top of page
​AD

5 Điều Hoang Tưởng Về Chế Độ Putin Mà Điện Kremlin Cố Công Tạo Dựng Nhưng Đã Bị Chiến Tranh Phá Hủy

Sụp đổ đầu tiên là hoang tưởng về lực lượng và sức mạnh của quân đội Nga, một đội quân dường như siêu hiệu quả và hiện đại ngay cả với chính Vladimir Putin.

Những người dự bị trong cuộc triệu tập quân sự của Nga tham dự một buổi lễ xuất quân ở Sevastopol, Crimea, khi các quan chức được Moscow hậu thuẫn ở bốn khu vực Ukraine cho biết kết quả 'trưng cầu dân ý' ủng hộ việc Nga tham gia. Ảnh: AFP

Siêu quân đội


Giá như Tổng thống Nga biết được dù chỉ một phần những thiếu sót của lực lượng vũ trang của mình, thì ông đã khó có thể bắt đầu cuộc chiến toàn diện với một quốc gia đủ lớn. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và các thuộc cấp của mình đã khéo léo xây dựng hình ảnh một cấu trúc siêu hiệu quả ngay từ những ngày ông ta còn làm việc trong Bộ Tình trạng khẩn cấp. Cơ quan Bộ Quốc phòng thường xuyên báo cáo về các loại vũ khí mới mà Putin đã đe dọa Mỹ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.


Bộ này đã tổ chức nhiều sự kiện với quy mô lớn - các cuộc tập trận cả ở bên trong và bên ngoài lãnh thổ Nga, cuộc thi hai môn phối hợp cho xe tăng (tank-biathlon), các diễn đàn để trình diễn và bán thiết bị quân sự. Nhiều sự kiện trong số này có sự tham dự của đích thân tổng thống.



Giới lãnh đạo Nga rõ ràng đã tính đến một cuộc tấn công chớp nhoáng – dựa trên nhận định rằng quân đội Nga đang ở trong tình trạng tuyệt vời, các lực lượng vũ trang Ukraine không phải đang ở trong trạng thái tốt nhất và ban lãnh đạo Ukraine sẽ mất tinh thần, còn người dân sẽ đón lính Nga với những bông hoa. Các cơ quan đặc vụ đã thuyết phục được Điện Kremlin ở hai điểm cuối.


Hoàn toàn có khả năng nếu Putin và các nhân viên công lực (lược lượng an ninh, tình báo, quân sự, cảnh sát) khi lên kế hoạch cho cuộc xâm lược đã dựa trên thông tin về tình trạng thực sự của quân đội Nga, thì bản thân diễn biến cuộc chiến có thể đã diễn ra theo hướng khác, nhưng các quyết định lại được đưa ra dựa trên chính hình ảnh bề ngoài (mặt tiền) của các lực lượng vũ trang.


Điện Kremlin và quân đội đã không điều chỉnh để phù hợp với thực tế ngay lập tức, trong một thời gian dài bản thân Putin và các đại diện của Điện Kremlin tin rằng Nga chỉ cần lính hợp đồng và chuyên nghiệp là có thể giành chiến thắng.


Giới cầm quyền Nga có thể tập hợp lại lực lượng và tuyên bố một kết quả bất kỳ nào đó của cuộc xâm lược là chiến thắng – nhờ vào việc họ đã không chỉ ra mục tiêu rõ ràng cho cuộc chiến. Nhưng họ đã không làm như vậy. Mùa hạ và mùa thu vừa rồi trở thành thời khắc tự vạch trần tình trạng của quân đội Nga.



Mới chỉ sau vài tháng của cuộc chiến, hóa ra quân đội Nga không có quá nhiều trang thiết bị hiện đại như người ta nghĩ, một phần trong số đó bị thiệt hại hoặc đã hết thời hạn sử dụng, còn kho vũ khí tên lửa đang dần cạn kiệt. Hiện các nhà máy quốc phòng đang phải hiện đại hóa những chiếc xe tăng T-62 đã lỗi thời. Cuộc tấn công của quân đội Nga nhanh chóng mất sức mạnh, và đến mùa thu các lực lượng vũ trang Ukraine bắt đầu giành lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.


