như thế khi trả lời học viên một lớp gọi là cốt cán cấp II (lớp bồi dưỡng giáo viên cấp II giỏi lên trình độ đại học). Cô Bích Ba, trưởng lớp, trịnh trọng đứng lên hỏi tôi khi bài học kết thúc: “Thưa thầy, thầy dạy văn đã lâu năm, vậy kinh nghiệm của thầy làm thế nào để dạy văn cho tốt.” Tôi trả lời ngắn gọn: “Muốn dạy văn cho tốt, theo kinh nghiệm của tôi, không nên học giáo học pháp.” Cách ăn nói giật gân như thế tất được truyền bá nhanh chóng và rộng rãi, và các vị giáo học pháp rất căm ghét, trong đó có Phan Trọng Luận là người tự phong là giáo sư đầu ngành về môn học này. Nhưng người tập trung đánh tôi nhiều nhất là Trần Mạnh Hảo. Muốn hiểu hiện tượng Trần Mạnh Hảo, cần thấy y không phải là kẻ đơn độc và xuất hiện ngẫu nhiên, mà tiêu biểu cho một xu hướng cơ hội chủ nghĩa trong đời sống văn học của đất nước do một lực lượng cầm quyền tạo ra, đặc biệt là từ khi có phong trào đổi mới. Lực lượng này có nhu cầu dẹp phong trào đổi mới, đòi dân chủ thật sự mà họ gọi là cực đoan, quá khích.


Họ dẹp báo Văn nghệ của Nguyên Ngọc, họ cách chức Trần Độ, họ xoá bỏ giải thưởng trao cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, cấm phim Hà Nội trong mắt ai của Trần Văn Thuỷ, chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt, vở Em đẹp dần trong mắt ai của đoàn kịch Hà Nội…, Họ phê phán Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…, tập truyện Bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê, đánh Lê Ngọc Trà, Hoàng Ngọc Hiến, Văn Tâm, Nguyễn Đăng Mạnh…, xoá bỏ trường viết văn Nguyễn Du do Khái Vinh, Phạm Vĩnh Cư, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc phụ trách..vv…


Họ cần có những “thợ đánh” giỏi. Họ tìm được Phan Cự Đệ, Trần Thanh Đạm, Hoàng Nhân, Mai Quốc Liên, Hồng Diệu, Nguyễn Văn Lưu, Hồ Phương, Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Trương Vĩnh Tuấn..vv… Tuy thế vẫn chưa có ai đáp ứng được đầy đủ nhu cầu “đánh dẹp” của họ. Phải nói nghề “đánh đấm” này xem ra khá hấp dẫn với loại người cơ hội chủ nghĩa, vì nếu khôn ngoan ra có thể tiến thân rất nhanh chóng…


Nhưng hành nghề này cũng không đơn giản. Phải có một số điều kiện chủ quan:

- Hoàn toàn vứt bỏ lương tâm, cắt hết mọi “dây thần kinh xấu hổ”

- Có biệt tài dối trá, xỏ xiên, bịa đặt, nguỵ biện.

- Có khả năng diễn đạt giáo hoạt, hấp dẫn (tất nhiên đối với loại công chúng văn hoá thấp .)

- Thất nghiệp, nhàn rỗi, được nuôi dưỡng đầy đủ để có thể ngày ngày tiêu thì giờ bằng cách sản xuất ra thật nhiều những “văn bản đánh đấm” cung cấp cho nhu cầu chống đổi mới, chống dân chủ.


Sau Đại hội nhà văn lần thứ 5 (1995), đúng là Nguyễn Khoa Điềm và Ma Văn Kháng có đến tôi (ở ngõ 68, Quan Hoa). Điềm nói đại ý, tôi được giới lý luận phê bình và sáng tác tín nhiệm, vậy muốn mời tôi làm chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình. Lúc ấy tôi dứt khoát từ chối vì, một là thấy danh sách uỷ viên Hội đồng do Điềm dự kiến có những tay bảo thủ cơ hội chủ nghĩa tôi rất ghét, hai là có nhiều người thuộc phái cấp tiến khuyên tôi không tham gia, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thân, Lê Ngọc Trà. Vả lại đã từng phụ trách Hội đồng lý luận phê bình sau Đại hội nhà văn lần thứ 4, tôi thấy Hội đồng này thực chất không có vai trò gì, bị vô hiệu hoá ngay cả đến việc kết nạp hội viên và tặng giải thưởng (về lý luận phê bình). Nhưng có phải vì thế mà Điềm căm ghét và trả thù tôi hay không thì lúc ấy tôi không tin. Tôi vẫn nghĩ, Điềm làm gì đến nỗi tiểu nhân như thế. Nhưng thôi, hãy trở lại chuyện Trần Mạnh Hảo. Lần đầu tiên tôi biết Hảo là do Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh buộc phải tổ chức một cuộc trao đổi về tiểu thuyết Ly Thân. Thỉnh nói riêng với tôi nương nhẹ khi phát biểu để đỡ tội cho Hảo. Té ra giữa Hữu Thỉnh và Hảo đã có quan hệ thân tình rất lâu rồi.


