top of page
​AD

Kỷ Niệm 150 Năm Ngày Mất Danh Sĩ, Nhà Cải Cách Nguyễn Trường Tộ (22/11/1871 - 22/11/2021)

Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) xuất thân trong một gia đình Công giáo tại làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, Hưng Nguyên, Nghệ An). Nhà nghèo, đi học muộn, nhưng bản tính thông minh, học hành chăm chỉ, ông sớm được truyền tụng là “Trạng Tộ” nức tiếng trong vùng.


Với vốn Hán học căn bản, năm 1855, cố đạo người Pháp là Gauthier (tên Việt là Ngô Gia Hậu) đã mời ông dạy chữ Hán cho Tu viện Xã Đoài, đồng thời dạy ông tiếng Pháp, đưa ông đi thăm Singapore, Hong Kong, rồi qua Rome và Paris học các môn khoa học thường thức, thực nghiệm.


Nguyễn Trường Tộ.


Là người quan tâm tìm hiểu tình hình chính trị - xã hội phương Tây, ông tham quan nhiều cơ sở kỹ nghệ, gặp gỡ nhiều trí thức, kỹ thuật gia, học giả châu Âu, đọc các sách báo phương Tây bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và cả những sách đã được dịch ra tiếng Trung Quốc. Đặc biệt ông cũng rất quan tâm đến các loại sách gọi là Tân thư. Khi bước vào tuổi 30, ông đã có một vốn kiến thức rộng và sâu cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; có hoài bão lớn, khát khao canh tân đất nước, giúp đồng bào trước họa xâm lăng của phương Tây.



Từ đầu năm 1861 đến đầu năm 1866, ông đã gửi cho triều đình Huế 11 văn bản. Đặc biệt, ông thảo 3 bản điều trần: “Tế cấp luận”, “Giáo môn luận” và “Thiên hạ phân hợp đại thế luận”. Đặc biệt Tế cấp luận được ông dành nhiều thời gian và công sức hơn cả, nội dung bàn về các việc cần làm ngay để canh tân, tự lực, tự cường, phát triển đất nước. Ngoài ra, có một số văn bản quan trọng khác như Lục lợi từ (Kế hoạch làm cho dân giàu, 6-1864), Khai hoang từ (Bàn về việc khai hoang, 2-1866).


Ông còn thảo bản Tế cấp bát điều (5-1867) nêu 8 điều cần bàn gấp gửi về Huế từ Pháp. Trong thời gian từ cuối tháng 2-1868 cho tới cuối tháng 4-1868, ông liên tiếp gửi cho triều đình ít nhất 9 văn bản, nội dung xoay quanh báo cáo chuyến đi Pháp (theo chỉ đạo của vua Nguyễn Dực Tông) và dự án mở trường, phát triển đất nước. Trong mấy năm cuối đời, ông tiếp tục gửi cho triều đình Huế gần 20 văn bản, nêu các kế sách đánh giặc, thương nghị với Pháp, giao thiệp với các nước khác, về hoạt động nông chính, tu chỉnh võ bị.


Những đề nghị cải cách của ông khá toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực:


Về kinh tế, ông quan tâm trước tiên đến việc làm cho dân giàu, nước mạnh, bởi theo ông đó là điều kiện cần thiết để cứu nước, giữ nước. Ông đề nghị với triều đình mua sắm thuyền máy, cử người sang phương Tây học cách điều khiển và sửa chữa để chủ động, đỡ tốn kém, hạn chế phụ thuộc nước ngoài. Ông đề nghị có thể bắt tay vào khai thác mỏ và thiết lập các nhà máy dệt vải, nấu đường, đập đinh và sản xuất hàng tiêu dùng để phát triển công nghiệp.


Về nông nghiệp, coi trọng vấn đề cải tiến kỹ thuật, đặt chức “nông quan” phụ trách về nông nghiệp và thủy lâm tại các địa phương, phổ biến rộng rãi các kiến thức nông nghiệp cho nhân dân.


Về thương nghiệp, thực hiện giao lưu hàng hóa cả ngoại thương và nội thương. Mở cửa thông thương và đầu tư, khai thác tiềm năng của đất nước. Khuyến khích xuất khẩu nông, lâm, hải và khoáng sản bởi “đó là một điều lợi lớn”. Trong nội thương, chú trọng xây dựng hệ thống giao thông, vận chuyển hàng hóa, đào một số tuyến kênh quan trọng từ Hải Dương đến Huế để tránh tai nạn đường biển, có các biện pháp tiễu trừ giặc biển.