Thì ra là, những hành động tương đối thành công của quân đội Nga ở Syria không đảm bảo chắc chắn cho thành công tương tự trong các trận chiến với một đội quân chính quy lớn. Cả tính chuyên nghiệp của các vị tướng cũng đã bị nghi ngờ. Những người ‘yêu nước cực đoan’, vốn từ lâu ngưỡng mộ các lực lượng vũ trang và những vị chỉ huy, bắt đầu chỉ trích họ hết lời - như mọi người đã biết, những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ những người hâm mộ thất vọng. Giờ đây Lực lượng vũ trang Nga không còn khiến nhiều người sợ hãi, mặc dù tất nhiên cho đến giờ người ta vẫn sợ vũ khí hạt nhân.


Huy động một phần chỉ là công việc hoàn thiện nốt hình ảnh của một quân đội hiệu quả - nhưng lại không có quân phục dự trữ trong kho, còn những người đàn ông được gọi nhập ngũ và gia đình của họ đành phải tự mua lấy trang bị. Những vụ mua bán này cho người Nga (mà không phải chỉ có ít công dân của đất nước có người quen được huy động) thấy rõ Lực lượng Vũ trang của mình đang ở trong tình trạng nào.



Cấu trúc theo chiều dọc của chính quyền


Cuộc chiến đã phá hủy điều hoang tưởng về một cơ chế khác, đảm bảo phối hợp hiệu quả và đã được thiết lập của Nga - chiều dọc quyền lực của Putin (вертикаль власти - một hệ thống quản lý nhà nước cứng nhắc dựa trên sự phục tùng vô điều kiện của các chính quyền cấp dưới đối với cấp trên). Điều đó có nghĩa là Tổng thống kiểm soát cấp dưới của mình, còn những người này thường xuyên tương tác với nhau và đưa ra các quyết định có hiệu quả cho nguyên thủ quốc gia.


Tuy vậy trong thực tế điều này hoàn toàn không phải như vậy. Các lực lượng sức mạnh đang xung đột với nhau và chính xác là không muốn phối hợp với các lực lượng dân sự. Các thành viên trong nhóm thân cận của tổng thống, hay nhân vật đại diện của họ trong Phủ Tổng thống hoặc Chính phủ, đang vận động hành lang để đưa ra các quyết định có lợi cho chính họ, chứ không phải cho toàn bộ chế độ, và sẵn sàng từ bỏ lợi ích của chiều dọc.


Bản thân Putin đã không còn cảnh báo cho cấp dưới về các quyết định quan trọng của mình, do đó chúng được thực hiện ở chế độ nguy cấp, trong bầu không khí hỗn loạn và ngu ngơ. Hiển nhiên là các công dân Nga, trong trường hợp tốt nhất, từ sự hỗn loạn này sẽ đi đến tình trạng hoang mang (“chính cái chiều dọc của Putin với một logic rõ ràng về các hành động hiện đang ở đâu?”), còn trong trường hợp xấu nhất, đó là nỗi kinh hoàng.



Việc huy động được công bố vào cuối tháng 9 và đã được đề cập ở trên là ví dụ tốt nhất cho sự phá hủy điều hoang tưởng về chiều dọc. Quyết định này rõ ràng là bất ngờ đối với đa số những người thực hiện nó. Khối (hệ thống) chính trị không thể làm gì để chuẩn bị trước – chỉ trước đó vài ngày, các quan chức Điện Kremlin còn đảm bảo rằng sẽ không có sự huy động nào, và nó cũng không cần thiết.


