top of page
​AD

Thi Lang Bình Định Đài Loan; Lưu Minh Truyền

Hòa Nguyễn
Trịnh Khắc Sảng ngồi chưa ấm chỗ thì đại họa đã giáng tới nơi. Lúc này loạn Tam Phiên vừa bị dẹp, Khang Hy quyết định dẹp trừ hậu họa, mở chiến dịch thu hồi Đài Loan.

Ảnh minh họa chiến hạm của Thi Lang nã pháo vào Bành Hồ.

Thi Lang bình định Đài Loan


Dưới tay Khang Hy bấy giờ có một viên tướng rất giỏi thủy chiến tên là Thi Lang, vốn xuất thân là hải tặc. Thời trẻ, Thi Lang là tướng dưới quyền Trịnh Chi Long. Khi Trịnh Chi Long về hàng nhà Thanh thì Thi Lang theo chủ về hàng.


Năm 1655, Trịnh Chi Long bị di lý về Bắc Kinh, Thi Lang vẫn ở lại Quảng Đông, Trịnh Thành Công cho người đến tìm, rủ Thi Lang ra Kim Môn cùng mưu đồ phản Thanh, tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó Trịnh Thành Công nghi Thi Lang làm gián điệp cho nhà Thanh bèn cho quân đến nhà lùng bắt. Thi Lang nhanh chân trốn được nhưng toàn gia gồm vợ con, cha và em ruột của lang đều bị tóm cả ổ, họ Trịnh cho chặt đầu toàn gia nhà họ Thi, đây là nguyên do gây nên mối thù không đội trời chung giữa Thi Lang và họ Trịnh.



Trong nhiều năm về sau, Thi Lang chính là người năng nổ nhất trong việc ngăn chặn quân Trịnh đánh chiếm các vùng duyên hải Phúc Kiến. Thi Lang là người “mượn thủ cấp” một cơ số kha khá các tướng của họ Trịnh khi họ mang quân đánh vào đất liền. Ở chiều ngược lại, Thi Lang từng nhiều lần viết tấu sớ xin mang quân ra thu hồi Đài Loan, tuy nhiên Thanh triều vì chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên hết lần này đến lần khác đều bác đơn của Thi Lang.


Năm 1668, Trịnh Kinh giả vờ dâng thư xin quy thuận triều đình, nhà Thanh vì muốn phủ dụ nên cách chức Thủy sư đề đốc của Thi Lang nhưng lại phong chức khác cao hơn và điều đi nơi khác trấn nhậm.


Đến năm 1673, Trịnh kinh lại theo tam phiên làm phản như đã nói ở trên, Thanh triều lúc này đã hết tín nhiệm với Kinh nhưng ưu tiên hàng đầu lúc đó là bình định trong đất liền nên tạm thời vẫn “mắt nhắm mắt mở” với Trịnh Kinh.

Tuy nhiên, đến năm 1681, Trịnh Kinh đã “bán muối”, con là Trịnh Khắc Sảng kế vị, vì tuổi còn nhỏ nên bộ tướng Lưu Quốc Hiên và đại thần Phùng Tích Phạm thay nhau nắm giữ công việc triều chính và quốc quân đại sự. Thêm vào đó, nội bộ họ Trịnh lại phát sinh nhiều mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau, thế lực suy yếu dần.


Tin tức này mau chóng gửi về Bắc Kinh. Nội các học sĩ Lý Quang Địa gửi một bản tấu chi tiết về nội tình Đài Loan, đồng thời tiến cử Thi Lang làm tướng đi đánh, họ Lý chỉ rõ “Phi Thi tướng quân, bất thành đại sự”. Khang Hy rất hài long với bản tấu, dù trong triều bấy giờ còn nhiều ý kiến phản đối. Hoàng đế quyết định gọi Thi Lang về Bắc Kinh nghe ông trình bày sách lược.


