top of page
​AD
Hòa Nguyễn

Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam - Chương I (2/2)



Những người phủ nhận Đông Sơn Lạc Việt là tổ tiên của ta có đại diện điển hình là V. Goloubew.


Đó cũng là một nhà bác học thiếu tinh thần khoa học.


Nhà bác học V. Goloubew đã quên mất sự thật này: Văn hóa là cái gì rất là gạt gẫm, nó biến dạng con người rất là kỳ dị.


Người Ấn Độ ở nước Ba-kít-tăng thấy họ giống người Á Rập chớ không giống Ấn Độ chút nào, chỉ vì một đàng theo văn hóa Á Rập, một đàng theo văn hóa Ấn Độ, họ quên mất họ đồng máu Aryen với nhau.


Người Thái ở Vân Nam, cách đây 800 năm, thấy mình là Á Rập vì họ theo văn hóa Hồi, và thấy người Xiêm khác hẳn họ mặc dầu cả hai đều là Thái Vân Nam. Nhưng nay, cũng cứ người Thái ở Vân Nam thì lại tự thấy họ là Tàu vì họ đã bị Tàu đồng hóa từ đời nhà Nguyên.


Còn về màu da thì như đã nói, người Mã Lai không thuộc chủng da đen bao giờ, và khi đọc tới chương “Chủng Mã Lai” quý vị sẽ thấy họ nằm giữa chủng da trắng và chủng da vàng. Sở dĩ họ hơi đen là vì nắng, bởi họ ở quá gần đường xích đạo, chớ hồi mà họ còn làm chủ đất Hoa Bắc cách đây hơn 5000 năm thì họ trắng.


Buồn cười nhứt là tất cả các nhóm dân tộc gốc Mã Lai là: Mã Lai, Chàm, Cao Miên, Thái Lan, Giarai, Bà Na, Sơ Đăng v.v. đều gọi dân Việt Nam là “Man di”, chỉ vì tất cả các nhóm Mã Lai ấy đều theo văn minh Ấn Độ, còn ta là nhóm Mã Lai độc nhứt ở Đông Nam Á theo văn minh Trung Hoa, nên họ mới thấy ta bằng con mắt Ấn Độ, con mắt này giống hệt con mắt Trung Hoa, hễ ai không phải là Trung Hoa đều bị gọi là man di tuốt hết.


Danh từ mà họ dùng là danh từ Phạn Yuavana, có nghĩa là “man di” và bị biến như thế này:


Mã Lai: Yuavan

Thái Lan: Yuôn

Chàm: Yuan

Miến Điện: Yuan

Cao Miên: Yuôn (Cáp Duồn)

Bà Na: Yuân

Rađê: Yoàn

Giarai: Yuân

Xi Tiêng: Yuơn

Mạ: Yen



Thật ra người Bà Na, Rađê, Giarai, Xi Tiêng, Mạ, không bao giờ theo văn minh Ấn như Mã Lai, Chàm và Cao Miên, Thái Lan, nhưng xưa kia họ là thần dân của Cao Miên và Chàm, nên họ gọi ta y theo chủ cũ của họ.


Ta không nên giận người Cao Miên, Thái Lan và Chàm, khi họ gọi ta là “Man di”, bằng ngôn ngữ Ấn Độ, chung quy cũng tại khi xưa họ dốt, rồi thì nó quen miệng đi, chớ thật tình thì họ không hiểu danh xưng ấy có nghĩa gì hết, cả trí thức của họ cũng không hiểu, mặc dầu trí thức họ rất thông Phạn ngữ, họ không hiểu vì sự biến dạng đã xóa mất gốc Phạn đi.


Sanskrit, tiếng Phạn là ngôn ngữ cổ xưa của Ấn Độ. Ảnh: YogaVietnam


Ở Sài Gòn có một người Ấn lai Việt làm ca sĩ, ca bằng tiếng Việt, một người Pháp lai Việt làm kép cải lương, lu bù phụ nữ Trung Hoa lai Việt làm đào cải lương, tất cả những tài tử đó đều xúc động thật sự vì lời ca giọng hát của họ, chớ không phải là học thuộc lòng như cái máy, tức họ nghe họ có tâm hồn Việt Nam thật sự, mặc dầu họ ý thức về nguồn gốc của họ.


Sự việc xảy ra như vậy, chỉ vì giáo dục, mà giáo dục là văn hóa. Văn hóa biến tất cả, uốn nắn được tất cả, tròn ra vuông, đen ra trắng.


Trên đây là sự thật khoa học, đã được chứng minh bằng nhiều cuộc thí nghiệm căn bản nổi danh, chớ không phải ý kiến của riêng chúng tôi.


Các nhóm Mã Lai đều tự thấy họ là Ấn Độ, riêng Mã Lai Việt và Mã Lai Nhật, Mã Lai Đại Hàn thì lại hơi thấy mình là Tàu (Rồi quý vị sẽ thấy rằng Nhật và Đại Hàn cũng đồng gốc Mã Lai như ta).


Riêng một nhóm Mã Lai kia thì hiện nay lại tự thấy họ là Tây. Đó là Mã Lai Phi Luật Tân. Ngày xưa họ cũng theo văn hóa Ấn Độ, rồi Á Rập, y như Nam Dương, nhưng họ bị người da trắng trị họ từ 500 năm nay, họ theo đạo Kitô đến chín mươi phần trăm dân số, cảm nghĩ y như Âu Châu, với những ông tổng thống tên là José Rizal, Manuel Roxas, Elpidio Quirino v.v.


Tất cả đều do văn hóa biến dạng hết thảy, kể cả lãnh vực sâu kín nhứt của tâm hồn ta, văn hóa cũng biến được nữa, chớ không riêng gì vóc dáng, đồ vật bên ngoài.


Tuy nói thế chớ ông V. Goloubew không có kém đến thế đâu mà không biết lẽ đó. Nhưng ông là nhà khoa học, nên ông mà có không quên cái lẽ đó, ông vẫn phải tôn thờ khoa học. Mà ở mặt khác, khoa học cũng dạy rằng văn hóa có biến dạng con người sâu đậm tới đâu đi nữa, dấu vết cũ vẫn còn.


