Khi nhắc về khái niệm Bách Việt, không ít người chỉ có những hiểu biết mơ hồ, không rõ ràng đã đóng rễ rất sâu trong tâm thức của nhiều người về Bách Việt.
Đó là những hiểu biết chung chung về cộng đồng này như “Bách Việt là 100 Việt”, tức có rất nhiều “bộ tộc” Việt, “Việt Nam chỉ là một bộ phận của Bách Việt, chưa bao giờ sở hữu lãnh thổ của Bách Việt”, “Người Việt là sự kết hợp của Âu Việt và Lạc Việt”, vốn có nguồn gốc từ những ghi chép từ lịch sử của Trung Quốc, thêm vào đó là từ những diễn giải sai lệch của một số người nghiên cứu lịch sử.
Nhìn chung, những người có hiểu biết như vậy gần như không thực sự tìm hiểu về Bách Việt, nhưng lại thường cực đoan khi nhắc tới nó, cho rằng người Việt đang nhận vơ những thứ không thuộc về mình. Nhưng những bằng chứng lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ tới nay đã rất đầy đủ, không còn mờ ảo như trước kia, vậy nên cũng đã tới lúc thay đổi những nhận thức chung chung như vậy về Bách Việt.
Đầu tiên, thì Bách Việt không phải “100 Việt” như nhiều người vẫn nghĩ, như Ferlus (năm 2011) đã nói:
“Những chữ được sử dụng ở đây là chữ ghi âm (phonogrammes) dùng để ghi lại những tên gọi không thuộc Hán; cho nên ý nghĩa của tổ hợp ‘Bách Việt’ không thể giải thích bằng ý nghĩa của từng yếu tố hợp thành, tức ở đây cách giải thích nghĩa theo đó ‘băi 百, bách’ là ‘một trăm (cent)’ và ‘yuè 越, việt)’ là ‘cái qua (hache de guerre)’.”
“Bách” (百) theo Ferlus (năm 2009) được phục nguyên như bǎi (百).
Âm này tương đồng với các dạng thức *prɔːk là “tên tự gọi của người Wa” và rɔːk, “người Khmu”], do đó, đây là một từ gốc Austroasiatic (Nam Á), có nghĩa chỉ tộc người. Việt 戉 là chữ ký âm có nguồn gốc từ ngôn ngữ Austroasiatic hoặc Austronesian, nhưng nhiều khả năng hơn là ngôn ngữ Austroasiatic với những bằng chứng vững chắc khẳng định cộng đồng Việt là một cộng đồng nói ngôn ngữ Austroasiatic, Việt (戉) theo âm phục nguyên có ý nghĩa là chiếc rìu, vũ khí, giống như trong Giáp Cốt văn và các văn hóa tiền thân của người Việt.
Như vậy, Bách Việt hoàn toàn không phải 100 Việt, mà nó có nghĩa là “tộc người dùng rìu làm biểu tượng quyền lực”. Toàn bộ các khái niệm chỉ Bách Việt: Câu Ngô, Sở, Ư Việt, Đông Âu, Mân Việt, Nam Việt, Dạ Lang, Điền Việt, đều là các khái niệm xuất hiện muộn, tương ứng với những cuộc xâm lược xuống phía Nam của người Hoa Hạ ở nhiều thời điểm khác nhau, nó cũng có nghĩa, toàn bộ các quốc gia này đều do người Hoa Hạ lập nên trên đất chiếm được của người Việt, hoàn toàn không phải tộc danh như nhiều người vẫn lầm tưởng. Các khái niệm khác: Dương Việt, Lạc Việt là các khái niệm chỉ toàn bộ cộng đồng Việt, tương đương với Bách Việt.
Vấn đề thứ hai, “Bách Việt chưa bao giờ thuộc về Việt Nam, không có liên hệ với Việt Nam”, điều này có đúng không? Hoàn toàn không đúng. Sử liệu Việt Nam khẳng định Bách Việt có cùng nguồn gốc, và sử liệu Trung Quốc cho thấy Bách Việt là một cộng đồng có chung phong tục, văn hóa. Và chính các sử liệu của Trung Quốc cũng cho thấy Bách Việt thuộc lãnh thổ của nước Văn Lang do các vua Hùng làm chủ.
Ở phía Việt Nam, truyện họ Hồng Bàng chép: “Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”
Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép:
“Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.”
Ở phía các tài liệu của Trung Quốc, sách Hán thư, Địa lý chí chép:
“粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。”
Bản dịch của Tích Dã:
“Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.”
Sách Thông Điển của Đỗ Hữu (杜佑) thời Đường (năm 801), phần Châu quận chép:
“自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地”
“Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”
“或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.”
“Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, tất cả đều có nhánh họ”
Trong phần Hóa thực liệt truyện, sách ‘Sử Ký’ của Tư Mã Thiên chép:
“九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。”
“Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân Dương Việt.”
Như vậy, xét về nguồn gốc, người Việt đã nhắc rõ rằng Bách Việt chung một nguồn gốc, họ Hồng Bàng là tổ của Bách Việt. Về các ghi chép của Trung Quốc, cũng cho thấy người Bách Việt trải khắp trong vùng Giang Nam về tới Việt Nam, phong tục giống nhau, vấn đề này chúng tôi đã khảo cứu trong một bài viết khác.