Sau khi nghe xong, Khang Hy càng quyết tâm thu phục Đài Loan. Lập tức gọi lại Thi Lang làm Thủy sư Đề đốc Phúc Kiến, gia phong Thái tử Thiếu bảo, dặn dò cố gắng huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị đầy đủ lương thực, đồ quân dụng, hỏa khí, cấp tốc đóng tàu chiến, chờ đợi thời cơ xuất binh.

Năm 1682, Khang Hy lệnh cho Tổng đốc Phúc Kiến Diêu Khải Thánh điều động binh mã toàn tỉnh Phúc Kiến, cùng với Thi Lang chuẩn bị tiến đánh Bành Hồ, Đài Loan, trao cho Vạn Chính Sắc làm Bộ binh Đề đốc, lĩnh 12 vạn quân đồn trú tại Phúc Kiến nhằm tiếp ứng cho Thủy sư Đề đốc đại tướng quân Thi Lang, đều nhận tiết chế của Diêu Khải Thánh.


Tháng 6/1683, Thi Lang xuất phát từ Đồng Sơn tiến đánh một vài đảo nhỏ như Đảo Hoa, Đảo Miêu và Đảo Thảo làm căn cứ hậu cần. Nhân có gió nam, Thi Lang thừa cơ chỉ huy hạm đội chiến thuyền tiến tới Bát Trác. Lúc này phía Đài Loan cũng đã nhận được tin chiến sự, đích thân danh tướng phe Trịnh là Lưu Quốc Hiên mang quân từ Đài Loan ra đồn trú tại Bành Hồ. Hiên cho xây tường men theo bờ biển, cho người cắm chông nhọn, trải dài hơn 20 dặm, hình thành tuyến phòng thủ kiên cố.



Thi Lang quyết định tốc chiến tốc thắng, nhân lúc thủy triều đang lên, thúc quân đánh thẳng vào trận địa quân thù, bản thân Thi Lang ngồi trên soái thuyền đi đầu làm gương, trong lúc chiến đấu đang hang, bị một mũi tên bắn trúng vào mắt. Khá khen cho Thi Lang già mà còn gân, dù đang trọng thương nhưng vẫn vững vàng chỉ huy đốc chiến, quân Thanh nhờ vậy càng hăng máu chiến đấu, sau mấy ngày đã chiếm được hai đảo Hổ Tịnh và Thùng Bàn.


Nghỉ ngơi mấy ngày, Thi Lang lại chia 100 chiến thuyền làm hai cánh đông tây, phía đông tiến đánh đèo Kê Lộng, núi Tứ Giác, phía tây, tiến đánh vịnh Ngưu Tâm, nhằm phân tán lực lượng quân Trịnh.


Thi Lang đích thân chỉ huy sáu chiến thuyền đi đầu, phía sau còn có 80 chiếc khác theo sát, giương buồm xông tới. Quân Trịnh cũng kiên quyết tử thủ, Tổng binh Lâm Hiền, Chu Thiên Quý cũng đích thân dẫn quân đi tiên phong. Sau 5 giờ ác đấu, Chu Thiên Quý tử trận, Lâm Hiền bị trọng thương. Quân Thanh từ trung tâm tỏa ra các hướng bắn phá hàng trăm chiến thuyền khiến cho hàng vạn binh sĩ quân Trịnh phải bỏ mạng dưới nước.


Cuối cùng quân của Thi Lang cũng chiếm được Bành Hồ, bộ tướng nhà Trịnh là Lưu Quốc Hiên đột phá vòng vây dẫn đám tàn quân rút chạy về Đài Loan.

Trịnh Khắc Sảng nhận được tin Bành Hồ thất thủ, hết sức kinh hoàng, nhận thấy lực lượng còn lại khó có thể chống cự nổi, liền cử sứ giả đến chỗ Thi Lang đề nghị xin hàng. Thi Lang dâng sớ xin ý kiến của Hoàng đế, Khang Hy đồng ý tiếp nhận lời đầu hàng của quân Trịnh.