Ở Đại hội nhà văn lần thứ IV và lần thứ V, Hảo ngồi cạnh tôi, nói chuyện rất thân mật. Y còn tặng sách tôi và chép thơ vào sổ tay tôi. Tôi thường được mời vào Sài Gòn công tác. Hảo có lần tìm đến thăm tôi ở một căn hộ trong chung cư 21 Lý Tự Trọng, nơi ở của con trai tôi, có thời gian công tác ở Thế giới mới (Hiện tôi còn giữ hai tấm ảnh chụp với Hảo ở căn hộ này.) Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi thường được gọi đến nhậu ở “dinh cơ” Thu Bồn. Nhiều lần tôi thấy Hảo cũng có mặt ở đấy cùng với vợ. Lúc ấy Hảo đóng vai cấp tiến.


Vậy mà vào đầu nhưng năm 90, hảo trở cờ, đánh vào phái cấp tiến từng nhậu với y ở chỗ Thu Bồn.


Lúc đầu những bài trở cờ của Hảo đăng ở báo Công an Thanh phố Hồ Chí Minh. Con trai tôi hỏi Hảo: “Sao anh lại viết như thế?”, Hảo trả lời: “Chú mày phải cho anh kiếm bát cháo chứ!”. Nghe nói, vợ hắn quốc tịch Pháp, thường buôn thuốc tây từ Paris về Sài Gòn. Hắn cần trở cờ để giúp vợ dễ dàng giao thiệp với Công an, với Hải quan. Anh Đức đã bầy cho hắn mẹo ấy và chỉ đạo hắn đánh vào cánh đổi mới. Đúng là hắn đã chừa ra không đụng đến bọn cơ hội bảo thủ như Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Anh Đức, Bảo Định Giang, Trần Thanh Đạm, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Phương Lựu..vv… Hảo đánh vào hầu hết những bài viết của tôi, từ sách chuyên luận (Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn) đến sách giáo khoa, từ bài viết về Hồ Chí Minh, về Văn học giai đoạn 1945 – 1975, bài Tổng quan văn học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đến bài viết về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Hoài Thanh..vv… Tất nhiên tôi chẳng kể lại làm gì những bài viết mà những người có học hành hẳn hoi và đứng đắn đều thấy là vừa ngu vừa đểu. Tôi chỉ ghi lại một trường hợp, do sử dụng Hảo mà nhiều nhân vật trong bộ máy quản lý văn hoá, giáo dục của ta trở thành trò cười.


Năm 1977, báo Nhân dân đăng một bài của Hảo phê phán bài viết của tôi trong sách giáo khoa Cải cách giáo dục lớp 12. ấy là các bài Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh và Khái quát về Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975. Đại khái y cho tôi phủ nhận giá trị văn chương của văn thơ Hồ Chí Minh khi cho rằng, đối với Hồ Chí Minh, sáng tác văn thơ trước hết là hành vi chính trị và đưa ra luận điểm phân biệt thơ của Người làm hai loại: một là thơ tuyên truyền chính trị trực tiếp giống như những bài ca, bài vè nhằm vào đại chúng văn hoá thấp, hai là thơ nghệ thuật làm để giải trí cho mình hay một số cán bộ cao cấp gần gũi với mình, thường viết bằng chữ Hán. Còn về bài Khái quát văn học 1945 – 1975 thì cho là tôi phủ nhận văn học Cách mạng.


Nguyễn Đức Bình tán thành bài viết này. Ông triệu tập một hội nghị gồm nhiều vị quản lý văn hoá văn nghệ như Trần Hồng Quân, Phạm Minh Hạc, Nguyễn Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Đặng Hữu, Nông Quốc Chấn, Hữu Thỉnh… Tất cả đều nhất trí vất bỏ hai bài viết của tôi và tìm người viết thay. Điều đáng chú ý là tất cả các vị có mặt trong cuộc họp này không có ai làm công tác nghiên cứu văn học, không có ai nghiên cứu về văn thơ Hồ Chí Minh cả. Các ý kiến đều được viết ra, nghĩa là có văn bản. Anh Hà Bình Trị, thư ký của hội nghị, có gửi cho tôi một số bản chụp.


