top of page
​AD

Người Từng Sống Hai Năm ở Hoàng Sa (1939-1940) Hiện Vẫn Đang Sống ở Hà Nội

Vào thời kỳ Pháp thuộc, có nhiều người Việt đã sinh sống, làm việc tại Hoàng Sa, nhưng hiện nay vẫn còn nhân chứng sống là ông Trần Quân Bảo, hiện đang sinh sống tại Hà Nội.

Gia đình cụ Trần Văn Phước từ Hoàng Sa trở về đất liền năm 1940.

Việc Việt Nam thực thi chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đầu tiên, hòa bình và liên tục. Đây là cơ sở khẳng định quyền thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.


Mặc dù những năm Pháp thuộc, đất nước ta đặt dưới sự cai trị của thực dân Pháp nhưng Chính phủ Pháp thời đó đã không gián đoạn quá trình thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này thể hiện bằng việc Chính phủ Pháp đã xây dựng nhiều công trình, cột mốc đánh dấu quá trình thực thi chủ quyền này và đã đưa người Việt, người Pháp ra xây dựng và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.



Ngoài những tư liệu đầy đủ về việc Chính phủ Pháp thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa, do sự giới thiệu của tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, Báo điện tử Infonet là một trong những tờ báo đầu tiên tiếp cận nhân chứng sống, đã từng sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa vào thời Pháp thuộc. Ông Trần Quân Bảo sinh năm 1934 đã theo bố mẹ (bố là viên chức thời Pháp) đến quản lý trạm vô tuyến điện tại đây. Ông Trần Quân Bảo đã kể lại rất chi tiết, đầy đủ về thời gian ông và gia đình sống trên đảo.


“Mai An Tiêm” ở Hoàng Sa


Ông Trần Quân Bảo (đứng). Ảnh chụp trước khi ra Hoàng Sa.

Ngày đó năm 1939, gia đình ông Trần Quân Bảo bồng bế nhau ra đảo xa cũng hệt như gia đình Mai An Tiêm thuở xưa. Gia đình gồm 4 người, bố ông là cụ Trần Văn Phước, mẹ ông là bà Phan Thị Minh và 3 anh em ông gồm: ông (Trần Quân Bảo, 5 tuổi), em gái Trần Quỳnh Nga 3 tuổi, em trai Trần Quân Ngọc 1 tuổi. Lúc đó tuy còn bé mới 5 tuổi nhưng ông vẫn còn nhớ hành trình đi từ Hà Nội đến cảng Tourane (Đà Nẵng) bằng tàu hỏa, rồi xuống tàu đi ra biển. Khi lên đường những người thân không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho một gia đình trí thức ở Hà Nội dấn thân vào giữa nơi trùng khơi bão tố, có thể một đi chẳng trở về.


Ông Bảo cho biết, căn nguyên việc đi ra đảo bởi vì tính thẳng thắn, bộc trực của cha ông, và đó cũng là cốt cách không chịu nhục của người Việt. Năm đó, người đàn ông đẹp trai hào hoa Trần Văn Phước đang làm sĩ quan hàng hải cho tàu viễn dương của Pháp, gia đình sung túc, đàng hoàng. Vì ông chủ Fradime, người Pháp, hành xử thô bạo, miệt thị người Việt khiến chàng thanh niên Phước bực mình. Máu dân tộc trỗi dậy, ông Phước đã giang tay tát thẳng vào mặt ông chủ người mẫu quốc.



Kết quả ông bị gã này kiện và bị người Pháp thuyên chuyển công tác ra đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa, ngày đấy gọi là Paracels, quần đảo có 2 đảo lớn tên tiếng Pháp là Pattle và Boisée (đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm) và các đảo nhỏ. Ngoài ra, theo một số người kể, còn một lý do sâu xa khác, người Pháp vốn đã nghi ngờ ông Phước giúp đỡ cách mạng nên tìm mọi cách cắt liên lạc giữa ông và cách mạng.


