Phố Hàng Buồm xưa thuộc phường Hà Khẩu (trước gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Đây là nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng nên mới có tên gọi là Giang Khẩu, sau do kiêng huý Chúa Trịnh Giang (làm chúa từ năm 1729 đến năm 1740) phải đổi ra là Hà Khẩu.
Nơi cửa sông này đã từng là một vị trí đóng quân quan trọng của Lý Nam Đế: năm 545, để chống lại quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc), Lý Nam Đế đã dựng thành lũy ở cửa sông Tô.
Phường Hà Khẩu – Hàng Buồm còn là quê ngoại của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Đã có thời gian bà về dạy học tại đây.
Thời đó, cư dân ở đây sống bên cạnh bờ sông Nhị Hà (tên ngày nay là sông Hồng) và sông Tô Lịch nên làm nhiều nghề liên quan đến sông nước. Sản phẩm chủ yếu là giỏ, chiếu, mành và đặc biệt là cánh buồm được may bằng vải hay đan bằng cói dùng cho thuyền bè nên mới gọi là phố Hàng Buồm. Khi người Pháp đặt chân lên Bắc Kỳ (1872), phố có tên tiếng Pháp là “Rue des Voiles” (dịch nguyên nghĩa của từ Hàng Buồm). Sau này, người Hoa Quảng Đông từ khu vực phố Hàng Ngang đã mở rộng đến tận đây và dần dần thao túng cả phố. Hội quán Quảng Đông lập tại đây và Hoa Kiều cũng mở nhiều hiệu ăn ở phố này.
Trước kia trên phố, cạnh đền Bạch Mã có chợ Bạch Mã, sau chợ này cùng với chợ Cầu Đông dồn về chợ Đồng Xuân.
Ngoài đền Bạch Mã ở số nhà 76, phố có Đền Quan Đế ở nhà số 28, bên trong thờ Quan Vũ (người Hoa xây dựng). Sau này chính quyền thành phố cho cải tạo lại thành Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội.
Đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, dân gian vẫn gọi là đình Hàng Thịt vì do phường Hàng Thịt gốc ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.
Từ năm 1954 đến nay phố lại được gọi bằng tên tiếng Việt là Hàng Buồm.
Hàng Buồm là một trong số ít những con phố Hà Nội vẫn còn giữ được dáng vẻ thương mại kiểu truyền thống lâu bền, mặc dù đã trải qua nhiều biến động lịch sử.
Comments