Nhân viên của các Cơ quan Quân sự địa phương cũng không được chuẩn bị tốt, họ phát lệnh gọi nhập ngũ một cách hỗn loạn và huy động mọi người một cách bừa bãi trong nỗi sợ không hoàn thành kế hoạch. Những người cha đông con và những người chưa từng phục vụ trong quân đội đã bị triệu tập trong bối cảnh chính quyền chính thức tuyên bố rằng chỉ những người đàn ông có ‘kinh nghiệm chiến đấu’ mới bị điều động. Thoạt đầu quyết định không được lòng dân đã được thực hiện trong sự chấp hành khủng khiếp nhất, và việc cố gắng khắc phục những sai lầm và tìm ra thủ phạm chỉ nhấn mạnh thêm sự kém hiệu quả của chiều dọc quyền lực.


Cái hệ thống cần phải hoạt động chính xác trong các điều kiện khủng hoảng đã thất bại ngay trước mặt mọi người - vâng, việc gửi lệnh triệu tập đang diễn ra, nhưng các cơ quan quân sự địa phương huy động bất cứ ai lọt vào tay họ. Thường thì đấy không phải là những người đàn ông đã từng phục vụ trong quân ngũ, có kinh nghiệm chiến đấu, mà là những công dân trung niên từ các tỉnh lẻ. Bị huy động là các chuyên gia CNTT, giáo viên và bác sĩ, thậm chí những quan chức tương đối cấp cao cũng bắt đầu chết trong chiến tranh. Hóa ra chiều dọc thực sự tập trung vào mệnh lệnh của cấp trên và thi hành chúng bằng bất cứ giá nào, nhưng lại làm việc đó một cách hoàn toàn thiếu suy nghĩ, với rất nhiều chi phí, sai lầm và mâu thuẫn.


Hơn nữa, chiều dọc bắt đầu phân tán theo nhiều hướng khác nhau ngay cả trong lĩnh vực công cộng. Các thành viên tích cực nhất của “đảng chiến tranh”, Ramzan Kadyrov (Thủ lĩnh Chechnya) và Yevgeny Prigozhin (Ông chủ công ty lính đánh thuê Vagner), chỉ trích Bộ Quốc phòng về những thất bại trên mặt trận và trong công tác huy động. Lên tiếng phản đối giới quân sự có cả các đại biểu của Duma Quốc gia, những người được quản lý bởi Chủ tịch Vyacheslav Volodin. Bộ Quốc phòng đã trả lời họ thông qua các phương tiện truyền thông trung thành, đổ lỗi cho họ gây mất ổn định và tiếp tay cho kẻ thù. Thay vì dàn đồng ca đúng điệu của các quan chức, của các nhân viên công lực và các chính trị gia, mọi người đang nghe thấy nhiều giọng hát lạc điệu.



Cỗ máy tuyên truyền toàn năng


Hiệu quả của một trong những con át chủ bài khác của Putin, bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ, đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Nó thực sự hoạt động không tồi, khi các công dân còn chưa gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, còn Điện Kremlin thì đòi hỏi ở họ không nhiều - đồng ý với kết quả bầu cử, không phản đối và chí ít là giả vờ ủng hộ chính quyền. Nhiều người Nga thích lặp đi lặp lại những câu chuyện tuyên truyền về ‘Ukraine phát xít’, ‘quân Bandera’, ‘Anglo-Saxons’, những nỗi kinh hoàng của cuộc sống ở phương Tây, mà không thực sự nghĩ về chúng một cách cặn kẽ.


Tuy vậy vào thời điểm huy động quan trọng đối với chính quyền, hóa ra nhiều người từng nghe theo những luận điểm tuyên truyền lại không hề sẵn sàng chiến đấu vì chúng. Cho đến nay họ vẫn có thể lên án ‘Ukraine phát xít’ hoặc ‘phương Tây thối nát’, nhưng họ sẽ không làm điều này trong đoàn người đang xếp hàng vào cơ quan quân sự địa phương, mà là trong một căn hộ đi thuê ở Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia hoặc Georgia.