Tháng 8 cùng năm, Thi Lang chỉ huy thủy quân tiến vào cửa Lộc Nhĩ và đến thẳng Đài Loan. Trịnh Khắc Sảng cùng gia thần thuộc hạ và bá quan văn võ bước ra khỏi thành giao nộp ấn tín Duyên Bình vương cho Thi Lang. Vương triều họ Trịnh cáo chung sau 38 năm thống trị Đài Loan, hòn đảo chính thức nội thuộc nhà Thanh kể từ đó.


Sau thắng lợi này, trong triều đình nhà Thanh có ý kiến cho rằng Đài Loan có eo biển ngăn cách, nếu chiếm đóng sẽ gặp nhiều khó khăn trong đồn trú và tiếp tế, có người đề xuất thiêu hủy hết thành quách, kho tang, di dời dân chúng vào đất liền và bỏ đảo.


Thi Lang dâng sớ cực lực phản đối, ông lập luận rằng Đài Loan do người Trung Hoa khai phá đã gần trăm năm, cư dân bản địa cũng đã Hán hóa được mấy đời, trên đảo cũng đã khai phá ruộng đất, có thể tự túc lương thực mà không cần tiếp tế từ triều đình. Ngoài ra với vị trí chiến lược của Đài Loan có thể khống chế con đường hàng hải ở phía nam Trung Quốc - Nhật Bản, khiến cho các nước phương tây liên tục nhòm ngó thế nên triều đình phải ra sức chốt giữ Đài Loan chứ không thể vứt bỏ, tiến hành thành lập phủ huyện để yên dân.


Khang Hy cho họp đình thần để luận bàn về việc này, Đại học sĩ Lý Úy dâng sớ tâu rằng nên thực hiện theo đúng thỉnh cầu của Thi Lang. Tiếp đó, văn võ bá quan cũng dâng sớ xin chấp nhận kiến nghị của Thi Lang. Khang Hy cuối cùng hạ chiếu y theo kiến nghị của Thi Lang mà thi hành, Đài Loan từ đó thuộc về nhà Thanh cho đến tận chiến tranh Giáp Ngọ 1898.


Vì công trạng thu hồi Đài Loan về cho nhà Thanh mà sau này Thi Lang được công danh phú quý cả quãng đời còn lại, sau khi chết được ban hiệu Tương Tráng, mộ của ông đến ngày nay vẫn còn nằm ở làng Hổ Quật trấn Hoàng Đường huyện Huệ An tỉnh Phúc Kiến, là Đơn vị bảo hộ văn vật tỉnh Phúc Kiến thuộc Đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm của Trung Quốc.


Thi Lang, tướng lĩnh Minh Trịnh, sau ra sức giúp nhà Thanh đánh dẹp chính quyền nhà Trịnh, thu hồi lại Đài Loan.

Không những thế, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc mang tên Liaoning (là tàu Varyag từ thời Soviet, năm 1998 Trung Quốc mua từ Ukraine rồi sửa lại), ban đầu định đặt tên tàu sân bay là Thi Lang như một tín hiệu ngầm cùa Trung Quốc nhằm khẳng định quyết tâm sẽ lấy lại Đài Loan trong tương lai.



“Trời xanh hỡi... trả lại Đài Loan cho ta”


Từ đời Khang Hy, Đài Loan chính thức được đặt tên như ngày nay và thuộc quyền quản lý của nhà Thanh. Tới gần 200 năm sau, các nước phương tây đã phát triển như vũ bão trong khi Trung Hoa vẫn dậm chân tại chỗ.


Năm 1839, Chiến tranh Thuốc Phiện lần thứ nhất nổ ra, đến năm 1856 là Chiến tranh Thuốc Phiện lần thứ hai. Sau cuộc chiến lần thứ hai này, các nước phương tây buộc nhà Thanh ký các hiệp ước bất bình đẳng và cắt đất mở tô giới.