Mà những dấu vết cũ ấy, dấu vết Mã Lai, ông V. Goloubew tìm mãi vẫn không thấy được trong xã hội Việt Nam ta ngày nay.


Dân Dravidien, chủ đất cũ thứ nhì của nước Ấn Độ (họ cũng là Mã Lai đấy) đã bị quân xâm lăng Aryen cố xóa tẩy dấu vết văn hóa từ trên bốn ngàn năm nay, nhưng không sao mà Aryen thành công được hết, và các nhà dân tộc học thế giới tới đó nghiên cứu vài năm là biết rõ cả. Hơn thế, họ còn tìm được dấu vết văn hóa Dravidien xâm nhập văn hóa Aryen nữa.


Cuộc họp của các trí thức và nhà ngôn ngữ học Dravidian.


Nhưng ta thì chỉ bị Tàu xóa văn hóa có một ngàn năm, thì dấu vết Mã Lai ở đâu, nói theo miền Nam, tức quá vội vàng kết luận.


Rồi các ông Tây, vì quá bí, bỏ trôi luôn, nên các ông khỏi sa lầy sâu hơn. Chỉ có trí thức ta là lâm vào cảnh vua Đường sa nê, mà sa tới cổ.


Tìm nguồn gốc của dân tộc Việt Nam tại giai đoạn Đông Sơn như là đi tìm Sài Gòn mà cứ dừng chơn tại Hội An. Thế nên các vị sử gia ấy cứ loay hoay mãi với Đông Sơn mà không đi tới đâu hết. Chính vì ta sa lầy chứ không phải Tây, vì như đã nói, họ phủi tay vì bí, sau khi làm xong công việc chính là khảo tiền sử.


Tuy nói thế, chớ trong quyển sách này, chúng tôi cũng có tìm những cái khoen nối kết đó, mặc dầu nền văn minh Đông Sơn không nói lên được cái gì cả. Nguồn gốc dân tộc ta phải nhiều ngàn năm cổ hơn thế kia.


Nhưng chúng tôi vẫn tìm để xem Đông Sơn có phải là Việt Nam hay không và nếu phải thì ta lại được biết một giai đoạn của cổ sử ta trên đường tìm về thượng cổ sử.



Và mặc dầu không kể Đông Sơn, chúng tôi cũng làm việc cho Đông Sơn một cách khoa học hơn những ông O. Jansé và V. Goloubew.


Vậy tới đây thì thiên hạ đã trãi qua hai cuộc sa lầy rưỡi từ 1918 đến 1964, năm mà chúng tôi khởi thảo sách này, sau nhiều năm học hỏi:


  1. Sa lầy thứ nhứt của hai ông L. Aurousseau và H. Maspéro là chỉ dựa vào cổ sử Tàu.

  2. Sa lầy thứ nhì của tất cả mọi người vì ngỡ nguồn gốc dân ta ở tại giai đoạn Đông Sơn.

  3. Phân nửa một cuộc sa lầy thứ ba là không biết thuật ngữ Indonésien có nghĩa là gì.


Cho đến năm 1964 thì đáng lý ra ta đã thoát khỏi được cuộc sa lầy thứ ba đó, nhưng ta vẫn không thoát, và chúng tôi xem đó là cuộc sa lầy lớn thứ ba.


Đến năm 1964 thì kết quả của khoa khảo tiền sử đúng đã được công bố. Chúng tôi nhấn mạnh về chữ đúng, vì vụ Đông Sơn là một cuộc sai lầm như đã nói.


Một số trí thức Việt Nam mà chúng tôi chỉ đúng tên, thí dụ ông Phạm Việt Châu, đã biết kết quả đó, và nhứt là không ngộ nhận vì danh xưng Anh Đô Nê-diêng.


Nhưng nhà trí thức họ Phạm lại không viết sử. Thật là quá uổng. Ông chỉ viết chuyện khác, nhưng cho ta thoáng thấy là ông có biết tài liệu đó, và hiểu đúng các danh từ, danh xưng trong tài liệu.


Khoa khảo tiền sử đúng đó là như thế này: đào bới để tìm cho đủ sọ của các chủng tộc có mặt trong lãnh thổ Việt Nam từ 15 ngàn năm tới nay.


Đó là công việc mà Patte, Colani, Mansuy đã làm rồi. Nhưng không đúng, vì còn phải biết những con người ấy từ đâu đến cổ Việt, và đến vào năm nào, hay là họ phát tích tại cổ Việt, công việc mà ba nhà bác học trên không có làm, nhưng các sử gia ta lại dựa vào đó.


Khảo tiền sử đúng là cái công trình lớn lao thứ nhì ấy chớ không phải là công trình của ba nhà bác học được kể tên trên kia.


Nhưng đó chỉ là việc khảo tiền sử.


Viết sử lại còn khác hơn rất xa.


Chúng tôi thí dụ là các ông ấy đã tìm được 8 loại sọ của 8 chủng tộc khác nhau.


Muốn biết tổ tiên ta là ai, nhà viết sử phải đo sọ của ta ngày nay rồi đối chiếu với các sọ đời xưa, có thế mới biết rõ nguồn cội của ta, chớ cứ đoán mò mãi thì làm thế nào mà đi tới một kết quả được khoa học nhìn nhận.


Và cũng nên biết rằng sọ của một chủng, không thay đổi trong vòng 10 ngàn năm thì sự đối chiếu ấy có đủ giá trị chứng minh khoa học.


Hiện nay có sách nói ta là Tàu thuần chủng, có sách nói ta là một chủng riêng biệt, có sách nói mù mờ một cách cố ý, vì không biết chắc cái gì, nhưng không sách nào có làm cái công việc độc nhứt mà khoa học bằng lòng nhìn nhận, tức đo sọ của người Việt Nam hiện đại để đối chiếu với những sọ cổ đào được ở Cổ Việt, tức Bắc Việt ngày nay.