Tất cả các vùng Bách Việt đều chung một quốc gia, chính là quốc gia Văn Lang được cả lịch sử Việt Nam và Trung Quốc ghi chép. Những ghi chép đã cho thấy Hùng Vương làm chủ đất Giao Chỉ, mà trong lịch sử Trung Quốc, Giao Chỉ thời rộng nhất (Hạ - Thương) nằm ngay ở vùng phía Nam địa bàn các quốc gia này, tức từ vùng Dương Tử trở về phía Nam. Chúng tôi đã khảo cứu chi tiết vấn đề này trong bài sau, ở đây chỉ dẫn ra một số ghi chép tiêu biểu nhất.
Về Văn Lang, Thái Bình Ngự Lãm, được viết vào thời nhà Tống, dẫn Phương Dư Chí (方輿志) chép:
“《方輿志》曰:峰州,承化郡.古文郎國,〈有文郎水.〉亦陸梁地.秦屬象郡.二漢屬交趾郡.吳分置新興郡.晉改爲新昌.陳置興州.隋平陳,改爲峰州;煬帝初,廢.唐復置峰州.”
Bản dịch của Quyển Tích:
“Phương dư chí chép: Phong Châu có thời gọi là quận Thừa Hóa. Là nước Văn Lang thời xưa, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Thời nhà Nhị Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Nhà Tấn đổi gọi là quận Tân Xương. Nhà Trần đặt ra Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, đổi gọi là Phong châu. Đầu đời vua Dạng Đế bỏ châu ấy. Nhà Đường đặt lại Phong châu.”
Do nguyên nhân thiên tai ở Dương Tử nên người Việt mới phải dời đô về Việt Nam, định đô ở Phong Châu, trước đó thì kinh đô nằm ở vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử.
Về Hùng Vương, Cựu Đường thư, (Hậu Tấn - Lưu Hú soạn, năm 945), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 - 479) chép:
“交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。”
Bản dịch của Tích Dã:
“Đất Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngung phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.”
Các ghi chép này đã cho thấy Hùng Vương làm chủ đất Giao Chỉ. Giao Chỉ thời Hạ - Thương trong lịch sử Trung Quốc nằm ở ngay mạn dưới sông Dương Tử.
Lã Thị Xuân Thu, thiên Thận Hành Luận chép về lãnh thổ vua Vũ của nhà Hạ:
“南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處”
Bản dịch của Quốc Bảo:
“Phía Nam tới các nước Giao Chỉ, Tốn Bốc, Tục Man, tới các núi Đơn Túc, Thế Thọ, Phí Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, xứ Vũ Nhân (người đeo lông vũ), Khỏa Dân, hương Bất Tử.”
Hàn Phi Tử thiên Thập Quá chép:
“臣聞昔者堯有天下,飯於土簋,飲於土鉶,其地南至交趾,北至幽都,東西至日月之所出入者,莫不賓服.”
Bản dịch của Trần Kinh Nghị:
“Ngày xưa vua Nghiêu có thiên hạ, ăn bằng bát đất (quỷ), uống bằng liễn đất (hình), địa giới phương Nam đến đất Giao Chỉ, phương Bắc đến đất U Đô, phương Đông, phương Tây đến tận nơi mặt trời lặn mọc, thảy đều phục tùng.”
Hoài Nam Tử do Lưu An thời Tây Hán soạn, thiên Thái Tộc Huấn chép:
“紂之地,左東海,右流沙,前交趾,後幽都”
“Đất của Trụ, trái giáp Đông Hải, phải có sông Lưu Sa, phía trước Giao Chỉ, phía sau U Đô.”
Lịch sử Trung Quốc chép lại cũng giống với những ghi chép của người Việt về lãnh thổ của nước Văn Lang:
“Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn.” ... “Về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh.”
Về quốc gia của người Việt theo khảo cổ học, không ít người thường có thói quen sử dụng từ "bộ tộc”, “bộ lạc”, nhưng đều bỏ qua một thực tế rằng người Việt phía Nam đã có nhà nước từ rất sớm, trước cả Hoa Bắc ở các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, nước Văn Lang cũng kế thừa trực tiếp từ các văn hóa này, nên ngay từ 5.000 năm trước, người Việt đã bước vào giai đoạn văn minh nhà nước, không còn là bộ tộc, bộ lạc như nhiều người vẫn mặc định.
Như vậy, Bách Việt là một cộng đồng có chung nguồn gốc, chung phong tục, từng tồn tại dưới một quốc gia chung, đó chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng, điều này được chính sử sách Trung Quốc xác nhận, thì đây xem như không còn là một vấn đề cần phải tranh cãi nữa. Người Việt cũng đã có quốc gia từ muộn nhất là 5.300 năm trước, do đó, Bách Việt không phải là “các bộ tộc”, “bộ lạc” không có nhà nước như vẫn thường được nhận định.
Comentários