Đọc các ý kiến này mới biết những ông lãnh đạo văn hoá như Nguyễn Đức Bình, Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Nông Quốc Chấn, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, cứ tưởng trình độ nhận thức cũng khá, hoá ra không phải. Cũng y như lý lẽ của Trần Mạnh Hảo vậy thôi. Mà đều rất chủ quan, toàn nói giọng khẳng định không chút dè dặt những điều rất nông cạn, hời hợt (Chỉ có Nguyễn Đình Thi có tỏ ra dè dặt – anh không dự hội nghị nhưng có gửi thư đến. Anh đề nghị việc xem xét, sửa chữa sách giáo khoa nên mời các nhà chuyên môn trao đổi với các giáo sư soạn sách).


Trình độ văn hoá, trình độ nhận thức thấp tất đẻ ra lối lãnh đạo văn hoá một cách thô bạo. Chẳng hiểu gì cả mà dám can thiệp sâu vào chuyên môn, lại dựa theo ý kiến một tên vô lại. Và họ khinh bỉ trí thức đến thế là cùng: không mời tôi và bất cứ một nhà nghiên cứu văn học nào đến để tham khảo ý kiến. Mà không phải không có những thông tin khác. Giáo sư Hoàng Như Mai và giáo sư Lê Trí Viễn có phản ứng trên báo. ngoài ra có một số bài nói lại khá cặn kẽ về Trần Mạnh Hảo và về vấn đề Tuyên ngôn độc lập trong chương trình PTTH ccgd của Đỗ Ngọc Thống, Đặng Lưu, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Gia Phong… Lại có cả một bản tường trình cặn kẽ của Nhà xuất bản Giáo dục chung quanh vị trí của bài Tuyên ngôn độc lập trong sách giáo khoa từ tiểu học, phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học để thấy chưa có bài văn nào được học quá nhiều như thế.


Nhưng mặc, họ vẫn tin ở Trần Mạnh Hảo hơn (tuy Hữu Thọ là học trò của giáo sư Hoàng Như Mai .) ít lâu sau, tôi được ông Trần Hồng Quân, bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo mời đến gặp sau giờ làm việc. Tôi đến nơi thì đã thấy mặt Trần Hồng Quân, Đỗ Bình Trị, Vũ Quốc Anh, Nguyễn Như ý, và một thư ký riêng của ông Quân.


Trần Hồng Quân phổ biến cho tôi về nhận định và cách sử lý hai bài viết của tôi trong sách giáo khoa. Sau đó hỏi tôi có ý kiến gì không. Tôi nói, nếu anh gọi tôi đến chỉ để phổ biến như thế thì tôi chả có ý kiến gì, còn nếu anh hỏi tôi như một nhà nghiên cứu văn học thì tôi sẽ nói. Quân mời tôi nói.


Buổi ấy tôi phát biểu rất thẳng thắn và quyết liệt, đại khái như sau: Các anh khinh thường sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh quá, chả cần nghiên cứu gì cũng hiểu được. Thực ra các anh chẳng hiểu gì. Nếu gọi tôi đến, tôi giảng cho các anh nghe 15 phút các anh sẽ hiểu ra ngay.


Tôi lại nói, việc bỏ bài viết của tôi khỏi sách giáo khoa làm thiệt thòi cho hai đối tượng: một là Hồ Chí Minh, hai là giáo viên, học sinh. Hồ Chí Minh thiệt vì từ nay sẽ bị hiểu sai, đánh giá sai. Giáo viên học sinh thiệt vì từ nay không được dạy và học một bài viết chính xác, khoa học. Còn tôi thì chẳng thiệt hại gì. Vì tiêu chuẩn phong phó giáo sư, giáo sư người ta không tính điểm cho sách giáo khoa phổ thông. Tôi nói tiếp, càng sôi nổi hơn: hiện nay chúng ta đang ra sức chống nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… Theo tôi Trần Mạnh Hảo là một tệ nạn nguy hại hơn nhiều vì hắn làm cho trí thức mất tin tưởng ở Đảng. Hôm ấy, tiễn tôi ra xe, Vũ Quốc Anh bảo tôi: “Anh Quân nói, anh Mạnh anh ấy phát biểu đúng đấy”.


Nhân đây xin kể một chuyện vui. Đầu năm 1996, ở Pác Bó, Cao Bằng, người ta tổ chức lễ kỷ niệm rất to ngày Bác Hồ về Pác Bó (2/ 1941). Tôi và nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học được mời lên dự. ở Pác Bó người ta xây dựng một ngôi đền thờ Bác Hồ. Mọi người lên Pác Bó thường vào đền dâng hương. Tôi tới thắp hương và khấn (cho vui thôi): “Cháu viết về Bác cũng nhiều, và viết cũng khá. Vậy mà Bác không phù hộ cháu, để chúng nó đánh cháu như thế!”