Được nước lấn tới, người Anh bắt nhà Thanh cắt nhượng Hong Kong, Cửu Long, sau đó Bồ Đào Nha bắt nhượng Ma Cao. Đến năm 1884, người Pháp đã chiếm xong Bắc Kỳ ở An Nam. Tuy nhiên, vốn là nước được “thiên triều” bảo kê từ lâu, nhà Thanh quyết định gửi quân sang An Nam để giúp nhà Nguyễn đánh Pháp. Vì vậy, đến tháng 4/1884, người Pháp đã mở rộng chiến tranh từ Bắc Kỳ lên tới phía nam và tây nam Trung Quốc, có lúc chiến hạm Pháp còn ngược song vào bắn phá tận Thiên Tân, Thượng Hải.


Người Pháp đã nhìn trúng Đài Loan và muốn chiếm đảo này để lập một căn cứ khống chế vùng biển phía nam Trung Hoa cũng như làm trung tâm tiếp vận cho các tàu chiến Pháp có thể ngược lên phía bắc. Người Pháp tự tin rằng họ sẽ dễ dàng đánh bật được quân Thanh và chiếm được Đài Loan như đã từng thành công ở Bắc Kỳ, tuy nhiên lần này người Pháp đã gặp Lưu Minh Truyền — đối thủ “khó xơi” thật sự.


Lưu Minh Xuyên, tướng lãnh trọng yếu của Hoài quân.

Lưu Minh Truyền sinh năm 1836 người Hợp Phì, tỉnh An Huy, sinh ra trong gia đình thuần nông, là con út trong nhà, lên 11 tuổi thì cha mất, anh cả và anh ba cũng mất, những anh trai khác đều thành gia thất, chỉ còn mẹ ông Chu Thị và ông nương tựa vào nhau, sống nhờ vào việc bán muối lậu.


Minh Truyền tính khí hào sảng, trở thành đại ca đám thanh niên địa phương. Năm 1855, nhân có loạn Thái Bình Thiên Quốc, các địa phương tổ chức quân Đoàn luyện để chống lại nghĩa quân Thái Bình (quân đoàn luyện là một dạng quân do các nhà giàu có trong làng tự chiêu mộ, tự trả lương, không dính tới triều đình, nói nôm na giống như đội dân phòng tự phát). Vì là dân phòng nên đi đến đâu dân phải đề phòng đến đấy, nhiều đám đoàn luyện cậy thế nhũng nhiễu nhân dân. Đến một ngày, người nhà họ Lưu không chịu nộp lương thực cho quân đoàn luyện, bị đám thổ hào đánh đập sỉ nhục, Minh Truyền nổi giận xông ra đánh đuổi bọn chúng, được mấy trăm thanh niên địa phương ủng hộ, ông dẹp luôn đám đoàn luyện ở địa phương và thay máu toàn bộ, tự đứng ra tổ chức và đóng trại ở núi Đại Tiềm.


Tháng 2/1862, Lưu Minh Truyền mang quân bản bộ đến ra mắt Lý Hồng Chương, chính thức gia nhập Hoài quân (hay Sở quân), cánh quân của Minh Truyền được đặt tên là “Minh tự doanh”. Từ đó cho đến 30 năm sau, Lưu Minh Truyền dẫn đội quân của mình nam chinh bắc chiến, hết chông quan Thái Bình lại tới chống quân Niệp, chiến công của Minh Truyền chất cao như núi, trở thành một trong ba tướng lĩnh có số má nhất của Tương - Hoài quân (hai người kia là Lý Hồng Chương và Tả Tông Đường).


Nhờ công huân trên chiến trường, Lưu Minh Truyền từ thủ lĩnh quân đoàn luyện được thăng dần lên Thiên tổng, Đô Úy rồi cao nhất là Đề đốc Trực Lệ. Trong quá trình chinh chiến Minh Truyền còn được ban các tước hiệu Ba Đồ Lỗ (dũng sĩ, tước này trước đây chỉ ban cho người Mãn), Nhất đẳng Nam tước, quân đội trong tay có lúc lên tới 7 vạn người.