Về tài chính, công bằng và hợp lý trong việc thu thuế, đo đạc ruộng đất, kê khai dân số hằng năm để tránh thất thu và gian lận. Tăng thuế và đánh thuế thật nặng vào sòng bạc, rượu, thuốc lá và các hàng xa xỉ ngoại nhập để bảo vệ hàng nội địa, đánh thuế đối với nhà giàu. Nhưng đó cũng chỉ là một nguồn thu có giới hạn, điều quan trọng nhất là làm cho của cải nhiều thêm.


Trên lĩnh vực chính trị, chủ trương duy trì, củng cố trật tự xã hội hiện hữu. Trong Tế cấp bát điều (Di thảo số 27 ngày 15-11-1867), ông đề nghị sáp nhập một số tỉnh, huyện để tinh giản biên chế và tăng lương cho các viên chức, vẽ bản đồ cương giới, điều tra dân số và thống kê tất cả các mặt sinh hoạt của đất nước. Đề nghị lập thêm Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao (bên cạnh Lục bộ truyền thống) và tòa án phải được độc lập: Nhà vua chỉ có quyền ân xá chứ không kết án.


Về quốc phòng, đề nghị tạm hòa với Pháp để củng cố lực lượng, xiết chặt hàng ngũ, tu chỉnh võ bị, soạn binh thư mới, tổ chức huấn luyện quân đội có mời chuyên gia phương Tây giúp, có chính sách đãi ngộ với quân đội, củng cố đồn lũy ở những nơi xung yếu, chế tạo vũ khí mới... Ông còn đề xuất kế hoạch đánh úp để đuổi giặc Pháp ra khỏi Nam kỳ (Di thảo 40 ngày 9-2-1871).


Giám mục tình báo Ngô Gia Hậu (Gauthier).


Về ngoại giao, tạm nhượng bộ Pháp, thiết lập bang giao với các nước khác để tranh thủ tự lực, tự cường, chờ đợi thời cơ đánh đuổi kẻ thù.


Về giáo dục, chủ trương “thực học”, phát động học tập và phổ biến rộng rãi kinh nghiệm, sáng kiến trong nhân dân, bổ sung một số môn học vào hệ thống giáo dục hiện hành như: nông nghiệp, thiên văn, địa lý, bách khoa, luật học,... Gửi học sinh sang các nước học ngoại ngữ, các môn khoa học hiện đại. Dùng quốc âm thống nhất, biên soạn từ điển và phổ biến trong nhân dân cho dễ học, dễ hiểu.


Về văn hóa, xã hội, lập nhà in, xuất bản sách, báo để nâng cao trình độ dân trí, đồng thời kiểm soát, hạn chế, cấm đoán các loại sách độc hại. Trong điều trần Về cải cách phong tục (Di thảo số 47), lưu ý đến việc xây dựng nếp sống văn hóa mới như vệ sinh đường sá, không phóng uế bừa bãi. Ông cũng chống lại luật lệ không cho dân đi xe, đi giày. Đề xuất mỗi tỉnh lập một viện dục anh giao cho các giám mục quản lý, thanh lọc những kẻ bất lương đem đi lao động cải tạo, bảo vệ trật tự, an ninh xã hội.



Hầu hết các đề xuất cải cách, canh tân đất nước và các kế hoạch cụ thể, khẩn cấp của Nguyễn Trường Tộ đệ trình những năm cuối đời đều được triều đình vua Nguyễn Dực Tông bàn đi tính lại. Nhưng hầu hết các đề xuất của ông đều không được triều đình sử dụng.


Đền thờ Đinh Bạt Tụy - xã Hưng Trung - Hưng Nguyên - Nghệ An


Cuộc đời ngắn ngủi 41 tuổi của Nguyễn Trường Tộ và khát vọng canh tân đất nước của ông qua 58 bản điều trần tuy chưa thành hiện thực nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ngày nay.



Tác giả: GS.TS Nguyễn Quang Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội và Th.S Nguyễn Xuân Trường, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page