Ngoài ra, người Nga chưa sẵn sàng cho việc kích động tuyên truyền không ngừng nghỉ. Bắt đầu từ mùa xuân, truyền hình nhà nước chuyển sang phát sóng các chương trình nói chuyện (talk-show) về địa chính trị gần như liên tục, xếp hạng lượt xem truyền hình bắt đầu giảm, và Điện Kremlin phải đưa các chương trình giải trí quay trở lại. Nỗ lực của Phủ Tổng thống nhằm tạo ra một nền văn hóa Z-pop mới, ủng hộ cho chiến tranh, đã kết thúc trong thất bại thực sự.



Ngày nay, những người quan sát bên ngoài có thể thấy rõ rằng tuyên truyền của Putin không phải là một phương tiện vận động người dân ủng hộ hoạt động của chính quyền (chẳng hạn như tuyên truyền ở nước Đức Quốc xã), mà trong trường hợp tốt nhất nó là phương tiện đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những sai lầm của ban lãnh đạo đất nước. Công việc diễn tiến đến mức kỳ cục - các nhà tuyên truyền bắt đầu công bố thông điệp gửi các quan chức ẩn danh và thúc giục họ - "đừng nói dối nữa".


Theo cách không khôn khéo này, người ta cố gắng đáp ứng yêu cầu của những người xem đang mất hứng thú với các phương tiện truyền thông nhà nước trong bối cảnh các quyết định không được lòng dân của chính quyền, và chuyển hướng các câu hỏi của khán giả về thông tin sai lệch lên cấp trên.


Hiện tại các nhà báo ủng hộ chính quyền không nêu tên người được mình đề cập đến, nhưng mức xếp hạng chính quyền càng giảm, lượt xem truyền hình càng giảm, thì các nhà tuyên truyền sẽ càng tự thể hiện bản thân mình cụ thể hơn.



Quân sự hóa xã hội được phổ biến


Phần lớn việc quân sự hóa xã hội Nga hóa ra chỉ là một điều hoang tưởng. Một bộ phận công dân của đất nước thực sự đồng tình với việc khoác cho con mình bộ quân phục giả và đặt nó vào trong chiếc xe tăng tự chế bằng giấy, dán nhãn ‘Chúng ta có thể lặp lại’ lên ô tô, mặc đồ ngụy trang rằn ri, gọi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là chính trị gia nổi tiếng nhất và quân đội là trường đại học đáng tin cậy nhất.


Nhóm được quân sự hóa này của xã hội sẵn sàng hỗ trợ ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ thông qua bàn tay của những người lính hợp đồng-chuyên nghiệp, trong khi nghi ngờ một cách lo lắng về tiến trình thực sự của nó và cho rằng thông tin về những hành động tàn bạo ở Bucha và Izyum là tin tức giả mạo của Ukraine và NATO. Những người Nga đã ‘quân sự hóa’ rõ ràng là không vội vàng khoác đồ ngụy trang và chạy vào chiến hào - họ đã xếp hàng dài ở biên giới, chứ không phải tại các các cơ quan quân sự địa phương.


Số người Nga rời bỏ đất nước kể từ khi bắt đầu huy động có thể lên tới 700 nghìn người. Trong khi đó các cơ quan chức năng tuyên bố đã huy động được 222 nghìn quân. Sự khác biệt trong những con số này nói lên rất nhiều điều về quá trình quân sự hóa thực sự trong ý thức của người Nga, điều hoang tưởng về nó thực sự có lợi cho Điện Kremlin.


Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như ban lãnh đạo Nga đã sẵn sàng trang bị vũ khí cho một đội quân hùng hậu các chiến sỹ được huy động, sẵn sàng chiến đấu vì Putin, còn một người Nga bất kỳ có thể tin rằng người hàng xóm hoặc đồng nghiệp của mình chắc chắn sẽ lên chiến hào vì Tổng thống. Sau các cảnh quay với dòng người xếp hàng từ biên giới, những ảo tưởng này không còn lại trong bất kỳ ai – bởi ngay cả những cư dân ở vùng hẻo lánh, nơi được coi là thành trì của Tổng thống, cũng phải chạy vào rừng để thoát khỏi sự huy động.