Hơn thế, khi chưa bước sang giai đoạn viết sử, chỉ ở giai đoạn học khoa khảo tiền sử đúng mà thôi, thì nếu có ai muốn sử dụng cái khoa khảo tiền sử đúng ấy, cũng không dễ gì sử dụng, bởi phải còn kiểm soát lại xem quả nó có đúng hay không.


Nhưng kiểm soát công việc của một trăm nhà bác học làm việc khắp Á Đông trong vòng bốn mươi năm, thì kể ra phải lao lực quá sức một cá nhân, ít ai đủ can đảm làm.


Công việc kiểm soát ấy lại đòi hỏi qua nhiều khoa học chuyên môn, mà thường thì một cá nhân, nếu không vì một quyết tâm nào, không học làm gì cho mất công.


Riêng về công việc viết sử cho Việt Nam, ta lại vấp phải danh xưng bí hiểm của khoa khảo tiền sử là danh xưng Anh Đô Nê-diêng mà ta không biết là cái gì, hoặc tưởng là “Mọi”.


Ta cũng lại không hiểu tiếp đầu ngữ Austro chỉ có nghĩa là Phương Nam, và cứ dịch ra là Úc Châu, Úc Đại Lợi mãi.


Kiểm soát đã khó, mà không hiểu danh từ thì lại càng vô phương.


Thế nên, nếu có vài vị hiếm hoi biết được kết quả của công việc khảo tiền sử đúng, cũng chẳng ai dùng nó được để mà viết thượng cổ sử cho dân tộc Việt Nam.


Công việc khảo tiền sử đúng, ám chỉ trên kia, đã được giới khoa học thế giới kiểm soát rồi, nhưng họ chỉ kiểm soát để biết các nhà khảo tiền sử ấy làm việc có đúng hay không chớ không có kiểm soát về khía cạnh ăn khớp với thượng cổ sử Việt Nam.


Nói cách khác, nhà viết sử phải kiểm soát lại, nhưng dưới các khía cạnh khác, chớ không phải kiểm soát về phương diện khảo tiền sử.


Khoa khảo tiền sử nói đến 8, 9 chủng ở Việt Nam, chớ không phải chỉ nói đến một chủng, và chủng nào trong 8, 9 chủng ấy đúng là chủng của ta, thì chỉ có nhà viết sử mới biết khi họ đối chiếu những chủng ấy với ta, về đủ cả mọi mặt: phong tục, cái sọ, ngôn ngữ, kiến trúc v.v.


Thế nên chúng tôi mới nói rằng mặc dầu công trình khảo tiền sử đúng đã hoàn tất sứ mạng của nó, các sử gia viết về thượng cổ sử Việt Nam vẫn có còn sa lầy.


Cuộc sa lầy thứ ba này hiện chỉ đang ngấm ngầm vì chưa ai có tác phẩm hết. Họ chỉ sa lầy vì không biết làm thế nào để biết sọ của người Việt hiện là sọ của chủng nào, trong bao nhiêu sọ cổ đào được ở Bắc Việt, cái nôi thứ nhì của dân tộc ta.


Cái nôi thứ nhứt, lại ở nơi khác, mà khoa khảo tiền sử cũng đã cho biết rõ, nhưng cũng không ai hay, mà có hay cũng chẳng kiểm soát được.



Năm mà quyển Việt Nam Thời Khai Sinh của giáo sư Nguyễn Phương ra đời, năm 1965, thì tài liệu đã được công bố từ ba năm rồi, ở Bá Lê từ năm 1962, nhưng sách chỉ tới Sài Gòn năm 1964. Có lẽ sử gia Nguyễn Phương cũng có đọc cuộc công bố mới ấy, nhưng vì không kiểm soát được bằng hai khoa chủng tộc học (Anthropologie Physique) và ngôn ngữ tỷ hiệu (Etudes comparatives des langues) thành thử giáo sư đành bỏ qua. Giáo sư lại không biết Indonésien, Mélanésiens là gì thì lại cũng không thể kiểm soát được cái gì.


Giáo sư đã bắt được một chứng tích cụ thể là cái lưỡi rìu có tay cầm, nhưng cũng chẳng dùng được, vì chính những người đào được lưỡi rìu ấy: Mansuy, Colani, Patte, cũng chẳng biết dân có có lưỡi rìu từ đâu tới, và liên hệ thế nào để tới dân Việt Nam.


Thành thử cái lưỡi rìu có tay cầm, chứng tích khổng lồ ấy chỉ được giáo sư Nguyễn Phương nói phớt qua vài tiếng rồi thôi, vì Mansuy, Colani, Patte chỉ làm việc tại Đông Pháp, không thể biết nhiều được, mà giáo sư họ Nguyễn thì chỉ đọc có ba nhà đó.


Tài liệu trên bán đầy đường khắp ngõ năm 1964 ở Sài Gòn, chớ không phải là tài liệu bí mật, nên được rất nhiều báo dịch, nhưng báo chí vẫn cứ vấp phải vấn đề danh từ, hết ngộ nhận về danh xưng Indonésien rồi, nhưng lại ngộ nhận về các danh từ khác, chẳng hạn tĩnh từ Austro, chỉ có nghĩa là Phương Nam lại được dịch là Úc Châu, hoặc Úc Đại Lợi.


Sử dụng danh từ như thế đó, chỉ làm rối ren vấn đề, chớ không soi sáng nó chút nào hết.


Sử là một khoa học. Nếu có những cuốn sử hay về văn chương thì nó cũng được xem là những văn phẩm, nhưng không mất, và không được phép mất tánh cách khoa học của nó, tánh cách này quan trọng hơn tánh cách văn chương nhiều lắm vì một quyển sử văn hay đến đâu mà viết sai sự thật thì chẳng còn giá trị nào, trong khi một quyển sử đúng sự thật một cách khoa học mà văn dở, vẫn còn đủ giá trị một quyển sử quan trọng.