Tuy lập được nhiều chiến công nhưng đường hoạn lộ của Lưu Minh Truyền so với Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương lại kém xa, một phần vì học vấn của Truyền không bằng được hai người kia xuất than là nho sinh, một phần nữa là Thanh triều muốn duy trì cán cân lực lượng giữa hai phe Tương quân - Hoài quân trong triều đình khi đó.


Trong quá trình bình định quân Thái Bình, lực lượng nghĩa quân người Hán có công lớn, quân Bát Kỳ sau hơn 200 năm xâm nhập Trung Nguyên đã trở nên tha hóa biến chất, bị quân Thái Bình đẩy lui hết trận này đến trận khác. Khi Tăng Cách Lâm Thẩm — vị tướng Mãn Châu giỏi nhất của người Thanh tử trận năm 1865, quân Bát Kỳ không còn tướng lĩnh nào đủ bản lĩnh để so sánh với các tướng lĩnh người Hán như Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường.


Trong quá trình chiến đấu, mâu thuẫn giữa các vùng miền làm cho các tướng lĩnh này bằng mặt mà không bằng lòng, càng về sau càng có sự chia rẽ giữa Tương quân (Quân An Huy của Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường) và Hoài quân (Quân Hồ Nam của Lý Hồng Chương, Lưu Minh Truyền).

Tháng 7/1884, tư lệnh Amédée Courbet đưa hạm đội Viễn Đông nước Pháp tấn công dọc bờ biển Phúc Kiến và Đài Loan. Người Pháp lúc đó đang chiếm ưu thế ở chiến trường Bắc Bộ Việt Nam nên thừa cơ “sấn hỏa đả kiếp”, trước nhắm vào mỏ than Cơ Long, tận dụng nguồn nhiên liệu này để sau chiếm trọn Đài Loan, và tùy theo tình hình sau đó mà cắn thêm vài tỉnh duyên hải của Trung Quốc.


Tin dữ bay về Bắc Kinh, triều đình vội vã gọi lại Minh Truyền, phong hàm tuần phủ, giữ chức Đài Loan đốc biện quân vụ. Minh Truyền lập tức dâng sớ điều trần, kiến nghị ‘Hải phòng vũ bị thập sự - 10 kế sách phòng ngự vùng biển’, phần lớn đều được tiếp nạp.


Minh Truyền dự định đi thuyền đến Đài Loan từ Thượng Hải, công sứ Pháp nhiều lần tung gián điệp để dò xét thời điểm xuất hành, ý đồ cho Truyền đi gặp hà bá trước khi đến Đài. Minh Truyền tương kế tựu kế, ông một mặt tăng cường thủy đội để bảo vệ mình, lại tỏ ra vô cùng sợ hãi, khiến người Pháp cho rằng lão này đã già nên sợ chết. Vào một đêm mưa gió, người Pháp lơi lỏng canh gác, Truyền lẻn xuống thuyền nhỏ dong tuốt ra biển, từ đó lên chiến hạm neo ngoài khơi chạy thẳng đến Đài Loan.


Sau khi ra đảo, Minh Truyền phát hiện công tác phòng bị Đài Loan rất kém. Có 40 doanh, hơn 2 vạn người nhưng phải bảo vệ hơn 2.000 dặm bờ biển; trang bị đều hỏng, rất ít đại pháo trên các pháo đài bắn được; có thủy quân nhưng không có thuyền hạm; tướng Tương quân Lưu Ngao đem 31 doanh binh bị đặt ở Đài Nam, chỉ có 9 doanh ở Đài Bắc. Thêm nữa, Minh Truyền ngoài 2 viên tùy tướng và vài trăm thân binh Hoài quân, trên đảo còn lại đều là Tương quân, thậm chí Tôn Khai Hoa — tướng trấn thủ cảng Hỗ Vỹ, vốn là bộ tướng của Bào Siêu, người trước đây từng bị Lưu Minh Truyền bơm đểu phải mất chức trong chiến tranh với Niệp quân.