Dịp ấy giáp Tết âm lịch. Tôi vừa về đến nhà thì có biên tập viên Tạp chí Cộng Sản đến đặt viết bài về văn thơ Hồ Chí Minh để đăng vào dịp kỷ niệm sinh nhật cụ Hồ. Bài viết của tôi nhan đề: “Một sự nghiệp văn học lớn, phong phú, đa dạng” Nội dung lặp lại những luận điểm hệt như trong sách giáo khoa (Tạp chí Cộng Sản 19/5/1996) Bài này được dịch ra nước ngoài trong Sciences Sociales cùng năm ấy.


Cụ Hồ thế mà thiêng thật! Hai bài viết của tôi trong sách giáo khoa Cải cách giáo dục lớp 12, tuy đã bị thay bằng bài của anh Hà Minh Đức, nhưng nhiều giáo viên nói với tôi vẫn dạy theo bài cũ. Bây giờ lại cải cách chương trình và sách giáo khoa một lần nữa. Hai bài của tôi lại được lấy lại. Không biết các ông Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Hữu Thỉnh có còn phản đối nữa không?

Cuối cùng tôi phải nói đến bố con Lê Xuân Đức, Lê Tuấn Anh. Cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp phải loại người bỉ ổi đến thế. Lê Tuấn Anh là sinh viên khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Bố là Lê Xuân Đức dạy trường chuyên văn Lam Sơn Thanh Hoá. Đức nhờ chạy chọt được cho con gái Hà Trọng Hoà, bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá, thi đỗ học sinh giỏi và vào được đại học, Hoà trả công, đề bạt y làm phó chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hoá, rồi đại biểu quốc hội. ở đây, hắn lại chạy được một chân ở vụ báo chí hay giáo dục gì đó của quốc hội. Khi Lê Tuấn Anh còn là sinh viên, Lê Xuân Đức còn ở trường Lam Sơn Thanh Hoá, tôi có lần được mời vào dự trại bồi dưỡng giáo viên. Tối nào Lê Xuân Đức cũng đem nem và rượu đến khách sạn nơi tôi ở, mời nhậu. Y còn mời tôi tới nhà chiêu đãi. Vậy mà khi là đại biểu quốc hội, con được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, lập tức hắn trở mặt. Tôi nhớ trong một kỳ hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Khoa Điềm vốn là sinh viên cũ, đang học ở Nguyễn ái Quốc, đến dự. Tôi ngồi cùng Nguyễn Khoa Điềm nghe sinh viên đọc thơ, Lê Xuân Đức không biết từ xó xỉnh nào chồm tới bắt tay Nguyễn Khoa Điềm. Tôi ngồi bên cạnh, hắn lờ đi coi như không quen biết. Hắn cũng lặp lại một cử chỉ như thế khi tôi đang ngồi với Nguyễn Văn Hạnh, lúc đó là thứ tưởng Bộ giáo dục. Hắn từ một hàng ghế xa, chạy lại bắt tay Hạnh và lờ tôi đi. Tất nhiên được Đức bắt tay thì có danh giá gì đâu.Tôi nêu chi tiết này chẳng qua vì nó thể hiện rất rõ bản chất con người Lê Xuân Đức. Thảo nào khi tôi vào Thanh Hoá, giáo viên trường Lam Sơn gọi hắn là Xuân tóc đỏ.


Lê Tuấn Anh khi còn là sinh viên, thường chạy đến tôi luôn, tỏ ý hâm mộ và sẵn sàng phục vụ tôi khi tôi cần đến. Nhưng đến khi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy thì hắn đã viết bài phê phán tôi với giọng điệu rất hỗn. Thì ra bố con Lê Xuân Đức, Lê Tuấn Anh đã đánh hơi được con đường tiến thân kiểu Nguyễn Văn Lưu, Trần Mạnh Hảo. Theo Chu Văn Sơn, bạn từ thời học sinh phổ thông của anh, thì từ khi Lê Tuấn Anh còn nhỏ, bố là Lê Xuân Đức đã bồi dưỡng cho cậu con trai thứ tâm lý “vĩ cuồng.” Do một tai nạn ngẫu nhiên ảnh hưởng tới não bộ, tâm lý vĩ cuồng càng phát triển, trở thành bệnh hoạn thật sự. Tuấn Anh học giỏi, có tham vọng lớn, nhưng quá nôn nóng được nổi danh, lại sẵn có cái gien Xuân tóc đỏ của bố, nên đã cùng bố đi theo con đường cơ hội chủ nghĩa bất chấp đạo lý làm người.


