top of page
​AD

Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản

Ngày này cách đây 155 năm (5/7/1867), quan đại thần Phan Thanh Giản uống thuốc phiện hòa với giấm thanh tự sát và qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.


Những năm 1962 - 1963, giới sử học miền Bắc đã có những kết luận đấu tố đối với danh nhân Phan Thanh Giản trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, kể từ đó, hình ảnh của ông trở nên đen tối trong các đánh giá nghiên cứu lịch sử tại miền Bắc (trước 1975) và trên cả nước (sau 1975).


Tháng 11/1994, tại tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra Hội thảo khoa học nhằm đi đến một kết luận rõ ràng, xác đáng hơn về vị Tiến sĩ Nho học đầu tiên của đất Nam Kỳ. Tuy nhiên, Hội thảo vẫn còn nhiều điều chưa được sáng tỏ. Tháng 8/2003, tại TP. HCM một Toạ đàm khoa học với chủ đề "Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản" diễn ra đã có những đánh giá công tâm, khách quan về nhân vật lịch sử này.



Xin giới thiệu toàn văn bài viết “Những suy nghĩ sau hai cuộc hội nghị về nhân vật Phan Thanh Giản” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số tháng 9/2003.

Lịch sử là một quá trình nối kết quá khứ và hiện tại. Tìm hiểu, đánh giá đúng quá khứ sẽ giúp ích rất nhiều cho hiện tại. Đó là lý do khiến tôi quan tâm tới lịch sử, đặc biệt là giai đoạn cận đại cùng các nhân vật có trọng trách thời ấy. Có những nhân vật đã được kết luận, nhiều vị anh hùng đã được tôn vinh như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực… Đó là những kết luận xác đáng, được nhân dân mọi thời đại đồng tình. Nhưng cũng có những nhân vật mà giữa các nhà khoa học lịch sử cũng như giữa một số nhà nghiên cứu còn có khoảng cách. Đó là trường hợp nhân vật Phan Thanh Giản. Tuy nhiên, sau hai cuộc hội thảo, khoảng cách trong đánh giá công, tội của Phan Thanh Giản đã được thu hẹp.


Tôi có được dự hai lần hội thảo về Phan Thanh Giản. Với tôi, lần thứ hai này đã cho tôi sáng tỏ nhiều điều.


Những gì mà tôi nghe được, đọc được từ những trang sử học, những bài phát biểu của một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bạc Liêu, Bến Tre… qua đánh giá của các nhà nghiên cứu và các bậc lão thành, Phan Thanh Giản là người thương dân rất mực, trong sáng trong đời sống riêng tư, cần kiệm, liêm chính, hết mình với dân với nước… Với tôi, đây là một tấm gương mà mỗi chúng ta nên suy nghĩ và học tập.


Nhưng 5 năm cuối đời Phan Thanh Giản phải lãnh trọng trách quá lớn, liên quan tới vận nước và ông đã không làm tròn. Hay đúng hơn, trọng trách triều đình đã giao ngoài khả năng của ông. Đó là việc giảng hòa với Pháp và Hòa ước Nhâm Tuất năm 1862. Với Hòa ước này, Phan Thanh Giản đã giao cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ và chấp nhận một số tiền bồi thường để đòi lại tỉnh Vĩnh Long. Và đến năm 1867, Phan Thanh Giản lại để mất 3 tỉnh miền Tây mà không có một kháng cự nào… Đó là lý do để một số nhà sử học qui cho Phan Thanh Giản tội bán nước và phủi sạch công đức gần suốt cuộc đời cần mẫn, chỉn chu của ông.



Ở đây, tôi muốn nói rằng, vào thời điểm ấy, Phan Thanh Giản là người biết rất rõ tương quan giữa ta và kẻ thù. Với ông, cơ hội chiến thắng kẻ thù là rất ít. Không phải Phan Thanh Giản không thấy được lòng yêu nước của dân chúng qua các cuộc nổi dậy của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương… Nhưng thực tế đã cho ông thấy vào thời ấy với những thành trì kiên cố, với những võ khí đầy đủ và những võ tướng tài giỏi thuộc loại hàng đầu của triều đình mà còn bị đại bại thì việc Phan Thanh Giản không tin sự chiến thắng của các nghĩa binh là điều dễ hiểu. Đó là điều mà một thế kỷ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản mới có điều kiện và đủ bản lĩnh để đánh bại được chủ nghĩa thực dân Pháp.