Ngày 4/8/1884, phó tư lệnh Sébastien Lespès đưa 3 cỗ chiến hạm áp sát cảng Cơ Long. Ngày 5/8, quân Pháp khai hỏa, bắn trúng kho thuốc súng khiến đồn nổ tung. Minh Truyền rút phần lớn quân Thanh ra sau núi, chỉ còn một ít giữ cao điểm.


Quân Pháp hăng hái lên bờ tiến vào Cơ Long, bị Phúc Ninh và Tào Chí Trung đổ phục binh trong núi ra bao vây, 3 mặt giáp kích. Quân Pháp thất bại, chạy về chiến hạm, Lespès đành lui về Mã Tổ. Triều đình nghe Minh Truyền thắng trận đầu, đặc biệt phát 3.000 lạng bạc để khao thưởng.


Ngày 30 và 31/8, tổng tư lệnh Courbet đưa 5 cỗ chiến hạm đến oanh kích Cơ Long. Minh Truyền mộ quân đoàn luyện lên phía bắc cứu viện, cố thủ cửa sông Đạm Thủy, không để quân Pháp lên bờ. Lưu Ngao cũng phái Lâm Triều Đống đưa quân đoàn luyện đến hiệp trợ phòng thủ Cơ Long. Sau đó, người Pháp tạm dừng để đàm phán.


Ngày 1/10, Courbet chiếm được pháo đài núi Tiên Động ở mặt tây cảng khẩu.


Ngày 2/10, Lespès tấn công cảng Hỗ Vỹ — cửa ngõ của phủ Đài Bắc, Minh Truyền chỉ để lại hơn 300 quân giữ Cơ Long, điều quân cứu viện Hỗ Vỹ.


Ngày 3/10, quân Thanh bắt đầu phá hủy mỏ than, vận chuyển khí tài triệt thoái khỏi Cơ Long.


Ngày 4/10, lũy Sư Cầu Lĩnh thất thủ, quân Pháp chiếm được Cơ Long.


Sau khi nhận thấy tình hình Hỗ Vỹ không đáng ngại, Minh Truyền tiến vào giữ thành Đài Bắc, điều tướng Hoài quân Chương Cao Nguyên đem 4 doanh tăng viện cho Hỗ Vỹ. Lưu Ngao thừa cơ xúc xiểm với Tả Tông Đường rằng Minh Truyền không được Tương quân ở Hỗ Vỹ tín nhiệm, phạm sai lầm nên chịu mất Cơ Long, triều đình tin lời ấy, ban chiếu răn đe ông. Dù chịu áp lực nặng nề, Minh Truyền vẫn thản nhiên chỉ huy tác chiến.


Ngày 8/10, ông phái Chương Cao Nguyên chi viện cho Chương Châu tổng binh Tôn Khai Hoa (tướng Tương quân) đẩy lui nỗ lực lên bờ của quân Pháp.


Ngày 23/10, hải quân Pháp tiến hành phong tỏa Đài Loan; sau đó lại được tăng viện thêm 1.800 lính từ Nam Kỳ. Trong hoàn cảnh khó khăn, Minh Truyền khẳng định không mong cứu viện sẽ đến, kiên quyết cố thủ chờ tình hình thay đổi. Một mặt Minh Truyền hiệu triệu nhân dân bỏ tiền ra sức để bảo vệ quê hương; một mặt tín nhiệm tuyệt đối tướng lãnh Tương quân là bọn Tôn Khai Hoa, Tào Chí Trung, cho phép bọn họ tùy nghi hành động.


