Bài viết phác thảo ghi một số trong nhiều vị vương tôn thuộc hoàng tộc Chăm để lại dấu ấn trong lịch sử Champa. Mong chia sẻ với các bạn trẻ mới làm quen với lịch sử Champa.

Bản đồ trên ghi chú không đồng nhất với đa số các tác giả về số lượng các tiểu quốc của Mandala Champa: gồm 5 tiểu quốc chứ không phải chỉ có 4 (thiếu tiểu quốc Amaravati: Quảng Nam và Quảng Ngãi).
Khu Liên (thế kỷ 2)
Khu Liên khả thể được đồng hóa với Cri Mara - quốc vương đầu tiên của Lâm Ấp - lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm (cực nam của quận Nhật Nam), nổi dậy chống lại Nhà Đông Hán đang đặt ách thống trị lên họ, và đã dành được độc lập cho dân tộc Champa, năm 192 SCN. Vương quốc của Khu Liên, theo bia Võ Cạnh: ít ra cũng vào đến tận xứ Kauthara (Khánh Hoà ngày nay).
Mỵ Ê (thế kỷ 11)
Là Vương phi Quốc vương Chiêm Thành Sạ Đẩu (tức Jaya Sinhavarman II). Vào năm Minh Đạo thứ 3 (1044), Lý Thái Tông tiến đánh Chiêm Thành. Trong khi đó triều chính Chiêm có sự bội phản, tướng Chiêm là Quách Gia Dĩ đã chém chết vua Sạ Đẩu rồi đầu hàng. Quân Đại Cồ Việt chiếm được thành Phật Thệ (Chà Bàn, Đồ Bàn: kinh thành của vương quốc Champa), bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ và nhạc công mang về, trong đó có cả Mỵ Ê. Đến hành cung tại Lý Nhân, Lý Thái Tông sai quan trung sứ triệu bà sang hầu nhà Vua, thì Mỵ Ê lấy chiếu trắng quấn quanh mình rồi nhảy xuống sông Châu Giang mà chết. Lý Thái Tông khen bà trinh liệt, phong làm “Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân”.
Po Jaya Simhavarman III (thế kỷ 13-14)
Ngài vốn có tài thao lược, vào năm 1282, khi Hốt Tất Liệt với hơn 500 ngàn quân Mông Cổ tấn công Chiêm Thành, ngài được cử ra chỉ huy quân đội kháng chiến. Điều khiển 20 ngàn quân Chiêm, được Đại Việt yểm trợ ngăn chặn đường bộ quân Nguyên. Ngài chống cự lại được quân xâm lăng trong nhiều năm liền và sau đó quân Nguyên bỏ mộng xâm lược Chiêm Thành và Đại Việt.
Ngài trở thành anh hùng dân tộc và năm 1288 lên ngôi nối nghiệp cha, lấy hiệu Simhavarman III, người Việt gọi là Chế Mân. Ngài là một vị vua anh minh, lại thương dân và hiếu hòa, nên được nhân dân rất tôn trọng, lại được vua Trần Nhân tông, quốc vương Đại Việt, gả con gái mình là công chúa Huyền Trân cho ngài, như một thể hiện tình hoà hiếu giữa Chiêm - Việt.
Po Binasuor (thế kỷ 14)

Hình ảnh về vua Chế Bồng Nga chỉ mang tính biểu tượng.
Vua thứ ba của Vương triều thứ 12 liên bang Chăm Pa, phiên dịch tiếng Việt là Chế Bồng Nga, là một nhà quân sự tài ba lẫy lừng nhất trong lịch sử Champa: từng chiếm lại toàn bộ các vùng đất thuộc Champa trước thế kỷ 14 (từ Hoành Sơn vào đến đèo Hải Vân), từng dẫn quân chinh phạt Thăng Long đến hơn 3 lần, từng dùng chiến thuật như thần để hạ sát vua Trần Duệ Tông (Đại Việt) năm 1377... Về sau, năm 1390, ngài tử trận tại sông Luộc, tỉnh Thái Bình (Đại Việt) trong một trận hải chiến oan nghiệt (bị phản thần bán đứng).
Po Klong Garai (thế kỷ 14)

Mukha - Linga (mang hình tượng vua Po Klong Garai) tại tháp cùng tên.
Truyền thuyết về cậu bé bán trầu cỡi voi trắng chính là truyền thuyết về vua Po Klong Garai. Ngài có tài thao lược và tình thương thần dân của mình: Vào thời ngài đang trị vì vương quốc Champa, quân Khmer thường xuyên quấy nhiễu dân chúng ở vùng Pandurangga, đích thân vua Po Klong Garai mang quân vào Panduranga dẹp loạn và vua đã đánh tan quân thù, nhanh chóng khôi phục nền tự trị cho dân tộc Chăm. Cũng trong thời gian này, vua Po Klaong Garai dời đô đến vùng Panduranga và cai trị ở đây.

Mão vua (phải) và búi tóc hoàng hậu (trái). Các quân vương Champa tại Panduranga hầu như đều đội mão hình dáng này.
Trong thời gian trị vì xứ Panduranga, vua Po Klong Garai đã cho xây dựng nhiều công trình thủy lợi để phục vụ cho nông nghiệp, chấn chỉnh binh ngũ và chỉ dạy cho dân tại đây nhiều ngành nghề để phát triển kinh tế. Ông đã cất công cho xây dựng các hệ thống đê đập thủy lợi sơ khai như: Đập Nha Trinh (Chakling, vùng Nha Hố, huyện Ninh Sơn), đập Sông Cấm ở phía Tây Phan Rang dẫn thủy nhập điền bằng mương Cái và mương Đực, giúp đời sống hưng thịnh, nông nghiệp phát triển, mùa màng bội thu. Những công trình thủy lợi đó còn sử dụng và lưu dấu đến ngày nay.
Po Rômê (thế kỷ 17)

Mukha - Linga (mang hình tượng vua Po Rômê) tại tháp cùng tên.
Vua Po Rômê trị vì vương quốc Champa từ năm 1627-1651, với lãnh thổ từ Kauthara xuống đến hết Panduranga. Ngài được hậu thế Champa kể là vị vua đảm lược và anh minh, chẳng những từng ra sức bảo vệ nền độc lập và tự chủ cho vương quốc, mà còn kiến tạo một vương quốc vừa hài hòa tôn giáo, vừa phát triển mạnh về xuất khẩu (vàng, trầm hương, da thú, sừng tê giác...) thương mại và hàng hải, đem lại nguồn lợi nhuận quan trọng cho đất nước Champa và được ngự trong một ngôi tháp gạch truyền thống cuối cùng của vương quốc, tại làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận...
Comentarii