Với Michelet, thiên hạ sắp môn sử vào văn học, nhưng với Augustin Thierry thì quan niệm của thế giới đã khác rồi. Ngày nay mặc dầu sử cứ còn được giảng ở các phân khoa văn khoa, ở bất cứ nước nào cũng thế, nhưng người ta vẫn xem nó là một khoa học gần như là chính xác, hay có tham vọng vươn tới sự chính xác.


Jules Michelet.


Khoa học cốt đúng sự thật không gây ngộ nhận, chớ không ham cạnh tranh với văn chương.


Là khoa học, môn sử phải có căn bản và tiêu chuẩn khoa học.


Giáo sư Kim Định đã gây ngộ nhận (Việt lý tố nguyên) làm cho nhiều người tưởng lầm rằng chỉ dùng khoa học để viết sử không còn hợp thời nữa, và ở Âu Mỹ, người ta dùng huyền thoại và truyền thuyết.


Làm gì có chuyện ấy. Những quyển sách mà giáo sư ám chỉ đến, chúng tôi đều có đọc, giáo sư đọc Granet nhiều nhứt, chúng tôi cũng đọc Granet nhiều nhứt. Và chính Granet khoa học triệt để đó chớ. Họ chỉ bổ túc những điểm sử thiếu tài liệu chính xác bằng truyền thuyết và huyền thoại, chớ họ không bao giờ dám đặt Mythos lên trên Logos cả.


Marcel Granet.


Sự bổ túc ấy thỏa mãn được nỗi bực tức của kẻ bí vì thiếu tài liệu, nhưng không hề được xem là sự thật, mà chỉ là sự thật thoáng thấy, có khi đúng, có khi không, nhưng những người dùng phương pháp đó, phải là những nhà khoa học lỗi lạc, tức họ sử dụng sự mơ hồ một cách rất khoa học, chớ không phải vá víu càn bừa.


Nhưng Granet không có viết sử. Ông chỉ tìm hiểu văn minh cổ của Tàu qua các cổ thư Tàu, nhứt là qua Kinh Thi. Ông đã thấy được một cách bất ngờ những điều mà chính người Tàu cũng không thấy, từ hơn hai ngàn năm nay. Nhưng ông vẫn có những kết luận sai, kể cả ông H. Maspéro, cũng là người dựa theo Granet thường nhứt, bởi những điều mà các ông ấy thoáng thấy và ngỡ là đúng, chỉ là thoáng thấy. Các ông ấy đã lầm mà không hay biết, mà nay khoa khảo tiền sử và khoa chủng tộc học đã cho thấy là các ông ấy sai ở rất nhiều điểm.


Về nguồn gốc của một dân tộc thì khoa học chỉ nhìn nhận có ba chứng tích sau đây:

  1. Khoa chủng tộc học

  2. Khoa khảo tiền sử

  3. Khoa ngôn ngữ tỷ hiệu (études comparatives des langues).

Sở dĩ ba cuộc sa lầy nói trên mà đã xảy ra, chỉ vì các sử gia đã bất chấp cái bản khoa học đó. Có người muốn sử dụng nó, nhưng không đủ điều kiện, thí dụ giáo sư đại học Nguyễn Phương đã sử dụng khoa khảo tiền sử, nhưng chỉ vì đọc có tài liệu Đông Pháp, nên hóa ra như không có sử dụng khoa khảo tiền sử. Ông chỉ khai thác khoa khảo tiền sử có một phần mười là các công trình đào bới ở Bắc Việt, trong khi đó thì dân ta lại từ 15 ngàn cây số cách đó, di cư đến mà không phải là từ các đảo Mã Lai đâu nhé, hóa ra, có tiến bộ, ông vẫn sa lầy như L. Aurousse là người dùng độc một nguồn sử Tàu.


Chỉ khi nào thiếu ba chứng tích nói trên, người ta mới bắt buộc dùng huyền thoại và truyền thuyết. Nhưng đó không phải là trường hợp của dân tộc ta. Ta còn đủ cả ba chứng tích mà còn một cách chính xác ngoài sức tưởng tượng của những người không tìm tòi học hỏi.


Người có sách sau hơn hết là giáo sư đại học Kim Định. Nhưng ông này thì công khai tuyên bố rằng không thèm sử dụng khoa khảo tiền sử vì nó mơ hồ (Việt lý tố nguyên).


Nhưng chúng tôi có bằng chứng chắc chắn trong tay rằng giáo sư Kim Định không hay biết kết quả của khoa khảo tiền sử ở Á Đông nên mới dám nói như thế. Kết quả ấy đúng và chính xác đến làm cho người ta có cảm giác rằng họ nhìn được vào quá khứ u minh bằng một con mắt thần, không có mơ hồ một chút xíu nào hết.


Đây là bằng chứng cho thấy giáo sư Kim Định chưa biết kết quả của khoa khảo tiền sử ở Á Đông.


Kết quả ấy có đã lâu rồi, nhưng chúng tôi không có được, vì như đã nói, phần lớn chưa in thành sách, còn tạp chí thì tản mát khắp thế giới, lại viết bằng nhiều thứ tiếng mà chúng tôi không thạo. Nhưng ông G. Cœdès đã tóm lược lại trong một quyển sách xuất bản tại Ba Lê năm 1962, mà mãi cho đến năm 1964 chúng tôi mới được đọc.de


Theo kết quả đó thì chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư đến Đông Nam Á cách đây năm ngàn năm.


Trong khi đó thì giáo sư Kim Định, sau khi bác bỏ nguồn gốc Mã Lai bởi ngộ nhận vì lời của ông O. Jansé, khuyên ta đừng tìm nguồn gốc tổ tiên ta trong khối Mã Lai ở phương Nam. Ông nói thế vì ông chỉ biết có khoa địa lý sai vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, khoa đó cho rằng chủng Mã Lai phát tích tại Nam Dương, và ông chỉ biết có vụ Đông Sơn là một cuộc sa lầy.


Không thể chối cãi rằng giáo sư không có học khoa khảo tiền sử. Ấy thế mà giáo sư lại dám lên án rằng nó mơ hồ, trong khi nó chính xác một cách làm ta kinh ngạc.