Ký ức trong cậu bé Trần Quân Bảo, đảo Hoàng Sa (Pattle) là một đảo vắng, diện tích không lớn có thể đi bộ vòng quanh đảo, những cây cối ở đây chưa cao lắm. Quanh năm gió cát, bữa cơm phải đóng cửa ở trong nhà.


Trên đảo lúc đó, có tổng cộng chừng gần 100 người, chỉ có gia đình ông Bảo cả gia đình đi cùng. Có khoảng hơn 20 chục người lính khố xanh (lính địa phương) vẫn chào cờ mỗi sáng đầu tuần. Ngoài ra, còn có đội phu được đưa đến đảo để phục vụ xây dựng các công trình trên đảo và khai thác phân chim. Họ lấy đá đắp cầu cảng để cho tàu vào và hàng ngày đóng phân chim vào tải, cho tàu đến lấy.



Khoảng gần 100 người trên đảo đều sống nhờ nguồn cung cấp thực phẩm từ đất liền. Những thực phẩm chủ yếu được mang ra từ đất liền đều những đồ hộp, đồ muối ướp. Ông Bảo chia sẻ: “Lúc đó quanh năm trứng muối, cái món đó khiến tôi sợ đến tận bây giờ”. Khi nào có đoàn thuyền buôn đi qua, họ đổi hàng, thực phẩm lấy nước ngọt. Thường 1 tháng, khoảng 2 lần, những con tàu từ đất liền lại chở thực phẩm, sách báo, thư từ ra đảo. “Mỗi lần như vậy, chúng tôi vui lắm”, ông kể.


Những cư dân sống trên đảo cũng đã trồng rau, bắt cá, chim... Ông Bảo nhớ rất rõ mỗi mùa trăng lên, những chú vích lên đảo cát, đẻ trứng, trứng nhiều vô kể, những người phu lại dẫn ông Bảo đi tìm trứng vích dưới cát để cải thiện bữa ăn... Ở nơi đầu sóng ngọn gió, tình cảm con người trở nên thiêng liêng làm sao. Ở đó, người ta không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt sang hèn, sống chan hòa với nhau hơn. Vì là những đứa trẻ hiếm hoi trên đảo vắng nên ai cũng yêu quý, luôn muốn dành những gì tốt nhất cho anh em ông.


Những ngày đó, cụ Trần Văn Phước vẫn cần mẫn bên máy vô tuyến điện trên đảo. Công việc của cụ là chuyển thông tin về khí tượng về tàu thuyền qua lại... bằng tín hiệu mooc về đất liền. Đến năm 1940, cũng là lúc hết hạn “đi đày”, gia đình cụ được về đất liền. Với cốt cách thẳng thắn, không chịu khuất phục, năm 1941, cụ Trần Văn Phước lại bị Thực dân Pháp đẩy lên Điện Biên Phủ làm việc.



Theo hồi ký ông Trần Quân Bảo, con trai cụ Phước, năm 1946, cụ Phước đã được giác ngộ cách mạng với chuyên môn của mình, cụ đã tham gia thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực vô tuyến điện. Cụ Phước làm việc Cục thông tin liên lạc- Bộ Quốc phòng rồi chuyển sang Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho đến khi về hưu năm 1967.


Những người con của cụ Trần Văn Phước có mặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau khi trở về đều đi theo kháng chiến, tham gia cách mạng và hoàn thành nhiệm vụ. Con cả là ông Trần Quân Bảo, nay đã về hưu, sống tại Phường Văn Miếu. Trước khi về hưu ông Trần Quân Bảo là đại tá làm việc tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng- Bộ Quốc phòng. Con thứ 2 bà Trần Quỳnh Nga, Kỹ sư hữu tuyến điện công tác tại Sở Bưu điện Hà Nội về hưu. Con thứ 3, thành viên nhỏ nhất của gia đình cụ Phước đến Hoàng Sa sinh sống là ông Trần Quân Ngọc, Thạc sỹ hóa học tốt nghiệp tại Nga, nguyên vụ trưởng vụ kế hoạch đầu tư phía Nam, hiện nay là Phó Chủ tịch hội quốc tế ngữ Việt Nam...