Với Hòa ước Nhâm Tuất, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã bị Tự Đức lên án: “… Hai người không chỉ là tội nhân của triều đình, mà còn là tội nhân của muôn đời hậu thế”. Một số người nhân cớ này quy chụp thêm tội cho Phan Thanh Giản. Theo quy tắc của đương thời thì dù Phan Thanh Giản có ký mà vua không chấp thuận thì Hòa ước vẫn không được thi hành. Vậy tại sao Tự Đức lại không bác Hòa ước ấy đi và tổ chức quân binh chống giữ, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta! Vào thời điểm này, triều đình Tự Đức không hề có một kế hoạch nào nhằm đánh đuổi chúng đi. Theo tôi, đây là cách Tự Đức đổ trách nhiệm cho Phan Thanh Giản, lẩn tránh trách nhiệm của mình!


Việc thứ hai tôi muốn nói là việc Phan Thanh Giản để mất 3 tỉnh miền Tây. Sự thật là hình thức mang tính chính trị. Thực tế về phía Pháp, mọi việc đã được chúng trù tính rất cụ thể rồi. Về phía triều đình lại có những quyết định rất bạc nhược. Nếu đúng như bản tấu của Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Trần Tiễn Thánh, Phan Huy Ích, Phạm Phú Thứ xét trình tội trạng của Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển… trong vụ Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Những người này đã bỏ thành không kháng cự trước sự tấn công của quân Pháp là vì có lời thẩm nghị trước đây của đình thần là: Các quan chức phải bỏ thành không được kháng cự nếu quân Pháp tấn công.


Nếu châu bản trên của một số nhà sử học nêu ra là đúng sự thật thì việc để mất 3 tỉnh miền Tây trước tiên thuộc về triều đình Tự Đức chứ đâu chỉ tại riêng Phan Thanh Giản. Hơn nữa, tôi muốn nói rằng việc quyết định giữ 3 tỉnh miền Tây hay để mất 3 tỉnh trong thời điểm lúc bấy giờ không còn thuộc quyền quyết định của Phan Thanh Giản, triều đình mà đã thuộc trong tầm tay của quân đội Pháp. Vì vậy, việc một số người đổ trách nhiệm hoàn toàn cho Phan Thanh Giản là không khách quan và có phần oan cho ông. Tôi nghiêng về một số ý kiến cho rằng Phan Thanh Giản có phần trách nhiệm trong việc để mất 6 tỉnh Nam kỳ. Tôi cho đánh giá như vậy là có tình có lý và dễ thuyết phục hơn.


Với việc để mất 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ này, Tự Đức lại nổi giận và tước mọi chức tước, đục cả bia tiến sĩ của Phan Thanh Giản. Tôi cho một lần nữa Tự Đức lại tránh né trách nhiệm khi để mất 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Càng có thời gian, chúng ta càng thấy Phan Thanh Giản bị cái án oan. Nhưng Phan Thanh Giản là người rất nghiêm khắc với mình và vì vậy ông chấp nhận tất cả, kể cả cái chết do ông chọn ngày giờ và “ra đi”. Tôi nghĩ, một người thấy rất rõ tương quan lực lượng giữa ta và địch, quân đội Pháp đã đặt một việc đã rồi trong cái gọi là thương lượng, vì vậy mà Phan Thanh Giản quyết định sự lựa chọn cho ông và cho gia đình - hai người con trai - Phan Tôn - Phan Liêm.



Nhưng cũng từ những sự kiện này, một số người lại quy cho Phan Thanh Giản là bán nước! Mãi tới cuộc Hội thảo năm 1994, chúng ta mới giải tỏa cho ông hai chữ này. Và tới cuộc Tọa đàm đầu tháng 8/2003: “Từ thế kỷ 21 nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” đã có nhiều nhà sử học khẳng định Phan Thanh Giản là người yêu nước.


Riêng tôi, qua hai lần hội nghị, tôi nhận thức rất rõ về nhân cách, đức độ của Phan Thanh Giản rất đáng để chúng ta và nhiều thế hệ nối tiếp học tập.


Về việc Phan Thanh Giản có yêu nước hay không, tôi nghiêng về ý kiến của các nhà nghiên cứu vừa rồi khi minh chứng ông là người yêu nước. Không có một lý do gì có thể phủ nhận một người yêu dân, thương dân, luôn chăm lo cho dân như Phan Thanh Giản là lại là người không yêu nước. Các nhà nghiên cứu cũng đã viện dẫn câu của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” để giải thích lòng yêu nước của Phan Thanh Giản. Thời nào cũng vậy, yêu dân là yêu nước, còn dân là còn nước.


Tôi nhớ cách giải thích lòng yêu nước của Bác Hồ ở Hội nghị thống nhất Việt Minh Liên Việt năm 1951 ở Việt Bắc: Nhân dân Việt Nam đại đa số ai cũng yêu nước, chỉ có một thiểu số vong quốc. Nhưng có người tỏ rõ lòng yêu nước của mình rất dễ thấy như vật báu chưng ra bình pha lê. Lại cũng có người, lòng yêu nước được giữ kín đáo như vật báu giữ trong tủ kín, mở ra thì mới thấy được.