Nếu có học khoa ấy, ông đã biết rằng sách xưa nói đến gốc phương Nam của Mã Lai chủng là sai, ông đâu có khuyên ta đừng tìm gốc nơi khối Mã Lai ở phương Nam.


(Nhưng thật ra thì Mã Lai chủng cũng không có nguồn gốc ở Hoa Bắc đâu. Chủng đó xuất phát từ phía Tây nước Tàu, quanh Cao nguyên Tây Tạng, nhứt là dưới chơn núi Himalaya, như ta sẽ thấy ở các chương sau).


Nhà triết học Kim Định có ý kiến khác hơn giới khoa học về vấn đề căn bản sử. Theo vị giáo sư đại học triết đó (V.L.T.N. trang 35), thì “Đám tân học nay lại chỉ căn cứ trên một số sử kiện khách quan hẹp hòi”.


Thật tình thì đám tân học không căn cứ trên sử kiện, mà trên sự kiện nhưng không có hẹp hòi chút nào cả, chỉ vì họ biết chắc một trăm phần trăm rằng nhảy ra khỏi vòng rào sự kiện là sai. Và khoa viết sử nghiêm khắc của họ càng ngày càng chính xác, nó tiến chậm, nhưng trên những bước vững chắc vô địch.


Ở trang 58 và 59 giáo sư cho rằng Tần là chính gốc Viêm tộc mà theo giáo sư Viêm tộc là Việt tộc.


Nhưng sao Tàu lại có câu tục ngữ ngàn đời “Tần phi Việt sấu?”. Nếu Tần là Việt thì phải Sấu y hệt như Việt ấy chớ?


Nói như thế xong thì ở trang 216, ông lại cho rằng văn minh phương Tây là của Hoa tộc, văn minh phương Đông là của Việt tộc, và ở trang 217 ông phát triển cái ý đó ra là bên Chiêu vì là Việt văn minh nên được trọng, và ở trang 218 ông lại cho rằng Tần là đại diện Tàu du mục và hung hãn từ Tây tràn sang Đông tàn phá văn minh của Việt ở đó.



Vậy Tần là Việt hay là Tàu đây?


Muốn biết Tần là Tàu hay Việt mà Việt là ai, bọn tân học và khoa học thỉ chung như nhứt, chỉ bằng vào cái sọ mà hễ nói rồi là không nói ngược lại như ông ở trang 58-59 và trang 218.


Cứ hẹp hòi, dốt nát như bọn tân học vậy mà có đầu có đuôi, người học sử còn biết đâu là đâu, chớ lung tung thì chẳng ai còn biết ai là ai nữa. Tần là Việt, nhưng Tần lại phì, Việt lại sấu, Tần là Việt, nhưng lại là Tàu phương Tây tàn phá văn minh Việt ở phương Đông.


Rốt cuộc người học sử cứ vẫn như chưa học vì vẫn chưa biết Tần là Tàu hay là Việt.


Muốn biết Tần là Tàu hay là Việt thì quá dễ. Cứ học lại sử Tàu (sử thành văn chớ không phải truyền thuyết). Nhà Thương phong cho tổ nhà Chu là người Tàu cái đất Thiểm Tây cũng gọi là đất Kiểu (đọc theo miền Bắc là Cảo) để tiêu diệt rợ Khuyển Nhung.


Khi nhà Chu lên thay thế cho nhà Thương thì nhà Chu cũng lại phong cho một người Tàu khác là tổ của nhà Tần để tiếp tục công việc diệt rợ Khuyển Nhung ở đó, vì khi xâm nhập vào Hoa Bắc họ định cư ở Sơn Tây mà chừa Thiểm Tây ra vì đó là đất của Khuyển Nhung, một thứ dân Lạc bộ Chuyện, rất dữ tợn mà họ phải mất hàng ngàn năm mới tiêu diệt được.


Thế thì Tần làm sao mà là Việt, mà là Khuyển Nhung được hở trời!



*


Nhưng nếu có ai học khoa khảo tiền sử và biết kết quả của các công trình đào bới ở Á Châu, và nhứt là hiểu được những danh từ bác học trong đó, cũng không viết về nguồn gốc của dân ta mà đúng được, vì phải kiểm soát lại khoa đó bằng hai khoa quan trọng khác là khoa chủng tộc học và ngôn ngữ tỷ hiệu, như đã nói.


Khoa khảo tiền sử cho biết chủng Mã Lai từ Hoa Bắc di cư sang Đại Hàn, Nhựt Bổn, Đài Loan, Đông Nam Á và Nam Dương. Chỉ có thế thôi. Họ có đủ bằng chứng là cái sọ và dụng cụ của chủng đó trên lộ trình di cư. Nhưng cái sọ của dân ta là sọ Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã quả quyết, hay là sọ Mọi? Ngôn ngữ của ta là tiếng Tàu như sử gia Nguyễn Phương đã khẳng định hay là tiếng Tây?


Ấy thế, ba khoa đó kiểm soát lẫn nhau một cách chằng chịt mà nếu học sót một khoa là không làm nên việc rồi, phương chi đa số lại bất chấp cả ba khoa căn bản ấy, còn giáo sư Nguyễn Phương có kể đến một khoa, nhưng lại chỉ biết phiến diện là công trình đào bới ở Bắc Việt mà thôi, lại không hiểu Anh Đô Nê-diêng có nghĩa là cổ Mã Lai.


Chúng tôi làm việc theo phương pháp quốc tế là sử dụng ba khoa nói trên làm chứng tích chủ lực, và theo tinh thần quốc tế là tinh thần khoa học.


Tuy nhiên, những yếu tố phụ thuộc vẫn được dùng để kiểm soát thêm, thí dụ truyền thuyết Việt Nam, thượng cổ sử Trung Hoa, Ấn Độ v.v.


