top of page
​AD

Phan Chu Trinh - Ngọn Cờ Canh Tân Văn Hóa Đầu Thế Kỷ 20

Vào đầu thế kỷ 20, cụ Phan Chu Trinh (Phan Châu Trinh) (1872-1926) là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc vận động canh tân văn hóa - giáo dục với một tầm nhìn chính trị vừa sâu vừa xa. Cuộc vận động này là bản lề để hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 20 đến tận ngày nay.

Theo Phan Chu Trinh, cần phải có một nền văn hóa - giáo dục mới mà trung tâm là có con người mới để tự chủ, tự lực và tự cường giải quyết mọi công việc của đất nước. Muốn vậy phải hành động để có một nền văn hóa - giáo dục mới để nâng cao dân trí, dân khí, lo được dân sinh. Theo ông, khai dân trí là bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. Chấn dân khí là thức tỉnh tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, Nhân dân giác ngộ được quyền lợi và trách nhiệm của mình, có như thế mới thoát được nọc độc chuyên chế. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế, hợp đoàn để doanh sinh, bảo chủng, sản xuất và tiêu thụ hàng nội hóa. Đó là con đường tự lực khai hóa để phát triển nền văn hóa dân tộc.


Phan Chu Trinh là nhà yêu nước, nhưng khác với người khác, ông muốn đất nước độc lập và tiến tới văn minh bằng một thể chế chính trị mới theo mô hình dân chủ tư sản - mô hình hiện đại nhất của nhân loại lúc đó. Để tiến tới mục tiêu đó, ông không chủ trương bạo động mà phải tiếp thu những tiến bộ của phương Tây, gồm cả mô hình thể chế, để canh tân - làm mới dân tộc để đủ sức tự giành lấy độc lập bằng con đường hòa bình, bất bạo động. Tự chủ, tự lực, tự cường là tư tưởng nhất quán ở Phan Chu Trinh trong tư tưởng và hành động.


Phan Chu Trinh.



Ông là thủ lĩnh vận động cuộc Duy Tân với tư tưởng dân quyền và phương châm "tự lực khai hóa". Năm 1907, ông vận động thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Tháng 3/1908, Phan Chu Trinh cùng nhiều đồng chí trong phong trào Duy Tân bị bắt do bị buộc tội khởi xướng phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ. Ông bị kết tội chém nhưng chỉ bị giam rồi đày đi Côn Đảo. Tháng 8/1908, ông bị đưa về quản thúc tại Mỹ Tho.


Đông Kinh Nghĩa Thục: Cuộc cách mạng giáo dục đầu tiên ở Việt Nam.


Năm 1911, ông cùng con trai sang Pháp. Ông lập tức gửi Hội Nhân quyền Pháp bản điều trần về vụ trấn áp những người dân chống sưu thuế tại Trung Kỳ năm 1908. Ông cũng lên tiếng tố cáo tình trạng đối xử tồi tệ đối với tù nhân ở Côn Đảo. Ông nhờ Liên minh cầm quyền, Đảng Xã hội Pháp can thiệp nhằm giảm án cho các đồng chí của mình.


Ngày 19/6/1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyên Tất Thành soạn bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".


Yêu sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple annamite).


Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, Phan Chu Trinh viết bức thư buộc tội vua Khải Định 7 điều và bài Tình quốc hồn ca mới lên án tình trạng tối tăm của xã hội Việt Nam và chính sách thuộc địa của Pháp, cổ vũ đường lối cải cách dân chủ. Sau đó ông viết cuốn Đông Dương chính trị luận.

Ngày 29/5/1925, Phan Chu Trinh cùng Nguyễn Văn An xuống tàu rời nước Pháp. Ngày 26/6/1925, về tới Sài Gòn.


Vua Khải Định.



Phan Chu Trinh mất lúc 21:30 ngày 24/3/1926. Đám tang của ông ở Sài Gòn ngày 4/4/1926 có hơn 6 vạn người tham dự. Bất chấp sự ngăn cản của chính quyền thực dân phong kiến, lễ truy điệu ông đã được tiến hành khắp cả nước, trở thành một phong trào chính trị cổ vũ tinh thần yêu nước của đồng bào, nhất là thanh niên, học sinh.


Phan Chu Trinh.


Đã hơn 100 năm nhưng tư tưởng, tầm nhìn chính trị - văn hóa - giáo dục của Phan Chu Trinh vẫn là mới mẻ. Có rất nhiều điều cho đến tận hôm nay chưa chắc chúng ta đã thật sự thấu hiểu về ông.



Tác giả: Vĩnh Khánh

Commentaires


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page