Do không hiểu con người cá nhân, hoặc chỉ hiểu theo những phân tích máy móc, nông cạn của chủ nghĩa duy vật cơ giới của thế kỷ 19, nên các nước xã hội chủ nghĩa mới dám đặt ra những mục tiêu huênh hoang nhằm cải tạo con người trong vài thập kỷ nếu môi trường xã hội thay đổi. Nên mới gọi nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”! Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình , tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình. Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc. Tôi được biết có một cụ linh mục yêu nước và cấp tiến được cách mạng tín nhiệm mời lên khu làm việc cho kháng chiến thời đánh Pháp. Những khi ngồi một mình cụ vẫn rất buồn vì ở trong rừng không có nhà thờ để cụ đi lễ và làm lễ. Cụ nhớ Chúa, nhớ bày chiên và nhớ cả những lời nói của đấng chăn chiên với bày chiên trong công việc của mỗi ngày. Khi cụ sắp mất cụ thiết tha yêu cầu được một linh mục đang coi sóc một xứ đạo nào đó tới rửa tội và xức dầu Thánh cho cụ. Lại một chuyện khác, khi tôi được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi ông đang còn làm việc, quả thật tôi đã từng nghĩ ông là con người kiểu mẫu của một xã hội tương lai, chả nói gì, nghĩ gì về mình, tất cả cho tổ quốc, cho sự nghiệp, cho nhân dân. Nhưng rồi ông bị mất chức vì không được bầu lại vào uỷ ban trung ương của Đảng, một chuyện rất bất ngờ với nhiều người. Khi đại hội công bố kết quả bầu cử, nghe nói ông đã oà khóc, rồi khóc thầm lén tới mấy năm, không đi đâu cả, không gặp ai cả vì tự cho mình đã bị sỉ nhục, đã mất hết danh dự. Lại là một con người khác, tầm thường hơn cái lúc còn đeo tấm bài ngà rất nhiều. Con người mặc nhiều lớp áo là con người giả, con người đã bị lột truồng mới là con người thật. Con người đã bong một lớp sơn phủ kín chỉ còn trần lại cái lõi của nó mới là thật. Cái vỏ có thể luôn luôn thay đổi nhưng cái lõi muốn thay đổi phải mất có khi gần một đời người. Ấy là chỉ dám nói là có thể thay đổi chứ không dám nói chắc là sẽ thay đổi. Chỉ vì con người ta không chịu thay đổi theo những tiêu chuẩn đã được quy định hoặc theo mức tăng trưởng thu nhập tính theo đầu người. Sự phát triển của con người theo chiều hướng tích cực phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống tự do và dân chủ để tự nó khẳng định chính nó, tự nó đánh thức mọi tiềm năng sáng tạo đang nhen nhóm ở trong nó. Về cái thế giới tinh thần của mỗi cá nhân hãy để cho mỗi cá nhân tự lo liệu lấy, nó không thích người khác can thiệp bằng bất cứ cách nào. Nó sẽ biết cách tự điều chỉnh để thích ứng dần với mối quan hệ mới một cách có lợi nhất.
Nhà văn Nguyễn Khải: "Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân kể cả những thành kiến phi lý của họ".
Trong nửa thế kỷ sống dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo học thuyết Mác Lê, tôi luôn luôn được nhắc nhở phải tôn trọng quần chúng, sức mạnh của quần chúng có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử và số phận của nhiều cá nhân. Nhưng cũng thật trớ trêu, không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào đấy ngay. Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu. Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi giục thôi. Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản.
Người cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết cũng là lãnh tụ của quốc gia. Họ lên cầm quyền không do phiếu bầu mà do tín nhiệm sẵn có của các tín đồ với giáo chủ. Giáo chủ là nhân vật tối linh, thuộc về thiêng liêng nên những gì của thế gian không thể ràng buộc ông ta được. Ông ta cầm quyền không có niên hạn vì ông phải phục vụ nhân dân cho tới lúc chết. Ông không phải tự phê bình và cũng không ai dám phê bình ông vì ông là biểu tượng của quốc gia, của Đảng cầm quyền, đứng trên hiến pháp và mọi luật pháp. Ông là người tự do hoàn toàn so với nguyên thủ các quốc gia dân chủ khác. Các cấp dưới từ trung ương tới địa phương cũng là những người có nhiều tự do nhất ở các ngành, các bộ và các địa phương họ cầm quyền. Là các lãnh chúa trong các lãnh địa của họ. Chả ai dám xâm phạm nếu còn muốn giữ cho mình một chút tự do cỏn con. Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao? Ngượng thì vẫn ngượng nhưng chả lẻ lại gác bút, gác bút thì nuôi vợ con bằng gì? Nghĩ tới miếng ăn lại phải quên hết để sự bán mình cho quyền lực được hoàn toàn. Năm đất nước mới thống nhất vào Sài Gòn được gặp gỡ các nhà văn nhà báo, các nghệ sỹ của chế độ cũ mà thèm. Họ sống thoải mái quá, nói năng hoạt bát, cử chỉ khoáng đạt, như chưa từng biết sợ ai. Còn mình thì đủ thứ sợ, sợ gặp người thân vì chưa rõ họ có liên quan gì với Mỹ nguỵ? Nói cũng sợ vì nói thế là đúng hay sai? Đến vẻ mặt của mình cũng phải canh chừng, vui quá sợ mất cảnh giác, khen quá có thể đã ăn phải bả của nền kinh tế tư bản. Người lúc nào cũng căng cứng, nói năng gióng một nên bị bà con trong này chê là quê, nhà văn nhà báo gì mà “quê một cục”. Giải thích chuyện này cũng chả khó, họ là sản phẩm của nền kinh tế công nghiệp tư bản, dẫu là thuộc địa cũng vẫn thuộc hệ thống tư bản, vẫn là những người đã được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc từ quá khứ trong cách nghĩ, trong cách làm. Còn mình là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp phong kiến, đâu đã được làm chủ nhân ông nhưng cũng chưa từng được hưởng cái mùi vị tự do và dân chủ là thế nào! Cái khoảng cách ấy có tính thời đại không thể bỏ qua mà cũng không thể rẽ tắt. Mình cũng đã đi tắt suốt mấy chục năm, rất tiếc là lịch sử không công nhận cái lối đi ấy. Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử!
Yorumlar