Nơi đây cũng xin nhắc lại ông Kim Định, giáo sư đại học Kim Định đã vơ đũa cả nắm, mạt sát những người Việt Nam làm việc theo tinh thần khoa học là bọn học chưa tiêu hóa mà muốn bảo hoàng hơn ông vua, không hay biết rằng Âu Mỹ đã bỏ khoa học trong địa hạt tìm vết xưa mà trở về với huyền thoại và truyền thuyết nhiều hơn.


Sự thật thì ở xứ ta quả có một bọn khoa học tập sự, chưa tiêu hóa nổi tinh thần Cartésien và bảo hoàng hơn vua, nhưng không phải là người Việt Nam nào cũng thế.


Mà chính giáo sư mới là chưa tiêu hóa nổi tinh thần làm việc mới của Âu Mỹ là trở về với huyền thoại và truyền thuyết. Họ dung hòa, chớ không bao giờ họ bỏ khoa học của họ.


Giáo sư cũng chủ trương rằng mình dung hòa, nhưng trong Việt lý tố nguyên, ta thấy giáo sư bỏ tinh thần khoa học từ trang đầu đến trang chót, tưởng tượng cái gì nói cái ấy ra, theo ý muốn của mình, bất chấp cả những sự kiện lịch sử rõ ràng nhứt mà không ai cãi được hết.


Giáo sư chỉ đọc có Colani, Mansuy mà ngày nay đã bị thấy là sai rồi, nhưng giáo sư không hay, cứ trích dẫn họ, rồi lại chê khoa khảo tiền sử là mơ hồ, trong khi nó đúng một trăm phần trăm. Giáo sư dựng đứng lên một chủng tộc, chủng không bao giờ có mặt trên quả địa cầu.


Giáo sư có những quả quyết bất chấp lý trí sơ đẳng, không cần gán tội cho khoa học, người thường cũng không ai nhìn nhận quả quyết đó.


Thí dụ Tư Mã Thiên cho rằng dân Sở họ Mị. Giáo sư bảo rằng Mị do Mễ đọc trại ra, mà Mễ là vì dân Việt ở nước Sở theo văn minh nông nghiệp, có lúa gạo.


Sự thật thì văn Tàu nói không minh bạch chớ chỉ có vua nước Sở tức tổ tiên của họ Hùng là mang họ Mị còn dân thì không. Dân Sở đông bao nhiêu, ta không thể biết, nhưng cứ bằng vào quân số mà Tần dùng để đánh Sở, mà sử Tàu có chép là 600 ngàn, thì ta ước lượng nước Sở phải đông lối 10 triệu dân.


Nếu 10 triệu người đều mang họ Mị cả thì làm thế nào để kết hôn với nhau?


Đó là chúng tôi suy luận để biết sự thật, vì thấy Tư Mã Thiên viết một điều kỳ diệu, nhưng rồi sự thật ấy cũng hiện rõ ra ở các sách khác, là chỉ có tổ của họ Hùng là ngày xưa mang họ Mị, còn dân thì không, vì dân đã di cư vào Kinh Cức 500 năm trước khi họ Hùng được phong tước Tử ở Sở.


Dân đó mang đủ thứ họ, y như ở Hoa Bắc, chớ không hề mang họ Mễ, mặc dầu họ trồng Mễ và ăn Mễ, khác hơn dân Hoa Bắc.


Hơn thế tổ tiên của vua nước Sở lấy họ Mị vào thời mà dân Trung Hoa chưa biết lúa gạo, thời chưa có nước Sở, chưa được phong ở Sở mà ở Hoa Bắc thì cây Mễ lại không mọc được.


Như vậy làm thế nào để họ biết Mễ hầu dùng cái từ đó để làm Họ rồi biến âm ra là Mị?


Ta sẽ thấy rằng mãi cho đến ngày nay, dân Hoa Bắc vẫn ăn lúa mì, vì cây Mễ không mọc được ở đó. Chỉ có khác là nhờ thông thương dễ nên họ biết cây Mễ và danh từ Mễ, còn vào thời mà tổ tiên của họ Hùng còn lấy họ Mị, chưa cải sang họ Hùng thì Hoa Bắc không biết Mễ.


Hai chữ đó lại đọc hơi giống nhau là hơi giống trong Việt ngữ chớ trong Hoa ngữ thì không, mà tự dạng cũng rất khác nhau, không thể có vấn đề lầm lẫn được.


Lần lượt ta sẽ thấy rằng giáo sư Kim Định không có dung hòa gì cả mà hoàn toàn tưởng tượng để lập thuyết theo ý muốn của ông.



*



Phương pháp khoa học quá khắt khe thường làm cho thiên hạ bị vấp ngã khi làm việc theo phương pháp, đành phải bỏ dở công trình, thành thử nhiều người có thiện chí tức mình, đâm ra oán ghét nó, mà tiêu biểu nhứt là nhà học giả Lê Văn Siêu.


Chúng tôi nói tiêu biểu là ông Lê Văn Siêu là người độc nhứt đủ can đảm tấn công một cách nghiêm trang phương pháp học và tinh thần khoa học, chớ không phải chửi bậy bạ như nhiều người khác, họ cho rằng Tây muốn dìm ta nên bày ra những hàng rào ngăn đón để ta không làm việc được.


Ông Lê Văn Siêu cho rằng phương pháp học quá “cứng rắn” đối với trường hợp Đông Sơn nó là “một ngoại lệ” (?), ngoại lệ vì lớp sơn Trung Hoa quá dày đã xóa gần hết rồi, còn làm sao mà tìm ra cái gì cho được nữa.


Ông Lê Văn Siêu chủ trương “biến phương pháp học theo đối tượng nghiên cứu”, còn các nhà bác học Âu Châu thì “ép đối tượng nghiên cứu theo phương pháp học”.


Nhưng phương pháp học không phải được lập ra không cân nhắc. Không ai mua dây buộc mình làm gì, mà chỉ vì không có phương pháp học thì phải sai lầm nên các nhà bác học mới cúi đầu khuất phục phương pháp học.


Ông Lê Văn Siêu đã sai lầm ngay tức thì, sau khi bất chấp phương pháp học, sau khi “biến”, sau khi “dễ dãi” trong việc nghiên cứu.