Ủng hộ vô điều kiện cho bất kỳ hành động nào của Putin


Cuối cùng, điều hoang tưởng về sự sùng bái cá nhân đã tồn tại ở Nga, còn người Nga sẵn sàng tuân theo bất kỳ quyết định nào của Putin và ủng hộ ông trong mọi việc, phó thác tương lai của mình cho Tổng thống, đã bắt đầu sụp đổ.


Sau việc huy động, mức độ lo lắng của người dân tăng lên gấp nhiều lần, và mức xếp hạng của Tổng thống bắt đầu giảm xuống. Điện Kremlin không thể cải thiện tâm trạng của người Nga và, theo đánh giá về mọi mặt, chắc chắn sẽ không thể. Các công dân thực sự có thể tuyên bố rằng họ sẵn sàng ủng hộ Tổng thống của mình trong mọi việc, nhưng họ tuyên bố điều này chính xác cho đến thời điểm những hành động này chưa có tác động tiêu cực đến họ. Ngay khi Tổng thống vượt qua ranh giới đỏ, sự ủng hộ đối với ông bắt đầu sụt giảm.


Theo các số liệu điều tra xã hội học (phải nhớ sửa đổi do các cuộc thăm dò được tổ chức trong chiến tranh), ngày càng nhiều người Nga thừa nhận cần hủy bỏ quyết định bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, số lượng người ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ngày càng tăng. Và vấn đề không chỉ nằm ở việc huy động, mà còn ở việc bản thân người dân cảm thấy hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế và sự sụt giảm mức sống. Các xu hướng là rõ ràng. Chẳng bao lâu nữa xã hội Nga sẽ bắt đầu tìm kiếm kẻ có lỗi trong hoàn cảnh mà họ đang lâm váo. Thời gian nào đó họ có thể hài lòng với các nạn nhân tế thần - ví dụ, các nhân viên của Bộ Quốc phòng hay các quan chức chính phủ dường như không khắc phục được khó khăn bị buộc thôi việc. Nhưng sau đó các công dân chắc chắn sẽ có những câu hỏi đối với ‘Tổng Tư lệnh tối cao’. Người Nga yêu thích Putin không phải vì cá tính xuất chúng của ông ta, mà vì sự ổn định hay ảo tưởng về nó, vì một mức sống có thể chấp nhận được, vì các hành động ít nhiều có thể đoán trước của chính phủ, và cuối cùng, vì sự không can thiệp vào công việc của một công dân bình thường không liên quan đến chính trị. Ủng hộ "Putin" là ủng hộ tất cả những điều nói trên, chứ không phải kính yêu một người đàn ông sinh ra cách đây 70 năm ở St. Petersburg.



Bất kỳ điều hoang tưởng nào cũng có hiệu quả cho đến khi mà tác giả, hay các tác giả, chưa để nó va chạm với thực tế. Những người tạo dựng sự hoang đường lành nghề biết rất rõ điều này và trân trọng những sáng tạo của mình, và tất nhiên chính họ cũng không tin vào chúng. Vladimir Putin đã tuân theo những quy tắc này trong một thời gian dài, nhưng dần dần ông bắt đầu tin vào những điều hoang đường do chính mình và những người thân cận của mình tạo ra, và sau đó lại hành động tuân theo chúng. Kết quả tỏ ra hoàn toàn hợp quy luật – mọi người nhìn thấy trước mắt mình một hình ảnh mới, một hình ảnh thật của chế độ. Nó đã không thể tạo ra cả đội quân hiệu quả, cả cỗ máy tuyên truyền, cả xã hội quân sự hóa. Các mối đe dọa từ Điện Kremlin, trừ hạt nhân, giờ không còn được coi trọng.



Tác giả: Andrei Pertsev, nhà bình luận chính trị tại Carnegie Endowment for International Peace. Lược dịch: Công Phan

Comments


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page