top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Truyền Thuyết “Ngu Kơ – Lương Wong” Của Người Mường

Dựa trên các dữ liệu folklore Thái, đúng hơn là Tày - Thái, Cầm Trọng (1987) đã chỉ ra khởi nguyên thân tộc Thái là sự kết hợp của chim én - loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ).

Truyền thuyết của người Thái


Cặp biểu tượng chim/nam - rắn/nữ là cặp biểu tượng phôi thai gắn với tín ngưỡng linh hồn Thái. Từ đó, dần nảy sinh các cộng đồng thân tộc khác (Cầm Trọng gọi là các cộng đồng totem) của Thái. Đáng chú ý, Cầm Trọng (1987) có một phụ chú mang tính chỉ mục khi nói rõ, thoạt tiên, người ta ngỡ rằng huyền thoại Thái với cặp cha/chim/tiên - mẹ/rắn/thuồng luồng là ngược với huyền thoại Kinh là mẹ/chim/tiên - cha/rồng/rắn (rồng nước cũng là thuồng luồng). Thực ra, Cầm Trọng nhấn mạnh, đây là môtip hoàn toàn thống nhất, vì cơ bản, nguyên lý của nó là biểu tượng của hai thị tộc lưỡng hợp. Khi đã lưỡng hợp thì trai bên rắn lấy gái bên tiên (như Kinh), và có thể diễn ra tiến trình ngược lại (như Thái).



- Cầm Trọng (1987), Mấy vấn đề cơ bản về lịch sử kinh tế xã hội cổ đại người Thái Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.



“Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con vua Yịt tên Long Vuong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Long Vuong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Long Vuong đành phải chia tay, mỗi người một ngả. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Long Vuong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Long Vuong, các gia đình vua mặc áo màu vàng. Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà”.


- Cuisinier, Jeanne (1946), Người Mường, địa lý nhân văn và xã hội học, Paris, Viện Dân tộc học




Truyện họ Hồng Bàng truyền trong dân gian của người Việt


Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.


Một hôm Ngọc Hoàng thượng đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngũ cốc, mới bảo Thần Nông rằng: "Ta sắc chỉ sai nhà ngươi xuống trần gian giúp cho giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn."


Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu ba đời nói rằng: – Công việc mùa màng ở hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay.


Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho hai hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.


Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cập một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc vỏ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần.


Lại nói việc dạy dân trồng lúa vùng cao thì ông bà con dậy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh), vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn, ruộng bãi đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cao mà đấy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống thuỷ nậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm mà ăn, bắt tôm cá làm mắm, dùng gừng giềng làm gia vị, chưng cất gạo lấy rượu uống; bắc gỗ làm nhà sàn để tránh hổ sói; cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ có ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp.


Đế Minh sinh được hai con trai, anh là Lộc Tục em là Lộc Linh. Một hôm có sứ của Ngọc Hoàng xuống triệu Đế Minh về trời. Ông gọi hai con đến bảo:


Ngọc Hoàng sai ta xuống hạ giới có kỳ hạn, nay đã làm xong việc. Trước khi về Trời ta phong cho Lộc Tục cai quản Phương Bắc. Lộc Linh cai quản phương Nam.


Lộc Tục nhường em Phương Bắc, còn mình ở Phương Nam. Đế Minh nghĩ “Lộc Tục thông minh hơn cho đất rộng hơn, chẳng ngờ lại từ tạ”, bất đắc dĩ cũng bằng lòng.


Lộc Linh nhận Phương Bắc xưng là Đế Nghi.


Lộc Tục nhận Phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long Nữ con gái vua Động Đình Hồ nhan sắc đẹp tươi, bèn lấy làm vợ. Thần Long Nữ sinh ra một người con trai mình đầy vẩy rồng, đặt tên là Sùng Lãm.


Sùng Lãm nối ngôi cha xưng hiệu là Lạc Long Quân.


Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.



Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến châu mừng. Ngày 15 tháng giêng năm Ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai. Những người con này không bú mớm, chỉ ăn hoa quả, không nói năng, mỗi ngày cười 3 lần. Bỗng một hôm tất cả đều hô vang “Trời sinh vua trị nước, thiên hạ thái bình”. Vợ chồng Âu Cơ rất mừng rỡ, nhưng không biết làm thế nào để phân biệt được đàn con đông đúc ấy, bèn đem lễ vật mời ông Tiên ngồi câu cá ở bến Việt Trì lên đặt tên cho từng người. Tiên ông đặt tên cho người con cả là Lân Lang, chín mươi chín người em cũng đều gọi là Lang như Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang…



“Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên Sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thuỷ hoả tương khắc khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly, ta đem 50 người con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trước khi đi, Long Quân phong cho người con trưởng làm vua và bảo các con rằng: “Giống sơn nam và giống thuỷ tộc thường ghét nhau. Hãy lấy mực xăm mình cho giống giao long thì lội xuống nước mới không bị hại”. Lại dặn khi nào có nguy cấp thì gọi to: “Bố ơi về cứu con. Ta sẽ đến ngay.”




Lân Lang bèn xưng là Hùng Quốc Vương, đóng đô Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ sai các em đi trấn giữ. Kể từ đây các đời vua nối đều lấy hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời.


- Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.



Cuộc di cư từ vùng Dương Tử về Việt Nam 4000 năm trước của ngữ hệ Nam Á, hình thành văn hóa Phùng Nguyên. Nguồn: David Reich (Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past).


Như vậy thì cả người Mường, người Thái đều có motif truyện tương tự như truyện Tiên - Rồng hay họ Hồng Bàng của người Việt, truyền thuyết của người Việt vốn được truyền trong dân gian, nên vẫn tiếp tục được lưu truyền và có sự khác biệt với truyện chép lại trong sách Lĩnh Nam chích quái. Nếu xét theo bối cảnh câu chuyện, thì truyện họ Hồng Bàng viết về giai đoạn trước 4000 năm, chúng ta cần tìm hiểu tính thực tế của nó dựa trên các nghiên cứu khoa học, không nên phủ nhận nếu không đủ bằng chứng. Ví dụ một chi tiết: bối cảnh câu chuyện ban đầu là trong vùng Dương Tử, sau đó, thì khoảng 4000 năm trước đã diễn ra cuộc di cư về Việt Nam từ vùng Dương Tử, vấn đề này đã được các nghiên cứu di truyền xác định. Xin chú ý, vùng đất phía Nam Dương Tử là nơi sinh sống của cộng đồng Việt trong lịch sử, người Hán mới xuống vùng này khoảng hơn 2000 năm gần đây.


Nghiên cứu di truyền cho thấy người Việt kế thừa gen từ văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Đa dạng dân tộc học rộng rãi ở Việt Nam phản ánh nhiều nguồn đa dạng di truyền


Truyện họ Hồng Bàng chép: "Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu."



Về Việt Nam, thì vùng Phú Thọ cũng chính là trung tâm của văn hóa Phùng Nguyên, tại đây đã tìm thấy nhiều nha chương, chính là biểu trưng cho quyền lực nhà nước của thời kỳ này, theo Chu Lễ, thì: “牙璋以起軍旅,以治兵守。” – “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”.


Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. Ảnh: Bảo tàng Hùng Vương


Ít nhất truyện đã cho thấy cơ sở cuộc di cư về Việt Nam và sự hình thành văn hóa Phùng Nguyên, ngoài ra thì còn rất nhiều bằng chứng khác đã chứng minh đầy đủ trong bài viết này. Vì vậy, truyện họ Hồng Bàng của người Việt không phải là một truyền thuyết vay mượn hay pha trộn giữa truyền thuyết của người Mường và ảnh hưởng của văn hóa Hán.



Tác giả: Lang Linh (Lược Sử Tộc Việt)

Comentarios


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page