Ông viết: “Ta phải kết luận rằng gốc chính nằm ở trung bộ đồng bằng sông Mã, tức Thanh Hóa bây giờ, mà không phải ở Phong Châu (Phú Thọ), (trang 57).


Ông kết luận như vậy, bất kể khoa học, vì ông thấy quả cổ vật đã đào được ở Thanh Hóa. Nhưng để rồi xem.


Rồi ông lại cắt nghĩa tại sao trung tâm lại ở Thanh Hóa “Muốn tới Phong Châu, phải vượt qua cả một vùng lầy lội (vì) nước biển Bắc Việt còn lênh láng tới Việt Trì bây giờ”.


Nhưng những cuộc khai quật liên tiếp từ năm 1924 đến năm 1970 đã chứng tỏ hai điều trái hẳn với kết luận của ông Lê Văn Siêu:


1. Cổ vật của nền văn minh Đông Sơn tại lưu vực sông Nhị Hà, sáu lần nhiều hơn tại lưu vực sông Mã.


Phương pháp học đã phải nín im non 40 năm mới dám kết luận, và phương pháp học đúng, còn ông Lê Văn Siêu, vì bất chấp phương pháp học thì như thế đó. Phương pháp học không cho phép kết luận cái gì hết khi chưa có bằng chứng. Chưa đào đủ khắp nơi, sao lại dám quả quyết rằng trung tâm văn minh là ở Thanh Hóa?


Chỉ có sự vắng mặt của cổ vật ở các nơi khác; hoặc sự hiếm hoi của các cổ vật ở các nơi khác mới là bằng chứng rằng trung tâm là Thanh Hóa. khoa học có lý mà cứng rắn, và các nhà khảo cứu có lý mà nô lệ khoa học.


2. Cuộc khai quật ở Việt Khê (Hải Phòng) đã cho thu lượm được cổ vật trước thời Đông Chu Liệt quốc, cổ vật nhập cảng, chưa được dùng tới vì chưa có dấu vết được dùng tới. Thế nghĩa là dưới thời Đông Chu Liệt quốc, vịnh Bắc Việt đã thành hình rồi chớ không hề có vấn đề nước biển lênh láng tới Việt Trì.


Phương pháp học không cho phép tưởng tượng để quả quyết cái gì hết. Muốn biết thuở ấy tại vịnh Bắc Việt, có đất hay chưa, chỉ có một phương pháp độc nhứt là nghiên cứu đất ở Hải Phòng để xem coi đó là đất còn trinh, đất mới bồi, hay đất có chứa cổ vật, mà cổ đến mức nào, tức phải định tuổi đích xác cổ vật đào được. Thấy đồ Tàu thời Đông Chu, không có nghĩa là đồ ấy được chôn ở đó vào thời Đông Chu mà còn phải xem bằng kính hiển vi coi nó có được dùng lần nào chưa. Nếu đồ đã được dùng thì có thể người ta nhập cảng vào Việt Trì thời Đông Chu, dùng cho tới thời Đinh Bộ Lĩnh, nó mới trôi dạt tới Hải Phòng. Cổ vật Hải Phòng không có dấu vết được dùng thì mới kết luận được rằng đúng là cổ vật bị chôn vào thời ấy, và ở đó đã có đất rồi, hơn thế, đó là đất trọng yếu vì cổ vật tìm thấy trong một ngôi mộ, rất có vẻ là mộ vua, bằng vào sức lớn của chiếc hòm (săng), chiếc hòm ấy dài tới 4th70, trong khi những chiếc hòm kế cận và đồng thời, chỉ dài có 2 thước mà thôi.


Sử gia Nguyễn Phương cũng đã dựa vào sự đất chưa thành hình ở đó để bác thuyết của Madolle.


Nhưng cả ông Lê Văn Siêu lẫn giáo sư Nguyễn Phương đều không có đọc sách địa chất học về Đông Dương. Sách ấy đã có rồi vào năm mà hai ông bác bỏ người khác, các sách ấy cho biết rằng đất châu thổ Bắc Việt đã thành hình hẳn từ sáu bảy chục ngàn năm rồi.


Tiếc rằng cuốn sách phổ thông Lịch sử thành lập đất Việt ra đời quá trễ (cuối 1970).


Cuộc đào mồ ở Việt Khê là chứng tích của Việt Nam do sự tình cờ hơn là do khoa học. Chứng tích của ông G. Cœdès còn kinh hồn hơn nữa.


Ông nghiên cứu tỉ mỉ địa chất ở bờ biển Bắc Việt với những con số đích xác, và ông cho thấy các con số sau đây:

  1. Từ năm 1830 đến năm 1930 đất lấn ra biển được 10 cây số trong vòng 1 trăm năm đó.

  2. Nhưng từ 1470 đến 1830 thì chỉ lấn được có 3 cây số mỗi một trăm năm.

Tại sao mà xưa đất lấn ra ít mà nay thì nhiều? Nay có những ông Phạm Công Trứ, còn xưa thì không, càng xưa càng không. Chính ở miền Nam cũng vậy. Đất phù sa ở bờ biển, không thể thành đất được, nếu con người không xen vào, đắp đê, trồng mắm, trồng tràm, để cho phù sa chìm, nổi lần lên. Phù sa có tuôn ra thật đó, nhưng nó cứ ở dưới mặt biển khá sâu, và bờ biển xưa sao, nay vậy, nếu không có công trình nhân tạo. Từ 1830 thì dân ta noi gương Phạm Công Trứ tự động biến thương hải thành tang điền, còn trước Phạm Công Trứ thì đất đai ta xưa nay không khác bao nhiêu.


Tranh minh họa Phạm Công Trứ bởi Họa sĩ Sỹ Hòa.



Bờ biển Trung Việt thì lại lở, nhưng cũng chẳng bao nhiêu. Việc lở bồi phải mất hàng trăm ngàn năm, chớ hàng ngàn năm cũng chẳng cho thấy gì đáng kể, khoa địa chất học đã chứng minh như vậy.