Tôi nghĩ không nên đòi hỏi mọi người yêu nước theo một cách giống nhau. Ở chỗ này tôi muốn liên hệ tới trường hợp những trí thức lớn ở Sài Gòn mà kẻ thù gọi là trí thức “trùm mền” (ý nói số này bất hợp tác với chúng) như kỹ sư Lưu Văn Lang, cụ Dương Minh Thới, cụ Nguyễn Xuân Bái… Chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi những người này phải ra chiến khu như anh Huỳnh Tấn Phát, anh Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng có ai dám nói các cụ là không yêu nước.


Ở đây tôi muốn liên hệ tới bản thân tôi. Nếu như bây giờ, với vị trí Phan Thanh Giản, triều đình cho các quyền như thế này hay giả thiết như Trung ương Đảng cho đủ thẩm quyền trong số cán bộ cao cấp, chúng ta đã từng qua hai cuộc chiến tranh, chắc rằng chúng ta không xử lý như Phan Thanh Giản. Nhưng ở vào hoàn cảnh cụ Phan lại khác nhiều. Nếu chúng ta đòi hỏi cụ Phan phải đánh, không thể chết như thế được… thì tôi cho rằng không hẳn phù hợp với một vị đại thần yêu nước thương dân như Phan Thanh Giản bấy giờ. Một số nhà nghiên cứu lịch sử đòi hỏi Phan Thanh Giản như thời có Bác Hồ, có Đảng Cộng sản lãnh đạo là không thực tế. Giữ nước là vấn đề rất khó, và xử lý tình huống vào thời điểm nhất định lại càng khó hơn. Tôi không cho rằng các cuộc vũ trang bạo lực của các nhà yêu nước đều thắng tất cả. Giữ nước bằng vũ trang chính trị kết với ngoại giao cũng có thắng, có hòa, có trường hợp phải đàm phán… đó là bài học thực tiễn trong lịch sử đã qua. Tôi minh chứng điều này bằng cuộc chiến đấu của chúng ta sau Hiệp định Paris. Mệnh lệnh cao nhất lúc bấy giờ là không được để mất dân, mất đất. Bởi để mất dân, mất đất là mất tất cả. Có nơi giữ được, thậm chí có nơi còn mở rộng vùng giành được thêm dân, thêm đất, Trung ương đánh giá cao coi đó là chủ trương phù hợp. Nhưng có một số nơi, so về tương quan lực lượng thuận lợi hơn nhiều nhưng lại để mất dân, mất đất. Điều đó không có nghĩa là các lãnh đạo ở đó không yêu nước. Hay như trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, hiểu theo nghĩa nào đó là thất bại. Như vậy, không có nghĩa là các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, lực lượng cách mạng bị tổn thất rất nặng chẳng lẽ lại không xuất phát từ yêu nước thương dân.



Trở lại vấn đề yêu nước của Phan Thanh Giản, tôi nghĩ ở vị thế của Phan Thanh Giản lúc bấy giờ, đòi hỏi cụ phải như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương… là điều tôi nghĩ không thực tế đối với mỗi con người, mỗi hoàn cảnh. Tôi nhớ lại trường hợp Trương Vĩnh Ký - một người mà ai cũng quy là cộng tác với Pháp chặt chẽ - và tôi lại càng sáng ra hơn về lòng yêu nước của Phan Thanh Giản. Theo tư tưởng của Bác Hồ, Đảng ta chưa bao giờ coi bộ máy của ngụy quân ngụy quyền là bán nước tất cả, chúng ta không coi bất kỳ người Việt Nam nào bỏ nước ra đi đều là phản quốc tất cả. Đánh giá về lòng yêu nước của Phan Thanh Giản, chúng ta không nên coi là ngoại lệ.


Tôi muốn trở lại nhân cách của Phan Thanh Giản. Cho tới nay, không ai nghi ngờ việc Phan Thanh Giản cùng với Nguyễn Thông đã xin triều đình dời mộ cụ Võ Trường Toản về Bảo Thạnh, Vĩnh Long (nay là Bến Tre), bởi mộ cụ Võ lúc bấy giờ nằm ở Gia Định, thuộc Pháp quản lý. Trong ý nghĩ đó, Phan Thanh Giản không muốn để một danh sư như cụ Võ phải chịu nằm trên đất của kẻ thù. Việc làm đó làm tôi rất xúc động. Riêng điều đó cũng đủ khẳng định Phan Thanh Giản không đội trời chung với Tây rồi.


Cuối cùng, tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “Lá cờ ba sắc không thể phất phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”.


Với “tuyên ngôn” này và với những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng: Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế.


Sau cuộc tọa đàm tháng 8/2003, tôi đã về thăm mộ cụ Phan Thanh Giản và đốt nhang lạy hương hồn cụ. Và, tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ Cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều.

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page