Câu chuyện về nhân chứng sống, một gia đình “Mai An Tiêm” thế kỷ 19, càng tái khẳng định sự hiện diện của Việt Nam trong việc thực thi chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa.


Những dấu mốc pháp lý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam


Người Pháp, người Việt dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.


Theo sách "100 câu hỏi về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam", Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884 quy định, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau đây là một số hoạt động chủ yếu, có giá trị pháp lý:


Sau một thời gian tổ chức các cuộc nghiên cứu, khảo sát tại thực địa của các nhà khoa học và những cuộc trao đổi giữa những chính khách Pháp có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, ngày 8 tháng 3 năm 1925, Toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận lãnh thổ thuộc địa của Pháp. Ngày 19 tháng 3 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa cho Công ty phosphat của Bắc kỳ.


Ngày 13 tháng 4 năm 1930, Thông báo hạm Malicieuse do thuyền trưởng De Lattre điều khiển ra quần đảo Trường Sa theo chỉ thị của Toàn quyền Đông Dương dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Ngày 23 tháng 9 năm 1930, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục.



Ngày 31 tháng 12 năm 1930, Phòng đối ngoại Phủ Toàn quyền Đông Dương gửi báo cáo lên Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp về những hoạt động đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo phụ cận, cũng như các tư liệu khảo cứu về pháp lý bảo vệ cho sự kiện đóng giữ này.


Ngày 11 tháng 01 năm 1931, Thống sứ Nam kỳ thông báo cho Toàn quyền Đông Dương về việc sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.


Ngày 04 tháng 01 năm 1932, Chính phủ Pháp gửi Công hàm tới Công sứ Trung Quốc tại Paris khẳng định chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và đề nghị giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hữu nghị hoặc bằng phương thức trọng tài quốc tế. Trung Quốc từ chối đề nghị này với lập luận rằng khi vua Gia Long chiếm hữu quần đảo này, Việt Nam là chư hầu của Trung Quốc.


Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.


Ngày 18 tháng 02 năm 1937, Pháp lại chính thức yêu cầu Trung Quốc áp dụng phương thức trọng tài quốc tế để xác định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lại khước từ.


Ngày 26 tháng 11 năm 1937, Pháp phái kỹ sư trưởng J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thủy phi cơ, nghiên cứu các điều kiện định cư ở quần đảo này.



Năm 1938, Pháp phái các đơn vị bảo an đến đồn trú trên các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng được Tổ chức Khí tượng thế giới cho đăng ký với số hiệu là 48859 ở đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến điện TSF trên đảo Hoàng Sa.


Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Pháp xây xong trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa.


Ngày 30 tháng 3 năm 1938, vua Bảo Đại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây.


Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.


Tháng 6 năm 1938, một đơn vị lính bảo an Việt Nam được phái ra đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa. Một bia chủ quyền đã được dựng tại đảo Hoàng Sa có khắc dòng chữ: "Republique Francaise - Rayaume d'Annam - Achipel de Paracel 1816- Ile de Pattle 1938".


Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật bản tuyên bố sáp nhập các quần đảo trong Biển Đông vào các vùng lãnh thổ mà Nhật đã chiếm đóng. Ngày 4 tháng 4 năm 1939, Chính phủ Pháp gửi Công hàm phản đối các quyết định nói trên của Nhật và bảo lưu quyền của Pháp tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.


Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương J.Brevie ký Nghị định số 3282 tách đơn vị hành chính Hoàng Sa thành hai đơn vị: "Croissant và các đảo phụ thuộc", "Amphitrite và các đảo phụ thuộc".



Ngày 26 tháng 11 năm 1943, Tuyên bố Cairo về việc kết thúc chiến tranh với Nhật và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, trong đó có vấn đề lãnh thổ nước khác bị Nhật chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 1 năm 1914.


Ngày 26 tháng 7 năm 1945, Tuyên bố Posdam khẳng định các điều khoản của Tuyên bố Cairo sẽ được thực hiện.


Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật thua trận phải rút khỏi Đông Dương và ngày 26 tháng 8 năm 1945, quân đội Nhật phải rút khỏi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Comentários


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page