Kỹ thuật lấn đất cũng do ông Phạm Công Trứ phát minh ra năm 1660 nhưng từ 1660 đến 1830, không phải dân ta bắt chước được như từ 1830 về sau, bởi thường có giặc giã, biến loạn, vả lại thuở ấy cũng chưa thiếu đất một cách bi thảm như từ năm 1830, nên tuy sáng kiến đã có nhưng trong (1830-1660) 170 năm đầu thì sự áp dụng không đáng kể. Nhưng cũng còn tùy nơi. Như ở Việt Khê thì xưa sao nay vậy vì phù sa không phải nằm bất kỳ ở đâu, dọc theo bờ biển, mà tùy thuộc dòng nước biển ngầm rất nhiều.


Trường hợp điển hình nhứt là sông Cửu Long. Sông ấy đưa phù sa ra biển còn nhiều hơn sông Hồng Hà nữa. Thế mà theo nghiên cứu của ông Malleret thì đất ở các cửa biển Cửu Long từ xưa đến nay không được bồi thêm chút nào cả!


Vậy phù sa ấy đi đâu? Nó đánh một vòng thật lớn, đi qua khỏi mũi Cà Mau rồi nó mới tấp vô bờ, nhờ ảnh hưởng của gió mùa Tây Bắc tại miền Nam nước Việt.


Nhưng nếu ông Lê Văn Siêu không có học địa chất Việt Nam, ông cũng có thể biết được rằng ông sai lầm, bằng vào những đoạn sử Tàu đã được phổ thông từ lâu rồi.


Hậu Hán thư cho biết rằng thuở Mã Viện tới, tức sau khi người Đông Sơn được chôn có 31 năm, thì dân Giao Chỉ đã giỏi làm ruộng, còn dân Cửu Chơn thì còn săn bắn và câu kéo.


Thanh Hóa thuộc Cửu Chơn. Làm thế nào mà trung tâm lại nằm ở cái nơi mà dân chưa biết trồng trọt, chớ không phải ở cái nơi mà dân đã giỏi làm ruộng.


Hậu Hán thư lại cho biết rằng luật pháp của Giao Chỉ khác luật pháp Tàu đến 10 điều. (Thành ngữ Tàu “Khác 10 điều, có nghĩa là mỗi-mỗi mỗi khác). Thế nghĩa là Giao Chỉ đã có luật pháp, còn Cửu Chơn thì không?


Sao trung tâm lại nằm ở nơi man dã được?


Trên đây chỉ là suy luận, nhưng suy luận cũng là một yếu tố mà phương pháp học thường dùng, khi nào không có tài liệu.


Tưởng mấy trường hợp nêu ra trên đây đủ chứng minh giá trị không thể chối cãi của phương pháp học mà nếu bỏ học đi, hoặc mềm dẻo một chút là các nhà khảo cứu sẽ phải đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.


Khoa học cho phép lập giả thuyết, khi nào tuyệt đối không có tài liệu. Nhưng lập xong, phải kiểm soát giả thuyết bằng những sự kiện khác xem có ăn khớp với giả thuyết đó hay không. Việc lập giả thuyết thì quá dễ, nhưng kiểm soát thì khó khăn vô cùng, chính vì việc kiểm soát đòi hỏi phải biết quá nhiều việc khác.


Ông Lê Văn Siêu, ở trang 114 đã lập ra cái giả thuyết này là loạn Chiến Quốc bên Tàu, đã khiến một số hảo hán Trung Hoa chạy trốn sang Thanh Hóa (cũng cứ Thanh Hóa) và chính bọn ấy đã dạy vua An Dương Vương bí quyết chế tạo nỏ.


Ông Lê chứng minh giả thuyết đó bằng luận cứ này: tại sao khi thua Triệu Đà, An Dương Vương không chạy đi hướng nào khác mà chạy về phía Thanh Hóa, có phải chăng là để tìm các tay hảo hán đó? Ta thử kiểm soát lại xem:

  1. Vua An Dương Vương làm thế nào để chạy hướng khác được? Bắc là Triệu Đà, Đông là biển cả, Tây là nước nào đó, vào thuở ấy, cái nước có nền văn minh cánh Đồng Chum ấy chăng? Ông ta chỉ còn hướng Nam là đất Cửu Chơn, tức đất Việt, thì ông không chạy về đó sao được, chớ nào phải để tìm hảo hán tưởng tượng nào đâu.

  2. Trong chương Ngôn ngữ, chúng tôi sẽ chứng minh rằng cái Nỏ là phát minh của chủng Mã Lai Bách Việt và Trung Hoa đã học của Mã Lai Bách Việt tại đất Kinh Man, cách chế tạo vũ khí đó cả danh từ Nỏ của Trung Hoa cũng là phiên âm danh từ Pnả của Mã Lai nữa.

Nhưng mà, phải biết tiếng Mã Lai, và biết khoa chiết tự để tìm nguồn gốc của tự dạng Nỏ của Tàu, như vậy hơi nhọc trong việc kiểm soát giả thuyết lắm.


Ông Lê Văn Siêu luôn luôn công kích những đòi hỏi khắt khe của khoa học, vì ông tin rằng không còn dấu vết cũ nào đâu mà mong tìm tòi. Nhưng tại chính ông không hề tìm tòi và cũng không hề theo dõi các nhà tìm tòi, chớ thật ra thì còn rất nhiều, càng ngày người ta càng khám phá được đủ thứ việc, không phải chỉ dưới lòng đất sâu, mà ngay trong sử Tàu xưa, tài liệu cũng đã nằm sẵn ở đó rồi, tại ta không có đọc kỹ đó thôi, thí dụ Đào Duy Anh đã tìm được một lô cổ thư Trung Hoa nói về trống đồng của dân Việt ở Hoa Nam, mà trước đó không sử gia nào có đọc những sách ấy cả.


Ông Lê tin rằng tình trạng ở xứ ta khác, vì không có những kiến trúc bằng đá như ở Âu Châu, nơi đó tài liệu rất dồi dào phong phú.