Nhân sĩ, phú hào tự động quyên nộp gần trăm vạn lạng bạc, dân chúng, nam nữ hăng hái hiệp đồng với quan quân chiến đấu; tướng sĩ Đài Loan có lúc thắng có lúc thua, nhưng không hề nhụt chí. Minh Truyền đồng cam cộng khổ với sĩ tốt, ra trận thì đi trước mọi người, nghỉ ngơi thì áo cộc nằm trên mặt đất. Ngựa bị đạn pháo làm hoảng hốt, hất chủ xuống đất, mũ quan bị đạn bắn sượt qua, Minh Truyền đều thần sắc không đổi, tiếp tục chỉ huy chiến đấu, khiến mọi người khâm phục, hoàn toàn nghe theo mệnh lệnh của ông.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự ở vùng duyên hải phía nam Trung Quốc và ở Bắc Kỳ không khả quan lắm đối với nhà Thanh, hạm đội Nam Dương bị hủy diệt, cảng Phúc Châu bị bắn phá tơi bời, nhà Thanh gánh món chiến phí lên đến 100 triệu lạng bạc.


Đến tháng 4/1885, nhà Thanh và chính phủ Pháp đồng ý ngồi vào bàn nghị hòa, như một cử chỉ hòa bình, ngày 14/4, Courbet cho dỡ bỏ tình trạng phong tỏa Đài Loan.


Ngày 9/6, Lý Hồng Chương ký kết điều ước Thiên Tân. Ngày 11, Courbet mất ở đảo Mã Công, quần đảo Bành Hồ.


Ngày 16/6, Lespès thay làm tư lệnh, trao đổi tù binh ở Cơ Long.


Ngày 21/6, quân Pháp rút khỏi Cơ Long.


Ngày 4/8, hạm đội Viễn Đông rút khỏi Bành Hồ, chiến sự ở Đài Loan chính thức kết thúc.


Lưu Minh Truyền vì có công phòng thủ Đài Loan nên được thăng làm tuần phủ Phúc Kiến, về sau nhà Thanh nâng cấp Đài Loan thành tỉnh thì Lưu Minh Truyền lại được thăng làm tuần phủ Đài Loan.


Được mấy năm, đến năm 1890, Lưu Minh Truyền tra ra một vụ dấu giếm đất công, có can hệ đến phần lớn giới địa chủ địa phương ở Đài Loan. Lưu Minh Truyền cương quyết tra án dẫn đến phát sinh cuộc động loạn ở huyện Chương Hóa, giết chết đề đốc Chu Hoán Minh.


Bấy giờ nhân sĩ Đài Loan phần lớn chỉ trích ông, Lưu Ngao, tướng Tương quân nhân dịp này dâng sớ đàn hặc, triều đình cũng xuống chiếu khiển trách, Truyền biết đại thế đã mất, bèn dâng sớ xin nghỉ hưu, vào tháng 4/1891 được chuẩn y.

Ba năm sau, năm 1894, Thanh - Nhật xảy ra chiến tranh tại Triều Tiên, triều đình lại xuống chiếu gọi Minh Truyền ra cầm quân nhưng lúc này ông đã bệnh nặng đến mức không ngồi dậy được. Hải quân Nhật bắt đầu bao vây Đài Loan, lúc bấy giờ nhà Thanh đành gọi tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc ra làm tổng binh Đài Loan để chống Nhật.



Tuy nhiên đến năm 1895, sau thất bại nhục nhã của hạm đội Bắc Dương thì nhà Thanh buộc phải ký hòa ước Mã Quan, rút khỏi Triều Tiên và nhượng Bành Hồ, Đài Loan và một phần Liêu Đông cho Nhật.


Ở trên giường bệnh nghe được tin này, Lưu Minh truyền chỉ đành ngửa mặt lên trời thét to: “Trời xanh hỡi... hãy trả lại Đài Loan cho ta!”


Một năm sau, Lưu Minh Truyền ốm chết.


Tác giả: Bách Hiểu Sinh

Commenti


Không bao giờ bỏ lỡ bản tin mới

Đăng ký nhận thư từ Ngoài Kia

Cảm ơn bạn. Chúng tôi sẽ liên hệ sớm.

bottom of page