Tuấn Anh đã viết liền hai bài rất dài đăng trên Quân đội nhân dân tháng 4 năm 1995 phê phán tôi đã hạ bệ thơ văn Hồ Chí Minh.(bài Đọc thơ Bác, thời nay và Bàn về cách đánh giá thơ văn Hồ Chí Minh trong Sách giáo khoa 12 – ký tên Nguyễn Ngọc Châu) So với cách viết của Trần Mạnh Hảo, Lê Tuấn Anh xuyên tạc, qui chụp có vẻ tinh vi hơn, nghĩa là xảo quyệt hơn, khoe kiến thức một cách kín đáo hơn.


Nhưng mục đích cũng thế thôi: đánh vào cánh đổi mới. Không phải ngẫu nhiên mà dưới đầu đề Đọc thơ Bác, thời nay, hắn nói tôi, trước công cuộc đổi mới, viết về thơ Bác rất tốt, nhưng từ khi đổi mới đã chạy theo phong trào, hạ bệ Hồ Chí Minh.


Do một cơn vĩ cuồng nổi lên khi chưa đạt được “chí lớn”, Tuấn Anh đã nhảy lầu tự tử trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Nga. Nếu Tuấn Anh còn sống, có lẽ Trần Mạnh Hảo phải gọi bằng cụ. Tôi thật buồn vì có một học trò như thế. Nhưng nghĩ lại thấy cũng còn may, may hơn Đức Chúa Giê Su rất nhiều. Chúa Giê Su có mười ba học trò thì có một kẻ phản bội. Tôi có hàng nghìn học trò, một kẻ phản bội thì có nghĩa lý gì đâu – vì thế có người cho tôi là có cung học trò trong lá số tử vi. GiêSu bị phản bội đến nỗi phải chết. Tôi bị Lê Tuấn Anh phản bội, chẳng những không chết mà uy tín cũng chẳng sứt mẻ gì.


Lê Tuấn Anh chết rồi, bố Lê Xuân Đức vẫn cố vớt vát danh vọng cho đứa con bất hạnh. Y đề nghị tặng giải thưởng lý luận phê bình của Hội nhà văn cho một tập bài viết của Lê Tuấn Anh. (vì thấy sách của Trần Mạnh Hảo đã được nhận giải thưởng) Và, không biết dùng cách nào y đã lôi kéo được khá nhiều “tri thức” tới hội thảo về sự nghiệp của Lê Tuấn Anh ở Thư viện quốc gia Hà Nội và viết bài ca ngợi. Đáng chú ý là bài của ông giáo sư Mai Quốc Liên đăng trên Văn nghệ Trẻ, đánh giá LêTuấn Anh là một “nhà bác học trẻ” và nêu vấn đề chúng ta phải làm gì để xứng đáng với người thanh niên tài năng xuất chúng này. Anh Nguyễn Xuân Đức, chuyên viên ở Ban văn hoá tư tưởng Trung ương nói với tôi: “Những lời lẽ Mai Quốc Liên ca ngợi Lê Tuấn Anh chỉ thấy ở bài Điếu văn của ông Lê Duẩn ca ngợi Bác Hồ.”


Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, thấy Lê Tuấn Anh thật đáng thương. Giá cậu ta có một ông bố tử tế thì đâu đến nỗi. Có lần cậu ta đã theo ông bác là Hoàng Tiến Tựu đến tôi và một lần khác, nhờ người chuyển thư xin lỗi tôi. Nghĩa là cũng có những giây phút ăn năn hối hận. Nhưng chắc rồi lại bị ông bố cuốn vào con đường danh lợi nên lương tâm lại tắt ngấm. Anh Nguyễn Hải Hà tổ trưởng tổ văn học nước ngoài của khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội mà Lê Tuấn Anh là tổ viên, đã khuyên nên cho cậu nghỉ ngơi để điều trị bệnh. Nhưng Lê Xuân Đức không nghe, vẫn tiếp tục khuyến khích con lao vào giành giật danh và lợi để đến nỗi học hành quá căng thẳng khiến bệnh tình tái phát (trước cuộc nhảy lầu ở Nga, Tuấn Anh đã có một lần lao đầu vào xe lửa xuýt chết).


NSND Tào Mạt (1930 - 1993) tác giả vở chèo Bài ca giữ nước.



Tác giả: Nguyễn Đăng Mạnh - Láng Hạ 2007.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page