Michael Churchman trong bài 'Before Chinese and Vietnamese in The Red River Plain-The Han-Tang Period' viết rằng từ "thổ nhân" cũng được dùng để chỉ dân địa phương ở các tỉnh khác của Trung Quốc. Họ là những thường dân theo tập tục Hán và luật lệ Hán.
Muối - Nguyên do bùng nổ chiến tranh Đường - Nam Chiếu. Ảnh minh hoạ.
I. Thổ Nhân
Có ý kiến cho rằng thổ nhân là những người không Hán hoá và có phong tục riêng.
Tuy nhiên, khi xem xét kĩ các ghi chép thời Hán Đường, thì ta thấy rằng thổ nhân cũng bao gồm cả những người Hán hoá.
Một trong những thổ nhân nổi tiếng nhất tại Giao Châu có lẽ là Lý Bôn hay Lý Bí, người đã khởi nghĩa lập nên nước Vạn Xuân. Sử sách Trung Quốc gọi ông là "Giao Châu thổ nhân".
Thế nhưng Lý Bí lại thuộc dòng dõi người Hán sang Giao châu định cư. Trước khi lập quốc riêng ông cùng Tỉnh Thiều 井紹/韶, là một Giao thổ nhân khác đến Trường An mong thăng tiến ở đấy. Tỉnh Thiều là một người có học, nhưng lại bị cho làm người gác cổng, không phục mới cùng Lý Bí quay về quê nhà.
II. Thổ Man
Những người khác tập tục và nằm ngoài hệ thống quản lý của triều đình sẽ bị gọi là "man".
Sự phân biệt giữa "thổ nhân" và "thổ man" sẽ giúp hiểu về xung đột dẫn đến chiến tranh Nam Chiếu - An Nam thời Đường.
III. Xung Đột Lợi Ích Kinh Tế Giữa Giới Cai Trị Miền Xuôi và Miền Núi
Con đường Vân Nam - Bắc Việt là huyết mạch quan trọng của khu vực từ lâu. Vân Nam dựa vào Bắc Việt để lấy những sản phẩm quan trọng từ biển, trong đó có muối.
Người miền xuôi tại Bắc Việt sẽ trao đổi muối để lấy ngựa. Người miền núi sẽ lấy muối từ người miền xuôi và bán sang cho Vân Nam (Nam Chiếu bấy giờ).
Năm 854, Lý Trác trở thành Tiết Độ Sứ An Nam, lại tham lam, chỉ trả một đấu muối cho mỗi con ngựa.
Người Man (những người miền núi buôn ngựa) oán giận, tấn công đồn trú của nhà Đường.
Trong diễn biến trên ta thấy rõ rằng một tiết độ sứ Lý Trác có thể nắm quyền thương lượng buôn bán với miền núi. Như vậy, không loại trừ khả năng tại miền núi, quyền thương mại cũng nằm trong tay một vài tù trưởng có thế lực, và cũng chỉ các tù trưởng này mới đủ khả năng tổ chức tấn công vào đồn nhà Đường.
Như vậy, cuộc xung đột này vốn là cuộc xung đột lợi ích kinh tế giữa giới cai trị miền xuôi và miền núi với nhau.
IV. Cái Chết Của Họ Đỗ
Đỗ Tồn Thành bấy giờ là "Man tù trưởng", liên kết với các tù trưởng miền núi chống lại Lý Trác.
Lý Trác giết Đỗ Tồn Thành.
Họ Đỗ từ bao thế kỷ nay đã là một dòng họ quyền lực tại Giao Châu.
Cái chết của Đỗ Tồn Thành đã khiến giới cai trị địa phương phẫn uất, liên minh với Nam Chiếu tấn công Lý Trác.
Điều đặc biệt là các "Man tù trưởng" liên minh với Nam Chiếu lại thường là những người mang họ Đỗ, họ Lý (Đỗ Tồn Thành, Đỗ Phủ Trừng, Lý Do Độc...), địa bàn nắm quyền trải từ Thanh Hoá đến Phú Thọ.
Họ Đỗ là họ gốc Hán, đến Giao châu làm quan. Gia phả họ Đỗ là một danh sách dài những người làm quan từ thời Hán đến thời Lý, Trần, Lê.
Ngày nay họ Đỗ lại phổ biến ở miền xuôi hơn ở miền núi.
Điều này cho thấy kể cả những nhân vật bị gọi là "Man" trong sử sách cũng phần nào có gốc Hán hoặc Hán hoá.
Họ Đỗ, họ Lý trong các Man tù trưởng có thể gốc là Hán dân lên miền núi làm quan và "man hoá". Tương tự trường hợp nhiều người Tày họ Nguyễn ngày nay là con cháu của quan quân người Kinh lên núi.
V. Thiệt hại
Quân Nam Chiếu chiếm thành Tống Bình, bắt giết 15 vạn dân miền xuôi. Chúng dân lầm thương, phân tán trốn vào động.
Mất Tống Bình, nhà Đường tập hợp dân phân tán ở Hải Môn (vùng Hạ Long ngày nay), cho 25 nghìn quân trấn.
Sau này Cao Biền đến, từ Hải Môn lấy lại thành Tống Bình (Hà Nội), chém chết hơn 3 vạn quân "thổ man". Quân Nam Chiếu trốn đi, Biền phá 2 động thổ man, chém chết tù trưởng, 17 nghìn người thổ man quy phục.
Cao Biền xây lại thành, đổi tên từ Tống Bình thành Đại La, xây 40 vạn gian nhà cho chúng dân trước kia bị phân tán quay về ở.
Thiệt hại nhân mạng trong dân chúng: 15 vạn + hơn 3 vạn = hơn 18 vạn.
VI. Hậu Cuộc
Nam Chiếu là đạo quân "Man" đầu tiên khiến triều đình tại miền xuôi điêu đứng suốt 10 năm trời.
Tuy dẹp được Nam Chiếu và quân Man, nhưng nhà Đường cũng sớm suy yếu. An Nam dần rơi vào tay của các thế lực địa phương: Họ Khúc, họ Dương, họ Ngô...
Nhưng có thể nói rằng các thế lực địa phương này vốn cũng là những gia tộc Hán hoá và không có ý định tách khỏi Trung Hoa. Họ Khúc cũng chỉ xưng tiết độ sứ và họ Ngô, Dương cũng chỉ xưng vương như bao gia tộc cát cứ khác ở Trung Hoa.
Mãi cho đến khi họ Đinh nắm quyền, tư tưởng Đại Việt độc lập một cõi mới định rõ. Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên xưng đế, tạo tiền lệ cho họ Lý, họ Trần, họ Lê về sau.
Comments